#1.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi là giáo viên dạy môn Ngữ văn trong một ngôi trường Trung học trong thành phố Đà Nẵng. Tôi yêu quân nhân, yêu theo kiểu biết ơn. Mỗi lần dạy bài có liên quan đến người lính, trong tôi liền trào dâng một cảm xúc không thể nói bằng lời. Bài giảng của tôi hôm đó chắc chắn sẽ rất trôi chảy, rất cảm xúc.

Tôi nghĩ, đó là một bản năng. Ít nhất là đối với tôi.

Một ngày nọ, tôi nghe đám nữ sinh trong lớp đang tới tiết Văn của tôi bàn tán, xì xầm với nhau về một anh Đại úy đẹp trai nào đó với một cô Bác sĩ xinh gái nào đó, về vấn đề họ có đến được với nhau hay không. Quan trọng hơn là, Đại úy có chết hay không. (?)

Mặc dù chỉ là trên phim, nhưng nhìn vẻ mặt bọn con gái đang đau khổ, đang lo sợ cho số phận chàng trai mang lý tưởng cao cả (theo tôi, quan trọng nhất vẫn là đẹp), tôi cũng thấy nao nao.

Buổi chiều sau khi hết tiết, tôi về nhà. Ngay tối hôm đó, tôi dành thời gian tìm hiểu về "Hậu duệ mặt trời".

Trên mạng xã hội là vô số những hình ảnh, những đoạn phim ngắn được cắt ra rồi chia sẻ tràn lan với những dòng trạng thái bày tỏ tình cảm, mắt nở hoa tim,...

Tôi lật đật tìm phim để xem, khi đó chỉ còn một tập nữa thôi là bộ phim sẽ kết thúc. Tôi không muốn chứng tỏ mình là một con mọt phim, nhưng kỳ thực, cho đến sáng hôm sau, tôi đã xem xong một nửa, rồi ngay trong chiều hôm đó, tôi hoàn tất mười lăm tập phim.

Tôi đã khóc, đã cười với nhân vật, và vỡ òa khi biết chàng Đại úy còn sống nhờ những cái máy thông tin nhanh nhạy từ đám nữ sinh mơ mộng.

Mỗi lần bọn con gái tranh thủ thời gian tôi viết bài trên bảng để tiếp tục luận về chủ đề nóng, chỉ cần là về chàng Đại úy và nàng Bác sĩ là tôi chẳng lên tiếng can gián một lời. Đôi khi còn lén lút cười mỉm nữa.

Không phải tôi dung túng cho hành vi lơ đãng của chúng, nhưng tôi không nghĩ đó là một việc xấu có ảnh hưởng nhiều mà còn là một việc tốt. Bởi vì chúng đang bàn về một hình ảnh đẹp. Hình ảnh mà chỉ cần gọi tên thôi là tôi đã thấy đẹp rồi – Quân nhân.

Rồi cũng có ngày tôi bị bọn trẻ phát hiện thái độ của tôi đối với "Hậu duệ mặt trời":

- "Cô, cô cũng coi phim ạ?"

Tôi giật thót khi biết có người đã nắm được tóc tôi để giật một cái thật mạnh. Tôi cố tình làm lơ và nói lảng sang vấn đề khác:

- "Chúng ta vào bài học."

Cả lớp cười ồ lên trong khi tôi cũng biết mình đang ngượng chín cả mặt rồi. Lòng tôi tự bào chữa cho chính mình: "Cô còn trẻ, cũng còn thích mơ mộng mà". Quả thật, hai mươi bảy có thể với mọi người, tôi không còn trẻ trung gì nữa, nhưng đối với tôi mà nói, hai mươi bảy vẫn còn trẻ chán.

Buổi chiều sau khi tan làm, tôi đi bộ về nhà. Trường và nhà tôi cách nhau không xa, hàng ngày tôi vẫn luôn đi bộ như thế, trong tà áo dài, để hít gió biển, ngắm màu trời Đà Nẵng đẹp đến mê người. Ráng chiều rực rỡ ở phía chân trời, tôi nổi hứng muốn đi ra biển một chuyến.

