11

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chuẩn bị kết thúc năm lớp mười, chúng tôi phân lớp theo ban, Chu Chí Hâm và Triệu Quán Vũ thì phải đối mặt với kỳ thi lớn nhất của đời người. Xuân hạ giao thoa, chúng tôi thay từ chiếc áo thể thao dài tay sang cộc tay, ngày ngày ướt đẫm mồ hôi không khô nổi. Trùng Khánh oi bức ngột ngạt, ẩm ướt cực kỳ khó chịu. Thời gian này lại trùng khớp với giai đoạn quyết định chọn ban tự nhiên hay ban xã hội, lớp tôi ước chừng có mười mấy bạn chuyển đi, chia ly dường như cận kề ngay trước mắt. Những thảm rêu xanh mướt sinh ra giữa màn hơi nước ẩm thấp tràn ngập cả mùa hè, giống như những chuyến tàu hỏa vỏ xanh lục vĩnh viễn không chạy đến ga. Quạt điện kẽo kẹt là bánh xe, tiếng ve kêu trầm bổng là tiếng gió rít gào ngoài cửa sổ, còn thời gian là đường ray không nhìn thấy được điểm cuối. Muôn kiểu nhân sinh nén lại thành cùng một quỹ đạo.

Trường tôi mạnh tự nhiên yếu xã hội, tôi cũng theo số đông chọn tự nhiên, không phải phân vân nhiều lắm. Tô Tân Hạo, Trương Trạch Vũ, Trương Tuấn Hào tiếp tục làm bạn cùng lớp với tôi. Quý ngài rich and power am hiểu tình hình chính trị kinh tế thế giới ngồi bàn trên muốn chọn xã hội, nhưng cậu ấy lại giỏi cả Toán lẫn Vật lý, khoai sọ nhỏ và bố mẹ đều khuyên cậu ấy chọn tự nhiên. Cậu ấy vì điều này mà suy sụp tinh thần nhiều ngày, thậm chí lên lớp còn tìm cách nói lý khiến thầy chủ nhiệm bắt cậu ấy về nhà xem xét lại, đáng tiếc là không thành công. Rồi cậu ấy lại lén đọc Sơn hải kinh* trong giờ tự học, còn học theo tranh minh họa khiêu chiến giới hạn của thầy chủ nhiệm, vẫn là không thành công. Cuối cùng thầy phải gọi bố mẹ cậu ấy đến, khuyên hết nước hết cái, khuyên đến nỗi cậu ấy không thể không khuất phục. Ông cụ non về đến lớp không ngừng than thở, kiểu giáo dục nặng về thi cử này hủy hoại biết bao ước mơ, mấy ngày liền không quay xuống huyên thuyên với chúng tôi. Chúng tôi đều cảm thán, một ngôi sao chính trị sáng giá cứ thế mà rơi xuống, quả thực đáng tiếc.

(*) Sơn hải kinh là một cuốn sách cổ của Trung Quốc tổng hợp về địa lý, thần thoại và các sinh vật huyền bí. (Nguồn: Wikipedia)

Khoảng thời gian ấy yên ổn, yên ổn đến mức mang lại chút cảm giác bất an trong lòng. Trường chúng tôi làm địa điểm thi đại học, mấy ngày thi học sinh được nghỉ, chúng tôi ngày nào cũng hi hi ha ha đưa Chu Chí Hâm và Triệu Quán Vũ đi thi, cả hai mắng mấy đứa chúng tôi đầu óc có vấn đề. Thi đại học kết thúc thế cục lập tức đảo lộn. Chúng tôi phải tiếp tục đi học, hai anh ấy lại trở thành hai người nhàn rỗi nhất thế giới này, ngày ngày ngồi trong phòng điều hòa, bò lên bệ cửa sổ nhìn chúng tôi khổ sở đến trường, bất kể nắng mưa. Ngày hôm ấy Trùng Khánh đổ mưa lớn, chúng tôi không ai mang ô, Triệu Quán Vũ và Chu Chí Hâm đến trường đưa ô cho cả bọn, chạy lên tầng bốn tìm Trần Thiên Nhuận thì thấy chỗ ngồi trống không, cặp sách cũng không có. Chu Chí Hâm chạy xuống kể lại với chúng tôi, "Quái lạ, Trần Thiên Nhuận chạy đi đâu mất tiêu rồi? Tả Hàng có biết không?"

