Chương 9.2. Bánh Trung Thu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xin hứa ngày mai sẽ up tiếp ạ....
-----

Tôi đã từng đi qua khu nhà ở dành cho người ngoại quốc rất nhiều lần. Đó là một trong những nơi đẹp nhất Thượng Hải với hàng cây xanh bao phủ dọc bên các con đường chính, những căn nhà hai tầng xây dựng theo lối kiến trúc phương Tây nằm thành một dãy thẳng tắp, trước mỗi ngôi nhà sẽ có một khoảnh vườn nhỏ và cầu thang dẫn lên cửa chính. Khu vực này có tổng cộng sáu dãy nhà, anh họ thuê cho tôi căn nhà ở dãy thứ tư giáp lưng với dãy nhà thứ năm.

Tôi nghe nói tiền thuê nhà ở đây không phải là nơi đắt nhất nhưng chắc chắn là nơi an toàn nhất. Khu vực tổng cộng có bốn gác canh, toàn bộ đều là lính của Lực lượng gìn giữ hoà bình, cứ mười hai tiếng họ lại đổi ca một lần. Người bình thường muốn vào đều cần sự xuất hiện của chủ hoặc người thuê nhà, bản thân người sống trong khu khi ra vào cũng cần mang theo một tấm thẻ ghi danh tính và nơi ở. Điều đặc biệt nhất chính là bản thân họ cần thông thạo ít nhất một thứ tiếng không phải tiếng Trung để giao tiếp với gác canh.

Đến trước cánh cổng chính của khu nhà, Ngũ Tử kéo cửa xe xuống, đưa cho người lính một tấm thẻ và nói tiếng Pháp với anh ta. Người lính nghe xong thì nhìn vào ghế sau, tôi gật đầu với anh ta rồi hỏi thăm vài câu. Người lính có đôi mắt màu xanh dương sau đó ra lệnh cho gác canh mở cổng.

Ngũ Tử đem hành lý vào nhà cho tôi rồi rời đi. Đứng trước thềm cửa, tôi thay sang đôi dép bông quen thuộc và tham quan một vòng căn nhà mới của mình.

Căn nhà có hai tầng, tầng một gồm phòng khách, phòng bếp và một buồng vệ sinh, tầng hai có hai phòng ngủ, một phòng làm việc và một phòng vẽ. Anh Tô Kiệt vẫn luôn rất hiểu tôi, biết tính tôi không thích nhà có mùi nên đã đốt nến thơm và treo túi hoa khô trong các phòng để tôi cảm thấy thoải mái với căn nhà mới. Đồ đạc của tôi vẫn nằm nguyên vẹn trong thùng, được đánh dấu và chia ra từng phòng riêng để tôi bày biện theo sở thích của mình.

Loay hoay dọn dẹp cả buổi sáng, tôi tắm rửa sạch sẽ, thay sang một bộ trường bào màu hạt dẻ, chải tóc kĩ càng rồi tới chợ Vĩnh Lợi mua hai xuất mì Dương Xuân đem qua cho anh Tiểu Minh.

Ánh nắng dịu dàng của chiều thu chiếu rọi lên mặt tiền của Di Hoà khiến cửa tiệm như được phủ một lớp nhũ lấp lánh. Dừng lại phía bên kia đường trong chốc lát để ngắm nhìn chúng, tôi chợt nhận ra Di Hoà là nơi lưu giữ vô vàn những kỷ niệm của tôi ở Thượng Hải.

Và tôi thực sự rất nhớ nó.

Bước vào tiệm, tôi nhìn thấy anh Tiểu Minh đang đứng trên chiếc thang nối liền với giá sách, trong Di Hoà chẳng có vị khách nào. Tôi khẽ đi về phía đó, gõ nhẹ lên thang để báo hiệu và ngay khi Tiểu Minh nhìn xuống bên dưới, tôi có thể nghe thấy tiếng hít thở và đôi mắt sáng rực như ánh mặt trời ngoài kia của anh ấy.

