TẬP 21

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi ở lại nhà Anh Khê cho đến sáng ngày hôm sau, sau khi tìm hiểu kỹ mọi chuyện và được giải thích sơ qua hồ sơ bệnh án của Zen tôi đã phần nào nắm được tình hình của anh ấy hiện tại và cũng lờ mờ đoán được lí do vì sao cho đến thời điểm này anh ấy quyết giữ im lặng. Có lẽ chính bản thân anh ấy cũng không ngờ được cái di chứng bẩm sinh tưởng là đơn giản này lại bất ngờ khiến anh trở nên khốn đốn như vậy. Một người trẻ như anh, tương lai đang rộng mở như anh lại đang phải đối mặt với một khả năng có thể nằm đó suốt cuộc đời, trong phút chốc làm sao có thể chấp nhận được. Tôi không hình dung nổi những cảm giác tồi tệ đã từng hiện ra trong đầu anh ngần ấy thời gian nó kinh khủng đến mức nào, và tại sao anh chỉ giữ nó cho riêng mình mà tôi thì nửa câu cũng chẳng hé lời. Và nếu anh ấy biết tôi đã biết chuyện thì liệu tâm tư có vui vẻ hơn hay lại càng khó chịu gấp bội? Và liệu chăng sự xuất hiện của tôi lúc này có giúp được gì cho anh ấy hay chỉ làm cho tâm lí anh ấy trở nên ái ngại và đa cảm hơn? Vốn dĩ anh đã muốn giấu thì có lẽ tôi nên tôn trọng điều đó và đợi đến lúc anh tự mình nói cho tôi biết thì hơn. Lúc này nên để cho anh ấy có thời gian bình tâm.

Tôi mệt mỏi ngả người xuống sofa, nước mắt cũng không kìm được lăn ra ngắn dài. Và cũng trong chính phút giây tinh thần đang xuống dốc đấy thì điện thoại vang lên, tôi mỏi mệt đứng lên cầm máy và đổ sụp cả thân người xuống đất chỉ trong vài giây tiếp theo khi đầu dây gấp gáp bên kia bảo tôi về nhà gấp rút, gia đình có việc khẩn. Điện thoại trên tay tôi rơi xuống nền gạch cứng, thân người tôi đổ theo. Trong lúc đó tôi thậm chí còn không nhận ra được mình ngã vào chiếc bàn kính trước mặt, đầu đập vào cạnh bàn, máu tóe ra đầy mặt mà tôi cứ tưởng do nước mắt rơi ướt mặt. Bằng trạng thái không hồn phách đó, tôi không biết mình đã từ Singapore về đến nhà bằng cách nào. Nhưng tôi biết giây phút bước lên bậc tam cấp, đi qua cánh cửa gỗ xưa cũ, vén bức màn treo trước buồng mà nội vẫn hay ra vào thì bà đang nằm đó ngủ say sưa nhưng ngực áo đã không còn hơi thở nữa. 

Bao nhiêu người đang vây xung quanh tôi không biết, hôm nay nắng trước nhà có chiếu vào tận trong gian thờ không tôi không biết, hôm nay bữa trưa bà định nấu món gì tôi cũng không biết. Lúc đó tôi chỉ biết lòng mình lạnh lại vô cực, sâu trong đó co thắt quặn người, tim gan tôi như rơi xuống hẻm vực tăm tối. Phút đó, tôi từ chối mọi sự kiên cường mà mình đã gắng gượng bao năm trên cuộc đời này, tôi chấp nhận mình yếu đuối đến mức chỉ cần nín thở một giây đã có thể chết ngay lập tức. Tôi ngã quỵ và rồi chẳng biết gì nữa.

Tôi đã chết đúng nghĩa từ giây phút đó, và chết lặng luôn cả khoảng thời gian sau đó. Mọi tang lễ của bà đều phó mặc cho Dì Sáu và mọi người trong dòng họ lo liệu, tôi lúc đấy chỉ còn là một con ốc mượn hồn ngồi văt vẹo bên linh cữu bà mà hồn bất cứ lúc nào cũng có thể rời khỏi xác, những ngày mà trong đầu chỉ ngập tràn ý nghĩ về cái chết và tự hủy hoại bản thân. Những ngày mà con ác quỷ trong tôi đang ngày càng muốn nuốt chửng sự sống, tôi không tự chủ và cũng chẳng muốn tự chủ nữa. 

