Hồi Hai Mươi Ba: Như nhành mai nở rộ trong tuyết sương (c)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng
phát ca khúc "Đừng bỏ em một mình" do Thanh Lan ca. Rồi bồi thêm bản "Yêu tinh tình nữ" của Thái Hiền.

- Sao mày trùm mền vậy? - Anh Hai cù vào lòng bàn chân thằng nhỏ mắc tù oan.

- Mấy anh làm ơn làm phước tắt nhạc được hôn?

- Nghe nốt bản "Như giọt sương khuya" của ông Anh Khoa ca cho đủ bộ.

- Thôi thêm ông "Liêu trai chí dị" đó nữa thì tôi hết dám đi "xả bụng".

- Phim "Như giọt sương khuya" hay lắm. Nhưng kết thúc thật buồn, thật đắng. - Lương Hảo nói đoạn, anh hòa theo giọng của người ca sĩ được mệnh danh "tiếng hát khói sương".

Để kết thúc chương trình "Sầu muộn", Lương Hảo phát ca khúc "Mắt lệ cho người" do Ngọc Lan ca cho đám bạn tù nghe. Nghe được hơn nửa bài, cựu cảnh sát cất giọng trầm buồn:

- Nhạc sĩ Từ Công Phụng sáng tác bản "Mắt lệ cho người" dựa trên một bài thơ sầu khổ, và cụ vô cùng ngạc nhiên khi biết nội dung của bài thơ ấy hoàn toàn có thật. Sau khi chương trình thơ nhạc mà cụ cộng tác phát sóng, cụ đã nhận được một bức thư của thính giả bên mình gửi qua, trong thư kể lại mối tình lâm ly bi đát của hai nhân vật chính trong bài thơ. Gặp lại nhau sao nhiêu năm xa cách, đôi bạn thiết ngày nào là hai đứa trẻ thiếu thời nay đã trở thành hai người tù chính trị. Ông A ra tù trước ông B, nên ông B mới nhờ ông A đưa chiếc vòng đeo tay bằng vỏ đạn có khắc hình bông điên điển về cho người thương ở quê nhà giùm ông. Nhưng hỡi ôi khi tới nơi, thì cô gái ấy đã dọn đi nơi khác tự bao giờ, ông A đành cất nó vào hành trang vượt biển sang Hoa Kỳ...

- Rồi hai người đó có gặp lại nhau hông? Mày kể lẹ lên coi...

- Ít lâu sau, cụ Từ Công Phụng lại nhận được một lá thư có địa chỉ trong nước. Người trong thư tự xưng là bạn của ông A, và thông báo rằng ông A đã gặp lại ông B... Ông B bị mù hai mắt, sống bằng nghề hành khất và hát rong trên một bến cảng. Người yêu cũ của ông B có tìm tới, nhưng ông B nhất quyết không chịu nhận mình là người mà bà ấy đã từng yêu; "Tôi không phải là người cô muốn tìm lại, chắc người giống người mà thôi", ông B khước từ. Thuyết phục mãi mà ông B không chịu "nhìn" mình, bà đành quay lưng đi về, bao nhiêu u sầu đều hằn hết trên gương mặt luống tuổi. Đằng sau lưng bà, ông B ôm đàn mà hát nghêu ngao như người mất trí, bởi ông B biết bà mà theo ông sẽ khổ suốt phần đời còn lại nên đã đem khối tình ấy chôn chặt trong tim.

Uống xong hớp nước lọc ngọt trong, Lương Hảo mới thủng thẳng nói tiếp:

- Nếu muốn đọc kỹ thêm chi tiết, có thể tra cứu theo từ khóa "Mắt lệ cho người - Câu lạc bộ Tình Nghệ Sĩ".

- Ờ, mai tao ghé thư viện mượn máy truy cập coi chơi. - Anh Hai nói đoạn, quay mặt hướng xuống tấm chiếu ngủ khò.

Lương Hảo bật đèn học tiếng Anh, Phạm Thành Nhân bèn xin qua học chung. Hai người to nhỏ "tụng bài" cho nhau nghe.

Ngày còn được tự do không biết quý trọng, suốt ngày thích dán mắt vào mạng xã hội xem thiên hạ cự cãi về mấy chuyện "lông gà vỏ tỏi" ở giới giải trí, Đất Nước thế nào thì phủi tay làm ngơ, người nghèo đói ngoài đường không bố thí một cắc nhưng rất thích "chia sẻ" mấy clip từ thiện. Mới nghĩ tới đó thôi mà Phạm Thành Nhân đã cảm thấy mắc cỡ hết sức. Cậu hoàn toàn có thừa khả năng để góp phần thay đổi và điểm tô Quê Hương - Dân Tộc, song lại chọn lối sống "rùa rút đầu" để được yên thân yên phận. Ấy thế mà cậu cũng có được yên thân yên phận như ý muốn đâu, bởi không dám bài trừ và tố cáo cái ác mà giờ đây chúng đã vịn vào cái hèn của cậu để hãm hại cậu.

Nhưng nếu ở tù vì tội "Tổ Quốc trên hết" như cụ Phan Bội Châu thì cậu sẽ lấy làm hãnh diện lắm, bởi cậu sẽ hiểu được câu thơ mà cụ Nguyễn Công Trứ từng viết: "Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả. Anh hùng hào kiệt có hơn ai."

Đang ngồi nghĩ ngợi vẩn vơ, Phạm Thành Nhân bỗng nghe tiếng của Lương Hảo:

- Tôi từng quen một người, trước ngày ông ấy ra tòa làm nhân chứng tố giác ổ tham nhũng, ông ấy đã ngồi hát cho bà ấy nghe bài "Lạy Mẹ con đi" của nhạc sĩ Anh Bằng. Bởi ông ấy biết mình rất có thể sẽ bị thủ tiêu trên đường đi đến đó.

Nói đoạn, Lương Hảo cho Phạm Thành Nhân nghe ca khúc ấy qua phần trình bày của ca-nhạc sĩ Duy Khánh. Trong lúc ấy, anh ta sắp xếp lại sách vở vào trong cái ba-lô hoa văn nhà binh của mình.

Phạm Thành Nhân nghe được nửa bài, cơn buồn ngủ kéo đến nên về giường nằm ngủ.

Lương Hảo nghe nốt bản nhạc, rồi mới chịu tắt đèn đi ngủ. Anh cũng cởi trần mà ngủ như đám bạn tù chung phòng. Toàn bộ quạt trong phòng đều cài số cao nhất, nhưng vẫn không đủ xua đi cơn oi nồng cố hữu của mùa Hè.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net