Tôi là Zlatan (kỳ 51-60)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Kỳ 51: Gã trượt tuyết nghiệp dư


St Moritz chỉ dành cho người giàu có. Ở đây người ta phục vụ champagne trong bữa ăn sáng. Nhưng tôi không uống champagne, tôi yêu cầu họ đổi cho một ít ngũ cốc. Đi cùng với gia đình tôi chuyến ấy là Olof Mellberg, anh ấy theo để dạy tôi cách trượt tuyết. Nhưng mọi thứ không đơn giản chút nào. Trong lúc mọi người trượt xuống dốc thì tôi lăn xuống, nhìn ngớ ngẩn không thể tả.

Để an toàn và cũng tránh sự chú ý của những người trượt tuyết khác, tôi đội một chiếc mũ trùm kín đầu và đeo một cặp kính to vật. Sẽ không ai có thể nhận ra được tôi là ai.

Nhưng một ngày kia, trong lúc chờ cáp treo để lên khu vực trượt tuyết, tôi đứng kể một cậu bé người Italia, đi chung với bố mình. Cậu bé ấy nhìn tôi và ngờ ngợ. Tôi tự nhủ: "Đừng lo, ai mà nhận ra mình trong bộ dạng này chứ". Nhưng cậu nhóc ấy vẫn không rời mắt khỏi tôi, có lẽ vì nhận ra cái mũi to vô đối quen thuộc, và la lên:

Ibra

Tôi chối đây đẩy. Ibra gì chứ. Ibra là gã khỉ gió nào vậy cháu. Nhưng cậu bé còn lâu mới tin. Đứng kế bên, Helena bắt đầu cười rũ rượi, như không còn chuyện gì trên đời vui hơn thế được nữa.

Cậu bé cứ: "Ibra, Ibra" suốt, đến mức tôi phải thừa nhận: "Vâng, anh hai, em là Ibra đây". Nghe thế, cậu nhóc im re, ấn tượng vô cùng và sung sướng vì không ngờ được giáp mặt tôi ngoài đời thật.

Việc gặp người hâm mộ giữa đường với tôi tất nhiên không có gì lạ. Nhưng lần này, sự việc quái đản ở chỗ tôi đang chuẩn bị trượt tuyết. Cậu bé quyết tâm theo dõi xem tôi trượt tuyết có ra thể thống gì không. Mọi người cũng thế. Một đám đông tụ lại như chuẩn bị xem một màn trình diễn.

Tôi bắt đầu vào vị trí và chuẩn bị. Đầu tiên là chỉnh lại găng tay, để cho chiếc găng ôm thật sát lấy những ngón tay mình. Rồi tôi chỉnh lại cái áo khoác, cái quần và đôi giày trượt. Đây là thứ tốn nhiều thời gian của những người chơi trượt tuyết nhất.

Tôi càng chuẩn bị kỹ càng, sự hồi hộp lại càng tăng lên. Mọi người nghĩ: tay này "sắm tuồng" coi bộ lâu, có vẻ là một tay trượt ngon lành đây. Ibra trên sân cỏ đá bóng thì ổn rồi đó, nhưng đôi chân ấy sẽ di chuyển thế nào trên mặt tuyết đây. Liệu anh ta sẽ lao xuống dốc như Ingemar Stenmark (VĐV trượt tuyết người Thụy Điển) hay không.

Nhưng tôi vẫn chưa trượt. Tôi bắt đầu điểu chỉnh... khăn quàng cổ. Tôi tháo nón ra và chỉnh lại mớ tóc. Tôi làm cho đến khi đám đông thấy phát mệt, chán nản và bỏ đi. Chứ tôi đâu thể bổ nhào xuống, rồi lăn lộn mấy vòng như một gã nghiệp dư hạng bét được. Tôi bày trò để tránh né việc biểu diễn lâu đến nỗi khi quay lại chỗ hẹn, Olof Mellberg đã phải thốt nên ngạc nhiên: "Nãy giờ mày trốn đâu thế? Làm gì thế?".

