Con mèo trên gác bếp - Gió hoang

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những tiếng nổ lép bép trong chiếc bếp đang bập bùng cháy thi thoảng lại phụt lên vệt lửa xanh lam bắt mắt. Trên bếp là ấm nước của bố đang ì ục reo, khói bay nghi ngút. Cái mùi chè tươi hãm nước sôi này lâu lắm rồi Miên mới lại được ngửi thấy. Bố đã ra đồng từ sớm, mẹ Miên cũng tranh thủ ra chợ dọn hàng bán Tết. Lúc đang còn trùm chăn kín mít trong phòng, Miên có nghe tiếng nổ máy của chiếc cub cũ, đã gắn bó với nhà nó từ cả chục năm nay. Chắc bố đèo mẹ ra chợ rồi mới về ra đồng. Tỉnh dậy thì bếp nước đã cháy rồi. Miên chỉ là đang trông giúp bố để khi về bố có cái mà uống ngay. Tết nhất đến nơi nên cả bố mẹ nó cũng đều muốn kiếm thêm chút ít tiền mua thêm vài ba cân gạo nếp gói thêm cái bánh chưng biếu chòm xóm ăn lấy thảo. Vùng quê Nam Định nghèo thì nghèo chứ được cái sống nghĩa tình. Đến hồi lên Sài Gòn trọ học đại học Miên vẫn nhớ mãi bó rau đầu mùa bác Tịch kế bên nhà dúi vào tay nó rồi bảo: “Mày cầm về mà luộc, rau nhà đấy, non như bún, ngọt lắm”, hay nắm xôi đỗ đen be bé bà cụ Liên vẫn cho nó mỗi lần đi học ngang qua ngõ nhà bà. Chiếc xe đạp cọc cạch ngày xưa vẫn thường theo nó khắp các ngóc ngách trong làng giờ nằm trong góc, tro bếp bám trắng cả. Cái Hương – em gái Miên đã được bố mua cho chiếc xe mới, thế nên giờ nó thành vật phế phẩm.

Đi học xa nhà hai năm rồi mới về quê một lần, vốn đã quen với cái không khí nắng giòn tan của những con đường nhựa tấp nập xe cộ của Sài Gòn, bây giờ cái rét tê tái đi theo nó mười mấy năm trời bỗng dưng cũng trở nên xa lạ. Cái chóp mũi Miên ửng đỏ, môi và gò má khô, khẽ nứt. Nó cứ thế xoa xoa hai bàn tay vào nhau, chu môi thổi phù phù vào chiếc bếp than đang đỏ rực.

Miên bỗng thèm cái cảm giác của những ngày còn bé vừa nấu cơm vừa lén lút nướng mấy củ khoai lang rồi háo hức í ới gọi con bé Hương xuýt xoa ăn ngấu nghiến củ khoai vàng ứa mật. Trên gác bếp con Mướp nằm co người cuộn tròn như một khối bông vằn vện. Mấy sợi ria mép của nó thi thoảng còn vênh vểnh lên như đánh hơi, đôi mắt lim dim ngáy ngủ, có lúc lại đảo qua phía Miên nhìn một cái rồi lại xoay đầu đi. Con Mướp được mẹ Miên xin về nuôi từ hồi nó còn học 12, thi đại học xong Miên ra Sài Gòn học hai năm rồi mới về nhà, nên con Mướp không nhớ nó. Trong khi con bé Hương thì nó quấn quýt suốt, còn Miên thì nó xem như khách lạ, chẳng buồn đá động đến, chỉ lười biếng nằm một góc. Miên có bế nó thì nó cũng nhoài người chạy mất rồi lại lủi thủi chui lên gác bếp nằm, không thì vào hẳn trong bếp nằm trong đống tro. Có một buổi sáng Miên phát hiện hắn ta lén lút chạy vào trong bếp bèn đi theo thì thấy hắn nằm tròn vo trong đấy. Miên khẽ quát:

-          Mướp! Ra ngay! Mày không biết bẩn à?

