10

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bên ngoài phòng học cấp ba của tôi trồng một hàng cây, cụ thể là những cây gì tôi cũng không rõ, trong đó có một cây bốn mùa xanh lá, lá to như lá sen. Năm tôi lớp mười nó mới chỉ cao nửa mét, đứng ở cửa sổ nhìn xuống chỉ như một thảm cỏ xanh um tùm. Ba năm cấp ba nó cùng  tâm tình thiếu niên điên cuồng sinh trưởng, khi tôi tốt nghiệp nó đã che khuất phân nửa cửa sổ, cao vút như một chiếc ô khổng lồ.

Năm chúng tôi lên lớp mười, Chu Chí Hâm và Triệu Quán Vũ lớp mười hai, Chu Chí Hâm ra một quyết định kinh thiên động địa, anh ấy muốn học nghệ thuật, học diễn xuất. Kinh thiên động địa bởi vì khu tập thể của chúng tôi toàn là những con người bình thường theo khuôn phép cũ, coi học văn hóa là con đường tất phải đi. Thành tích tốt thì thi 211985*, thành tích không tốt cũng phải học một trường đại học chính quy nào đó, có tí tiền thì ra nước ngoài du học, đi Mỹ, đi Anh, học xong rồi tìm một công việc liên quan đến chuyên ngành, nào là khoa học máy tính, nào là tài chính, dùng một khuôn mẫu đúc ra những cuộc đời khác nhau. Có học nghệ thuật thì cũng không nằm ngoài âm nhạc hay mỹ thuật, cái từ "diễn xuất" này hão huyền tựa lớp người mẫu nhí hồi nhỏ tôi tham gia. Về sau nghĩ lại thì lựa chọn này của Chu Chí Hâm tuy hiếm gặp nhưng chắc hẳn cũng đã trải qua cân nhắc kỹ càng. Anh ấy đẹp trai, lúc học cấp ba chơi bóng rổ thôi cũng có thể nhận được nước khoáng và socola chất thành đống, làm người dẫn chương trình cho trường suốt ba năm. Nếu như mọi việc thuận lợi, anh ấy không hẳn là không có khả năng trở thành diễn viên.

(*) 985 và 211 hiểu nôm na là hai dự án tập trung phát triển các trường đại học hàng đầu của Trung Quốc.

Năm tôi lớp mười là 2013, điện thoại vẫn còn chưa phổ biến tràn lan khắp mọi nơi như bây giờ. Tôi phải tải tiểu thuyết về MP3, dùng cái màn hình bé tí đấy để đọc Ma thổi đèn, Đạo mộ bút ký, sợ đến mức tiết tự học buổi tối không dám đi vệ sinh, về nhà ngủ càng không dám tắt đèn, hễ nhắm mắt là cảm thấy Cấm Bà* vây quanh người. Thế là tôi lại mất hết mặt mũi đòi ngủ cùng bố mẹ, đầu căng như dây đàn, thức đến tận khi trời sáng. Ngày hôm sau tôi vác theo quầng thâm mắt to đùng đến lớp, mạnh miệng cãi Trương Trạch Vũ không phải là do đọc tiểu thuyết sợ đến mất ngủ. Nhưng Trương Trạch Vũ không nghe tôi giải thích, chỉ vào mặt tôi cười phá lên. Tôi thẹn quá hóa giận lấy sách đánh cậu ấy bôm bốp.

(*) Một loại quỷ hay yêu gì đó (hình như trước mình đọc Đạo mộ bút ký có nhắc đến nhưng chục năm rồi mình không nhớ rõ nữa, cũng không dám google search vì sợ hiện ra hình ảnh TT)

Học kỳ đầu lớp mười, trường tôi làm căng vụ bắt quả tang yêu sớm. Thầy phụ trách từ sáng đến tối đi vòng quanh trường, nhìn thấy đôi nam nữ nào đi cùng nhau là bắt đầu đánh hơi, tinh thần phòng trừ nam nữ yêu đương còn cao hơn tường thành. Tầng hai tòa dạy học của chúng tôi có một cái hành lang, phong cảnh đẹp tầm nhìn tốt, bởi vì hay có các cặp đôi lén lút hẹn hò ở đó nên chúng tôi gọi đùa là cầu Ô Thước. Cây cầu Ô Thước này trở thành cứ điểm săn bắt của thầy phụ trách, ba ngày hai bận có các cặp đôi mặt xám xịt đứng nghe thầy giáo huấn.