Tôi mỉm cười tinh quái và đáp: "À, có một ít việc riêng ấy mà".

o0o

Mùa bóng tại Italia kết thúc với trận đấu đáng nhớ trước Parma mà tôi đã từng kể. Tôi cùng Inter giành chức vô địch Scudetto thứ 2 và tôi lên đường đi dự Euro 2008 tại Thụy Sĩ và Áo, cùng với nỗi lo về chiếc đầu gối.

Truyền thông rất quan tâm đến chấn thương này và tôi cũng đã nói chuyện với Lagerback rất nhiều về nó. Không một ai, kể cả các bác sĩ và chính tôi, biết được liệu tôi có hoàn toàn khỏe mạnh khi giải đấu khởi tranh hay không. Ở Euro, chúng tôi rơi vào bảng đấu có Nga, Tây Ban Nha và Hy Lạp. Vừa nhìn là thấy xương xẩu rồi.

Tôi có một hợp đồng ràng buộc với Nike. Mino Raiola phản đối việc tôi ký thỏa thuận này nhưng tôi thì cảm thấy thích thú. Chúng tôi cùng nhau làm một thước phim quảng cáo, ý tưởng là tôi sẽ đá một mẩu chewing gum vào mồm và bố tôi bắt đầu lo không biết tôi có bị tắc ruột hay không. Tôi có mối quan hệ mật thiết với Nike. Chính họ đã giúp tôi xây sân bóng Zlatan tại đường Cronmans, Rosengard, nơi mà tôi vẫn chơi bóng khi còn nhỏ.

Sân bóng ấy rất to và rất có ý nghĩa với bọn trẻ nơi đây. Mặt cỏ rất đẹp và luôn được thắp sáng. Chơi bóng ở đây, bọn trẻ không còn phải lụi hụi thu dọn đồ đạc về nhà khi trời tối nữa. Khi khánh thành sân, tôi đã nói với mọi người: "Sân bóng này, nơi này là trái tim tôi, là lịch sử của tôi. Hãy cùng giúp cho mọi thứ phát triển hơn/Zlatan".

Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi được góp sức cho nơi mình đã lớn lên. Tôi đã rất cảm động khi trong ngày khánh thành, bọn trẻ đã hô vang tên tôi: "Zlatan, Zlatan". Khi ấy tôi nhớ lại những ngày thơ ấu, khi chơi bóng với đám bạn trong bóng tối, đến khi chả đứa nào thấy nổi quả bóng ở đâu nữa mới chịu về nhà.

o0o

Thân thiết với Nike là thế, nhưng tôi vẫn dính vào một vụ tranh cãi với họ. Khi ấy Nike yêu cầu tất cả mọi cầu thủ có hợp đồng đều phải đá các trận đấu tại Euro với một mẫu giày duy nhất. OK thôi, không thành vấn đề. Nhưng rồi tôi phát hiện có một gã ra sân với đôi giày màu khác. Tôi lập tức phản hồi với Nike. Sao lại có chuyện làm ăn kỳ lạ như thế? Chả phải đã quy định là chỉ một màu giày hay sao.

Nike hồi đáp là tay cầu thủ kia được phép đi giày khác màu. Tôi phản ứng dữ dội và Nike đành xuống nước khi tuyên bố thôi thì ai muốn mang màu gì cũng được. Nhưng tôi chả buồn đổi nữa mà vẫn ra sân với giày cũ. Có thể bạn thấy tôi hơi trẻ con, nhưng tôi quan niệm mọi thứ phải rõ ràng.


Trận đầu tiên tại Euro diễn ra trước Hy Lạp. Sotirios Kyrgiakos được cử theo kèm tôi. Đấy là một hậu vệ cừ, để tóc dài và cột đuôi ngựa. Cứ mỗi khi tôi nhảy lên, hay chạy song song thì tóc anh ta đập cả vào mặt tôi, có khi còn chui vào miệng nữa.

Kyrgiakos đã chơi một trận rất tốt và khóa chặt tôi trong phần lớn thời gian. Nhưng anh ta giãn ra khoảng 2 hoặc 3 giây và tôi chỉ cần có vậy mà thôi. Nhận một quả ném biên, tôi mở tốc độ và bỏ xa Kyrgiakos trước khi sút vào mép dưới xà ngang.