Con Mướp giật mình, nhỏm cổ dậy. Biết mình bị mắng, nó đứng dõng dạc rồi giũ mình một cái cho tro bay đi rồi nhảy phốc lên gác bếp nằm ngủ tiếp, dáng vẻ vô cùng ngạo mạn. Miên bực mình dứ dứ nắm đấm vào vào mặt nó, nó chỉ lim dim ngủ không thèm đáp lại.

Hồi xưa, trước khi có con Mướp, Miên có nuôi một con mèo tam thể béo múp míp. Nó là mèo nhà bác Tịch, được đích thân anh Sơn – con trai bác vác sang nhà, chưa đến ngõ đã ý ới gọi nó:

-          Miên ơi! Ra anh cho cái này này!

Đến khi ngó con mèo con bé xíu nằm cuộn trong chiếc áo len được Sơn ôm vào lòng, Miên hai mắt sáng lấp lánh hỏi:

-          Anh Sơn cho Miên à?

-          Ừ! Hì hì! Con của con Mun đấy. Nó ăn được cháo rồi, em cho nó ăn làm nhiều bữa, mỗi lần ăn ít thôi, không nó chết đấy

Miên híp mắt ôm cổ Sơn rồi cảm ơn rối rít. “Cảm ơn anh Sơn! Thương anh Sơn nhất quả đất”. Ngày ấy Miên 10 tuổi, Sơn cũng tròn 15, trời cũng rét tái tê dù nắng chớm nở phía bên kia đình làng hanh vàng. Hai đứa lúc ấy hồn nhiên và vô tư biết bao, Sơn vuốt vuốt mái tóc đen tuyền, dài quá lưng của Miên đang xơ xác vì gió lạnh. Chóp mũi hai đứa cũng ửng đỏ giấu trong chiếc áo len dày.

Miên rất thương con mèo tam thể ấy. Miên hay gọi nó là “em Sơn”, tức là “em của anh Sơn”. Miên hay giải thích như thế mỗi khi Sơn thắc mắc. Ừ thì “em Sơn”, anh cũng chỉ biết cười chấp nhận. “Em Sơn” ăn rất khoẻ nên nó càng ngày càng béo, cái bụng mỡ phệ xuống ục ịch lắc qua lắc lại mỗi khi “em Sơn” di chuyển. Nó cũng rất thích nằm gác bếp. Mỗi lần Miên nấu cơm, lửa cháy bập bùng ở dưới, nó nằm trên, cái mặt phê như say thuốc. Chỉ khi nào thấy mùi cá thịt nó mới “ngheo ngheo” nhảy xuống nịnh bợ. Năm Miên 13 tuổi, con “em Sơn” đi đâu mất, Miên khóc ròng rã bỏ ăn mấy ngày trời, Sơn phải sang dỗ dành mãi nó mới chịu nín. Thế mà Sơn vẫn hay bắt gặp nó đứng trong bếp khóc dấm dúi gọi “em Sơn” trong khi tay thì đang cầm con cá chỉ vàng nướng thơm lừng. Sau này Sơn mới biết, hoá ra vì nó là mèo Sơn cho Miên, là “em của anh Sơn” nên nó cũng quý con mèo như quý Sơn. Miên đã từng mắt sưng húp túm túm vạt áo sơ mi của Sơn mà bảo:

-          Anh Sơn hứa với Miên, sẽ không bỏ Miên đi như con “em Sơn” nhé

Sơn phì cười nhìn gương mặt nhem nhuốc của nó:

-          Ừ! Anh hứa!

Sau đó, tuy Sơn bảo sẽ tìm giúp cho Miên một con mèo khác nhưng nó nằng nặc không chịu. Sau này vài ba năm, nhà Miên cũng không nuôi mèo nữa. Mãi đến khi nhà nhiều chuột, mẹ Miên mới xin con Mướp về nuôi. Cũng lâu thật đấy, bao nhiêu năm trời mà kỉ niệm nằm đó, rõ ràng như chỉ vừa hôm qua.

