ngày tàn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhã Duyên luôn tự nhủ rằng em chẳng còn gì để khóc nữa rồi.

Hết một ngày, khi màu trời đã tối đen như mực, Nhã Duyên mới đặt chân về đến nhà. Em cũng chẳng gọi đây là nhà được: căn phòng trọ vỏn vẹn chín mét vuông cho bốn chị em ở chung, chật chội và thiếu ánh sáng, mùi ẩm mốc bốc lên trong bốn góc nhà, mà hình như vừa rồi em còn thấy ít đất bùn từ đâu làm nhem nhuốc cả mảng tường vốn đã tróc hết sơn?

- Ôi dào, sao cứ lần nào về đến đây là chị lại thừ cả người ra thế? Chị cứ nhìn mãi như thế thì chỗ này rộng ra thêm phân nào à, hay nhìn chỗ đấy thì ra tiền? Thế cho nhìn với?

Nhã Duyên đã mệt đứt cả hơi, liếc mắt, ngán ngẩm lắc đầu rồi cũng chẳng thèm đôi co với Châu Duyên, em vứt túi đồ lăn lóc dưới sàn rồi chuẩn bị đi ra khu nhà tắm chung của xóm trọ. Châu Duyên thấy thế thì gân cổ lên gọi với theo:

- Khó ở, khó chiều, cứ nhăn nhó thế rồi mau già lắm đấy!

- Còn mày, bớt bớt cái mồm lại cho nó ăn da non, cơm từ trưa phun hết ra khỏi miệng rồi đấy. Cơm nước gì chưa mà nằm ì ra đấy?

- Chịu, tiền đâu ra? Nào, đưa tiền đây rồi em nấu cơm cho mà ăn, không thì nhịn.

- Sao mới hôm nọ tao đưa tiền cho mày rồi cơ mà? Mày lại đem đi đâu tiêu hết rồi đúng không?

Châu Duyên nghe thế thì bật cả người dậy, tức giận nói:

- Thế bà nghĩ tiền điện tiền nước người ta cho không bà à? Mới hôm qua mụ chủ nhà tăng tiền phí sinh hoạt kìa, ra đấy mà bổ vào mặt bả, em chả biết. Còn nếu mà chị đây cho rằng em hư hỏng đem tiền đi tiêu riêng thì tùy, em chả can được!

Nhã Duyên chẳng ngờ tiền thuê nhà lại cứ tăng vùn vụt như thế. Em lặng người đi, cứ đứng mãi bối rối chẳng biết làm gì, cho đến khi tiếng xe đạp của Mộng Đào từ ngoài cổng vọng lại, Nhã Duyên mới có cái cớ để chạy đi. Mộng Đào thấy chị mình hớt ha hớt hải cắm đầu mà chạy, không thèm đoái hoài đến mấy củ khoai trong rổ xe thì lấy làm lạ. Em dựng cái xe đạp cũ rích, mất cả chân trống vào tường nhà, ôm lấy túi khoai vào lòng đi hỏi Châu Duyên:

- Chị Nhã Duyên làm sao thế ạ?

- Chả có gì đâu. Mà lấy đâu được đống khoai này đấy? Đem vào đây chia tao với, hôm nay nhịn, hết tiền rồi. May quá có tí khoai.

- Em xin được của chủ quán đấy, giỏi không? Kể cả có là khoai thì cũng cứ không phải muốn có là được đâu nhé. Ăn đi không nó nguội thì mất ngon, mà Sa Hạ chưa về à chị?

- Ờ chắc thế, làm sao tao biết được nó. Chị Nhã Duyên làm ở xưởng, tao phụ xe khách đường dài, mày đi rửa bát thuê, có mỗi nó là biết được mấy con chữ thì ghi sổ ghi sách gì cho cái cửa hàng đấy. Lúc nào chả đi sớm về khuya, nhiều khi tao cũng chả biết nó ăn uống cái kiểu gì được nhỉ?