Ngày thứ tư sau khi bà mất cũng là ngày nhập thổ của bà, tôi một mình ngồi trong căn phòng thờ tối mịt và nhang khói liu phiu từ chối tất cả các thủ tục cúng lễ ma chay chỉ để được một mình. Tôi ngồi dưới đất nhìn lên di ảnh của bà, một sự lạ lẫm bất thường trong tâm trí xộc lên mãnh liệt. Trương Khải Liên này đã phải gồng mình chịu đựng những tháng năm không cha không mẹ, chẳng có mấy người thân quan tâm, bị ức hiếp cũng tự mình đứng dậy, lớn lên chút lại tự học cách hiểu chuyện, tự học cách đối nhân xử thế, tự học cách dùng năng lực của mình để đạt được mọi thứ. Cuối cùng, trong một lúc không ngờ nhất lại mất hẳn người quan trọng nhất đời mà mình muốn bảo vệ nhất. Vậy rốt cuộc thì lí tưởng để sống là gì, lại tiếp tục học cách chống trả những đau thương này sao? Vốn dĩ biết thời gian là sớm hay muộn nhưng tại sao lại là chính lúc tâm lí chưa hề sẵn sàng này?

Tôi ngồi trong đám khói hương mịt mù đó mà tự cào cấu vào mặt mình, tự cào cấu vào tóc mình để nỗi đau bên ngoài đó ít nhiều áp chế cái nhói buốt ruột gan đang cồn cào bên trong, ít ra hành động này khiến bản thân mình phần nào dễ thở hơn bởi mớ cảm xúc hỗn độn che khuất lí trí. Móng tay cào mạnh đến nỗi vết thương mấy ngày trước đã kéo mài thì giờ bung bét ra, tóc quết vào máu, máu quệt vào nước mắt, cứ thế nó thi nhau chảy dài từ mặt xuống cằm rồi thấm vào cả bộ quần áo vằn vện những vệt máu đã khô trước đó. Trong không gian tối tăm của gian thờ, có tiếng kẽo kẹt mở cửa, những tia nắng bên ngoài cũng thừa dịp mà chen chúc và trong tranh thủ chiếu rọi qua khe cửa để xua tan phần nào u ám trong phòng. Tôi rúc người vào sâu hơn chiếc bàn thờ chân cheo tránh cho người khác thấy bộ dạng mình lúc này. Bóng một người cao cao bước vào trong nhẹ như tiếng gió, anh ta tiến lại gần, quỳ xuống bên tôi. Đôi tay ấm nóng vuốt nhẹ bộ tóc đang rối bời và cứ thế ôm tôi vào lòng mình. Và lại lần nữa, có lẽ tôi đã ngất.

Tôi đã mơ một giấc mơ, trong đó tôi chỉ là đứa trẻ chín mười tuổi, vì đi hái trộm xoài nhà hàng xóm nên bị bà la cho một trận rồi dọa đánh. Ôm giận trong lòng, tôi ra hiên nhà lấy chiếc xe đạp cũ đạp một mạch bỏ nhà đi mất. Tôi không biết mình đã đạp đi bao nhiêu lâu và bao nhiêu xa với đôi chân non nớt đó cho đến khi mỏi nhừ không đạp nổi nữa, vừa khát vừa đói thì xuống xe dẫn bộ. Trời thì bắt đầu tối, bụng thì sôi lên từng tràng nên đánh bạo dựng xe bên đường và chui vào một ngôi chùa có tượng quan âm bên đường. Trước đài quan âm có một giỏ hoa quả to của nhà nào cúng dường còn tươi roi rói, đói quá nên tôi đành đưa tay thó lấy hai quả, một quả thì nhai ngấu nghiến, quả còn lại cho vào túi quần nhưng quả to quá nên túi quần u lên một cục lớn. Bà có dạy rằng nếu xin quả từ bàn thờ thì trước đó phải lạy Phật để xin nên tôi vừa ăn vừa lạy lấy lạy để do sợ Phật gõ đầu tội ăn trộm. 

Chợt phía sau tượng quan âm có tiếng người cười khúc khích, tôi ngẩng đầu lên thì thấy một tên tiểu hòa thượng đầu trọc đang nhìn mình cười khoái chí. Hắn nhìn tôi rồi mỉa mai:

"Ăn trộm, của nhà chùa cũng dám ăn trộm. Vậy mà còn dám lạy Phật!"

Tôi nhìn hắn rồi tiu nghỉu:

"Tại tui đói, tui xin Phật. Phật cho rồi!"

Hắn duỗi đôi tay mập tròn nhìn tôi rồi bỏ cái chổi cây xuống đất, đoạn hắn vòng qua chân tượng đến cạnh tôi rồi hỏi:

"Bạn là ai? Ba mẹ không cho ăn sao lại vào chùa trộm?"

Tôi tự dung phát khóc lên và kể hắn nghe việc mình bị bà dọa đánh rồi bỏ nhà đi. Nghe hết câu chuyện hắn lắc lắc cái đầu trọc rồi nói:

"Theo bần tăng!"

