giọt đắng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Vãn chợ, mặt trời lên cao đổ xuống lòng đường cái màu vàng óng ánh, người thưa thớt dần. Vẫn như mọi hôm, Hồng lại gánh thúng rau còn thừa đến quá nửa về. Mấy tia nắng sớm rơi trên gò má em, nó không tràn đầy sức sống, mà em cũng chẳng cần thứ sức sống ấy, Hồng chỉ mải lo làm sao cho bữa cơm hôm nay, năm cái miệng ăn – tính cả em – không phải thèm thuồng nữa. Môi em bặm lại, nhẩm tính có lẽ mai ngày kia phải sang bên sông mà bán, chứ cứ thế này chỉ có chết đói thôi.

Đi về đến đầu ngõ, Hồng nghe thấy tiếng trẻ con òa khóc, nghe như đã khan cả cổ họng. Hồng đánh rơi cả đòn gánh, cứ chân trần mà lao thẳng về nhà, cái xóm này làm gì còn nhà nào có em bé nữa!

- Thái! Vy! Chị đây rồi chị đây rồi, rồi, chị thương, chị thương em nhé? Trời ơi chị Hiền đi đâu mà bỏ em một mình thế này có khổ không? Ừ, ngoan quá chị đây mà.

Hai đứa trẻ con nghe giọng chị thì nín hẳn, mặt mũi tèm lem toàn là nước mắt, cái khăn trên cổ đã sắp rơi ra vì chúng nó quấy khóc. Dỗ cho tụi nhỏ đi ngủ, Hồng mới sực nhớ chẳng thấy cái Hiền đâu, hồi sáng đã giao cho nó phải để ý hai em, thế mà lại chạy đi đâu không biết. Đúng lúc em vừa rời giường thì Hiền xồng xộc chạy vào nhà, điệu bộ hớt ha hớt hải như sợ người ta bắt được, người nó còn khom lại cố bao bọc cái gì quý hóa lắm ở trong tay. Nhìn thấy Hồng sững mắt nhìn nó, Hiền lập tức giấu hai tay ra sau lưng, cúi gằm mặt xuống, thi thoảng len lén đưa mắt nhìn về hai đứa em hãy còn sụt sịt trong chăn. Hồng khẽ nhíu mày, cất tiếng hỏi:

- Em đi đâu về? Tay cầm cái gì mà phải giấu chị?

Hiền không biết phải nói thế nào, cái mắt nó đảo như rang lạc, ngón chân không ngừng co quắp lại, cái miệng thì ấp a ấp úng:

- Em...em...

- Có phải em đi trộm khoai nhà người ta không?

Lần này tới lượt Hiền sững sờ nhìn Hồng, nó không ngờ chị lại đoán được mình làm gì, nó cứ đứng như trời trồng ở đấy, dường như đang cố tìm một lí do để giải thích cho việc chị Hồng nhà nó đoán mò hay như vậy.

- Em đem trả cho chủ đi, nhận lỗi rồi thì sẽ không bị mắng nữa. Lần này là lần đầu tiên, chị sẽ không trách em, nhanh lên, về còn trông em cho chị ra đồng.

- Em, em không trả đâu, không ai nhìn thấy mặt em cả, mất có hai ba củ thì to tát gì. Nhà họ giàu lắm, lại chả quản mấy cái củ khoai hà...

Hồng đã thấm mệt, mất kiên nhẫn gằn giọng:

- Biết là mấy củ khoai hà khoai hỏng lại còn bỏ hai đứa em bé tí ở nhà mà đi ăn trộm, chị Nhã Duyên với chị Châu Duyên có dặn em ở nhà đói quá thì đi đào ruộng nhà người ta à? Chủ ruộng có không quan tâm đi nữa, chị cũng sẽ không để cho em thành cái ngữ chuyên ăn cắp vặt, em hiểu không? Nhà này có thể khiến em phải chịu đói khổ, nhưng nhất định không thể khiến em trở nên hư hỏng. Hiền, em có nhớ câu mà chị luôn dặn em và Mỹ Lan không?

- Có ạ. Chị dặn em đói cho sạch, rách cho thơm...