Những điều này vốn dĩ chẳng liên quan gì đến chúng tôi. Lớp bên cạnh có một cậu bạn tên Tiết Vũ, Vũ trong Lam Vũ*. Cậu ấy dáng người cao gầy, trắng trẻo, nhã nhặn lịch sự nhưng hay mắc cỡ, thích chơi bóng rổ. Tôi, Tô Tân Hạo và Trương Tuấn Hào đều thích bóng rổ, lên cấp ba càng như cá gặp nước, phần lớn giờ giải lao chúng tôi đều đóng quân ở sân bóng rổ, thường xuyên lui tới nên cũng có quen biết. Cậu ấy là đại diện môn Ngữ Văn của lớp, có tài, văn của cậu ấy thường được in trên loại giấy thô ráp của trường phát cho chúng tôi làm mẫu. Văn cậu ấy tĩnh mịch mà sâu xa, tự tạo thành một thế giới nhỏ, là đáy hồ chúng tôi không bao giờ chạm tới được. Chủ nhiệm lớp cậu ấy là một cô giáo đã ngoài năm mươi, cổ quái bảo thủ. Ngay lúc thầy phụ trách đang ráo riết bắt yêu sớm, cuốn nhật ký của cậu ấy bị cô chủ nhiệm nhặt được trong lúc tổng vệ sinh. Dư luận tựa một cơn bão lớn ập tới, chốc lát gần như toàn bộ học sinh đều biết câu chuyện "kinh hãi thế tục" của cậu ấy. Chúng tôi đương nhiên cũng biết, nhiều hơn ngạc nhiên là căm phẫn, cảm thấy cho dù là loại tình cảm nào cũng không nên bị phê phán, xử phạt. Cậu ấy vốn dĩ được rất nhiều người yêu mến, sau khi chuyện đó xảy ra thì biến thành độc lai độc vãng. Mỗi lần lên lớp hay tan học, tôi và Trương Trạch Vũ đều nhìn thấy bóng lưng cô độc của cậu ấy, cảm thấy bức bối trong lòng. Chỉ cần gặp cậu ấy chúng tôi nhất định sẽ gọi cậu ấy đi cùng, nhưng cậu ấy chỉ cười, nói với chúng tôi, bọn mình không chung đường.

Bọn mình không chung đường, quả là lời khuyên đau thương. Nhưng cậu ấy không biết, trong thể xác trông có vẻ khác nhau của chúng tôi, kỳ thực ẩn giấu linh hồn tương tự.

(*) Lam Vũ là một bộ phim Hồng Kông năm 2001 về đề tài đồng tính đạo diễn bởi Quan Cẩm Bằng. Bộ phim dựa trên tác phẩm văn học mạng nổi tiếng Câu chuyện Bắc Kinh. (Nguồn: Wikipedia)

Khi ấy gần như là khoảng thời gian chúng tôi tiến gần đến với Utopia nhất, tiến gần đến sự tự do nhưng vẫn có những lý do để tận hưởng đặc quyền của trẻ con. Chúng tôi đặt cho thầy chủ nhiệm nhỏ người, còn trẻ nhưng đã hói đầu biệt danh khoai sọ nhỏ, gọi cô giáo Vật lý tao nhã dịu dàng là mẹ Hoàng. Thầy dạy tiếng Anh trước khai giảng mấy hôm ngã gãy chân phải nghỉ ở nhà dưỡng thương, không khỏi làm chúng tôi nhớ đến thầy giáo tiếng Anh hồi cấp hai cũng từng ngã gãy chân như vậy. Trương Trạch Vũ nói, có lẽ làm giáo viên tiếng Anh của chúng tôi buộc phải trải qua kiếp nạn này.