Tiểu Minh gần như nhảy xuống ôm chặt lấy tôi, cổ họng không ngừng phát ra tiếng ú ớ thể hiện sự vui mừng. Tôi mỉm cười vỗ vai an ủi anh ấy và phải mất một vài phút sau Tiểu Minh mới chịu bỏ tôi ra, hai vành mắt đỏ ửng vì xúc động.

Để mừng tôi trở lại, Tiểu Minh quyết định đóng cửa tiệm trong hai tiếng để chúng tôi có thể thoải mái ăn mì Dương Xuân và trò chuyện cùng nhau. Tôi kể cho Tiểu Minh nghe về An Sinh và nơi ở mới của tôi, đến lượt anh ấy thì câu chuyện chỉ xoay quanh một người là Tán Đa.

"Nếu không nhờ cậu ấy thì anh đã lo lắng đến mức ngày nào cũng tới sàn khiêu vũ của An Sinh rồi!" – Tiểu Minh ra hiệu. – "Không biết là em đã viết gì cho cậu ấy mà sau khi đọc xong, Tán Đa bình tĩnh bảo anh mô tả những gì mình nhớ tối hôm đó rồi cậu ấy nói là đi tìm manh mối. Lúc trở về, Tán Đa bảo anh đừng quá lo lắng, em rất thông minh và cương liệt, nhất định sẽ tìm cách trốn thoát hoặc liên lạc với người nhà. Ai ngờ mấy hôm sau có một lá thư vô danh nhét qua cửa Di Hoà, viết rằng em đã bình an vô sự."

Lòng tôi như dậy sóng vì vui mừng nhưng bên ngoài vẫn giữ vẻ mặt bình tĩnh để hỏi tiếp:

"Em nhờ Tán Đa tiên sinh để ý đến tiệm Di Hoà vì sợ có người qua đây gây sự với anh. Ngài ấy có qua đây thường xuyên không ạ?"

"Ngày nào cậu ấy chẳng tới, còn mua rõ nhiều đồ ăn làm anh béo lên mấy cân rồi đây." – Tiểu Minh nói, nhìn tôi đầy ý vị. – "Mà em với Tán Đa thân nhau lắm hả?"

"Sao anh lại hỏi vậy?" – Tôi chột dạ.

"Vì sau khi em biến mất, mỗi ngày cậu ấy đều ra chỗ khu sách ẩm thực tìm gì đó nhưng không tìm được, sau đó đứng thẫn thờ ở giá sách, ánh mắt thất vọng lắm." – Tiểu Minh mô tả lại vẻ mặt của Tán Đa cho tôi xem. – "Ở đây cũng chỉ có mình em và cậu ấy đọc sách ẩm thực của mẹ anh nên anh mới tò mò."

Tôi thở dài nhìn anh Tiểu Minh rồi chậm rãi kể lại chuyện tôi quen Tán Đa ở Di Hoà như thế nào. Tại thời điểm người của Diệp Lâm An muốn đưa tôi đi, ngoại trừ báo tin thì tôi chỉ có thể nhờ cậy ngài ấy để mắt tới tiệm sách nhỏ bé này. Điều tôi không ngờ tới nhất là Tán Đa đã đi tìm tôi và vẫn luôn đợi lá thư của tôi giấu trên giá sách.

"Đây gọi là mối lương duyên trời cho, Tiểu Vũ." – Anh Tiểu Minh ra hiệu. – "Tán Đa là một người rất tốt, lại đặc biệt hơn người, anh thực sự coi cậu ấy là một người bạn thân thiết không kém gì em. Nhưng mà dù sao anh cũng là người kinh doanh, có thể trò chuyện cùng cậu ấy như kẻ buôn bán. Còn em..."