Hiền bị mắng đã như sắp khóc, cái mặt lem luốc toàn là đất cát vì nghẹn không cho nước mắt chảy ra mà trở nên méo mó, mấy củ khoai cũng lăn lóc trên nền đất từ bao giờ. Thân mình nhỏ nhắn run lên bần bật, vẫn không dám ngước lên nhìn chị, hai tay em siết chặt lấy vạt áo sờn cũ, vò đi vò lại đến khi nhăn nhúm hết cả vào. Hồng nhìn em như thế mà lại rơm rớm, cúi người xốc nách em lên, Hồng bế Hiền lọt thỏm trong hai vòng tay mình. Để em tựa đầu lên vai, Hồng vỗ vỗ lưng em, học theo mẹ ngày xưa mà vuốt ve cho em xuôi cơn nghẹn họng. Hiền khe khẽ nấc lên, nước mắt em thấm ướt hết vai áo chị. Hai chị em cứ ôm lấy nhau như thế đến khi Hiền lả người đi, thở đều đều say ngủ.

________________

Hồng thất thần nhìn đống hỗn độn trước mặt: rau nát bét, hai cái thúng tung tóe trên đất, bị cắn đến thủng lỗ chỗ, con chó mồm còn ngậm cọng rau lừ lừ em, nhe mấy cái răng trắng hếu ra đe dọa. Em chẳng sợ gì mấy con chó ghẻ, em chỉ chăm chăm vào hai cái thúng, hai cái thúng duy nhất của nhà em. Bây giờ không có thúng, em biết phải làm thế nào? Em gánh hàng kiểu gì nếu chẳng có đồ đựng? Rồi em không thể gánh hàng thì em ra chợ thế nào? Không đi chợ thì lấy tiền đâu mà ăn, nhà em đến hôm nay đã chính thức không còn một cắc bạc, giờ thế này nữa thì làm ăn thế nào được? Ai người ta lại cho không em một đôi thúng với cái quang gánh bao giờ đâu? Họ tốt thế thì họ đã chẳng thả chó lung túng cắn nát đồ nhà em rồi? Tay Hồng nắm chặt, em hoa hết cả mắt, đầu em ong lên như búa bổ, mồ hôi nhễ nhại chảy làm mấy cái tóc mai bết lại dính vào mặt, em với lấy cái đòn gánh dưới chân, đập mạnh vào lưng con súc sinh phá hoại. Con chó bị đánh thì rú lên như dại, nó nhảy chồm lên thì bị Hồng đánh cho một cái nữa vào chân trước, nó ngã uỵch xuống. Hồng thấy thế lại gần, cứ nhằm vào miệng nó mà vừa đánh vừa chửi:

- Cái dòng thứ chó đẻ, mày dám cắn đồ nhà tao, còn định cắn tao nữa cơ à? Mày là chó nhà ai mà mất dạy thế, quen gặm xương rồi mà còn đụng vào mấy mớ rau của tao làm gì? Mày có biết tao không còn thúng thì phải làm sao không hả con chó? Hôm nay tao phải đánh chết mày mới hả cái dạ tao! Đồ chó đẻ!

Con chó cứ kêu ầm lên, làm người ta kéo cả ra đường, Hồng mặc kệ, em phải đánh đến khi có người ra nhận chó thì thôi, để em còn bắt đền hai cái thúng mà mãi chị Duyên mới mua được cho em. Quả thực, từ trong đám đông đã có người chen vào, chạy ra trỏ thẳng vào mặt em:

- A con ranh con, sao mày đánh chó nhà bà?

Hồng dừng tay, đưa mắt lên nhìn con mụ với cái giọng chua ngoa đanh đá nhưng có vẻ là có tiền, em biết là không thể lớn tiếng được, bèn tự trấn an mình, em làm bộ như lễ phép:

- Thưa bà, chó nhà bà không biết từ đâu ra đây, nó cắn nát mấy mớ rau với cái thúng của con, lại còn định cắn vào tay con một cái nên con mới đánh nó vài gậy cho chừa đi, đỡ sau này nó lại chạy lung tung cắn người.

Người đàn bà nghe thế thì hai mắt long song sọc, mụ tru tréo lên:

- Chó nhà tao mà mày dám nói thế à? Mày đang ám chỉ tao quản chó không nghiêm chứ gì? Mày bảo tao có con chó thôi cũng không giữ được chứ gì? Mấy cái thứ đồ rẻ tiền mục nát hết rồi thì đáng giá lắm hay sao? Ai mà biết được có phải mày dàn cảnh ăn vạ không hả con nhãi?