Đấy là một khởi đầu hoàn hảo. Chúng tôi thắng 2-0 và đại gia đình của tôi đều hiện diện trên khán đài. Lần này họ đã biết tự chăm sóc cho mình, rút kinh nghiệm từ bài học World Cup 2006. Tôi đã hoàn toàn tập trung vào bóng đá, không còn làm hướng dẫn viên du lịch nữa. Nhưng đầu gối tôi vẫn sưng và trận tiếp theo chúng tôi phải đá với Tây Ban Nha, một trong những ứng viên vô địch và đã đánh bại Nga đến 4-1 trong trận ra quân.

Kỳ 52: Euro trên chiếc đầu gối chấn thương

Đây lại là một kỳ Euro, những trận đấu san sát nhau. Bạn có thể hy sinh đá trận này, nhưng trận sau phải nghỉ ngay. Cứ nghĩ xem nếu tôi tống thuốc giảm đau mà đá với Tây Ban Nha, tôi sẽ phải nghỉ trận gặp Nga và cả vòng knock-out nếu giành được vé nữa.

Tôi đã nhiều lần dùng thuốc giảm đau tại Italia để vào sân cùng với chấn thương, nhưng các bác sĩ đội tuyển luôn kịch liệt phản đối điều đó. Những cơn đau nhói chính là dấu hiệu mà cơ thể báo để bạn biết đường mà dừng lại.

Thuốc giảm đau giúp bạn tạm thời quên đi cơn đau, nhưng nó sẽ khiến cho vết thương trở nên nặng hơn. Vì thế trong chừng mực nào đó, thuốc giảm đau là một hiểm họa, một canh bạc đầy mạo hiểm. Trận đấu ấy quan trọng cỡ nào, liệu có đáng để hy sinh cầu thủ vào sân, để rồi có thể mất anh ta vài tuần hoặc vài tháng sau đó.

Những câu hỏi kiểu ấy luôn được các bác sĩ tại Thụy Điển xử lý rất cẩn trọng. Họ là những người có truyền thống y đức thuộc vào hàng tốt nhất châu lục. Bác sĩ tại đây nhìn cầu thủ như một bệnh nhân hơn một cỗ máy. Nhưng cũng không dễ dàng chút nào bởi các cầu thủ luôn muốn đẩy mình đến điểm giới hạn. Có những trận đấu quá quan trọng, bạn chỉ có thể nói với chính mình: "Mặc xác ngày mai. Mặc xác những hệ lụy. Cứ chiến trận này đã".

Những món tiền thưởng, những khoản đầu tư, những ràng buộc hợp đồng khiến tôi không thể nghỉ ngơi. Bác sĩ của Inter và đội tuyển thường xuyên tranh cãi nảy lửa với nhau vì xung đột lợi ích. Nhưng quyết định cuối cùng cũng được đưa ra: tôi sẽ đá trận gặp Tây Ban Nha.

Tôi và Henke (Henrik Larsson) sẽ cùng xuất phát trên hàng công. Nhưng Tây Ban Nha quả thực quá mạnh và họ mau chóng có bàn tỷ số. Tôi và các đồng đội cố hết sức để mang trận đấu trở lại vạch xuất phát. Nhận một đường chuyền dài của Fredrik Stoor, tôi có cơ hội đối mặt với Iker Casillas trong vòng cấm. Đấy là một tình huống mà Marco van Basten đã nhiều lần đề cập và hướng dẫn tôi, là tình huống mà tôi được Capello cùng Galbiati tập luyện rất nhuyễn. Vậy mà tôi lại sút ra ngoài.