Trương Tuấn Hào khịt mũi, "Có khi cậu ấy đang đi thi cũng nên, cậu ấy học thêm nhiều lắm, lại đang ôn thi, không có ở chỗ cũng bình thường". Cậu ấy lại nói tiếp, "Không có chuyện gì đâu, mọi người về trước đi, em lên tầng bốn đợi cậu ấy".

Chúng tôi về nhà, trên đường đi gặp hội Mục Chỉ Thừa, dòng người đông đúc như thể báo trước điều gì đấy. Lúc bước vào tòa nhà màu vàng tôi thấy cửa nhà Trần Thiên Nhuận mở lớn, ngoài cửa âm trầm, bên trong nhà cũng âm trầm. Cả bố mẹ Trần Thiên Nhuận và chị Tiểu Châu đều có mặt, ngồi quanh bàn ăn khẽ nói gì đó. Chúng tôi chợt bất an nhìn nhau, không ai muốn về nhà nữa, vào nhà Trương Trạch Vũ ngồi nói chuyện. Qua một lúc cửa nhà đối diện bỗng ầm một tiếng, tôi đứng phắt dậy, thấy Trần Thiên Nhuận không cầm ô, vẻ mặt mịt mờ cứ thế lao vào trong làn mưa lớn. Tả Hàng vẫn luôn đứng ở cửa, lấy ô đuổi theo Trần Thiên Nhuận, mấy người còn lại chúng tôi cũng cuống quýt cầm ô chạy theo. Mưa lớn quá, lâu lắm rồi Trùng Khánh không đổ trận mưa nào lớn như thế, đất trời một màu trắng xóa, như thể ông trời đang khóc cạn nước mắt. Ô cũng không có tác dụng, ai nấy đều ướt sũng hết người. Không biết chạy bao lâu Trần Thiên Nhuận mới dừng lại, cậu ấy quay người, mờ mịt nhìn Tả Hàng, "Cậu tớ hy sinh rồi".

Chúng tôi đứng vây xung quanh cậu ấy, tầng tầng lớp lớp tán ô vây thành một vòng hoa. Trần Thiên Nhuận chầm chậm ngồi xuống, cậu ấy có tóc xoăn tự nhiên, mắt to, mi dài giống cậu như đúc. Cậu ấy gào khóc thảm thiết, như nước tràn bờ đê. Tả Hàng vứt ô, ngồi xuống ôm cậu ấy. Đặng Giai Hâm đứng bên cạnh che ô cho hai người, mím môi không nói một lời. Trần Thiên Nhuận vừa khóc vừa run, tiếng khóc trong ngày mưa vô cùng rõ ràng, tựa tiếng chuông vang bên tai chúng tôi. Cậu ấy nói, sau này tớ không còn cậu nữa, tớ không còn cậu nữa rồi.

Một lúc sau bố mẹ cậu ấy cũng chạy đến, phía sau còn có chị Tiểu Châu sắc mặt tái nhợt. Mọi người ôm lấy Trần Thiên Nhuận, đưa cậu ấy về nhà. Cửa gỗ cạch một tiếng đóng lại trước mắt chúng tôi, cả bọn ai nấy đều toàn thân ướt sũng, mắt cũng đẫm nước, không rõ là nước mưa hay nước mắt. Không biết ai thốt ra một tiếng nức nở, thế là cả bọn lập tức nước mắt tuôn như mưa, vừa khóc vừa quay về nhà. Sau tiếng gõ cửa, mẹ mở cửa cho tôi. Nồi canh hầm trong bếp tỏa hương thơm phức, cùng ánh đèn vàng ấm áp tạo thành cảng tránh gió giúp tôi an tâm. Trong ngày mưa ấy, chúng tôi rầu rĩ vì bài tập, đau khổ vì học thêm, còn Trần Thiên Nhuận vĩnh viễn mất đi cậu của mình, người cậu vĩnh viễn ấm áp, vĩnh viễn khoan dung, bảo vệ tuổi thơ của cậu ấy.