- Đây bà nhìn xem, đây không phải vệt móng chó nhà bà cào con thì là gì? Với cả trong mõm nó hãy còn rau kia kìa, nhà bà mà lại để chó phải ăn rau sao? Không thì nó lấy đâu ra rau để mà gặm?

Hồng vừa nói vừa vạch cái tay áo bị chó cào rách, vết thương bên trong vẫn còn hơi chảy máu nhưng vì bụi bám nên người ta chẳng thấy nổi. Trông Hồng lếch thếch nay còn chật vật hơn. Mụ già không cãi được, nhưng chẳng lẽ mụ chịu để mất tiền vào tay con oắt con vắt mũi chưa sạch này à?

- Cứ coi như thế đi, nhưng mày cũng đánh nó ra như này rồi, giờ chẳng may nó gãy cái chân hay mất cái răng nào thì mày tính sao? Mày có biết con chó này tao mua mất bao nhiêu tiền không? Mày có chắc là mày đền được chó cho tao không?

- Nó chỉ là một con chó, còn cái thúng kia con gánh cả mấy miệng ăn nhà con trên vai, không những thế nay con còn bị thương thế này, bà bảo nhà con lấy đâu ra tiền mà ăn hả bà?

- Tao không cần biết, mày làm thế nào đấy là việc của mày, tao không hỏi tội mày thì thôi, mày còn dám mở mồm vòi vĩnh tao cơ đấy à? Thôi tao chả dông dài với mày làm gì, một là để yên qua chuyện, hai là trả tiền "chữa bệnh" cho con chó này. Sao? Sợ rồi chứ gì? Nhớ đó con ranh, đừng có đụng vô nhà bà!

Nói rồi mụ xích cổ con chó lôi xềnh xệch nó về, lúc đi qua còn tiện tay xô Hồng một cái, miệng mắng "Tránh đường!". Hồng gục ngã trên nền đất, giờ em mới cảm thấy vết thương trên tay nhói đau. Mồ hôi cùng đất cát chảy vào miệng vết cào khiến em đau đến cắn chặt răng, còn không rửa đi là sẽ bị nhiễm trùng. Người ta thấy em như vậy cũng chẳng buồn giúp đỡ, mụ kia đi mất thì họ thấy hết chuyện vui, tản dần về nhà, có người còn chép miệng lắc đầu nhìn em thương hại, nhưng tuyệt nhiên chẳng ai chịu đến đỡ em dậy hay cho em một lời hỏi han. Hồng cũng chẳng mong đợi gì, em loạng choạng đứng dậy, ôm lấy cánh tay trái rồi nặng nhọc bước từng bước về nhà. Nắng trưa gay gắt đổ lên mái đầu em, tưởng như chết cháy trong cái nực. Đường về nhà cách có mấy bước chân chợt trở thành sâu hun hút trong cái ngõ vắng tanh, Hồng lê đôi chân trần mà đất đá cứ lạo xạo dưới lòng bàn chân em. Vừa đau vừa rát, em rủa thầm cho con chó đó ăn bả rồi chết quách đi cho bõ cái công em đánh nó ngày hôm nay. Nếu không phải mụ đàn bà kia lớn hơn hẳn em, em nào dễ chịu để yên như thế. Chắc trưa nay nhịn.

Lan về đến nhà cũng đã là lúc chiều, thấy Hồng nằm rên hừ hừ, bên cạnh thấy Hiền vừa trông em vừa thút thít liền vội vã chạy vào.

- Chị Hồng sao thế Hiền? Sao em lại khóc?

- Chị Hồng, chị Hồng bị con chó cào vào tay mất rồi, chị Hồng đau lắm, chị Hồng bảo, bảo cái quang gánh hỏng rồi, bị phá rồi. Chị Lan ơi, em đói, trưa nay chị Hồng không nấu cơm, Hiền đói lắm chị Lan ơi.

- Ừ, chị biết rồi, Hiền ngoan Hiền trông em nhé, để chị đi xem chị Hồng trước, lỡ chị Hồng bệnh mất, nhé. Này, cầm lấy cái kẹo đường ăn tạm, Hiền ngoan, Hiền giỏi lắm nhé.

Hồng nghe thấy tiếng Lan thì lơ mơ mở mắt, gượng người định ngồi lên nhưng em cứ rã rời chẳng dậy nổi, em đành tạm nằm xuống. Lan rút lấy cái khăn tay, lau nhẹ mồ hồi trên trán Hồng, khẽ nói:

- Vẻ như chị hơi sốt, em mới được nhà chủ trả công, em đi nấu cho chị bát cháo nhé?