Bãi biển Mỹ Khê xanh mướt, đẹp đẽ. Cọng chun buộc tóc của tôi đột ngột bị đứt làm mái tóc hỗn loạn xõa xuống ngang hai bên vai, gió làm chúng lay động không ngừng, một vài cọng cứ liên tục vướng lên mắt, lên môi miệng khiến tôi bất giác nở một nụ cười. Gió giúp tôi thả hồn mình lên trên mặt biển, tiếng sóng vỗ rì rào mang phiền muộn của tôi đi xa. Bãi cát trắng mịn dưới ráng chiều như được phủ một lớp bụi vàng vậy, cùng với mặt biển sóng sánh những tia lấp lánh tạo thành một khung cảnh diễm lệ. Cát nâng bước chân tôi cùng tà áo dài tím thướt tha di chuyển. Đà Nẵng hôm nay đẹp đến lạ!

Bỗng tôi nghe tiếng la í ới ở phía xa bờ, có cánh tay đang ngụp lặn dưới làn nước dập dờn. Là một cậu bé. Tôi hoảng loạn ra sức gọi người kêu cứu. Tôi muốn cứu đứa bé, nhưng bản thân lại không biết bơi. Bãi biển thì vắng mà người dân thì còn ở xa quá, tôi theo bản năng vội vứt túi xách, cởi giày cao gót bước xuống biển, cứ nghĩ rằng được bước nào hay bước đó, còn hơn là đứng ngó không làm gì.

Nhưng tôi đã sai, nước xăm xắp vài ngụm tràn cả vào miệng tôi rồi nhưng khoảng cách với đứa bé vẫn còn xa quá. Tôi sợ hãi chùn chân không thể bước tiếp nữa, nào ngờ có một người con trai vượt lên trên tôi mà lặn xuống, một lúc đã có thể bế chặt đứa bé tiến vào bờ.

Tôi thở phào rồi cũng vào bờ ngay sau đó. Người tôi cũng giống như cậu bé bị nạn này vậy, ướp nhẹp. Người dân lúc này đã đến rất đông, họ mang khăn đến để giúp đỡ, thằng bé đã ngất rồi. Người con trai kia rất bình tĩnh tiến hành từng bước sơ cứu rất chuyên nghiệp, cũng chỉ trong một lúc thôi, thằng bé đã sặc nước mà tỉnh dậy.

Tôi tá hỏa khi nhận ra thằng bé là con trai của một người đồng nghiệp của tôi. Nó tên Tùng con chị Trúc, tổ trưởng chuyên môn tổ Văn. Nhà Tùng ngay sát biển luôn nên chuyện cậu nhóc thường xuyên ra biển bơi cũng là chuyện bình thường. Gia đình chị Trúc cũng khá giả lắm nhưng không biết sao thằng bé lại cứ ốm tong ốm teo, nhưng được cái khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Tôi thụp xuống cạnh thằng bé, nó tròn mắt nhìn thấy tôi rồi vươn tay về phía tôi:

- "Cô Ngà..."

Mọi người xung quanh vỗ tay, reo hò vui vẻ, họ không ngớt lời khen ngợi người con trai kia. Sau đó hình như tôi nghe được tiếng ai đó khẽ nói bên tai:

- "Không biết bơi thì đừng xuống nước, không trông được trẻ thì đừng dẫn nó đi lung tung."

Tôi nhăn mặt vội quay mặt đi tìm, chỉ thấy bóng lưng người nào đó một mạch đi thẳng, kéo theo vô số người dân sau đó cũng bỏ đi theo. Gió thổi một hơi dài ép nước thấm vào da thịt, tôi giật mình quay lại nhìn Tùng. Thằng bé biết bơi mà, lại còn bơi giỏi, mười bốn tuổi đã đạt giải cao tại Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố ở môn bơi tự do, lý nào lại xảy ra chuyện này?

Tôi choàng khăn cho Tùng, hỏi:

- "Có sao không, con?"

Tùng lắc đầu.

- "Ba mẹ con đâu, sao con ở ngoài này một mình?"

Bây giờ tôi mới phát hiện nét mặt Tùng buồn buồn.

- "Sao vậy, con?"

Tôi lo lắng hỏi, quên mất việc phải đưa Tùng về nhà phòng cảm lạnh. Áo dài tôi bị ướt dính sát vào người rất khó chịu, may mà loại vải này không quá mỏng, nếu không sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh.

- "Cô đưa con về nhà."

Tôi đỡ Tùng đứng dậy, kéo thẳng bé sát vào người tôi cho ấm. Nó mới bị nạn, người run run, mặt mày tái mét, tôi sốt ruột, chẳng muốn gạn hỏi chi nữa hết.