Tôi, Trương Tuấn Hào, Tô Tân Hạo và Trương Trạch Vũ vẫn tiếp tục học cùng lớp số 2, Trần Thiên Nhuận học lớp thực nghiệm số 36. Trường học còn dành riêng tầng cao nhất cho lớp cậu ấy dùng, thỉnh thoảng lên tìm cậu ấy tôi đều cảm thấy hơi thở của các học bá nồng đến mức nổi hết da gà, từ trên đó nhìn xuống cảm giác có hơi đáng sợ. Trương Trạch Vũ nói nhảm, bảo trường làm như vậy là muốn để các học sinh mũi nhọn trải nghiệm cảm giác "cao xứ bất thắng hàn" (người ở vị trí cao không tránh khỏi cô đơn). Mặc dù tôi cảm thấy lời cậu ấy không đáng tin lắm nhưng cũng có vài phần đạo lý. Khu nhà dạy học của chúng tôi mỗi khối một tòa, hình chữ Hồi (回), bốn tầng. Chúng tôi ở phía đầu dãy A, Trần Thiên Nhuận ở nơi cao nhất dãy B, một đầu một đuôi. Như con rắn tham ăn không gặm nổi đuôi mình, vĩnh viễn không tạo đươc thành một vòng tròn khép kín, cuộc đời của chúng tôi cũng như thế, cho dù có quay vòng thế nào, cũng không thể quay trở về điểm xuất phát.

Mùa đông năm ấy trôi qua thật yên bình, thời gian như miếng củ cải ngâm mình trong nồi Oden, thấm đẫm nước canh ấm nóng. Ngày tháng cứ như một chiếc bánh xe khổng lồ, vững vàng tiến về phía trước. Từ áo nỉ mỏng chuyển sang áo len dày cộp, cuối cùng phải mặc thêm một lớp áo giữ nhiệt nữa mới gắng gượng chống chọi lại được cái lạnh của mùa đông. Thời gian đảo quanh từ thứ hai đến thứ sáu, như vòng tròn loading của điện thoại, mãi không chạm được đuôi mình. Cũng giống bao học sinh cấp ba khác, chúng tôi lén đặt biệt danh cho giáo viên, tan học là xông đến nhà ăn, nắm rõ mì ở nhà ăn nào ngon, cháo yến mạch ở nhà ăn nào thơm, thử hết các cửa tiệm đối diện trường, Malatang, Maocai rồi canh thịt bò. Lớp mười hai bận đến nỗi chân không chạm đất, học bổ túc, học thêm, thời gian ngắn ngủi trước giờ tự học buổi tối cũng được dùng để luyện nghe. Triệu Quán Vũ và Chu Chí Hâm dành ra chút thời gian đi ăn với chúng tôi. Tiệm Maocai rất đông, chúng tôi bèn cử Trương Tuấn Hào chuồn đi chiếm chỗ trước, tôi giúp cậu ấy che chắn, cậu ấy gọi món xong thì đợi chúng tôi đến. Đây là khoảng thời gian cuối cùng Triệu Quán Vũ và Chu Chí Hâm còn ở với chúng tôi, ai cũng cảm thấy quyến luyến không nỡ. Gọi là cuối cùng bởi vì trong suy nghĩ của chúng tôi, mười tám tuổi là cửa ải lớn nhất của đời người, hai anh ấy sắp phải đi, còn chúng tôi vẫn ở chốn cũ.