Trên triền đồi cao, có hai đứa con nít í ới gọi nhau chạy giỡn giữa nắng chiều chạng vạng. Con trâu của Miên và Sơn được cột ở mãi phía bên kia hàng xoan xanh rì rào, cỏ xanh non như bún. Miên trèo tít lên cao, phía bên kia quả đồi rồi nhảy cẫng lên:

-          Anh Sơn ơi, lại đây này! Sim chín nhiều lắm

Thằng bé con đang mải mê bắt dế nghe con bé gọi cũng vội vàng chạy tới

-          Nhiều quá! Mình hái đem ra chợ làng bán đi, chắc đổi được ít kẹo mạch nha đấy. Để anh lấy áo gói lại.

Nói rồi thằng bé cởi chiếc áo khoác sơ mi sờn vai trải ra đất rồi hai đứa bé con chạy nhảy như sáo xung quanh những bụi sim, tìm trái chín…

-          Anh Sơn ơi! Chỗ này sim mình đổi được nhiều mạch nha không anh?

-          Anh cũng không biết, nhưng nếu không đủ cho hai anh em mình, thì anh cho em hết

Con bé con tròn mắt hỏi:

-          Thế anh Sơn không thích kẹo mạch nha à?

-          Ừ! Anh không thích, anh lớn rồi, mẹ bảo có gì cũng phải nhường cho Miên.

Con bé cười tít mắt, xua tay:

-          Thôi, nếu kẹo không đủ em sẽ chia cho anh một nửa, mẹ em cũng bảo có gì cũng phải chia cho anh Sơn nữa

-          Ừ! – thằng bé khẽ xoa đầu con bé. Trong nắng chiều nhàn nhạt, con bé cười tít rồi thơm một cái vào má thằng bé đang nắm tay nó ngồi trên sườn đồi

-          Sau này Miên nhất định sẽ làm vợ anh Sơn

Vết thơm trên má nhoe nhoét màu sim tím, tím như sự thuỷ chung của tuổi thơ về một tình cảm đẹp đẽ thời bé dại. Tiếng cười giòn tan của đứa bé gái lấn át cả tiếng “Ừ” bé xíu phát ra từ khuôn miệng của thằng bé đang có đôi má ửng đỏ không biết do nắng chiều hay do một điều gì khác. Chỉ có hai bàn tay bé bé nắm lấy nhau, rất chặt. Năm ấy, Miên 8 tuổi, Sơn cũng tròn 13.

Bếp lửa vẫn bập bùng cháy. Mùi nước chè tươi càng lúc càng đặc quánh lại trong cái không khí rét đến tê tái. Vào những ngày này, người cũng như con Mướp kia, chỉ muốn nằm một chỗ, không thì giống Miên, ngồi mãi trong bếp nhìn những vệt lửa cháy tí tách. Phía bên trái cái bếp đang cháy, chếch chiếc chạn để chén là một cái tổ tò vò bé bằng hai đầu ngón tay. Trên cái tổ, hai cái lỗ bé bằng hạt đỗ đen mới hôm qua hôm nay đã đượt bít lại bằng lớp bùn ươn ướt. Ngày bé, sau khi Miên được Sơn cho biết cái bí mật trong chiếc tổ đất ấy, ngày nào nó cũng cùng anh đi khắp các ngóc ngách trong nhà, cầm theo chiếc đũa chọc vỡ những cái tổ tò vò rồi thích chí cười khi thấy có con sâu tí hon chui ra từ trong cái tổ ấy. Anh Sơn bảo:

-          Mẹ tò vò làm tổ, sau đó đẻ trứng vào trong ấy, rồi đi bắt một con sâu bỏ vào trong tổ, lấy bùn vít lại. Khi trứng nở, tò vò con sẽ ăn sâu để lớn sau đó thì đục tổ chui ra.

Miên cầm que củi định chọc vỡ cái tổ, nó muốn xem xem trong ấy có con sâu xanh nào bò ra không, nhưng sau đó lại rụt tay về. Thôi thì để cho tò vò lớn. Nó lớn, nó sẽ đi đẻ trứng vào những ổ sâu hại lúa. Bố Miên sẽ bớt vất vả.