Mộng Đào khe khẽ thở dài, em cũng không rõ công việc của Sa Hạ là làm gì, con bé bảo các chị yên tâm thì mình cũng nghe thôi. Bốn người họ đã chuyển lên vùng ngoại ô này ngót nghét hai năm, bươn trải đủ nghề để kiếm sống, bị lừa đến nhờn, cũng nếm đủ thứ đòn roi xỉ vả, chỉ vì đồng tiền. Một Nhã Duyên kĩ tính, một Châu Duyên mạnh mẽ, một Mộng Đào hiền lành và một Sa Hạ chăm chỉ. Mỗi người một nghề, cả ngày đầu tắt mặt tối, chạy đôn chạy đáo nuôi thân, chỉ có buổi tối mới gặp được nhau. Mà họa hoằn lắm mới có một hôm cả bốn chị em ngủ chung, còn lại người thì tăng ca ở xưởng, người thì đi chạy xe thâu đêm. Thậm chí có những hôm, lúc Mộng Đào chuẩn bị đi làm, em mới thấy Sa Hạ rón rén đi vào nhà. Căn phòng trọ cuối cùng trở thành nơi để đặt lưng tạm, chứ không phải là nơi ở nữa. Nhiều khi em tự hỏi có đáng không, rồi lại chính em tặc lưỡi gạt đi. Đáng hay không thì cũng đã rồi, không đi làm thì chỉ có chết đói thôi. Bốn người đi tha hương cầu thực bỏ lại năm đứa nhỏ ở lại quê nhà cũng có đành lòng đâu, nhưng cứ chết gí ở cái làng bé tí ấy thì không bao giờ khá lên được. Nghĩ nghĩ cái gì, Mộng Đào bỏ dở củ khoai đang ăn, em lấy ống tay áo lau miệng rồi đứng dậy đi ra ngoài sân. Em muốn chờ Sa Hạ về, em tính viết cho Chi Hồng bức thư, đã lâu rồi không có tin gì của mấy đứa nhỏ. Em đã dặn là thi thoảng phải nhờ người ta viết hộ bức thư gửi lên rồi. Chắc chúng nó không có tiền gửi thư, thế thì để em vậy, nhưng ngặt nỗi em không biết chữ, đành nhờ Sa Hạ thôi.

Mộng Đào đi đi lại lại trong sân, tưởng như đã mòn cả đôi dép, em vẫn chưa thấy bóng dáng Sa Hạ đâu. Lạ thật, sao dạo này nhỏ hay về muộn quá thể, cứ thế này sức nó chịu sao mà nổi. Tần ngần một lúc, Mộng Đào quyết định đạp xe đi tìm em, tham công tiếc việc thế nào thì cũng phải có lúc nghỉ ngơi chứ. Bây giờ cứ cắm đầu vào làm rồi có lúc nó lăn ra đấy rồi thì lại chết tiền thôi, khổ cả bốn đứa. Hôm nay em quyết đưa nó về mới được.

Men theo trí nhớ, Mộng Đào rẽ vào đoạn đường tối om, đi đến đây em cũng không thấy cái đèn đường nào nữa. Em chợt cảm thấy hơi rợn người, thời tiết tháng tám tự nhiên trở nên se lạnh, em đã định quay về, nhưng không biết thế nào, chân em lại cứ đều đều từng nhịp đạp. Trời không có lấy một ông sao, đen kịt lại, đặc quánh khiến con người ta ngợp thở. Con đường không nhìn thấy điểm cuối, tưởng như đi mãi không hết. Suốt một quãng dài, Mộng Đào chỉ nghe thấy tiếng lạch cạch phát ra từ chính cái xe đạp của mình. Đâu đó em thấy ánh đèn điện nhập nhằng thắp lên, leo lắt trong đêm hiu quạnh. Một miền không gian xám ngắt và lặng buồn, mấy nhà dân tồn tại như có như không, chút ít ánh sáng yếu ớt không thể nào cứu vãn được được sự tàn tạ của vùng đất – nơi mà người ta gọi là phố - thực chất chẳng có chút hi vọng về tương lai này. Bóng tối nuốt trọn bóng lưng em.

Đến gần một cửa hàng nhỏ nằm sâu tận cuối con đường, Mộng Đào dừng xe ngó đầu vào hỏi thăm người đàn ông ngồi bên ngoài:

- Chào chú, tôi là người quen tới tìm cô Sa Hạ, chú cho tôi vào được không ạ?

- Cô Sa Hạ vẫn phải làm việc, cô tìm cô ấy làm gì?