Anh ấy ngập ngừng nhìn tôi, sau đó thở dài:

"Em biết Tán Đa lâu như vậy mà giờ vẫn chưa gặp cậu ấy nên anh có thể hiểu rằng em đã cân nhắc rất cẩn thận khi bước vào mối quan hệ này. Tuy nhiên, vì anh coi hai người là bạn, là người em tốt nhất của anh ở Thượng Hải nên anh vẫn phải nhắc nhở em về tình cảnh của chúng ta."

Phải chăng anh Tiểu Minh nhìn thấy ý định của tôi hay sao?

Tôi rất muốn giải thích rõ nhưng câu chữ đến miệng lại chẳng thể thốt ra. Anh Tiểu Minh vỗ vai tôi như an ủi rồi dọn dẹp bát đũa, trở về với tiệm Di Hoà sau cánh cửa.

Buổi trưa hôm đó khách tấp nập ra vào nhưng thật lạ là chẳng mấy ai bước vào gian phòng bên trong tầng một nơi tôi đứng đối diện với khu sách ẩm thực.

Như vậy cũng tốt, tôi thầm nghĩ.

Khẽ lướt tay trên nhưng gáy sách cũ được xếp ngay ngắn trên kệ, tôi chuẩn xác rút ra cuốn sách Ẩm thực tứ phương mà nhờ có nó, tôi và Tán Đa mới quen biết nhau.

Khi tôi tìm thấy tiệm sách Di Hoà năm 1932, tôi bắt đầu đọc và làm theo các hướng dẫn chế biến ghi trong các cuốn sách viết về ẩm thực. Tuy nhiên, chúng hầu hết chỉ được viết bằng chữ và hình mô tả khá sơ sài nên tôi tự vẽ minh hoạ từng bước làm, kèm theo những bổ sung của cá nhân tôi về quá trình nấu hoặc gợi ý sử dụng các nguyên liệu khác ngoài hướng dẫn. Sau khi hoàn thiện một cuốn sách, tôi sẽ đóng những trang ghi chú của mình thành quyển và cất giữ tại nhà.

Để đánh dấu các trang mình đang đọc, tôi có thói quen kẹp giấy vẽ vào sách nên mới xảy ra chuyện tôi bỏ quên tờ ghi chú món Tiểu Long Bao. Đó là lần đầu tiên tôi bỏ quên một thứ gì đó và nhờ vậy mà tôi bắt đầu trao đổi thư với Tán Đa.

Sau câu chuyện nhào bột, tôi đoán ngài ấy không thành thạo các kĩ năng nấu nướng nên quyết định vẽ cho ngài ấy một phần ghi chú riêng bổ sung chi tiết về một số kĩ thuật nấu. Sau này chúng tôi vẫn tiếp tục trao đổi giấy ghi chú như thế nhưng dần dần bên cạnh tờ ghi chú sẽ có thêm một lá thư kể về cuộc sống thường ngày của chúng tôi, rồi dần dần Tán Đa cũng vẽ minh hoạ cho tôi xem các món ăn của người phương Tây mà ngài ấy từng có cơ hội được thưởng thức.

Nghĩ đến đây, tôi chợt cảm thấy buồn cười bởi vì dường như mọi thứ 'đầu tiên' của tôi đều liên quan tới ngài ấy. Lần đầu tiên tôi nói chuyện cùng một người lạ qua thư, lần đầu tiên tự tay vẽ lại từng phần ghi chú của riêng mình cho người khác, lần đầu tiên chia sẻ những niềm vui nhỏ bé và lời tâm tình bí mật.

Ngẫm lại những lời dặn dò đầy ẩn ý của anh Tiểu Minh, tôi hiểu anh ấy lo cho tôi nhưng tôi cảm thấy không phải chuyện gì bản thân cũng có thể tính toán, suy nghĩ trước sau chỉ khiến mọi chuyện thêm rắc rối.

