Kiến thức cơ bản: CHỊ EM THÚY KIỀU - Nguyễn Du

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

I. TÌM HIỂU CHUNG

1. Thể loại: Truyện thơ Nôm.

2. Vị trí đoạn trích: Phần 1 (Gặp gỡ và đính ước).

3. Nội dung chính: Đoạn trích miêu tả, ca ngợi vẻ đẹp và tài năng của chị em Thúy Kiều. Thể hiện cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du.

4. Giá trị nghệ thuật: Miêu tả nhân vật chính diện theo bút pháp ước lệ trong văn thơ cổ, dùng hình tượng thiên nhiên đẹp như: trăng, hoa, ngọc, tuyết,... để nói về vẻ đẹp con người. Miêu tả nhân vật phản diện bằng nét bút hiện thực, khắc họa tính cách diện mạo, cử chỉ.

5. Chủ đề:

- Nói về người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

- Nghệ thuật tả người bậc thầy của Nguyễn Du.

II. PHÂN TÍCH

1. Mở bài:

"Thân em vừa trắng lại vừa tron
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặt dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son"
(Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương)

- Hình ảnh người phụ nữ từ lâu đã đi vào thi ca nhạc họa, nuôi một nguồn cảm hứng bất tật, dồi dào. Chúng ta có thể kể đến một số tác phẩm như "Truyền kì mạn lục" của Nguyễn Dữ, "Chinh phụ ngâm khúc" của Đặng Trần Côn,...

- Còn Nguyễn Du cũng góp vào trang cho chủ đề ấy bằng tác phẩm "Truyện Kiều". Ông đã khai thác đề tài bất hạnh của người phụ nữ đương thời những vẫn đặc biệt chú trọng miêu tả khắc họa vẻ đẹp chân dung, nhan sắc, tài năng con người nhân vật.

- Điều này đã được thể hiện rất rõ qua đoạn trích "Chị em Thúy Kiều".

2. Thân bài:

a. Giới thiệu chung về tác giả và tác phẩm:

- Đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" nằm trong phần mở đầu của tác phẩm - phần 1: Gặp gỡ và đính ước. Trong đoạn trích này, Nguyễn Du đã tập trung giới thiệu tài sắc của Thúy Vân và Thúy Kiều.

- Nguyễn Du đã miêu tả nhân vật chính diện theo bút pháp ước lệ trong văn thơ cổ, dùng hình tượng thiên nhiên đẹp như: trăng, hoa, ngọc, tuyết,... để nói về vẻ đẹp con người. Miêu tả nhân vật phản diện bằng bút pháp tả thực, khắc họa tính cách, diện mạo cũng như cử chỉ của từng nhân vật.

b. Phân tích và chứng minh:

Luận điểm 1: Giới thiệu chung về hai chị em Thúy Kiều.

- Ngay từ mở đầu đoạn trích, hình ảnh hai chị em Thúy Kiều đã được tác giả giới thiệu là "kẻ tám lạng, người nửa cân".

"Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.
Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười."

- Hai cô gái Thúy Kiều - Thúy Vân xinh đẹp đến độ đã được Nguyễn Du miêu tả bằng hai từ "tố nga". Người con gái đẹp ấy được khắc họa lên như vầng trăng sáng mát dịu.

- Tác giả đã dùng những hình ảnh mang ý nghĩa tượng trưng kết hợp phép ẩn dụ để miêu tả vẻ đẹp chung của hai chị em: "Mai cốt cách tuyết tinh thần". "Mai cốt cách" nghĩa là cốt cách của cây mai mảnh dẻ, thanh tao, còn "tuyết tinh thần" là tinh thần của tuyến trắng và trong sách. Vậy ở đây, tác giả đang nói cả hai chị em đề duyên dáng, thanh cao và trong trắng.

- Nhưng cả hai lại đẹp theo một cách rất riêng biệt. Khi mỗi người một vẻ, chẳng ai giống ai, chỉ giống ở chỗ họ đều đẹp.

- Lời giới thiệu ngắn gọn tạo ấn tượng đậm nét với vẻ đẹp của hai chi em. Bộc lộ cảm hứng ca ngợi tài hoa, nhan sắc con người qua ngòi bút của Đại thi hào Nguyễn Du.

Luận điểm 2: Vẻ đẹp của Thúy Vân.

- Hình ảnh Thúy Vân đã được Nguyễn Du khắc họa đầu tiên hiện lên với vẻ trang trọng và đài các.

"Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da."