Cấp ba của tôi kỳ thực không quá hà khắc, không có mạng mẽo ăn mòn, tự tạo cho mình một thế giới nhỏ. Mỗi sáng tôi vội vội vàng vàng để kịp tiết tự học sáng lúc 7h10', trên bàn ra vẻ bày đầy sách vở, bên trên còn để thêm túi bút, chúng tôi thì trốn phía sau lén ăn sáng, có lúc không may bị khoai sọ nhỏ phát hiện xử ngay tại chỗ, chỉ đành chịu phạt đứng dựa tường ở hành lang. Chạy thể dục cũng không bị quản chặt, uể oải chạy, chúng tôi toàn lén chuồn đi nhà ăn mua đùi gà rán, 5 tệ một cái, ngày nào cũng phải mua ăn cho đỡ thèm. Buổi trưa lại lê bước chân về nhà ăn cơm trưa, ngủ một giấc dậy rồi loạng choạng đến trường, trên đường đi Trương Trạch Vũ chẳng nói năng gì, lờ đờ như còn đang trong mộng. Trước tiết tự học tối chúng tôi lại đi bộ đi ăn tối, mấy hàng Malatang ở đối diện trường cạnh tranh gay gắt, nam sinh tuổi ấy sức ăn lớn, một bữa Malatang ăn hết hai mươi mấy tệ, ăn xong lại về trường chơi bóng rổ, nắng chiều đúng lúc ấy buông xuống, như người mẹ hiền từ ôm lấy sân bóng rổ vào lòng. Chơi bóng xong chúng tôi mồ hôi nhễ nhại quay về lớp học, lúc này trời thường là đã tối rồi. Tự học buổi tối đến tận mười giờ, học được một nửa tôi đã đói muốn chết, nhe răng trợn mắt dùng khẩu hình nói với Trương Trạch Vũ, "Tớ đói quá". Trương Trạch Vũ không chút khách khí nhìn tôi khinh bỉ, vứt cho tôi một gói đồ ăn vặt, dùng khẩu hình đáp lại, "Cậu ăn chết luôn đi". Tôi hết sức đắc ý, tâm tình lúc ấy chắc là giống với học sinh tiểu học kéo bím tóc trêu bạn gái mình thích. Dù sao học sinh cấp ba Trương Cực khi ấy vóc dáng cao lớn nhưng tâm trí vẫn chưa hoàn toàn trưởng thành, hay thích trêu Trương Trạch Vũ, kéo ghế cậu ấy, xoa đầu cậu ấy, viết vào giấy nháp của cậu ấy, "Trương Trạch Vũ là đồ ngốc". Trương Trạch Vũ cũng mặc tôi, cùng lắm là mắng tôi vài câu, "Trương Cực cậu bị điên à". Bây giờ nghĩ lại, sự khoan dung của cậu ấy chẳng phải cũng là một loại hồi đáp sao. Chỉ là cậu ấy luôn như vậy, dưới sự hào phóng luôn có vài phần bao dung và ấm áp, thế nên tôi luôn xem nhẹ, khi chú ý đến thì chỉ còn có thể cảm thán trong hồi ức.

Nếu như lấy điện ảnh hình dung nhân sinh thì cấp ba của tôi là một thước phim montage* quay chậm. Bất chợt có vài ngày buồn bực đau khổ vì chuyện học hành, tự cảm thấy trời đất sắp sụp đến nơi, nhưng thực tế ngày hôm sau đã lập tức vui vẻ trở lại. Bây giờ ngẫm lại, đó dường như là khoảng thời gian ấm áp và hạnh phúc nhất trong ký ức, nhất là khi tôi quay người sang là có thể chạm phải ánh mắt Trương Trạch Vũ, nhấc chân lên là có thể đạp sang ghế Trương Tuấn Hào. Cấp ba chúng tôi ngồi ba người một bàn, Trương Trạch Vũ ở giữa, Trương Tuấn Hào ngồi bên còn lại, Tô Tân Hạo chịu khó nhất, thành tích cũng tốt nhất, ngồi cách xa chúng tôi ở hàng ba ngay giữa lớp. Trương Tuấn Hào ăn không nói có, viết một tấm biển "Ba chú cún nhà họ Trương" đặt trên chồng sách, Trương Trạch Vũ mắng cậu ấy biến đi, muốn làm cún đi mà làm một mình. Trương Tuấn Hào khịt mũi rồi mếu máo với chúng tôi, mặt tỏ vẻ các cậu chẳng hiểu gì cả, kiên quyết đặt tấm biển lên cao hơn. Cậu trai bàn trên rất giỏi tán phét, đeo một chiếc kính gọng đen, có điệu bộ của đàn ông trung nên nơi làng quê, tên cũng rất đặc biệt, Bành Phú Cường, biệt danh là cụ ông. Trương Tuấn Hào thuận miệng trêu cậu ấy, gọi cậu ấy là rich and power. Tự học buổi tối chỉ cần không có giáo viên, cậu ấy sẽ quay xuống nước miếng văng tứ tung kể với chúng tôi về tình hình kinh tế, chính trị các nước trên thế giới. Chúng tôi đều nói cậu ấy là nhân tài hiếm có của ban xã hội. Đáng tiếc là vị nhân tài xuất chúng ban xã hội này cuối cùng cũng không học xã hội mà lại khổ sở vật lộn ở ban tự nhiên.