Tán Đa là một bước ngoặt bất ngờ xảy đến với cuộc đời tôi, là một biến số tôi không dự đoán trước được nhưng tôi muốn tiếp tục có biến số ấy trong cuộc sống của mình.

Đứng trong gian phòng yên tĩnh này, tôi bỗng tưởng tượng ra hình ảnh Tán Đa đứng lúi húi ở gian sách nhỏ bé, lật đi lật lại cuốn sách chỉ để tìm lá thư của tôi, rồi khi nghĩ tới đôi mắt thất vọng của ngài ấy, trái tim trong lồng ngực tôi liền thắt lại đầy đau đớn.

Tôi không chần chừ thêm nữa, lập tức rút lá thư mình viết cách đây mấy ngày ra, kẹp vào giữa cuốn sách rồi cất gọn lên giá. Tôi biết bản thân đang đánh cược với mối quan hệ này và cả lòng tin vừa mạnh mẽ vừa mỏng manh của tôi dành cho Tán Đa nhưng nếu sự liều lĩnh có thể giúp tôi đạt được điều mình mong muốn thì dù có thất bại ê chề, tôi cũng chấp nhận.

-----

Gặp hay không gặp?

Tôi đã trăn trở với câu hỏi này suốt một tiếng đồng hồ từ khi mở phong thư của Lưu Vũ.

Chiều nay tôi tới Di Hoà như mọi ngày, gửi cho Tiểu Minh một gói bánh quế hoa, sau đó bước vào khu sách ẩm thực trong vô thức. Khác với hai mươi hai ngày vừa qua, nằm giữa cuốn Ẩm thực tứ phương là một phong thư mới của Lưu Vũ.

Cảm xúc của tôi khi ấy khá là kích động, nhịp tim tăng mạnh khiến tôi thở gấp và mồ hôi túa ra sau lớp áo sơ mi. Tôi vô cùng vui mừng, cầm thư chạy ra bàn làm việc của Tiểu Minh nói về chuyện Lưu Vũ đã trở lại. Anh ấy cười lớn kể rằng em ấy đến đây từ sáng nay nhưng muốn tôi tự mình phát hiện ra nên Tiểu Minh không nói với tôi ngay từ đầu.

Tôi nóng lòng khôn cùng, nhanh chóng nói lời tạm biệt Tiểu Minh và rời đi. Một mình mở thư trên chiếc ghế mây ngoài ban công, trong tiếng nhạc phát ra từ máy hát cùng một tách trà, đó là những thứ tôi muốn có khi đọc lá thư của em.

Tôi cảm thấy con đường về nhà hôm nay giống như trải thêm một lớp bông khiến bước chân tôi nhẹ bẫng, trái tim rạo rực tràn ngập hạnh phúc làm tôi mỉm cười suốt quãng đường về.

Tới cổng khu nhà dành cho người ngoại quốc, tôi hứng khởi chào lính canh, làm các thủ tục xuất trình cần thiết rồi bước thật nhanh về ngôi nhà nhỏ của mình ở dãy nhà thứ năm.

Mọi thứ vẫn vô cùng tuyệt vời và hồi hộp như thế cho tới khi tôi mở phong thư của Lưu Vũ ra và đọc những gì em viết, niềm hạnh phúc như sóng cuộn trào bỗng bị chặn lại bởi một tảng đá lớn.

Tôi thừa nhận tôi rất muốn gặp Lưu Vũ nhưng đó là điều tôi mong xảy ra trong sự vô tình nào đó giống như cách tôi quen em. Nếu nói rằng mình chưa sẵn sàng thì không đúng lắm, chỉ là rào cản của chúng tôi vẫn còn đó, tôi không thể nào nói bỏ qua là bỏ qua được.

Đặt lá thư của Lưu Vũ vào chiếc hộp gỗ, tôi phóng tầm mắt ra ngoài ban công để vơi đi những ngổn ngang trong lòng.