- Câu mở đầu vừa giới thiệu vừa khái quát đặc điểm nhân vật: "Vân xem trang trọng khác vời". Chính hai chữ "trang trọng" đã nói lên vẻ đẹp của Thúy Vân, một vẻ đẹp đoan trang, cao sang, quý phái.

- Miêu tả chi tiết hơn về từng đường nét nhân vật. Nguyễn Du đã dùng từ "khuôn trăng đầy đặn" để ta liên tưởng đến một khuôn mặt đầy đặn, phúc hậu và sáng như trăng rằm. "Nét ngài nở nang", đôi lông mày cong và sắc nét như "mắt phượng mày ngài".

- Nụ cười của nàng đẹp mà đoan trang đến nỗi "hoa cười ngọc thốt". Dựa vào hình ảnh nhân hóa, tác giả đã gợi tả khuôn miệng tươi tắn như hoa, tiếng nói trong trẻo, tính tình thì trang nghiêm và đứng đắn.

- Mái tóc của Thúy Vân được miêu tả là bồng bềnh như mây, nước da trắng như tuyết. Vẻ đẹp đoan trang, hài hòa, mang chuẩn mực trong khuôn khổ khiến thiên nhiên sẵn sàng "thua", "nhường".

- Chân dung của Thúy Vân là chân dung mang tính cách số phận. Vì Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp ước lệ tượng trưng gợi lên vẻ đẹp hoàn hảo, phúc hậu nhằm dự báo nàng sẽ có một cuộc sống suôn sẻ, bình lặng tựa hồ mặt nước lặng im, êm đềm mà không gặp những sóng gió hay trắc trở.

Luận điểm 3: Tài sắc của Thúy Kiều.

- Trái ngược với một vẻ đẹp đoan trang, phúc hậu. Thúy Kiều được miêu tả là một cô gái có vẻ đẹp vượt qua mọi khuôn khổ. Một "tuyệt thế giai nhân" ngàn năm có một.

"Kiều càng sắc sảo mặn mà,

So bề tài sắc lại là phần hơn:
Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một tài đành họa hai."

- Nếu Thúy Vân được tác giả miêu tả là "trang trọng khác vời", thì Thúy Kiều lại được giới thiệu là vô cùng "sắc sảo mặn mà", "so bề tài sắc lại là phần hơn". Nhưng tại sao lại miêu tả Thúy Vân trước mà không tả Thúy Kiều trước? Đó là vì tác giả đã sử dụng kết cấu phép "đòn bẩy" nhằm tôn lên nhan sắc của Thúy Kiều.

- Đôi mắt nàng trong sáng như làn nước mùa thu, tĩnh lặng và huyền ảo. "Nét xuân sơn" tức là nét núi mùa xuân. Cả câu thơ "Làn thu thủy nét xuân sơn" mắt đẹp, trong sáng, lông mày đẹp và thanh thoát như núi mùa xuân. Nét vẽ của thi nhân thiên về gợi, tạo một ấn tượng chung về vẻ đẹp của một giai nhân tuyệt thế.

- Khi họa bức chân dung Kiều, tác giả không vẽ cụ thể các chi tiết như khi vẽ Thúy Vân mà tập trung gợi tả vẻ đẹp của đôi mắt. Bởi đôi mắt là sự thể hiện phần tinh anh của tâm hồn và trí tuệ.

- Nhưng chính cái vẻ đẹp ấy lại khiến nàng phải chịu một số phận sóng gió và truân chuyên. Vì vẻ đẹp ấy đi tới đâu ai cũng ghen, cũng hơn. Chính những loài hoa, liễu được Nguyễn Du nhân hóa cũng cảm thấy ganh tị trước vẻ đẹp của Thúy Kiều.

- Tuy nhiên, không chỉ được miêu tả là người có vẻ đẹp "nghiêng nước nghiêng thành". Thúy kiều còn là một cô gái giỏi "cầm, kì, thi, họa", được cho là "sắc đành đòi một, tài đành họa hai".

"Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân."

- Nàng từ khi sinh ra đã "thông minh vốn sẵn tính trời". "Cầm kì thi họa" rồi đến cả ca ngâm Thúy Kiều đều có đủ. Nàng không chỉ có tư chất thông minh do trời phú mà còn rất mực tài hoa. Quả thật là đa tài, mọi thứ đều đạt đến độ xuất chúng, tài hoa của một người nghệ sĩ hiếm có.