Về sau chúng tôi mới biết, cậu của Trần Thiên Nhuận là cảnh sát truy bắt tội phạm ma túy, trong lúc phá án yểm trợ cho đồng nghiệp, bị đạn xuyên qua yết hầu, hy sinh tại chỗ. Vụ án rất lớn, chưa điều tra xong, cậu của Trần Thiên Nhuận lại là cảnh sát truy bắt tội phạm ma túy, không thể tổ chức tang lễ, tro cốt cũng không thể trả về cho người nhà. Thậm chí để bảo mật, đến một tấm ảnh cũng không có. Cậu còn chưa cùng chị Tiểu Châu chụp ảnh cưới, vì tăng ca mà liên tục hoãn chuyện hẹn hò. Trong ví tiền của cậu còn có hai tấm vé xem hòa nhạc, đó là điều bất ngờ cậu chuẩn bị dành cho chị Tiểu Châu, đáng tiếc món quà bất ngờ này không bao giờ được tặng nữa. Lịch sử mua hàng của cậu còn có một hộp sô cô la vừa mới được gửi đi, Trần Thiên Nhuận tuần trước bị hạ đường huyết ngất xỉu, cậu vẫn luôn nhớ kỹ điều này, chỉ có điều hộp sô cô la ấy không thể do cậu đích thân đưa tận tay Trần Thiên Nhuận nữa rồi.

Tối hôm ấy Trương Tuấn Hào về đến nhà gõ cửa hỏi tôi, sao không gọi điện cho cậu ấy, làm cậu ấy mất công đợi cả tiếng đồng hồ. Tôi nói với cậu ấy chuyện cậu của Trần Thiên Nhuận hy sinh. Trương Tuấn Hào sững người, mãi sau mắt bắt đầu đỏ, nói phải đi tìm Trần Thiên Nhuận. Tôi ngăn lại, cậu ấy nức nở hỏi tôi: "Sao lại thế? Cậu tốt như thế... Tại sao lại...?"

Không ai có thể trả lời cậu ấy, cũng không ai có thể trả lời chúng tôi.

Giống như việc chúng tôi vĩnh viễn không thể biết trước tương lai, chúng tôi cũng không biết tại sao người trẻ tuổi như cậu lại vĩnh viễn nằm xuống năm ba mươi tuổi. Tính tình cậu rất tốt, ngày chúng tôi còn nhỏ cậu vẫn chưa ngoài hai mươi, để chúng tôi ngồi lên vai hái những quả cao nhất trên cây, nước quả rớt lên đầu cậu cũng không giận. Sau đó cậu tốt nghiệp làm cảnh sát, lần đầu cậu mặc đồng phục chúng tôi vây xung quanh xem. Khi ấy tôi nghĩ, người dịu dàng như cậu sao lại làm cảnh sát nhỉ? Tôi hỏi thì cậu cười, "Làm cảnh sát có thể giúp đỡ nhiều người hơn, ngầu lắm". Nhưng hình như "cảnh sát" mà cậu làm không uy vũ giống trong tưởng tượng của chúng tôi lắm, không phải hòa giải các bác các cô cãi nhau ở cổng thì cũng chạy đi xử lý tranh chấp tài sản thừa kế, ngày nào cũng bị mắng đến xây xẩm mặt mày. Người lớn nói với chúng tôi cảnh sát là anh hùng, làm gì có anh hùng nào lại bất lực thế chứ? Năm lớp chín có lần Trương Tuấn Hào bị bà bán bánh cắt ở cổng hét giá, cậu tan làm ngang qua thấy việc bất bình rút đao tương trợ, kết quả hai người đấu không lại một bà lão, bị mắng không ngóc đầu lên được, chỉ đành trả tiền rồi ủ rũ về nhà. Khi ấy chúng tôi còn cười cả hai, cười cậu là cảnh sát mà chẳng giống cảnh sát chút nào. Về sau cậu dẫn chị Tiểu Châu về nhà, lại thi được vào cục cảnh sát thành phố, mẹ tôi khen cậu giỏi, nói cục cảnh sát thành phố không dễ đỗ đâu, cậu mới ba mươi đã thi được rồi, về sau tiền đồ vô biên. Rồi cậu càng ngày càng bận, càng ngày càng giống cảnh sát. Chúng tôi tưởng rằng thời gian sẽ cứ thế trôi đi, cậu sẽ kết hôn, sinh con, trở thành một người đàn ông trung niên bụng phệ, làm một người bình thường, tuy bình thường nhưng hạnh phúc, giống với tính cách của cậu. Ai cũng không ngờ được cậu sẽ ngã xuống oanh liệt như thế tối ngày hôm ấy, ngã trước nòng súng, hy sinh theo cách oanh liệt nhất, thực sự trở thành đại anh hùng, một đại anh hùng không có di ảnh, không có bia mộ.