(*) Montage là một kỹ thuật dựng phim, bao gồm chuỗi các shot ngắn được kết hợp vào một cảnh (sequence), thường được phổ nhạc. Montage là từ tiếng Pháp, có nghĩa là "tập hợp" hoặc "biên tập". Các cảnh montage thường ngụ ý thời gian trôi, hay nhiều sự kiện đồng thời, và là phương tiện để cho khán giả biết được nhiều thông tin một lúc. (Mình không hiểu các từ chuyên ngành điện ảnh lắm TT)

Kỳ nghỉ đông năm lớp mười, Chu Chí Hâm đi Bắc Kinh tập huấn, chúng tôi bảo phải làm một bữa chia tay anh ý trước, cuối cùng lại không tìm được dịp nào thích hợp. Bởi vì chúng tôi học trên lớp bận, anh ấy học thêm cũng bận, không tập hợp đông đủ được mọi người, cũng không dành ra được nửa buổi đi dạo với nhau. Buổi tối cách hôm anh ấy đi hai ngày, chúng tôi đành mua ít đồ ăn vặt rồi tụ tập ở phòng tôi, dù vậy thôi cũng cảm thấy vui vẻ sau nhiều ngày không gặp. Chỉ đáng tiếc là thiếu Đồng Vũ Khôn, Dư Vũ Hàm giả vờ muốn bày ảnh của Đồng Vũ Khôn thay người, Triệu Quán Vũ nói em ấy biết được sẽ tức đòi cắn em mất, Dư Vũ Hàm cười, cười có chút cô đơn. Đồng Vũ Khôn đi Vũ Hán rồi cậu ấy hết người để đánh nhau, Mục Chỉ Thừa cũng không làm trọng tài được nữa. Cậu ấy phát chán trái đánh Trương Tuấn Hào một quyền, phải đánh Đặng Giai Hâm một quyền. Trương Tuấn Hào phát bực ngửa đầu hét lớn, "Ai mang Dư Vũ Hàm đi giùm cái". Chu Chí Hâm phải đi Bắc Kinh, Tô Tân Hạo không nhấc nổi miệng, vẫn dáng vẻ lo lắng ngày ngày sốt ruột chạy ngược chạy xuôi ấy, nhưng có thể nhìn ra được cậu ấy không nỡ. Chu Chí Hâm cũng hiểu cậu ấy, lần này ngồi im không làm gì, không như mọi khi vật lộn với mọi người, chỉ ngồi tựa đầu vào Tô Tân Hạo, bình yên như thể vĩnh hằng. Hai người họ luôn như vậy, im lặng mà thấu hiểu đối phương. Chu Chí Hâm hiểu sự bền bỉ và hiếu thắng của Tô Tân Hạo, Tô Tân Hạo cũng hiểu sự ấm áp và kiên định của Chu Chí Hâm. Chỉ là đời người luôn có chia ly, cũng luôn có người phải khởi hành sớm hơn một chút. Hôm họp lớp thầy chủ nhiệm giới thiệu các trường đại học cho chúng tôi rồi lần lượt hỏi nguyện vọng từng người, đến lượt Tô Tân Hạo, cậu ấy đứng dậy nói không có đại học cậu ấy muốn thi, chỉ có thành phố cậu ấy muốn đến. Cậu ấy muốn đến Bắc Kinh. Tôi đứng ở cửa nhìn mọi người ồn ào, tất cả đều trưởng thành rồi, phòng của tôi cũng trở nên nhỏ hơn, nhưng chỉ cần mọi người tụ tập tại tòa nhà này tôi sẽ cảm thấy thật an tâm, dường như biết có những người sẽ vĩnh viễn không rời đi.