- Trong số "cầm kì thi họa" thì nàng giỏi nhất là "cầm". Nàng tinh thông đến độ được coi là "ăn đứt hồ cầm". Thúy Kiều đã tự tay sáng tác một bài hát mang tên "Bạc mệnh" khiến cho những người nghe qua cũng đều sầu não. Và đó cũng đã dự báo trước một cuộc đời hồng nhan, bạc phận.

- Vẻ đẹp hội tụ sắc - tài - tình, đều vượt trội đến độ "ăn đứt" người khác. Qua đó, ta cũng thấy được sự tài hoa của Nguyễn Du qua nghệ thuật miêu tả, khắc họa nhân vật.

Luận điểm 4: Cuộc sống chung của hai chị em.

- Gia đình của hai chị em là gia đình khá giả nhưng có nề nếp, khuôn phép rõ ràng, minh bạch.

"Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặt ai."

- Cả hai chị em được sống trong một cuộc sống êm đềm, bình lặng và vô cùng kín đáo.

- Mặc dầu cả hai đã đến "tuần cặp kê" nhưng vẫn sống đức hạnh, khuôn phép theo lễ giáo phong kiến.

- Hai chị em là những thiếu nữ có tâm hồn trong trắng như hai bông hoa đương còn phong nhụy trong cảnh sống êm đềm.

c. Đánh giá - Nhận xét chung:

- Đoạn thơ "Chị em Thúy Kiều" sử dụng bút phát nghệ thuật ước lệ, lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để gợi tả vẻ đẹp của con người, khắc họa rõ nét chân dung chị em Thúy Kiều. Ca ngợi vẻ đẹp, tài năng của con người và dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh là biểu hiện của cảm hứng nhân văn ở Nguyễn Du.

- Đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" là một trong những đoạn thơ hay nhất, đẹp nhất trong "Truyện Kiều", ngôn ngữ thơ được tinh luyện giàu cảm xúc, nét vẽ hàm súc gợi cảm, sử dụng biện pháp ẩn dụ, nhân hóa cùng bút pháp ước lệ để dựng lên bức chân dung hai chị em Thúy Kiều. Đáng quý là bức chân dung tuyệt vời ấy lại được dựng lên bằng tình yêu thương, trân trọng đối với con người nói chung và phụ nữ nói riêng của tác giả. Đó là vẻ đẹp nhân văn sáng ngời trong ngòi bút tài hoa của Đại thi hào dân tộc - Nguyễn Du.

d. Liên hệ mở rộng:

3. Kết bài:

- Khép lại những trang cuối của tác phẩm, đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" đã cho ta cảm nhận được vẻ đẹp tài sắc của Thúy Kiều. Quả thật như Chế Lan Viên đã từng viết: "Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn". Có thể nói, "Truyện Kiều" với những dòng lục bát tuyệt diệu là niềm tự hào cho nền văn chương Việt Nam. "Truyện Kiều" là cốt cách, là vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam. Ở "Truyện Kiều" ta thấy được một tài năng nghệ thuật bậc thầy của tác giả để rồi có được những câu thơ vút bay trên bầu trời thi ca dân tộc.

III. CHÚ THÍCH

- Tố nga: chỉ người con gái đẹp.

- Mai cốt cách: cốt cách của cây mai mảnh dẻ, thanh tao. Tuyết tinh thần: tinh thần của tuyết trắng và trong sạch. Câu này ý nói cả hai chị em đều duyên dáng, thanh cao, trong trắng.

- Khuôn trăng đầy đặn: gương mặt đầy đặn như mặt trăng tròn. Nét ngài nở nang (nét ngài: nét lông mày): ý nói lông mày hơi đậm, cốt tả đôi mắt đẹp. Cả câu thơ nhằm gợi tả vẻ đẹp phúc hậu của Thúy Vân. Thành ngữ Việt có câu: "Mắt phượng mày ngài".

- Đoan trang: nghiêm trang, đứng đắn (chỉ nói về người phụ nữ).

- Làn thu thủy: làn nước mùa thu. Nét xuân sơn: nét núi mùa xuân. Cả câu thơ ý nói mắt đẹp, trong sáng như nước mùa thu, lông mày đẹp, thanh thoát như nét núi mùa xuân.

- Nghiêng nước nghiêng thành: lấy ý ở một câu chữ Hán, có nghĩa là ngoảnh lại nhìn một cái thì thành người ta bị xiêu, ngoảnh lại nhìn cái nữa thì nước người ta bị nghiêng ngả. Ý nói sắc đẹp tuyệt vời của người phụ nữ có thể làm cho người ta say mê đến nỗi mất thành, mất nước.