Tôi cất giữ thư của Lưu Vũ trong một chiếc hộp gỗ vốn là quà tặng của mẹ trước khi tôi chuyển tới Mãn Châu. Lượng thư nhiều lên từng ngày nên tôi dần gói chúng cùng chiếc hộp gỗ trong chiếc khăn furoshiki và cất vào ngăn kéo tủ đầu giường.

Hít một hơi thật sâu, tôi tỉnh táo suy nghĩ kĩ xem nếu gặp Lưu vũ, chúng tôi sẽ phải đối mặt với những chuyện gì. Trở ngại đầu tiên chắc chắn là tôi và em không thể công khai ngồi trò chuyện với nhau ở chốn đông người, sau đó tôi và em cũng khó có thể sánh vai đi trên đường, còn phải giấu chuyện này với người nhà em. Cho dù chúng tôi có bỏ qua ánh mắt của người ngoài, nguy hiểm vẫn rình rập như con rắn trong bóng tối, tôi không muốn Lưu Vũ lại gặp chuyện một lần nữa như vụ việc với Diệp Lâm An.

Trái ngược với cảm giác lo lắng, khi nghĩ đến việc gặp được em, niềm hạnh phúc trong chốc lát đã đong đầy trái tim cô độc của tôi. Chúng tôi không thể đi cùng nhau, vậy em có thể bước trên làn đường bên kia, còn tôi sẽ đi ở làn đường bên này, tôi và em trò chuyện với nhau bằng ngôn ngữ kí hiệu. Còn nếu chúng tôi muốn dùng bữa cùng nhau, chúng tôi sẽ ngồi ở hai bàn riêng biệt, tôi và em vẫn có thể gọi món giống nhau, nhìn nhau ăn trong yên lặng và kể cho đối phương về bữa ăn ấy khi chỉ còn hai người.

Tôi không coi đó là một mối quan hệ lén lút bởi vì thời thế khiến tôi và Lưu Vũ khó có thể làm bạn một cách quang minh chính đại. Thế nhưng trái tim tôi mách bảo với tôi rằng chúng tôi có thể vượt qua những rào cản này cùng nhau.

Đường chân trời vừa bắt đầu chạm ngõ hoàng hôn, phố cũng lập tức sáng đèn, tôi rời khỏi chiếc ghế mây và trở về bên bàn làm việc.

Tôi mở lại lá thư của em, vô thức vỗ nhẹ lên chóp mũi, mùi hương của chúng khiến tôi nhớ ra một chuyện.

Khác với loại giấy Tuyên tôi thường mua ở các cửa hàng lớn ở Thượng Hải, giấy Tuyên của Lưu Vũ sở hữu một mùi hương đặc biệt. Đó là hương thơm của bạch đàn và đinh hương, đâu đó còn ẩn hiện mùi của cây tùng nằm sâu trong rừng đại ngàn. Khi phát hiện ra điều này, tôi đã đi tìm hiểu ở các cửa tiệm về mùi hương của giấy Tuyên nhưng hầu hết họ đều nói giấy của họ trước nay không có mùi. Tôi đã quên bẵng đi câu chuyện nhỏ này và giờ đây, trong tiếng nhạc jazz phát ra từ máy hát, tôi nghĩ rằng mùi hương đó có lẽ chỉ thuộc về em.

Khi ánh hoàng hôn nơi đường chân trời nhường chỗ cho bóng tối, tôi nhanh chóng cầm theo lá thư vừa mới viết, chạy tới tiệm Di Hoà một lần nữa.

-----
Đồng hồ điểm chín giờ sáng, tôi đứng trước gương nhìn ngắm bản thân mình.

Tôi mặc một bộ trường bào màu xanh dương với nút cài may bằng chỉ vàng, trên vai thêu cành hoa mai trắng xuôi xuống vòm ngực, hai bên cổ tay áo điểm xuyết bởi chỉ vàng và bạc, tạo thành hình sóng lượn trong mây. Quần dài màu trắng thêu hình tương tự ở dọc hai bên ống quần, khi đi lại sẽ thấy lớp chỉ thêu như ẩn như hiện mà không quá phô trương.