- Sao phải làm việc nhiều thế hở chú, Sa Hạ đã về muộn cả tuần nay rồi mà? Tôi muốn đón em ấy về, mất công đường đêm này em đi tôi không an tâm.

Người đàn ông cau có đứng phắt dậy, quát:

- Cô này hay nhỉ? Làm việc có giờ giấc đàng hoàng chứ có phải thích về là về đâu? Hay cô làm thay cô Sa Hạ được thì để cô ấy về. Tôi nói cho cô biết, cô Sa Hạ còn nợ chúng tôi khoản tiền lớn, làm đến bao giờ trả đủ tiền rồi muốn đi đâu thì đi!

Vừa lúc Sa Hạ nghe tiếng ồn chạy ra, em thấy Mộng Đào đang ngơ ngác nhìn người đàn ông thì vội vàng chạy lại:

- Chị! Chị đến tận đây làm gì?

- Sa Hạ, sao người này bảo em nợ tiền họ? Sao chị không nghe em nói gì? Em nợ cái gì, tại sao lại nợ tiền người ta? Sao em không nói với các chị lời nào? Hả? Em nói gì đi chứ?

- Không nói với các chị là lỗi của em, ngày mai em sẽ nói rõ, còn bây giờ chị cứ về đi đã, có được không?

- Không được, chị không về! Hôm nay chị không đến thì sao mà biết được em lại gây ra chuyện tày trời? Em phải nói rõ, ngay tại đây cho chị!

Người đàn ông nãy giờ im lặng nghe thế thì lập tức phân bua:

- Em mày ấy, nó làm hỏng hàng của chúng tao, một lô to làm tụi tao lỗ nặng. Tao bảo nó đền nhưng nó không đền nổi, thế thì phải chấp nhận làm để trả nợ cho bọn tao thôi. Chỉ có thế thôi, đấy, chấp nhận mà đi về đi, đừng có vướng chân nó nữa, không thì xì tiền ra chuộc em về thì tao thả?

- Em tôi nó bảo là làm ghi chép cơ mà, làm gì động tới hàng của các ông mà các ông bảo nó phá?

- Mày không cần biết, nó làm hỏng thì nó phải chịu. Mày mà cứ làm phiền tao, tao tát bỏ mẹ mày đấy con ranh!

Sa Hạ biết lão ta không nói đùa bao giờ, em liền nhanh chân lách người chạy đến cạnh Mộng Đào, ra sức đẩy chị quay đầu xe đi về. Em đã giấu đến bây giờ thì nhất định không thể để người nhà liên lụy được, một mình em khổ, một mình em chịu thôi:

- Chị cứ về đi, em đã bảo em sẽ nói rõ kia mà, chị về đi, về đi đã nhé, có được không?

Mộng Đào xô cho cái xe đạp đổ ập xuống nền đất, trỏ thẳng ngón tay vào mặt lão chủ:

- Mày đừng tưởng tao còn lạ lẫm mấy cái trò dối trời gạt đất đẩy con người ta vào đường cùng của chúng mày. Tao nói cho mày biết, con này lúc mới lên đây đã bị người ta lừa đóng dấu vân tay bao nhiêu lần, vào tù ra tội vì mấy cái án oan rồi đấy, đừng có tưởng em tao hiền mà bắt nạt nó là dễ đâu. Một, là cho nó về, từ giờ không liên quan. Hai, là tao lôi mày lên đồn cho bọn cớm ở đây xử lí, tao nhẵn mặt chúng nó rồi đấy.

- Ừ, thế tao cũng nói cho mày biết. Tao đã để cho con em biết chữ nhưng ngu si đần độn của mày làm không công cho tao được, thì tao cũng cho mày đang bình thường thành què cụt được luôn. Còn mấy thằng chó cớm đểu, tao đếch sợ con ngu ạ, oắt con như mày mà cũng đòi sõi đời với tao á? Cút ngay!