Nói là sát biển, nhưng nhà Tùng phải băng qua vườn phi lao cao vun vút mới tới. Tùng bất chợt khựng lại, quay đầu nói với tôi:

- "Con không sao, cô Ngà về mau đi kẻo ốm. Ba mẹ con còn chưa về..."

Thằng bé nói xong thì quay vô nhà, bình thường hoạt bát lắm, hôm nay tự dưng lại hiu hiu buồn. Tôi đột nhiên thấy lạnh, vội đi nhanh về nhà. Chiều hôm đó, tôi chính thức bị cảm.

Mũi cứ sụt sịt như khóc, hắt xì liên tục, giọng nói cũng bị biến đổi theo luôn. Sợ ngày mai không thể giảng bài, tôi lật đật gọi về cho mẹ. Tôi không phải là người gốc Đà Nẵng, nhà tôi ở Khánh Hòa, tốt nghiệp xong thì chuyển ra đây công tác. Ba mẹ tôi làm kinh doanh, công việc cũng cho thu nhập kha khá, tôi ra Đà Nẵng đã có thể có được nhà riêng. Lúc quyết định không công tác gần nhà, ba mẹ tôi không hoàn toàn đồng ý. Nhưng họ tôn trọng tôi và xem đó là một cách yêu thương. Ba mẹ ngay lập tức liên hệ tìm mua nhà cho tôi thuận tiện, trước khi tôi kịp mở miệng phản đối thì ba tôi đã phẩy tay:

- "Chỉ cho mi nhà thôi, tiền nong thì tự mà lo lấy."

Tôi cười híp mắt luôn. Nhìn ba khô khan vậy thôi chứ hiểu con gái ra phết.

Tiếng mẹ từ đầu dây bên kia trầm trầm, lặng lặng. Tôi cũng không rõ bà đang có cảm xúc gì, nó không vui mừng, hớn hở nhưng rõ ràng là có chút chờ đợi:

- "Có rồi hả, con?"

Tôi vừa nghe chỉ có thể cúi đầu, gãi trán, tôi trả lời mẹ bằng cái giọng nghèn nghẹt:

- "Có chi mẹ hè?"

- "Rứa không phải báo tin lấy chồng hả, con?"

Tôi phì cười. Hồi hè tôi có về thăm, vừa vào đến cổng đã nghe tiếng mẹ vọng ra:

- "Rể mẹ có đó không?"

Tôi ngẩn tò te ra đó, mãi đến khi thấy mẹ ra đón tôi mới dám hỏi nhỏ:

- "Chi rứa mẹ hè?"

Em trai tôi đứng trên thềm nhà dựa cột lém lỉnh đáp thay:

- "Mẹ chị thèm rể hơn thèm dâu rồi."

Tôi lườm nó. Hăm lăm tuổi đầu rồi, cũng đã làm được chức Giám đốc công ty gia đình mà ăn nói vẫn không thể đứng đắn hơn một chút. Liệu nó có quên chị gái nó là giáo viên, còn là giáo viên dạy Văn không? Ba mẹ tôi thì tâm lý, rất tôn trọng quyết định của con cái, xét cho cùng cũng chỉ có thể góp ý đôi lời, chẳng thể xen vào được gì. May sao, thằng Bảo (em tôi) nó lại thích làm kinh tế, cũng coi như ba mẹ tôi còn niềm an ủi khi nói không nổi cái đầu cứng như tôi.

Tôi trả lời mẹ:

- "Con bị cảm rồi. Nấu nước uống sao hả mẹ?"

Tôi có thể nghe thấy tiếng bà thở dài thườn thượt bên kia điện thoại, trong lòng không khỏi buồn cười. Tôi chẳng xem chuyện gia đình hối thúc lấy chồng, lấy vợ là áp lực, chỉ là một sự mong mỏi con cái được yên bề gia thất, an cư lạc nghiệp, có lo mới có nói.

- "Trà, gừng, đường, mật mỗi thứ một ít, nấu nước sôi đổ vô rồi uống."

Bà nói hết một hơi thì dập máy luôn. Tôi vừa giật mình, vừa phì cười thành tiếng, vẫn cảm thấy sự ấm áp, vui vẻ lạ thường. Hai giây sau, mẹ tôi gọi lại:

- "Ăn uống cẩn thận, giữ gìn sức khỏe, rứa mà để đau bệnh như ri là chết nghe con!"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net