Về sau Đặng Giai Hâm vẽ một bức chân dung cậu tặng Trần Thiên Nhuận, nói đó là bức tranh đẹp nhất cậu ấy từng vẽ. Chúng tôi đều công nhận quả thực rất giống, mái tóc xoăn tự nhiên phóng khoáng, đôi mắt to, trên người khoác bộ cảnh phục, dáng vẻ ôn hòa. Trần Thiên Nhuận mang bức tranh đó đến tiệm in ấn làm một tấm ảnh ép plastic nhỏ rồi luôn mang theo bên mình.

Năm ấy Chu Chí Hâm thi đỗ Bắc Điện*, đến Bắc Kinh, Triệu Quán Vũ thì đỗ Trùng Sư*, ở lại Trùng Khánh. Sự hy sinh của cậu với chúng tôi mà nói là một đả kích to lớn, để lại cho mùa hè năm 2013 một làn sương mù vĩnh cửu. Dường như nó cũng là một điềm báo mơ hồ nào đó, rằng luôn có những câu chuyện phải kết thúc vào ngày hè.

(*) Tên gọi tắt của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh và Đại học Sư phạm Trùng Khánh

Kỳ thực tình yêu ở thời đại ấy luôn có móc nối với tương lai. Phân ban là phương thức theo đuổi, nhưng cũng không biết đã có bao nhiêu nam thanh nữ tú phải đau khổ vì cách trở giữa xã hội và tự nhiên. Về sau mới nhận ra, một bên tự nhiên một bên xã hội cũng chẳng xa cách là bao, thứ thật sự ngăn cách hai người là thành phố, là tấm biển treo trước cổng trường đại học đề 985 hay 211.

Chu Chí Hâm đi Bắc Kinh rồi, nơi ấy liền trở thành thành phố mơ ước của Tô Tân Hạo. Cậu ấy lên mạng, lấy Bắc Điện làm tâm tra hết thứ hạng của các trường đại học lớn nhỏ xung quanh, mới lớp mười một đã nghiên cứu kỹ lưỡng nguyện vọng đại học của mình. Thành tích của tôi bình thường, luôn dao động trong khoảng hai mươi mấy của lớp, mấp mé mức điểm sàn của nhóm các trường tốp đầu. Trương Trạch Vũ thì tốt hơn tôi một chút, khoảng mười mấy của lớp, có thể đỗ được một trường đại học tốt nằm trong tốp đầu. Buổi chiều hôm ấy Trương Trạch Vũ đột nhiên hỏi tôi, cậu muốn tiếp tục ở lại Trùng Khánh không?

Tôi quay sang hỏi cậu ấy, cậu muốn đi đâu?

Bụi phấn bám đầy trên bảng đen, bao phủ lên những thứ gọi là Sinh học, Toán học, Vật lý,... Cũng giống sự trưởng thành của chúng tôi, dưới mỗi tấc da tấc thịt đều là những trải nghiệm của chính bản thân mình. Nếu lấy tôi làm ví dụ, từng tấc da tấc thịt trên cơ thể tôi đều khắc sâu tên Trương Trạch Vũ. Trương Trạch Vũ nghiêm túc suy nghĩ một lát rồi trả lời:

"Không biết nữa, hồi bé tớ muốn về Đông Bắc, nhưng bây giờ có các cậu, Đông Bắc xa quá...... Thế nên tớ mới hỏi cậu, cậu muốn đi đâu? Chúng mình cùng đến một thành phố đi, cùng một trường đại học là tốt nhất, cuối tuần còn có thể cùng nhau đi chơi, cùng nhau về nhà......"