Câu cuối kết thúc cũng là lúc hắn với lấy cái cốc thủy tinh trên bàn, nhằm thẳng đầu Mộng Đào mà giáng xuống, vừa lúc đẩy luôn Sa Hạ ngã sõng soài trên mặt đường. Em chỉ kịp thét lên một tiếng, Mộng Đào đã máu me đầy đầu, bất tỉnh nhân sự mà ngất lịm. Sa Hạ run run bò lại gần, em xốc người chị lên, nước mắt đã giàn giụa trên mặt tự bao giờ. Em hoảng loạn liên tục lay người chị, vừa lay vừa gọi tên chị thật lớn. Thế nhưng em gọi mãi, gọi mấy câu liền mà Mộng Đào vẫn không đáp lại lấy một lời. Mắt chị nhắm nghiền, đôi lông mày vẫn nhăn chặt lại, hẳn như chị đang đau lắm. Sa Hạ khóc càng to hơn. Em chợt nhìn xuống tay mình đã nhuốm đầy máu tươi, máu của Mộng Đào. Sợ hãi tột độ, em phải làm sao, em phải làm sao, có ai không, ai cứu chị em với! Nghĩ thế, em bế thốc Mộng Đào lên, gắng gượng chạy thật nhanh về phía nhà dân, em hét toáng lên, em rất cần người tới, em phải đưa chị đi bệnh viện, nếu không thì chị sẽ chết mất:

- Các cô các bác ơi, có ai không cứu chị cháu với, chị cháu sắp không xong rồi! Có ai không, có ai không, làm ơn cứu với, làm ơn, làm ơn cứu chị cháu! Có ai không giúp cháu với, có ai...

Sa Hạ nghe như tiếng em ngày một nhỏ dần, em không còn sức nữa, em mệt quá, em đói quá, đã mấy ngày hôm nay, em chẳng có nổi một giấc ngủ tử tế. Đôi chân bỗng như bị rút cạn sức lực, Sa Hạ gục xuống bên đường, hai tay em vẫn còn ôm chặt lấy thân mình Mộng Đào không buông. Tiếng nấc em tan đi, chìm nghỉm vào trong bóng đêm cô độc.

__________________

Nhã Duyên thẫn thờ ngồi trước cửa phòng bệnh viện, đầu óc trống rỗng, dường như vẫn không thể tin nổi những chuyện vừa xảy ra. Đùng một cái, hai đứa em em bất động nằm một chỗ, không nói không rằng mà làm em chết đứng. Hai đứa nhỏ ruột thịt của em giờ mặc đồ bệnh nhân chịu nỗi đau như thế, khổ như thế, có khác nào muốn giết chết em luôn không? Em đã nói bao nhiêu lần rồi, tiền cũng quý nhưng mà cái mạng còn quý hơn, em chỉ cần mấy đứa em mạnh khỏe thôi cơ mà? Một mình em chịu cực là được rồi, chứ bây giờ chúng nó nằm đấy thì em có bớt đau đi đâu, em còn đau gấp đôi kia kìa? Bố bỏ đi mất, rồi đến lượt mẹ cũng không chịu được mà đi luôn, em có còn gì ngoài tám đứa em đâu? Em đã không lo cho năm đứa nhỏ được rồi, bây giờ để mắt tới hai đứa lớn cũng không xong nữa. Thế là làm chị cái kiểu gì? Thế thử hỏi xem có ai chấp nhận được hay không? Điên thật rồi, Mộng Đào ơi, Sa Hạ ơi, hai đứa bảo chị phải làm sao đây? Chẳng bằng mấy đứa có mệnh hệ gì, chị chết quách đi cho xong!

Đang chìm trong mơ tưởng, bỗng có thứ gì xoẹt qua khiến Nhã Duyên kinh hãi đến tê liệt cả người. Mắt em mở to, cố nhìn thật kĩ xem có phải mình nhìn nhầm hay không, em chỉ mong rằng trong một vài giây ngắn ngủi, em hoa mắt rồi nhận sai người. Nhưng trời lại phụ lòng em, càng nhìn em lại càng thêm chắc chắn, từng đường nét trên khuôn mặt, đôi mắt, cái mũi, cho tới dáng đi, và cả nụ cười, tất cả đều giống y như đúc. Bố em. Bố. Một chữ này khiến hơi thở Nhã Duyên nghẹn lại, em đánh trống ngực liên hồi, dù cho em đã cố mọi cách nhưng vẫn không thể nào giữ được bình tĩnh. Bất chợt, ánh mắt người đàn ông kia phóng tới chỗ em, hai người mặt đối mặt.