- Sắc đành đòi một tài đành họa hai: về sắc thì chỉ có một mình Kiều là nhất, về tài thì may ra có người thứ hai.

- Làu bậc: thuộc lòng các cung bậc. Ngũ âm: năm nốt trong âm giai của nhạc cổ (cung, thương, dốc, chủy, vũ).

- Hồ cầm: đàn của người Hồ, một thứ đàn giống đàn nhị của Việt Nam, người Trung Quốc thấy xuất hiện ở phương Bắc nên gọi là đàn của người Hồ, ở ta thường hiểu hồ cầm là đàn tì bà.

- Một trương: một cây. Sách có câu: "Cầm nhất trương, kì nhất cục" (Đàn một cây, cờ một cuộc).

- Nên chương: thành bài.

- Một thiên Bạc mệnh: một bản nhạc có tên là Bạc mệnh (bạc mệnh: phận mỏng, ý nói xấu số). Não nhân: làm cho lòng người sầu não, đau khổ.

- Hồng quần: quần đỏ, chỉ phụ nữ (ngày xưa phụ nữ nhà quyền quý ở Trung Quốc thường mặc quần đỏ).

- Ong bướm: chỉ tình yêu nhưng có phần không đứng đắn.

IV. GHI NHỚ

- Đoạn thơ "Chị em Thúy Kiều" sử dụng bút phát nghệ thuật ước lệ, lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để gợi tả vẻ đẹp của con người, khắc họa rõ nét chân dung chị em Thúy Kiều. Ca ngợi vẻ đẹp, tài năng của con người và dự cảm về kiếp người tài hoa bạc mệnh là biểu hiện của cảm hứng nhân văn ở Nguyễn Du.

V. NỘI DUNG LIÊN HỆ

- Khi bàn về "Đoạn trường tân thanh" của Đại thi hào Nguyễn Du, đã có ý kiến cho rằng: "Từ tiếng thơ đến tiếng thương là cuộc hành trình đi đến bất hủ của thơ Nguyễn Du". Quả đúng như thế, những áng thơ của Nguyễn Du luôn để lại trong lòng người đọc những ấn tượng không thể nào quên được, nó ấn tượng đến mức khiến con người ta phải thốt lên hai chữ "ám ảnh"!

- Chế Lan Viên đã từng viết: "Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn". Có thể nói, "Truyện Kiều" với những dòng lục bát tuyệt diệu là niềm tự hào cho nền văn chương Việt Nam. "Truyện Kiều" là cốt cách, là vẻ đẹp của dân tộc Việt Nam. Ở "Truyện Kiều" ta thấy được một tài năng nghệ thuật bậc thầy của tác giả để rồi có được những câu thơ vút bay trên bầu trời thi ca dân tộc. Tiêu biểu cho ngòi bút tài năng ấy là đoạn trích: "Chị em Thúy Kiều". Đoạn trích đã miêu tả được nét đẹp sắc nước hương trời của hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân - một vẻ đẹp mười phân vẹn mười trong văn học trung đại Việt Nam.

- Bàn về nghệ thuật miêu tả của Nguyễn Du, thầy Lã Nhâm Thìn đã nhận xét: "Tả người đẹp mà độc giả cảm thấy đẹp thật, đẹp tuyệt. Đó là thành công mĩ mãn". Dưới ngòi bút tinh tế của đại thị hào, chân dung Thúy Vân, Thúy Kiều hiện lên chân thực, sinh động, mang vẻ đẹp "nghiêng nước nghiêng thành", "tài sắc vẹn toàn". Tài năng và sự trân trọng, ngợi ca người phụ nữ của Nguyễn Du được thể hiện rõ nét hơn qua đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" nằm trong "Truyện Kiều" - áng thơ bất hủ của dân tộc.

- Nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận xét về tác giả Nguyễn Du và "Truyện Kiều": "Tuy Nguyễn Du đã sáng tạo nhân vật Thúy Kiều nhưng Kiều lại có thật với Nguyễn Du. Nguyễn Du đã sống rất lâu trong tâm tình của Kiều, đã nhập vào Kiều làm một" giúp ta thất tuyệt tác "Truyện Kiều" ghi dấu tâm huyết, tài năng của thi nhân.

- Mộng Liên Đường cho rằng: "Những lời văn tả ra hình như có máu chảy ở dầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc cũng phải thấm thía, ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột".