Tôi không nhớ chính xác khi ấy mình cảm thấy thế nào, hình như có vui mừng, có cả lo sợ. Vui vì Trương Trạch Vũ vẫn muốn ở cùng một thành phố với tôi, sợ vì cậu ấy trả lời một cách trong sáng vô tư như vậy, như thể tình cảm giữa chúng tôi cũng chỉ vô tư như thế. Nhưng tôi không vô tư, từ lâu tôi đã che giấu việc bản thân nảy sinh loại tình cảm không thể nói nào đó với cậu ấy. Trương Trạch Vũ cực kỳ nghiêm túc nhìn tôi, "Trương Cực, sau này chúng mình ở bên nhau mãi nhé".

Tôi đồng ý trong lòng cả trăm lần, được chứ, chúng mình mãi mãi ở bên nhau. Nhưng ngoài mặt tôi vẫn gượng cười, trêu cậu ấy, sau này cậu không lấy vợ à? Trương Trạch Vũ bĩu môi, tìm được hẵng tính. Tôi nói, cậu đẹp trai như thế, sao lại không tìm được vợ chứ. Cậu ấy không nói gì nữa, tôi cũng chán nản chẳng buồn mở miệng, sao lời nào tôi thốt ra cũng như đang đẩy cậu ấy ra xa khỏi tôi vậy? Vào lớp tôi lén quay sang ngắm cậu ấy, cậu ấy như một con thú nhỏ, ví dụ như bé cún mới sinh, dường như còn có mùi sữa. Khoảnh khắc ấy tim tôi bỗng điên cuồng đập trong lồng ngực, đáng ra tôi phải nghĩ đến từ lâu, trong mười mấy năm ngắn ngủi của cuộc đời mình, tôi chưa từng rung động vì cô gái nào, vậy mà lại lo lắng bất an vì Trương Trạch Vũ vô số lần. Tối hôm ấy lần đầu tiên tôi mơ thấy Trương Trạch Vũ, vẫn nhỏ bé như thế, có thể để tôi ôm trọn vào lòng. Tôi hoảng sợ tỉnh giấc, nửa đêm lén lút dậy đi giặt ga giường, đầu óc hỗn loạn. Muôn vàn suy nghĩ đan xen vào nhau, cuối cùng cho ra một kết luận duy nhất. Tôi hình như thích Trương Trạch Vũ rồi.

Hôm ấy lần đầu tiên trong đời tôi lĩnh hội được thế nào là mất ngủ. Tôi thực sự thích con trai sao? Tôi thực sự thích Trương Trạch Vũ sao? Trương Trạch Vũ liệu có thích tôi không? Bố mẹ phải làm sao? Đủ loại cảm xúc chồng chéo lên nhau, làm lòng tôi rối như tơ vò. Nhưng đáng lẽ tôi phải nghĩ tới, cái thứ gọi là tình yêu này, giống như trái chín cây, chúng tôi vĩnh viễn không thể thay đổi quá trình trưởng thành của nó, làm nó từ mầm cây này nở ra một loại quả khác. Tình yêu giống như nấc cụt, thường xuyên làm con người cảm thấy ngượng ngùng, nhưng cưỡng ép nén lại chỉ làm con người nghẹn đến sống dở chết dở.

Sáng hôm sau tôi vác theo quầng thâm mắt đến trường, nhìn thấy Trương Trạch Vũ liền chột dạ. Trương Trạch Vũ chỉ vào quầng thâm mắt của tôi lớn tiếng cười, tôi cũng chỉ có thể chột dạ nhìn sang Trương Tuấn Hào. Cuối tuần, mẹ tôi nấu cơm trong bếp, tôi hiếm lắm mới có dịp vào phụ một tay, giả vờ bâng quơ hỏi: "Mẹ, nếu con thích con trai thì mẹ sẽ thế nào".

Mẹ tôi cũng bâng quơ trả lời: "Thì mẹ sẽ đánh gãy chân mày, sao tự dưng lại hỏi cái này?"

Tôi càng chột dạ, vừa rửa rau vừa lôi lý do mình đã chuẩn bị sẵn ra: "Con hỏi bừa thôi...... Bạn Tiết Vũ lớp bên cạnh nghỉ học rồi".