Đây là bộ trường bào anh Tô Kiệt thiết kế và đặt may riêng cho tôi nhưng tôi chưa từng mặc khi ở Thượng Hải. Lần đầu nhìn thấy chúng nằm gọn gàng trong hộp, tôi đã cảm thán từng đường kim mũi chỉ nhưng khi thực sự mặc chúng lên người, tôi mới cảm thấy anh họ quả thực rất hiểu tôi. Tôi trong bộ trường bào này hoà hợp đến kinh ngạc.

Chải tóc gọn gàng xong, tôi dùng thêm chút sáp thơm để giữ nếp tóc rồi xỏ chân vào đôi giày vải màu trắng. Tôi rời khỏi nhà tới tiệm sách Di Hoà, cầm theo hầu bao, chiếc quạt gấp và một món quà nhỏ được gói gọn trong lớp vải bọc bằng lụa,

Chỉ một lát nữa thôi, tôi sẽ được gặp Tán Đa.

-----
Đồng hồ ngoài phòng khách điểm bảy giờ, tôi tỉnh dậy với tinh thần vừa phấn khởi vừa hồi hộp.

Gội đầu, cạo râu, rửa mặt, vuốt tóc, tôi thực hiện tỉ mỉ từng bước một để đảm bảo bản thân trông sáng sủa, gọn gàng nhất có thể. Thời tiết mùa thu rất dễ chịu, tôi chọn một bộ âu phục làm bằng vải mềm màu be sáng, bên trong mặc áo sơ mi màu trắng và cài một chiếc huy hiệu bằng vàng lên vạt áo vest. Tôi lấy ra một đôi giày da màu nâu mới tinh và đội thêm một chiếc mũ vành rộng yêu thích

Tôi rời nhà từ lúc tám rưỡi để tới tiệm bánh tên là Clair de Lune trên phố Bạch Tác, nơi làm ra những chiếc bánh ngọt hợp khẩu vị của tôi nhất ở Thượng Hải. Trong phong thư báo tin, Lưu Vũ nói em ấy muốn ăn bánh sinh nhật của người phương Tây, trùng hợp là trước đó không lâu tôi cũng đã dành ra một phần tiền để đi ăn thử bánh ở các tiệm bánh nổi tiếng nên hôm nay tôi sẽ mua tặng em một chiếc bánh sinh nhật đúng như mong muốn của em.

Chủ tiệm của Clair de Lune là người Pháp chuyển tới Trung Quốc trước tôi một thời gian và cũng sống trong cùng khu nhà với tôi nhưng nhà của chị ấy ở dãy nhà đầu tiên nên chúng tôi chưa từng chạm mặt. Khi nghe tôi nói về bánh sinh nhật và người được tặng, chủ tiệm liền giới thiệu với tôi chiếc bánh ngọt vị dâu tây mà chị ấy mới làm thử.

"Đây là loại bánh duy nhất cậu chưa nếm ở đây." – Chị ấy nói. – "Tôi thấy người được tặng bánh có vẻ rất đặc biệt với cậu, tại sao cậu không thử một chiếc bánh mà cả cậu và người ấy đều chưa từng thử?"

Tôi nói mình cần suy nghĩ một chút. Tôi đương nhiên tin tưởng tay nghề của chủ tiệm nhưng vì là sinh nhật của Lưu Vũ nên tôi cần tỉ mỉ nhìn ngắm các loại bánh trước khi lựa chọn. Tôi không rõ em từng ăn bánh ngọt trước đây chưa và nếu có thì liệu em sẽ thích vị dâu tây hay không. Tôi từng ăn loại quả này khi ở Pháp, đó là một loại quả hiếm ở Thượng Hải nên không phải ai cũng từng nếm chúng và thích chúng nên tôi càng phải cẩn thận cân nhắc.