- Ngẩm lại Thúy Vân, ta thấy dung nhan nàng được so sánh với trăng, hoa, mây, tuyết,... những hình ảnh nhỏ nhẹ. Còn Thúy Kiều, nàng là nước non, là năm tháng sâu thắm, rộng dài của không gian, thời gian, chẳng dễ gì đo đếm. Cái sắc ấy, lại có thêm cái tài, "so bề tài sắc lại là phần hơn", nên nó cao quá, nổi trội quá, vượt xa cô em gái đã đành, vượt lên tất cả. Do đó mà "Hoa ghen thu thắm, liễu hờn kém xanh".

- Ông như đã linh cảm một tương lai không yên ổn của Thúy Kiều: "Một vừa hai phải ai ơi. Tài tình chi lắm cho trời đất ghen" (ca dao). Cha ông ta bảo nhau như thế thế. Và các cụ xem đó là một quy luật, một định mệnh khắc nghiệt. Nghiền ngẫm sâu hơn, chúng ta hiểu cái quy luật, định mệnh ấy bắt nguồn từ một triết lý của Đạo Khổng. Cụ Khổng Tử cho rằng: "Con người chúng ta là sự tương giao. Tương hợp của khí âm - dương, là một "tiểu vũ trụ" trong cái "đại vũ trụ" thiên nhiên, trời đấy. Nếu ai hòa hợp được với thiên nhiên và vũ trụ, thì sống an nhàn, thanh thản. Nếu ai chưa đạt tới, hoặc vượt qua, vượt xa thì than ôi, số phận không tránh khỏi gian truân, vất vả".

- "Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn đứt ruột... Tố Như Tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trong thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy" (Tiên Phong Mộng Liên Đường Chủ Nhân).

- "Tài mà không được gặp gỡ, tình mà không được hả hê. Đây là căn nguyên của hai chữ đoạn trường" (Tiên Phong Mộng Liên Đường Chủ Nhân).

- "Đem bút mực tả lên trên tờ giấy nào những câu vừa lâm ly, vừa ủy mị, vừa đốn tỏa, vừa giải thư, vẽ hệt ra người tài mệnh trong mười mấy năm trời, cũng là vì cái cảnh lịch duyệt của người ấy có lâm ly, ủy mị, đốn tỏa, giải thư, mới có cái văn tả hệt ra như vậy" (Phong Tuyết Chủ Nhân).

- "Truyện Kiều là một tiếng khóc vĩ đại... Nguyễn Du đã nhìn thấy, đã cảm xúc, đã tổng kết hàng vạn vạn đau khổ của người đời dưới chế độ phong kiến suy đồi" (Xuân Diệu).

- "Truyện Kiều là một tiếng kêu thương, một bản tố cáo, một giấc mơ... một cái nhìn bế tắc" (Hoài Thanh).

- "Thúy Kiều có cái đức nghiêm của người phụ nữ mà lại có cái vẻ phong tình của khách phong lưu, đức hạnh đủ khiến kính, tài tình đủ khiến yêu, giá trị đủ khiến quý, thân thể đủ khiến thương, vì cảnh ngộ mà nặng kiếp đào hoa, trọng tình ý vẫn người tiết nghĩa, ở nơi ô nhục mà vẫn giữ được tiết hạnh thanh cao, gặp gian nan mà không hề đắm đuối, Kiều nương thật là gồm được bấy nhiêu tư cách nên ai cũng phải kính, phải thương, phải yêu, phải trọng" (Phạm Quỳnh).

- "Thúy Kiều không còn là con người bình thường mà phải là một nhân cách, một thước đo, một nguyên lý sống để mọi giá trị thực hay giả của đời sống đối chiếu với nó hay soi mình vào đó sẽ bộc lộ tất cả những bản chất tuyệt vời, cao đẹp hay bỉ ổi, xấu xa không thể ngụy trang, che dấu được" (Nguyễn Lộc).

- Có tài mà cậy chi tài,/Chữ tài liền với chữ tai một vần. (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

- Lạ gì bỉ sắc tư phong,/Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

- Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan,/Vô duyên là phận hồng nhan đã đành./Lại mang lấy một chữ tình,/Khư khư mình buộc lấy mình vào trong./Vậy nên những chốn thong dong,/Ở không yên chỗ, ngồi không vững vàng" (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

- Tiếng thơ ai động đất trời/Nghe như non nước vọng lời ngàn thu/Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du/Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày (kính gửi cụ Nguyễn Du - Tố Hữu)

- Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc/Sắc tài sao mà lắm trân truyên (Đọc Kiều - Chế Lan Viên)


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net