- Mọi lần là mười lăm cơ mà, sao nay mới mùng tám em đã lấy tiền rồi à? Lấy tiền thì cũng đừng lấy quá nhiều nhé, chị không sao, lo cho mấy đứa nhỏ vẫn hơn kìa.

Lan cười cười gật đầu qua loa, giấu nhẹm đi vết bỏng ở bắp chân. Kể cũng hay, bị hất một ít nước sôi vào người mà được họ đền cho tận năm đồng, dù không được nói với ai nhưng Lan thấy chẳng cần thiết. Em chỉ cần tiền và no cái bụng là được. Với chừng ấy tiền, em lẩm bẩm, đủ cho chị Hồng ở nhà một tuần cũng không sợ đói. Em chợt cảm thấy may mắn, nếu không có mình thì nguy rồi, nếu mẹ biết được thì mẹ sẽ không bao giờ gọi em là đứa con thừa của cái nhà này nữa. 

Hồng ăn xong bát cháo thấy nhẹ cả người, em bật cười, ốm này là ốm ăn, chứ cái vết cào kia với em chẳng khác gì gãi ngứa cả mà nhiễm với chả trùng. Em nói Lan nghe dự định của mình:

- Chị tính mai sang bên kia sông để bán hàng, chứ ở cái làng này chả có mấy người chịu mua của nhà mình. Thúng với quang gánh thì để chị đi vay tiền mua coi sao. Mẹ cái con chó ấy, thế bảo có điên không chứ lại!

- Vậy có khó quá không chị? Chẳng lẽ để Hiền tự trông em cả buổi sáng, con bé cũng còn nhỏ mà. Chị cứ tạm ở nhà, em cũng có tiền công, đâu thể làm như chị nuôi cả nhà mình được.

- Em đi ở đợ nhà người ta có được mấy đồng thì đem nộp cho quan xã hết rồi, chứ bây giờ còn tiền ăn uống của tụi nhỏ thì sao? Chị cũng nghĩ rồi mới dám quyết định, cứ để thế, rồi sau này các chị lớn về nhà ta bảo sau cũng được. Miễn để các chị ấy đã đi làm xa còn phải lo cho tụi mình.

Mỹ Lan cứ ngần ngừ như muốn nói cái gì, cuối cùng em móc trong túi ra hai đồng bạc lẻ:

- Thế chị cầm tiền này mà đi mua đồ, em thấy chỗ này đủ rồi...

- Em ứng trước nhiều tiền thế cơ à? Sao tự nhiên ứng nhiều thế làm gì?

- Em... em có linh cảm chẳng lành nên cứ lấy trước một ít về phòng trừ, chứ chị biết thừa em cũng đâu có lấy tiền ăn chơi gì đâu?

- Ừ, chị có bảo gì đâu? Nhưng mà lần này thôi nhé, lần sau đến hạn rồi hãng lấy, không thì lại không có tiền nộp quan. Chị biết Lan ngoan, luôn biết nghĩ cho mọi người, nhưng cái gì cũng cần suy xét ha. May hôm nay có em, không chị cũng chẳng biết vác mặt đi đâu xin tiền cơ...

Mỹ Lan khẽ cười, cơn đau từ vết bỏng hồi sáng hình như cũng dần tan biến. Đâu chỉ có chị Hồng, so với ba đứa nhỏ hơn, em cũng là chị lớn, cũng lo được cho tụi nhỏ chứ? Em cũng là một phần của gia đình, một phần quan trọng không thể thiếu. Đúng vậy, may mà có em, may còn có em...

________________

Hồng ngồi trên bậc thềm trước hiên, khẽ ngước mắt lên trời. Ánh trăng vàng vọt rải đều mấy tán cau, trượt dài trên tàu lá rồi khẽ rơi rớt trên nền đất ẩm. Em ghét mưa. Em ghét cái mùi ngai ngái từ dưới bốc lên, nó khiến em khó chịu không thôi. Em ghét mấy giọt nước thừa thấm ướt cả mảng tường đất nhà em, em lạnh không chịu được, nói gì hai đứa bé. Em ghét tiếng mưa rơi, mưa rào rào hay mưa rả rích cũng vậy, nó cứ lùng bùng bên tai em, em chẳng ngủ yên được. Em chẳng ngủ yên được, vì cái ngày mẹ em đi mất, cũng là một ngày mưa.