Không được thất vọng, tôi tự nói với bản thân mình. Gã hậu vệ trẻ từ Real Madrid Sergio Ramostheo tôi rất sát, nhưng tôi cũng cố mặc kệ. Không được đầu hàng. Thấy một khe hở nhỏ giữa Ramos và một hậu vệ khác, tôi sút ngay vào đó. 1-1. Nhưng chân tôi lại âm ỉ đau ngay sau pha cố gắng ấy, thuốc giảm đau hết tác dụng sớm vậy sao. Tôi biết mình khó lòng trụ lâu hơn nếu không tống thêm thuốc vào chân, thế là tôi đến nói với Lars Lagerback:

- Tôi đau chịu hết nổi.

- Ôi thôi, toi rồi.

- Tôi nghĩ chúng ta phải cùng nhau ra quyết định.

- OK.

- Giờ thì ông suy nghĩ xem điều gì quan trọng hơn: hiệp 2 trận này, hay trận gặp Nga?

- Nga. Chúng ta có cơ hội chiến thắng trước Nga cao hơn trận hôm nay.

Thế là Lagerback rút tôi ra nghỉ và tung Markus Roseberg vào sân trong hiệp 2. Mọi thứ diễn ra cũng đầy hứa hẹn. Tây Ban Nha tạo ra nhiều cơ hội, nhưng chúng tôi phòng ngự kiên cường và quyết giữ 1 điểm quý giá. Sự vắng mặt của tôi trên sân khiến thế trận bất lợi trông thấy, các đồng đội đã phải chạy nhiều hơn, chiến đấu cật lực hơn để bảo vệ khung thành.

Nhưng rồi một bất ngờ diễn ra trong những phút cuối. Rosenberg bị mất bóng ngay trên sân nhà, trong một tình huống phạm lỗi rõ ràng. Lagerback nhảy lên, la hét phẫn nộ. Khốn nạn tay trọng tài!

Các cầu thủ trên băng ghế dự bị cũng muốn phát điên lên với tình huống ấy. Họ la hét tức giận vì cho là trọng tài liên tục thổi ép mình. Nhưng trận đấu vẫn diễn ra. Joan Capdevila, người cướp quả bóng ấy, chuyền dài lên trên. Fredrik Stoor cố ngăn lại nhưng bất thành, anh ấy đã mệt nhoài. David Villa vượt qua anh ấy, vượt qua nốt Petter Hansson, rồi ghi bàn ấn định tỷ số 2-1. Tay trọng tài thổi còi dứt trận gần như ngay sau tình huống ấy. Một trận thua tàn nhẫn.

Tinh thần suy sụp, trận tiếp theo chúng tôi bị Nga tàn phá hoàn toàn. Tôi vào sân với cái chân đau và chứng kiến Nga vượt trội ở mọi phương diện. Thật thất vọng, Euro đã diễn ra tuyệt vời rồi kết thúc độc ác như thế này đây. Chúng tôi buồn bã trở về, cố nuốt trôi nỗi thất vọng cùng cực.

Vài ngày sau tôi nhận được tin quan trọng: Roberto Mancini đã bị sa thải. Người thay thế ông ta là Jose Mourinho. Tôi chưa từng gặp vị này trong đời. Nhưng ngay trong những lần tiếp xúc đầu tiên, tôi đã nhận ra ngay đấy là người mà tôi sẵn sàng bỏ mạng.

Kỳ 53: Cuộc gọi từ Mourinho


Người ta luôn nghĩ về Mourinho như một kẻ kiêu ngạo, luôn biến những cuộc họp báo của mình thành những show diễn. Ở đó, ông ta nói tất tần tật những gì mình nghĩ.

Đấy là những gì tôi nghe báo chí và mọi người kể lại. Còn bản thân tôi nghĩ cảm nhận Mourinho theo một cách khác. Tôi nghĩ ông ấy sẽ theo trường phái của Capello, tức biến đội bóng thành môi trường quân đội và bản thân mình là một nhà chỉ huy. Nếu vậy thì cũng tốt thôi, tôi thích phong cách của Capello mà.

Nhưng khi đã gặp gỡ Mourinho, tôi mới biết mình hoàn toàn sai lầm, sai lầm trên mọi phương diện. Mourinho là một người Bồ Đào Nha và ông ấy thích làm trung tâm của mọi thứ. Ông ấy thao túng các cầu thủ của mình theo cách mà không một HLV nào có được.