Tháng hai năm ấy kỳ nghỉ đông kết thúc, Chu Chí Hâm ở Bắc Kinh cũng gấp rút chuẩn bị cho kỳ thi. Thời gian tập huấn của anh ấy không khớp với thời gian của chúng tôi, chỉ trùng mỗi thời gian nghi trước tiết tự học buổi tối. Nhị Trung quản rất ngặt, không cho phép mang điện thoại di động, ngay cả điện thoại của người già cũng không được. Tô Tân Hạo dành thời gian nghỉ dùng thẻ học sinh của trường gọi điện cho Chu Chí Hâm, có lúc chúng tôi mua cơm giúp cậu ấy, xách túi nilon về nhìn thấy cậu ấy ở chỗ rẽ nghe điện thoại, chắc là Chu Chí Hâm ở đầu bên kia lại lảm nhảm gì đấy, cậu ấy cười có chút bất đắc dĩ, nhưng lại có sự tự do chỉ khi gặp Chu Chí Hâm cậu ấy mới biểu lộ ra. Mới quay trở lại học chúng tôi có bài kiểm tra, tôi và Trương Trạch Vũ vẫn bữa đực bữa cái như cũ, Tô Tân Hạo thì ngày ngày dùng cà phê để vực dậy tinh thần học tập, nhất quyết trói bản thân mình trên ghế. Lúc đi ngang qua chỗ cậu ấy, tôi vô tình nhìn thấy cậu ấy dùng bút viết lên bàn hai chữ "Bắc Kinh", bất chợt cảm thấy nặng nề, chắc là ngọn gió tự do của cậu ấy đã thổi đến Bắc Kinh, còn cậu ấy nỗ lực đủ kiểu cũng là vì muốn đuổi theo ngọn gió ấy. Tô Tân Hạo đứng ở góc tường gọi điện thoại, sắc đỏ của tường gạch và sắc trắng của men sứ, thế gian dường như chỉ còn lại hai nơi là Bắc Kinh và Trùng Khánh, sắc đỏ bao lấy đứa trẻ, trở về với khoảng không đỏ hồng tươi đẹp viên mãn trong bụng mẹ. Dường như một ngày của Tô Tân Hạo chỉ đợi đến giờ phút này, đợi tự do, đợi viên mãn. Một ngày tựa một tháng, mặt trăng khuyết rồi lại tròn, tròn rồi lại khuyết, tâm tình cũng lên xuống bởi cách xa. Đây chính là ấn tượng sâu sắc nhất của tôi về mùa đông năm ấy.

Chu Chí Hâm thi nghệ thuật rất thuận lợi, sau đó quay về chuẩn bị cho kỳ thi văn hóa. Anh ấy về vào buổi sáng rồi đi thẳng đến trường, tan học Tô Tân Hạo đứng ở cổng đợi, anh ấy chạy đến như mọi khi, tựa như chưa hề chia xa. Anh ấy không nhắc, Tô Tân Hạo cũng không bàn đến chuyện ấy. Lúc đó tôi vừa mơ hồ lại vừa rõ ràng cảm nhận được, giữa người với người luôn có những sự ăn ý không để cho người khác biết, giống như giữa Tô Tân Hạo và Chu Chí Hâm, cũng giống như giữa tôi và Trương Trạch Vũ. Có những lời không cần phải nói ra, có những việc qua đi rồi không cần phải nhắc lại. Mục Chỉ Thừa nhìn thấy Chu Chí Hâm lại vội vàng chạy tới ầm ĩ, Chu Chí Hâm lúc này mới mở miệng kể về những chuyện trải qua ở Bắc Kinh. Tô Tân Hạo nhìn Chu Chí Hâm cười, cùng anh ấy khoa trương lên làm Mục Chỉ Thừa và Diêu Dục Thần nghe đến ngây người.

Vào lúc chúng tôi bắt đầu cởi bỏ lớp áo len dày cộm thay sang những lớp áo mỏng hơn, đông xuân giao mùa, trường học tổ chức một trận đấu bóng rổ, tự do lập đội. Trương Trạch Vũ không thích chơi bóng rổ, chết cũng không chịu vào sân, chúng tôi giằng co hồi lâu cậu ấy cũng không chịu nhượng bộ, chỉ bảo bằng lòng cổ vũ đưa nước cho tôi. Cuối cùng không còn cách nào khác, tôi, Trương Tuấn Hào và Tô Tân Hạo đành phải chạy đi tìm người khắp nơi, kéo được hai người lớp bên cạnh, một người là ủy viên thể dục cao khỏe, người còn lại là Tiết Vũ. Những ngày ấy mọi người không bàn tán về Tiết Vũ nữa, chỉ có điều cậu ấy vẫn lặng lẽ giống như biến mất vậy. Rất lâu rồi cậu ấy không viết những bài văn đẹp mà tĩnh mịch, cũng không xuất hiện đầu bảng tuyên dương nữa, chớp mắt trốn vào trong đám đông. Không biết tại sao, tôi cảm thấy chúng tôi là bạn bè, con người cậu ấy có thể kết bạn được. Đáng tiếc cuối cùng tôi và Tiết Vũ không trở thành bạn tốt, cũng không lưu lại phương thức liên lạc của đối phương. Nhưng không biết chừng trong lòng cậu ấy, tôi đã sớm trở thành bạn của cậu ấy rồi cũng nên.