Từ ngày ấy đến giờ, chưa hôm nào em ngừng mơ về hình bóng mẹ. Nó cứ hiện về mỗi tối, quẩn quanh trong tâm trí em chẳng rời. Một mảng kí ức khắc khoải không yên cứ bám lấy em, khi thì nó hừng hực như thiếu như đốt, khi thì chỉ vờn nhẹ như những câu hát ru hồi nhỏ em nhớ đến tận bây giờ. Mẹ em ấy thế mà lại bỏ em đi. Mẹ bỏ em đi, mẹ bỏ cả thảy chín chị em em. Nhiều lúc Hồng tự hỏi, phải chăng em chỉ là một gánh nặng mà mẹ lỡ sinh ra trên cõi đời này. Em không có quyền kháng cự, em đã được lựa chọn là phải sinh ra, nhưng em nào có mong cái diễm phúc ấy? Nếu em có thể, chỉ là nếu thôi, nhưng em ước gì mẹ đừng đẻ em ra nữa làm gì. Mẹ đẻ em ra rồi mẹ lại vứt bỏ em bơ vơ giữa cõi đời này. Như thế, em không muốn, em chẳng cần. Nhưng Hồng lại giật mình, em có thể làm gì được ngoài tiếp tục sống không? Sống, và mơ về mẹ.

Đêm nay, em lại mơ về mẹ. Em thấy mẹ, nhưng mẹ lại chẳng ở lại với em. Mẹ ở đâu? Mẹ đi đâu mất rồi? Con biết tìm mẹ ở đâu bây giờ? Mẹ bỏ con đi, nhẫn tâm đem theo cả nguồn sống của con trong ấy. Mẹ bỏ con đi, đành lòng để con chơi vơi giữa sóng đời nghiệt ngã, từng giọt nước tung tóe ướt đẫm gương mặt con, hòa cùng nước mắt. Mặn đắng.

Mưa rơi trắng xóa nặng nề từng hạt trên đôi vai gầy, chỉ còn mình con, khóc. Khóc cho đời con bất hạnh từ nay chẳng ai đoái hoài, khóc cho tình mẫu tử dang dở chính tay mẹ cắt đứt. Khóc, khóc ướt lem chữ đời.

Là do con không đủ tốt, hay lòng mẹ bạc quá hỡi mẹ ơi?

Chi Hồng khóc đến dại người đi, em sốt cao, người lại run cầm cập. Cả thân em lạnh toát, bụng em cứ quặn thắt lại như bị ai cấu xé. Đột nhiên, cả người em đổ ầm từ trên giường xuống đất. Em vẫn chưa tỉnh lại, thần trí cứ mê man, miệng thì liên tục gọi mẹ. Trong màn sương trắng lờ mờ, em thấy như mẹ trở về với em, từng bước, từng bước tiến đến gần em. Hai tay mẹ đưa ra, như gọi em về trong lòng mẹ, em nghe văng vẳng bên tai, nghe như tiếng mẹ vỗ về hôm nào. Chi Hồng vui sướng chạy lại, em cứ chạy theo, chạy theo mãi. Rằng hôm nay mẹ sẽ không giữa chừng mà biến mất, mẹ sẽ không mắng em là thứ của nợ, mẹ sẽ lại về với chị em em, một nhà em từ nay lại rộn vang tiếng cười. Em lại cùng mẹ ra đồng, em lại cùng mẹ nấu cơm, em lại có mẹ bên đời. Chi Hồng, về với mẹ.

Tiếng khóc của Mỹ Lan như xé toạc cả bầu trời đêm. Từ hôm nay, em sẽ chính thức là chị lớn trong nhà...


[tớ nảy ra ý tưởng viết fic về Twice trong bối cảnh làng quê nghèo Việt Nam cũng lâu rồi, nhưng mà giữa đường thì đứt gánh. hôm nay tự nhiên nghĩ ra được phần còn lại, thế là hoàn thành. lúc đầu tớ định viết dài hơn, nhưng rồi lại thôi vì không kham nổi, quyết định dừng lại ở oneshort là đẹp. tớ không đánh giá cao 'tàn' lắm, nhưng tớ muốn đăng lên để coi như kỉ niệm. nếu có duyên gặp được nhau, tớ xin được chúc mọi người ngày tốt lành.]


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net