Ngoài ngõ có tiếng chó sủa, rồi Miên nghe có tiếng bác Tịch gọi:

-          Bác Giáp có nhà không? Ô! Cái Miên! Bố mày đâu? – Bác Tịch hớn hở hỏi khi thấy nó bước ra từ trong bếp

-          Dạ, bố cháu đèo mẹ cháu đi bán xong chắc giờ ra đồng rồi bác ạ. Bác tìm bố cháu có việc gì không?

Bác Tịch cười hà hà bảo:

-          Tao sang nhờ bố mày qua gói hộ cho mấy cái bánh chưng. Bác gói lỏng tay quá, nếp nó cứ rã ra cả. Năm rồi bánh bố mày cho nhà bác, ăn ai cũng khen ngon.

-          Vầng! Thế tí bố về cháu bảo bố sang giúp bác nhé.

-          Ừ! Gói xong khuya sang nhà bác chơi, canh nồi bánh chưng với thằng Tí. Nó cứ nhắc chị Miên mãi đấy.

Miên cười hiền queo ngoan ngoãn dạ một tiếng. Rồi nghĩ thế nào nó ngước mặt hỏi:

-          Thế năm nay anh Sơn có về ăn tết không ạ?

Bác Tịch ngắt mấy cái lá giềng sâu ở bụi riềng đầu ngõ, cười rồi bảo:

-          Vợ chồng nó tận 28 Tết mới về cơ, cơ quan nó cho nghỉ muộn hơn mọi năm. Tiếc quá, tao cứ mong sau này mày về làm dâu nhà bác. Ngày xưa hai đứa quấn quýt thế mà, cứ suốt ngày bảo “sẽ làm vợ anh Sơn”. Hà hà. – Bác Tịch cười to thành tiếng, nét cười hằn cả trên khoé mắt. Trong hơi thở còn vương lại hương thuốc lào ngai ngái của người nghiện thuốc lâu năm.

-          Là cháu không có phước làm con dâu bác thôi, ai bảo anh Sơn nôn lấy vợ quá mà, hì hì. – Con bé Miên cũng cười trêu lại bác. Nắng sớm chiếu chếch bụi tre. Trông bóng bác Tịch nghiêng nghiêng càng thấy anh Sơn giống bác đến lạ lùng. Cái cằm hơi thô, đôi môi dày, sống mũi cao và đôi mắt đen, sáng quắc nhưng hiền lành như đất. Mái đầu bác Tịch đã bạc hơn nhiều so với khi Miên còn ở nhà. Như giật mình nhớ ra cái gì đấy, bác Tịch vỗ vào trán đánh “đét”

-          Chết chửa? Cái chảo thịt lợn bác còn để trên bếp, khéo cháy mất. Thôi! Bác về nhớ!

-          Vâng! Bác về ạ!

Miên đáp khi bàn tay xoa đầu nó của bác Tịch đã rời đi và bác thì phóng như bay về căn nhà gạch ngói đỏ sát hàng mía lau nhà nó. Anh Sơn đã lấy vợ từ năm ngoái. Nghe nói cô ấy là một cô giáo dạy Văn ở một trường cấp 3 trên Huyện. Trong một lần ra bưu điện gửi thư, cô vô tình để quên giấy tờ ở chỗ anh thế là anh liên lạc lại, rồi họ quen nhau, chưa đầy năm thì cưới. Như thể tình yêu sét đánh, cộng cả hơn chục năm Miên và anh bên nhau cũng không bằng sự xuất hiện chưa đầy năm của một cô gái lạ. Miên chưa từng trách anh, vì cơ bản Miên chưa bao giờ chính thức là người yêu của anh. Cứ bên nhau, thi thoảng như em gái, thi thoảng như đứa bạn thân sẵn sàng đánh nhau với bất kì ai khi đứa còn lại bị bắt nạt. Cái hôm Sơn lên Hà Nội học đại học, Miên cũng khóc như lúc mất con “em Sơn”, nó cứ ăn vạ rồi gào khóc: “Anh Sơn hứa không bỏ Miên đi mà giờ anh cũng bỏ đi như con “em Sơn”, anh Sơn không thương Miên nữa”. Sơn dỗ mãi, dỗ mãi, hứa hẹn đủ điều, nào là viết thư về cho nó, nào là thường xuyên về thăm nó, nào là mua áo đẹp cho nó nó mới chịu để Sơn đi. Mà anh cũng như lời hứa, anh hay về thăm nhà, mỗi lần về đều đem cho nó ít quà từ Hà Nội. Anh em nó vẫn hay lên đồi xoan hái sim, vẫn hay đi thả diều, bắt dế cùng nhau. Sơn lớn, Miên cũng càng ngày càng lớn, con bé vẫn một mực tin rằng “lớn lên Miên nhất định sẽ làm vợ anh Sơn”. Anh cũng vẫn “ừ” như cái chiều ngồi nắm tay nó khi anh tròn 13 tuổi. Rồi nó đậu đại học, chọn Sài Gòn để tiếp nối nghiệp đèn sách. Ngày Miên đi, nó chỉ gọi điện cho Sơn bảo một câu: “Anh chờ em nhé”. “Ừ! Anh hứa”, đầu dây bên kia là tiếng cười dịu dàng quen thuộc suốt mười mấy năm, trong veo vang lên trong cái đêm ở Nam Định tù mù trong ánh đèn dầu vì cúp điện. Nó vẫn luôn tin, như nó đã tin từ khi nó còn là con nhóc 8 tuổi, rằng lớn lên nó sẽ là vợ anh. Năm đó nó mười tám, anh cũng tròn hai ba.