Mourinho đã học hỏi rất nhiều từ Bobby Robosn, một HLV giàu kinh nghiệm và từng làm HLV trưởng đội tuyển Anh. Khi Robson cầm quân cho Sporting Lisbon, ông ấy cần một phiên dịch và Mourinho được chọn. Mourinho tất nhiên rất giỏi về sinh ngữ, nhưng Robson mau chóng nhận ra là người trợ lý của mình còn có nhiều hiểu biết sâu rộng ở các lĩnh vực khác.

Mourinho là một người nhạy bén và vì thế dễ dàng thảo luận công việc. Một ngày nọ Robson yêu cầu vị trợ lý ngôn ngữ viết cho mình tài liệu trinh sát.

Tôi không biết Robson đã chờ đợi gì ở tập tài liệu ấy, một người phiên dịch thì có thể viết được những gì về đối thủ chứ? Nhưng chính Robson cũng không thể ngờ được, bản tài liệu mà Mourinho nộp cho ông có chất lượng hàng đầu.

Robson ngạc nhiên thích thú. Mourinho chưa từng chơi bóng ở trình độ cao nhất, nhưng những chất liệu mà ông ấy cung cấp trong tài liệu chinh sát còn quý giá hơn những người đã chơi bóng hàng chục năm.

"Chết tiệt thật, mình đã đánh giá người trợ lý này quá thấp," có lẽ Robson đã nghĩ thế vào thời điểm ấy. Từ đó, Robson đã tận tình hướng dẫn cho Mourinho và cũng tạo điều kiện để ông ấy tiếp xúc nhiều hơn với công việc huấn luyện, chứ không chỉ đơn thuần là trợ lý về ngôn ngữ nữa.

Khi Robson rời Sporting sang Barcelona, ông ấy cũng mang Mourinho theo. Trong khoảng thời gian này, Mourinho để tâm học hỏi mọi thứ có thể từ Robson, không chỉ về vấn đề kỹ chiến thuật mà còn là tâm lý nữa. Mourinho vẫn thường nói: "Khi đội nhà chiến thắng, HLV chỉ chiếm một phần công lao. Còn khi thất bại, họ là những túi phân không hơn không kém".

Cuối cùng thì Mourinho đã tạo dựng được sự nghiệp riêng và gây tiếng vang tại Porto. Khi được bổ nhiệm vào năm 2002, Mourinho hãy còn vô danh và vẫn bị mọi người gọi là "Người phiên dịch", nhưng sau đó Porto trở thành một đội bóng cực kỳ đáng xem.

Porto là một đội giàu truyền thống tại Bồ Đào Nha. Nhưng khi Mourinho đến, đội bóng chỉ vừa kết thúc mùa bóng trước ở giữa bảng xếp hạng. Chả ai nghĩ họ có thể vô địch ngay cả trong nước, chứ đừng nói gì đến Cúp châu Âu. Vậy mà Mourinho lại làm cho tất cả phải bất ngờ.

Ông lần lượt vượt qua những đối thủ bởi khả năng phân tích hết sức tài tình. Vô địch Cúp UEFA, rồi vô địch Champions League, Porto đã đường hoàng đối đầu vối những đội mạnh nhất châu Âu như Man United, hay Real Madrid.

Sau những chiến tích ấy, Mourinho đã trở thành HLV được săn đón nhất thế giới. Đấy là năm 2004, tỷ phú Roman Abramovich đã trải thảm mời Mourinho sang Chelsea. Đừng nghĩ là nước Anh chào đón Mourinho ngay từ đầu. Còn lâu, ông chỉ là một người Bồ Đào Nha và bị báo chí Anh coi là người ngoài, một người ngoại quốc.

Khi bị báo chí Anh căn vặn, Mourinho đã nói: "Tôi không phải là một gã vô danh. Tôi đã vô địch Champions League cùng Porto. Tôi là người đặc biệt".