Từ đó về sau tôi như thể ôm trong lòng một bí mật hết sức nặng nề. Con người tôi từ nhỏ đến lớn đều không giỏi nói dối, giống như khi tham gia lớp Tiếng Anh khái niệm mới hồi nhỏ, được mẹ dặn dò phải giữ bí mật, mấy ngày sau đó quả thực tôi không dám ngẩng cao đầu. "Tình yêu", hai từ này với tôi mà nói quá mức hổ thẹn, ghi chú thêm giới tính "giữa nam và nam" vào đằng sau lại càng thêm nặng nề. Điều này có nghĩa là tôi và số đông trên thế giới không giống nhau, tôi phải bảo vệ một bí mật, bảo vệ vết nứt của tôi.

Sau đó nhiều ngày liền Trương Trạch Vũ đều nói tôi kỳ quái. Hết cách rồi, tôi không dám nhìn thẳng vào mắt cậu ấy, không dám ôm ấp cậu ấy, không dám không kiêng nể gì xoa đầu cậu ấy như mọi khi. Tôi sợ động tác của mình để lộ ý đồ bất chính của tôi với cậu ấy. Tôi chỉ có thể cầu nguyện với trời cao, hy vọng xa vời ngày nào đó căn bệnh này sẽ tự khỏi, tôi không cần phải che giấu mộng tưởng trong lòng nữa.

Đúng vậy, đó chính là hình ảnh của tôi khi ấy, khờ dại như thế, lương thiện như thế, yêu mà không cầu được đáp lại, vô thức vẽ ra mũi tên một chiều. Tôi khi ấy không ao ước có được sự đáp lại của Trương Trạch Vũ, thậm chí cho rằng tình yêu ấy vốn chỉ nên là chuyện của riêng mình tôi. Là tôi quá ngu ngốc, quá hèn nhát, để vuột mất một người ở tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất. Cũng may khi ấy chúng tôi còn là học sinh cấp ba, còn có bài vở chất đống cùng lũ bạn chuyên pha trò, chuyện tình yêu không chiếm được quá nhiều thời gian, cứ thế bị những vội vàng che lấp.

Lên lớp mười một, Trần Thiên Nhuận làm ra một chuyện kinh thiên động địa, từ bỏ cuộc thi Vật lý. Đây không phải chuyện nhỏ, bố mẹ cậu ấy phải chạy đến trường mấy lần, mắng cậu ấy lên bờ xuống ruộng. Trong chuyện này Trần Thiên Nhuận giữ thái độ kiên quyết đến kinh người, cậu ấy không tham gia thi đấu, cũng không muốn thi vào Đại học Công nghệ Quốc phòng nữa. Cậu ấy muốn thi vào Học viện Cảnh sát. Vì điều này cậu ấy bắt đầu tập chạy bộ ở sân vận động, mỗi ngày hai cây số, nắng mưa không đổi. Trương Trạch Vũ thì thầm với tôi, học bá đúng là học bá, làm bất cứ việc gì cũng có nghị lực. Trương Tuấn Hào chẳng nói chẳng rằng chạy cùng cậu ấy, ngày ngày đợi cậu ấy ở hành lang. Cả hai cùng nhau chạy bộ trước giờ cơm tối, chạy xong mới đến nhà ăn. Tôi, Trương Trạch Vũ và Tả Hàng chịu trách nhiệm giữ chỗ cho hai người. Có một lần khi cả hai tới, Trương Trạch Vũ trêu, đây gọi là "Vợ chồng mình dắt nhau về nhà"* sao. Trần Thiên Nhuận mắc cỡ cười, Trương Tuấn Hào thì đỏ hết cả hai tai, lâng lâng như bóng hơi hình người ở các cửa tiệm mới khai trương. Tả Hàng gắp thức ăn ném vào khay Trương Trạch Vũ, bảo cậu ấy biến đi. Tôi vội bịt miệng Trương Trạch Vũ, "Thật ngại quá, xin lỗi nhé", còn có cảm giác hư vinh khi được làm người phát ngôn cho cậu ấy. Trương Trạch Vũ bị tôi bịt miệng, thở hổn hển lau hết dầu mỡ trên miệng vào tay tôi, lúc tôi buông tay ra còn đập vào đầu tôi một cái, mắng tôi bị điên à. Còn tôi chỉ cảm thấy lòng bàn tay nơi cậu ấy chạm vào như có ngọn lửa thiêu đốt, muốn nuốt chửng tôi. Người tôi cũng lâng lâng, như thể đang cùng Trương Tuấn Hào làm một cặp bóng hơi hình người ở ngoài cửa tiệm.

