Chương 4: Hồ lô đường

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Từ ngày trở về từ tửu lâu, cả Tống Á Hiên và Lưu Diệu Văn đều rất ăn ý không nhắc gì đến ngày hôm ấy, đặc biệt là Lưu Diệu Văn. Bên cạnh sự im lặng ấy lại là sự ồn ào mà trái tim không cách âm hết được.

Tống Á Hiên vừa chép xong vở Oan Đậu Nga liền nghe một tiếng choang loáng thoáng vang lên từ dưới lầu. Nó nghiêng đầu nhìn ra cửa sổ, hai ba hạ nhân bắt đầu chạy đến chỗ Lưu Diệu Văn đang đứng như trời trồng nhìn bộ ấm trà vỡ nát trước mặt.

Hắn rất nhanh đã bị ăn mắng, nhưng hai bên lỗ tai lùng bùng cứ lọt từ bên này sang bên kia. Nhặt nhạnh từng mảnh vỡ, Lưu Diệu Văn vẫn cứ lầm lỳ không nói chuyện. Hai kẻ kia đã đi tự bao giờ hắn cũng chẳng để ý, cho đến khi đôi giày thêu quen thuộc bước đến trước tầm mắt hắn. Nhìn thấy Tống Á Hiên, hàng lông mày nhỏ vừa giãn ra đôi chút lại nhăn tít lại. Sự tủi thân chẳng biết ở đâu lại dâng lên, Lưu Diệu Văn bặm môi sụt sịt mũi ngăn không cho bản thân rơi nước mắt.

Vứt đi mớ sành vỡ, lau đi nước mũi đầy mặt, Lưu Diệu Văn ngồi đối diện với Tống Á Hiên, trước mặt hắn là giấy và bút. Gương mặt vừa mới khóc nhè liền nghệch ra.

"Cậu bắt em chép phạt à?"

"Cậu phạt em cách khác đi, em thực sự không biết chữ."

Tống Á Hiên thở dài, rốt cuộc đứa nhóc này nghĩ nó xấu xa thế nào chứ.

"Chưa biết thì sau này sẽ biết."

"Để dành sau này phạt em."

Lưu Diệu Văn lơ mơ hiểu được ý tứ của tiểu thiếu gia, đây nào có phải hình phạt chứ. Hắn chớp mắt:

"Cậu dạy em viết chữ à?"

Vừa chớm thấy Tống Á Hiên mỉm cười hai mắt hắn lần nữa lấy lại được tia sáng.

"Thật tốt quá, cậu mau dạy em với."

Tống Á Hiên tủm tỉm nhìn hắn, còn đâu dáng vẻ ủ dột cách đây nửa khắc trước. Đưa bút vào tay Lưu Diệu Văn, chỉnh lại tư thế và vị trí cầm bút, bàn tay nhỏ nắm bàn tay nhỏ, từng nét mác nét phẩy theo cử chỉ của Tống Á Hiên lướt nhẹ trên trang giấy. Lưu Diệu Văn không dám thở mạnh, hai vai hắn gồng lên căng cứng. Tống Á Hiên buồn cười, đặt đầu lên vai hắn ấn xuống.

"Thả lỏng."

Đứa nhỏ ngay lập tức ngoan ngoãn nghe lời, run run rẩy rẩy viết từng nét từng nét.

Lưu Diệu Văn học rất nhanh, chỉ trong vòng một tuần đã nhớ được hết các bộ. Tống Á Hiên nhìn hắn run rẩy viết trọn một trang giấy, lại rụt rè nộp bài lên. Nó nhìn một lượt từ trên xuống dưới, lại nhìn Lưu Diệu Văn ra vẻ thần bí. Hắn sợ mình viết sai, bặm môi hỏi có phải hắn không đạt không. Tống Á Hiên nén cười, vuốt bộ râu vô hình dưới cằm tặc lưỡi nhìn hắn.

"Học trò của ta sao có thể làm sai."

"Trò được lên lớp."

Lưu Diệu Văn vừa nghe mình đã đạt, suýt chút nữa đã nhảy hẳn lên ghế. Tống Á Hiên cười híp cả mắt, nằm hẳn ra bàn nhìn hắn lẩm bẩm đọc lại trang giấy bản thân viết không sai một chữ. Khóe miệng Lưu Diệu Văn cười mãi vẫn chưa hạ xuống, hắn cầm bút lên, lại nhét cây bút còn lại vào tay Tống Á Hiên.

"Cậu dạy em viết tên cậu đi."

Nó nhìn cây bút, tay vẫn trải giấy ra nhưng nấn ná bên khay mực chưa chấm xuống.

"Vì sao không phải là tên em?"

Trước câu hỏi rất đỗi bình thường, Lưu Diệu Văn há miệng không trả lời. Hắn nắm chặt bàn tay, mắt lại không dám nhìn thẳng cậu chủ nhỏ. Mỗi lần Tống Á Hiên chạm tay đến sự tủi thân âm ỉ trong lồng ngực hắn, Lưu Diệu Văn lại muốn ăn vạ, muốn khóc lóc thật to. Đâu đó một nửa trong hắn lại cảm thấy như vậy quá yếu đuối trong khi đáng lẽ bản thân không nên để Tống Á Hiên bận tâm nhiều như vậy. Ở nửa còn lại, Lưu Diệu Văn nhớ đến Tống Á Hiên từng nói với hắn, ta và em giống nhau, cảm giác đồng cảm và ỷ lại mãnh liệt ấy khiến một đứa trẻ con khó lòng từ chối. Hắn lựa lời, quyết định trả lời bằng một câu hỏi khác.