Suy nghĩ một hồi, tôi vẫn chọn bánh dâu tây. Chủ tiệm nói không sai, cuộc gặp gỡ của chúng tôi vốn đã đặc biệt, tôi cũng muốn dùng loại bánh đặc biệt để đánh dấu ngày hôm nay.

Cầm theo hộp bánh được thắt nơ màu xanh dương đứng bên ngoài Di Hoà, tôi lấy chiếc đồng hồ quả lắc trong túi ra xem giờ, vẫn còn nửa tiếng nữa mới tới giờ hẹn. Tôi hít một hơi thật sâu rồi đẩy cửa bước vào tiệm sách. Tiểu Minh đang ngồi ở bàn làm việc bên cạnh khung cửa sổ, vừa thấy tôi thì liền mỉm cười, ra hiệu cho tôi vào gian trong tầng một.

Lưu Vũ vẫn chưa tới, tôi thở phào nhẹ nhõm nhưng tâm trạng bắt đầu nhộn nhạo dần.

Đặt bánh lên chiếc bàn nhỏ kê sát tường, tôi bắt đầu đi quanh các giá sách, chốc lát lại rút đồng hồ ra xem giờ rồi ngó ra cửa chính. Trí óc tôi dần nghĩ đến chuyện lát nữa sẽ nói gì với Lưu Vũ, chào em ấy ra sao và giới thiệu bản thân như thế nào.

Đồng hồ vừa điểm mười giờ, tôi liền nghe thấy tiếng chuông kêu lanh lảnh treo nơi đầu cửa ra vào của Di Hoà. Một giọng nói trầm ấm, mềm mại vang lên chào Tiểu Minh, sau đó là tiếng giày nhẹ nhàng bước dần về gian phòng nơi tôi đang đứng.

Tiếng giày càng tới gần, tôi càng cảm thấy bồn chồn, trái tim đập mạnh như muốn vọt ra khỏi lồng ngực. Rồi tiếng giày dừng lại, giọng nói ban nãy bỗng vang lên nhưng lần này là để gọi tên tôi:

"Tán Đa tiên sinh."

Tôi quay người lại nhìn về phía chủ nhân của giọng nói kia và thực kỳ lạ làm sao, giây phút ánh mắt tôi chạm tới ánh mắt người ấy, mọi thứ xung quanh tôi như ngừng chuyển động. Trong mắt tôi chỉ còn hình bóng của người đối diện.

"Tán Đa tiên sinh, xin lỗi vì đã để ngài phải đợi, em là Lưu Vũ."

Tôi biết.

Ngay khi tiếng chuông cửa vang lên, tôi đã biết đó là em.

Tôi thầm cảm thán trong lòng, ngay tại nơi tôi vô tình tìm thấy tờ giấy ghi chú của em, tại nơi mà cả em và tôi đều tới để gửi thư cho đối phương không biết bao nhiêu lần trong suốt hơn một năm qua, vượt qua cả rào cản mà cả hai đều biết rõ, chúng tôi một lần nữa ở tại nơi này mà gặp gỡ nhau.

Tôi không gọi đó là sự kì diệu của vận mệnh mà là chúng tôi đã cùng nhau tạo nên sự kì diệu ấy.

Tôi bình ổn lại sự bối rối trong lòng mình rồi bước về phía em, lịch sự bỏ mũ xuống trước ngực, cúi chào và giới thiệu bản thân mình:

"Xin chào Lưu Vũ, tôi là Vũ Dã Tán Đa. Hân hạnh được gặp em."

Em nhìn tôi rồi nhoẻn miệng cười, đuôi mắt cong lên như vầng trăng khuyết. Tôi nhìn em rồi vô thức mỉm cười theo.

Một chiều tháng Tám năm 1935, lần đầu tiên tôi và Lưu Vũ gặp nhau như thế đấy.
----

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net