(*) Tên một bài hát dân ca tỉnh An Huy

Trần Thiên Nhuận giằng co với người nhà chưa xong, Trương Tuấn Hào cũng bắt đầu chống đối lại phụ huynh. Hình như Trương Tuấn Hào cũng muốn thi vào Học viện Cảnh sát, bố mẹ cậu ấy không đồng ý, Trương Tuấn Hào bèn tuyệt thực để tỏ rõ thái độ, sau đó sang nhà tôi ăn ngấu ăn nghiến. Trương Tuấn Hào xưa giờ vẫn luôn là đứa trẻ ngoan, ở trong đám chúng tôi cũng luôn là người hòa giải, dịu dàng, như thể không có tuổi dậy thì, chưa một lần phản nghịch. Hóa ra tuổi dậy thì đến muộn, cậu ấy cũng có việc mà bản thân muốn làm, bắt đầu lần phản nghịch ngây ngô mà dũng cảm đầu tiên, nói không với sự sắp đặt của cha mẹ. Thực ra tôi vẫn không rõ cậu ấy muốn làm cảnh sát là vì Trần Thiên Nhuận hay vì cậu của Trần Thiên Nhuận, hay là cả hai. Có những lần cậu ấy chạy sang phòng tôi ngồi chơi trong chốc lát cũng không quên đem theo đề thi, tán dóc với tôi dăm ba câu lại tiếp tục cúi đầu làm đề. Có lẽ cậu ấy cũng giống cậu của Trần Thiên Nhuận, là một người dịu dàng, dũng cảm, ít nhất là dũng cảm hơn tôi.

Dưới sự khuyên bảo của gia đình, Trần Thiên Nhuận dần dần đầu hàng, xuôi theo lời khuyên của mẹ cậu ấy, "Một nhà hai người làm cảnh sát, nếu con cũng không may xảy ra chuyện, con bảo ông ngoại phải làm sao". Chú hình cảnh được cậu Trần Thiên Nhuận hy sinh cứu sống thỉnh thoảng đến thăm, mang theo túi lớn túi nhỏ quà tặng, thuốc bổ. Bệnh người già của ông ngoại Trần Thiên Nhuận càng ngày càng nặng, có lúc gọi nhầm chú ấy bằng tên của cậu, về sau thì ông hoàn toàn quên hết, thực sự coi chú là cậu. Chú ấy họ Lưu, không giống với cậu, trên lông mày có một vết sẹo, toát ra sự sắc sảo. Chú thỉnh thoảng sẽ nói chuyện với chúng tôi, kể chuyện chú phá án như thế nào, mỗi lần như thế Trương Tuấn Hào và Tả Hàng đều chăm chú lắng nghe.

Về sau thỉnh thoảng tôi nhớ đến chị Tiểu Châu. Chị Tiểu Châu sẽ ra sao? Chị sẽ kết hôn, sinh con, dần dần chôn cậu vào sâu vào trong tim, hay là sẽ dùng cả đời còn lại nhớ về cậu? Nhưng tôi không cách nào biết được. Chị Tiểu Châu là bác sĩ, sau chuyện ấy chị chuyển về quê công tác, tôi không còn gặp lại chị nữa. Nhưng mọi chuyện sao lại thành ra thế này, hai người đáng ra sẽ kết hôn, sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, yên ổn. Hiện thực lại tàn nhẫn như thế, khiến người có tình âm dương cách biệt.

Kim đồng hồ vẫn vững vàng quay. Quý ngài rich and power sau khi suy sụp một thời gian đành cam chịu số phận, lại quay xuống bàn chuyện thế giới với chúng tôi như trước. Trần Thiên Nhuận cuối cùng không còn ý định thi vào Học viện Cảnh sát nữa, lại quay trở về với chuyện học hành căng thẳng. Trương Tuấn Hào vẫn kiên trì chạy bộ hằng ngày, vẫn bừng bừng khí thế đấu tranh với gia đình. Có điều cậu ấy không đòi tuyệt thực nữa, cậu ấy tự mình nói, người là sắt, cơm là thép, đầu đất mới không ăn. Thời gian tựa như kim đồng hồ, một vòng lại một vòng

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net