Và từ ấy, biệt danh "Người đặc biệt" đã đi liền với ông ấy. Đầu tiên, truyền thông Anh đã dùng biệt danh ấy với một sự chế nhạo nhiều hơn là kính trọng. Nhưng Mourinho không màng những điều ấy. Ông ấy luôn nói những lời tự tin đến mức kiêu ngạo. Đấy là bởi vì Mourinho hiểu rõ giá trị của mình.

Khi Arsene Wenger liên tục công kích Chelsea, Mourinho bảo HLV của Arsenal giống như một kẻ ngồi ở nhà mình nhưng suốt ngày lấy ống dòm chĩa sang nhà hàng xóm. Mourinho luôn tạo ra một bầu không khí đầy khiêu khích.

Mourinho rất giỏi võ mồm, nhưng đấy không phải là thứ duy nhất mà ông giỏi. Trước khi Mourinho đến, Chelsea đã không thể vô địch vô địch quốc gia trong suốt 50 năm. Từ khi ông ấy xuất hiện, Chelsea 2 năm liền đứng ở vị trí cao nhất.

Bây giờ khi dùng đến biệt danh "Người đặc biệt", báo chí Anh đã lồng vào đấy một sự tôn trọng, thậm chí là quý mến. Và bây giờ Mourinho sẽ là HLV của chúng tôi. Tôi đã thật sự hồi hộp khi JoseMourinho chủ động bắt liên lạc với tôi ngay khi tôi đang dự Euro cùng đội tuyển Thụy Điển.

Kỳ 54: Tuân phục "Người đặc biệt"


Mourinho chưa từng cầm quân tại Italia lần nào trong khi tôi đã nhẵn mặt tại các sân cỏ Italia. Vậy mà tiếng Ý của ông ấy vẫn hơn tôi rất, rất xa. Chả ai biết là Mourinho đã học tiếng Ý bao giờ. Có người nói là ông ấy chỉ tốn có 3 tuần là đã có thể giao tiếp trôi chảy. Thông minh kinh khủng.

Vì biết tôi không hiểu tiếng Ý, Mourinho chuyển sang nói tiếng Anh. Và tôi mau chóng nhận ra: ông ấy quan tâm đến mình. Mourinho đặt nhiều câu hỏi. Sau trận đấu với Tây Ban Nha, Mourinho bắt đầu nhắn tin. Điện thoại của tôi lúc nào cũng có nhiều SMS, nhưng tôi không bao giờ nghĩ có ngày mình sẽ nhận được tin nhắn từ Mourinho.

"Chơi tốt lắm", ông ấy nhắn như thế và cho một số lời khuyên. Tôi đã... nhảy lên khi đọc tin nhắn này. Tin nhắn từ một vị HLV trưởng, khi tôi đang chơi cho đội tuyển, tức là không liên quan gì đến công việc của ông ấy. Thật không thể tin tượng. Và Mourinho nhắn tin như vậy rất thường xuyên. Wow, thì ra là ông ấy đang dõi theo mình. Hóa ra Mourinho không hề cứng rắn như mình vẫn nghĩ.

Tất nhiên tôi hiểu rõ dụng ý khi Mourinho nhắn tin. Ông ấy muốn kích thích tôi, tạo mối gần gũi, gây dụng lòng trung thành. Nhưng sao cũng được, tôi thích vị HLV này.

Chúng tôi nhanh chóng hiểu nhau. Mourinho là người làm việc rất cật lực, có thể nói là gấp đôi tất cả mọi người. Xem bóng đá cả ngày lẫn đêm, trong đầu của Mourinho bao giờ cũng là những phân tích thật chi ly.

Tôi chưa từng gặp một HLV nào có kiến thức khủng khiếp về đối thủ như ông ấy. Không phải đơn giản là đội này sẽ đá thế này, dùng chiến thuật kia, phải coi chừng cầu thủ A, kèm chặt cầu thủ B. Mourinho biết mọi thứ, mọi chi tiết dù là nhỏ nhất. Ông ấy có thể nói cho bạn biết cỡ giày của thủ môn số 3 bên đội đối phương.