Giật mình. Sững sờ. Hoảng hốt. Kinh hãi. Rồi ngay lập tức quay đi.

Nhã Duyên đã mong chờ điều gì?

Trong chín người, Nhã Duyên là đứa trẻ có kí ức về bố rõ nhất. Mẹ vẫn hay đùa rằng, nếu con gái là người tình kiếp trước của bố thì em với bố chắc kiếp trước đã thề non hẹn biển, nguyện mãi không xa rời, đời đời kiếp kiếp ở bên nhau. Em nhớ về bố của những tháng ngày xưa cũ, bố hay cho em ngồi trên vai đưa em đi chơi khắp xóm. Em nhớ về bố của những ngày em chập chững lớn, bố luôn kề cạnh em mỗi khi em cần, em nhớ về bố của ngày em đau nhất, bố ra đi không nói một lời. Bố lúc nào cũng nói thương em, yêu em, nhưng bố chọn bỏ em lại một mình, bố đi mất. Hồi ấy em chẳng thế hiểu nổi tại sao bố lại bỏ đi, em còn cho rằng bố chỉ giận dỗi một chút thôi, nhưng bố cứ mãi không về. Nhã Duyên của bố đã tự biết trông em, tự biết làm việc nhà, tự biết đảm đương mọi thứ, biết thêm một thói quen là mỗi ngày sẽ đứng ở đầu ngõ chờ bố về. Những lúc tủi thân không ai kề cạnh, em lại nhớ bố sẽ lau nước mắt dỗ dành em, những khi cày cuốc mồ hôi tuôn như tắm, em lại nhớ bố bảo có chịu khó làm thì mới sống được, những hôm ốm sốt đến kiệt cả sức lực, em lại tưởng như có bố ở bên, quan tâm, săn sóc. Bố là điểm tựa tinh thần của em, là động lực để em sống thật tốt trên đời. Rồi đột nhiên bố đi mất, em tưởng như thế giới quanh mình đã sụp đổ. Bố cho em sự sống, rồi chính bố lại tước mất sự sống của em. Mãi đến tận sau này, khi em đã trở thành điểm tựa của tám đứa nhỏ, em vẫn không thể quên được trước hôm bố đi một ngày, bố vẫn ôm em vào lòng và thủ thỉ, bố nói bố thương em rất nhiều.

Thương nhiều rồi lại bỏ em đi à?

- Chị Nhã Duyên! Chị! Chị ơi!

Tiếng gọi của Châu Duyên làm em bừng tỉnh, Nhã Duyên nhìn thấy gương mặt nhỏ thì bình tĩnh lại. Chợt em òa khóc, ôm chầm lấy Châu Duyên, bàn tay em níu chặt lưng áo của nó như sợ Châu Duyên sẽ biến mất. Em đã không còn gì rồi, em không thể để Châu Duyên làm sao được. Châu Duyên cứ để mặc cho chị khóc ướt hết cả vai áo, tay em khe khẽ vỗ lên lưng chị, chờ cho cơn nức nở qua đi. Không ai để ý rằng, đáy mắt em còn vương lại ít sắc đỏ, cũng không ai biết được rằng, khi vừa chạy bán sống bán chết vào trong bệnh viện, em đã vô tình gặp phải ai.

__________________

- Nhà có thư đây! Thư của cô Nhã Duyên, có em gái cô từ quê gửi thư lên đây này!

Nhã Duyên luôn tự nhủ rằng em chẳng còn gì để khóc nữa rồi...


thái an.


[tớ xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất tới một bạn vì đã bình chọn và dành lời khen cho phần 1 của 'tàn'. cũng nhờ bồ mà tớ đã có động lực viết nốt một phần cho bốn chị lớn còn lại. tới đây thì tớ cũng xin được kết thúc 'tàn' ở đây. đây là fic đầu tiên tớ viết được một cách hẳn hoi trọn vẹn, nhưng không ngờ rằng nó lại buồn đến thế. tàn vậy đủ rồi, tớ không tàn nữa đâu =))))))))) một lần nữa cảm ơn và chúc mọi người một ngày vui vẻ nha.]


VOTE CHO TWICE TRÊN CHOEAEDOL HOẶC CHẾCH ⊂((・▽・))⊃



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net