Ôi trời ai dạy hắn cái ngữ bần tăng vậy chớ! Chỉ là một chú tiểu thôi mà, chắc hắn xem phim kiếm hiệp hơi bị nhiều. Thế nhưng nhìn hắn thì cũng có vẻ đáng tin nên tôi cũng lò tò đi theo sau. Hắn dẫn tôi vào sau nhà bếp của chùa rồi lục tìm đồ ăn còn thừa trong bếp mang lên cho tôi, tôi vơ lấy chén ăn lấy ăn để, còn hắn thì ngồi kế bên vừa nhìn vừa cười. Đến giữa khuya thì các sư thầy liên hệ được bà đến đón tôi về, tôi còn nhớ mãi cái nét cười khì khì của hắn khoe ra mấy cái răng sâu lúc tiễn tôi ra về.

Kể từ đấy tôi và hắn thành bạn của nhau, hắn gọi tôi là Sen còn tôi lại gọi hắn là Đầu Trọc. Và cũng từ đó tôi có một lí do để hàng tuần đạp xe ra tận thị trấn để tìm hắn, đôi khi là để chuyển vài dòng thư ngô nghê viết lúc học chữ, hay đôi khi là vài quả mận non trong vườn nhà. Còn hắn thì nếu có cơ hội được theo các sư phụ đi tụng niệm trong gần nhà tôi thì nhất định sẽ tranh thủ chạy qua, trong túi quần vẫn cất vài món ngon mà hắn giấu được.

Tôi còn nhớ như in ngày biết tin bố mẹ qua đời, tôi đã đạp xe trong mưa hàng mấy cây số để tìm hắn rồi ngồi khóc tu tu giữa chùa. Rồi những ngày hắn bệnh, tôi lén giấu thịt gà xé của bà làm đem cho hắn ăn. Hay những ngày nghỉ đánh liều dắt hắn chơi mấy trò chơi điện tử mà khó lắm tôi mới dành dụm đủ tiền chơi, hai đứa chụm đầu vào một máy, ngồi chung một cái ghế tranh nhau chơi. Còn có những ngày bị đám bạn ăn hiếp, tôi ra thị trấn rước hắn vào trường để hắn trả thù cho tôi nhưng trái lại hai đứa lại bị rượt đánh gần chết bởi hắn còn thấp hơn tôi cả nửa cái đầu, ai mà thèm sợ tên đầu trọc thấp lùn như hắn chứ?

Tôi không còn cha mẹ lại chẳng có anh em nên thường bị trêu và bắt nạt nhưng may là nhờ có hắn. Nghe nói hắn thì được mẹ gởi vào chùa, mẹ hắn hứa sẽ rước về khi nào đủ điều kiện nuôi dạy, do đó lại trở thành chú tiểu quét lá bất đắt dĩ. Chúng tôi, hai đứa trẻ, cứ vậy mà lớn lên cùng nhau.

Mãi cho đến những năm cấp ba, tôi mới được ra thị trấn học thì hắn cũng học cấp ba chung trường nhưng trên tôi một lớp. Lúc này hắn không để đầu trọc nữa mà để tóc và ăn mặc như những cậu nam sinh bình thường. Hơn nữa, giờ hắn đã cao hơn tôi một cái đầu, học giỏi và ra dáng một người đĩnh đạc lắm. Hắn bảo với tôi bằng một giọng buồn buồn rằng mẹ hắn đã liên hệ với nhà chùa, có thể đến rước hắn đi bất cứ lúc nào vì giờ đây gia đình hình như đã khá giả. Lúc đấy tôi cũng chẳng có cảm giác gì đặc biệt, hắn đi thì đi thôi, dù gì cũng còn thiếu gì cơ hội gặp nhau.

Mãi cho đến lúc hắn tốt nghiệp lớp mười hai, tôi đã bí mật chuẩn bị một bó hoa thật lớn mừng hắn tốt nghiệp nhưng chờ mãi chờ mãi cũng chẳng thấy hắn đâu. Tôi ở lại đợi đến tận người cuối cùng lên bục nhận huy chương tốt nghiệp nhưng hắn vẫn không tới. Chạy đến chùa thì các sư thầy báo rằng hôm qua mẹ hắn đã đến rước đi rất gấp gáp. Và thế là hắn đi bí mật như thế đấy. Tôi không biết hắn đi đâu và cũng chẳng ai biết khi nào hắn trở lại. Hắn xuất hiện trong đời tôi suốt bao nhiêu đó năm rồi lẳng lặng mất hút không dấu vết, không hứa hẹn. Trong tôi có chút hụt hẫng về tên Nhiên Đăng đầu trọc thuở thiếu thời ấy!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net