Mourinho có bề ngoài thanh lịch, nhưng ông ấy không cao và có bờ vai nhỏ. Khi bước đến sân tập, trong Mourinho càng nhỏ bé khi đứng cùng các cầu thủ. Nhưng cái uy toát ra thì khó ai bì kịp. Chỉ cần Mourinho đứng đó, thấp hơn mọi người một cái đầu, mọi người sẽ tự động đứng im vào hàng mà nghe ông nói.

Mourinho không bao giờ cần phải cao giọng, ông cứ nói đều đều là tự cầu thủ phải dụng công lắng nghe. Không phải cầu thủ sợ Mourinho, ông ấy là một phong cách hoàn toàn khác với Capello. Mọi người không sợ mà nể, mà quý như một người thân. Mà Mourinho thân thật, ông ấy biết rõ cuộc sống cá nhân của cầu thủ, vợ và con của họ.

Mourinho chuẩn bị cho cầu thủ mọi thứ có thể trước trận đầu, từ chiến thuật cho đến tâm lý. Ông ấy cho mọi người xem lại băng ghi hình và nói: "Xem này, quá tệ. Tôi không nhận ra mọi người trong đoạn băng này nữa. Đây là anh em của các cậu đá phải không? Chứ các cậu thì phải hay hơn thế nhiều".

Nói thế thôi là tự chúng tôi sẽ cảm thấy xấu hổ, không cần phải lên gân. "Hãy ra sân nào," Mourinho lại nói: "Bước ra đó như những con sư tử đói, như những chiến binh".

Mourinho luôn cống hiến những gì tốt nhất cho đội bóng của mình. Mọi người thấy điều đó và tự họ cũng muốn dốc hết toàn bộ sức lực của mình. Mourinho là người duy nhất chê bai mà khiến tôi không cảm thấy tức giận, khó chịu mà chỉ có một cảm giác xấu hổ. "Hôm nay cậu là một con số 0, Zlatan ạ", Mourinho nói thế và tôi cảm thấy mình còn tệ hơn cả số 0.

Tôi còn nhớ một trận đấu với Atalanta. Một ngày sau đó tôi sẽ đến gala để nhận cú đúp giải thưởng "cầu thủ nước ngoài hay nhất" và "cầu thủ hay nhất" Serie A trong mùa. Nhưng kết thúc hiệp 1 chúng tôi đang bị dẫn 0-2 và Mourinho đã đến và nói:

- Nghe bảo ngày mai cậu đi nhận giải hả?

- Vâng.

- Thế đã biết phát biểu gì chưa?

- Chưa. Thế nói sao ạ?

- Nói thế này: "Tôi xấu hổ quá, chắc tôi độn thổ chứ không dám nhận danh hiệu này". Tôi nghĩ cậu nên mang giải thưởng ấy mà về tặng mẹ mình, mẹ cậu đá bóng chắc còn hay hơn cậu.

Nghe những lời này, tôi chỉ muốn chứng tỏ cho Mourinho thấy tôi là xứng đáng với danh hiệu như thế nào, kể cả phải đổ máu. Mourinho là chuyên gia kích thích đội bóng, luôn giúp cho mọi người chơi tốt hơn khả năng thực sự của họ.

Chỉ có một điều duy nhất ở Mourinho khiến tôi cảm thấy phiền lòng: ông ấy không bao giờ bộc lộ sự vui mừng trên gương mặt. Không cười, không phấn khích. Đội nhà ghi bàn mà ông ấy vẫn có thể thản nhiên như không. Tôi đã thực hiện biết bao nhiêu pha bóng đẹp, Mourinho vẫn cứ hờ hững như nhìn vào màn mưa.

Có một lần tôi thực hiện một cú giật gót khi bóng ở tầm cao, y hệt một động tác karate, đưa bóng vào góc cao. Sau đó bàn này được chọn là pha ghi bàn đẹp nhất trong toàn bộ mùa bóng. Mọi người đều vỗ tay, kể cả CĐV đối phương, kể cả Moratti trên băng ghế danh dự. Nhưng Mourinho vẫn đứng im, bỏ tay vào túi và mặt lạnh băng.

Tôi mang chuyện này đến hỏi

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net