Rồi giữa những ngày thi cuối kì bận rộn, Miên nhận được điện thoại của mẹ:

-          Thằng Sơn tuần sau cưới vợ, bác Tịch bảo mẹ gọi mày về ăn cưới anh. Nếu sắp xếp được thì về con nhé!

Nó im lặng mãi một lúc lâu mới “vâng” một tiếng với mẹ rồi cáo bận học và cúp máy. Đêm đó nó khóc như mưa khi nhận được tin nhắn từ anh: “Tuần sau về ăn cưới anh trai nha nhóc con”.

Ồ! Hoá ra nó không thể làm vợ anh nữa.

Năm đó nó mười chín, anh cũng tròn hai tư…

Tết năm nay dường như rét hơn mọi năm. Mặt trời đã lên cao mà nắng không làm không khí ấm lên là mấy. Miên trở vào trong bếp, lại ngồi ngó những đốm lửa tí tách cháy, hơ hơ bàn tay lạnh buốt vào ấm chè tươi bốc khói thơm lừng. Con Mướp mở mắt “ngao ngao” nhìn nó, rồi nhảy phốc vào lòng Miên, dụi mấy sợi ria mép vào chiếc áo khoác len của Miên nghe sột soạt. Điện thoại reo lên cái bản nhạc chuông “tò tí te” quen thuộc. Đầu dây bên kia dặn dò khẽ vài câu, nhắc nó giữ ấm, giữ sức khoẻ, nhắc nó tập thể dục, ăn uống đầy đủ. Tiếng cười bên kia đầu dây hiền lành và dịu dàng, âm ấm trong lòng. Miên khẽ vuốt đầu con Mướp. Hoá ra, Miên cũng có thể thương con Mướp như con “em Sơn”. Sau một thời gian quyết tâm không nuôi mèo, nhưng khi con Mướp nằm đây, nó cũng thấy ghen ghét cái mặt lười biếng của con mèo, giống như trước kia giành cho “em Sơn” vậy. “Em Sơn” đi mất, anh Sơn cũng đi rồi. Nhưng Miên vẫn trân trọng tất cả những thứ đã qua, trân trọng cả một thời thanh xuân tin tưởng sẽ được làm vợ của người con trai ấy. Màu sim tím của vết thơm trên má đã phai từ lâu. Miên khẽ chạm vào môi mình, bất giác muốn nắm tay Sơn trèo lên đồi xoan hái sim như khi còn bé. Không phải lo ngại ai lớn khôn, ai bé dại. Ngoài đầu ngõ đã nghe tiếng cub xì xoạch đỗ và tiếng bố Miên nói chuyện vui vẻ với bác Tịch bàn về Tết nhất.

Năm nay, Miên hai mươi, anh Sơn cũng đã hai mươi lăm rồi đấy…

Tác giả: Gió Hoang

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net