Chúng tôi tập luyện rùm beng, Trương Trạch Vũ rảnh sẽ đến xem, mỗi lần cậu ấy đến tôi lại hưng phấn như con công xòe đuôi, Trương Tuấn Hào mắng tôi thần kinh, chơi bóng kiểu gì mà lại lên cơn tăng động được. Kỳ thực lúc đó tôi cũng mơ hồ nhận ra điều gì rồi, nhưng sau đó lại vô thức gạt đi. Tất cả cảm xúc lũ lượt trào dâng nhưng không tìm được lối thoát, như bọ mất đầu điên cuồng đâm vào nhau. Nhớ khi ấy Trương Trạch Vũ ngồi bên sân bóng, khoác áo khoác đồng phục màu xanh của trường, nắng chiều rắc xuống tạo thành một vầng sáng quanh người cậu ấy. Cậu ấy gầy, khi cười mắt cong cong híp lại, cả người toát lên vẻ khoan khoái rộng lượng, tựa biển lớn. Vị thần nhỏ bé đến từ biển lớn, đáp xuống thế giới của tôi.

Cuộc thi bóng rổ diễn ra trước tiết tự học buổi tối thứ năm, Trương Trạch Vũ miệng nói không đến xem, còn phải ăn cơm nhưng vẫn bị tôi kéo đến sân bóng. Trương Tuấn Hào là ủy viên thể dục của lớp, không chỉ là thành viên của đội mà còn phải kiêm việc hậu cần, chịu khó chạy ra sân trước bày các cây gậy phát sáng để cổ vũ. Tôi kéo Trương Trạch Vũ đến chọn, cậu ấy thích màu xanh, tôi cố tình trêu, lấy màu hồng cho cậu ấy. Cuối cùng Trương Trạch Vũ vẻ mặt đau đớn giơ hai cây gậy phát sáng màu hồng cổ vũ, múa may như đang múa kiếm, trông giống muốn giết người.

Theo lời Tả Hàng cũng đến xem, tôi giống như một con bướm hoa bay loạn trên sân, cuối cùng cậu ấy kết luận, "Chỉ cần tôi muốn, Trương Tuấn Hào, Tô Tân Hạo cũng không thể cợt nhả được hơn tôi". Trương Trạch Vũ cười không ngóc đầu lên nổi, tôi còn lo cậu ấy sặc chết mất. Đương nhiên, tôi cho rằng lời của Tả Hàng không công bằng với tôi, ai bảo Chu Chí Hâm lớp mười hai số khổ không có thời gian đến xem chứ, nếu không Tô Tân Hạo nhất định cũng sẽ chạy loạn trên sân thôi. Khi ấy tôi quả thực chưa kịp nghĩ sâu xa hơn, tại sao tôi lại so sánh Tô Tân Hạo Chu Chí Hâm với tôi và Trương Trạch Vũ chứ.

Suốt trận đấu chúng tôi vượt xa đối thủ, càng chơi càng hăng. Giờ nghỉ ngơi giữa trận, Trương Trạch Vũ nhảy đến khoác vai tôi, tôi đẩy ra bảo cậu ấy cách xa tôi chút, cả người tôi toàn mồ hôi. Tả Hàng ở bên cạnh giả làm trọng tài, vẻ mặt ghét bỏ, "Ôi dào đàn ông con trai ôm ấp cái gì". Trương Trạch Vũ cười bảo cậu ấy biến đi, sau đó nói gì đó với tôi. Lúc ấy xung quanh ồn muốn chết, tôi bèn cúi người xuống nghe, cậu ấy ghé vào tai tôi cười nói: "Tớ bảo là, cậu chơi ngầu lắm!"

Tôi đột ngột quay sang nhìn cậu ấy. Giữa đám đông ồn ào huyên náo, tà dương rọi xuống ôm lấy chúng tôi, thế giới bỗng biến thành một bức tranh sơn dầu đẫm sắc màu. Mồ

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net