"Tiểu thiếu gia, cậu có biết vì sao cậu tên là Tống Á Hiên không?"

Cây bút trên tay Tống Á Hiên lỏng ra, chấm một nét phẩy thấm đẫm mực trên trang giấy. Hiển nhiên nó sẽ không nghĩ Lưu Diệu Văn hỏi điều này.

Tối kị của ăn mày là hỏi quá khứ. Tống Á Hiên cảm thấy bản thân không phải ăn mày, Lưu Diệu Văn càng không phải. Thế nhưng có những chuyện vốn không thể kể bằng lời. Nó lại nhớ đến vị tiểu thư hôm nọ, mực dưới tay đã lem cả vào lòng bàn tay.

Mẹ trong kí ức của Tống Á Hiên xuất hiện với nhiều dáng vẻ, có những dáng vẻ ám lên trí nhớ non nớt của nó, có những dáng vẻ lại mờ nhạt như khói, nhưng mùi hương thì luôn rõ rệt. Mùi hương của đủ loại người như một cái mạng nhện bao lấy bà, khiến cho Tống Á Hiên từ bé đã luôn chán ghét không muốn ôm mẹ, mỗi lần được bà ôm vào lòng nó lại cảm thấy như bị người xa lạ xiết lấy.

"Không có ai nói cho ta biết."

Lưu Diệu Văn bặm môi hít một hơi, hắn cảm thấy mình vừa hỏi điều không nên hỏi. Nếu một đứa trẻ lên mười biết được tên của chúng có ý nghĩa gì, vì sao lại được đặt như vậy, hẳn là bởi người lớn trong nhà từng kể qua. Họ sẽ kể rằng cái tên của chúng được ấp ủ biết bao lâu, một cái tên phổ thông bình thường như Đại Cường cũng đã có ý nghĩa rồi. Tống Á Hiên, một cái tên vốn đẹp đẽ như vậy, thế mà chẳng ai giải thích cho nó biết rốt cuộc có nghĩa là gì, được đặt ra trong trường hợp nào.

Hắn bối rối muốn tìm lời an ủi, lúc này lại trách bản thân không biết chữ, không đọc sách, lời hay ho để nói cũng không vắt óc ra được. Tống Á Hiên biết hắn đang xoắn xuýt trong lòng, cũng không né tránh.

"Còn em thì sao? Diệu Văn có nghĩa là gì?"

Lưu Diệu Văn nâng mắt nhìn Tống Á Hiên, nhìn thấy sự vô tư lự và thấu hiểu của người ấy. Tống Á Hiên dù chỉ hơn Lưu Diệu Văn một tuổi vẫn có thể nhìn ra đứa trẻ này vẫn luôn nhớ nhà, một đứa trẻ có nhà đột nhiên lang bạt so với một đứa trẻ lang bạt từ khi sinh ra đều chẳng thể so đo. Lưu Diệu Văn nghịch ngón út nhỏ xíu của Tống Á Hiên, lí nhí kể chuyện.

"Diệu có nghĩa là rạng danh tổ tiên, còn Văn trong văn hay chữ tốt. Ông ngoại em là một học sĩ đó. Còn cha ruốt em là học trò của ông."

Tống Á Hiên gật gù, thảo nào Lưu Diệu Văn lại học chữ nhanh như vậy, ra là con nhà nòi.

Mẹ luôn lén lút nói cho hắn biết khi cha công thành danh toại sẽ trở về cưới bà, nói rằng ông ngoại rất mong chờ gặp hắn. Thế nhưng khi Lưu Diệu Văn đếm được bản thân đã 7 tuổi, hắn vẫn chỉ biết khuôn mặt của mẹ và dượng.
Dượng của hắn đi làm thuê trong một đội tàu, mỗi lần đi là hai ba tháng. Lưu Diệu Văn không hiểu vì sao mẹ lại về nhà với ông tay dẫu bà thường bảo đàn ông thứ dân khó nói được lời có học.

Trong trí nhớ của Lưu Diệu Văn, mẹ chỉ biết duy nhất việc đan giỏ mây. Gương mặt bà luôn tái nhợt, dù cho trời có đổ lửa mẹ cũng luôn quàng quanh cổ một chiếc khăn gấm đã sờn hết vải. Có đôi lúc hắn ngắm nhìn bà và cảm thấy đâu đó mẹ lại tự hào bởi vẻ yếu nhược như tiểu thư khuê các của bản thân. Bản thân Lưu Diệu Văn cũng đồng ý với điều ấy, ít nhất mẹ chưa từng mắng hắn như các thím trong làng mắng con.

Những giỏ mây bà đan cũng chỉ đủ trả tiền thuốc thang, ăn uống qua ngày. Đôi khi tiền ấy còn trả cho thuốc phiện và cờ bạc của dượng mỗi lần lão ta ở nhà.

Mỗi lần Lưu Diệu Văn bắt được một con cá hay sắc được một chén thuốc, mẹ đều nói rằng chỉ cần có hắn, bà sẽ yên tâm sống đến 100 tuổi.

"Dù không biết chữ, nhưng chỉ cần ngửi mùi em đều chỉ được vanh vách đâu là hoàng liên, ma hoàng, lai phục tử, tang bạch bì đó."

Hắn đã đắc ý khoe với Tống Á Hiên như vậy.

Năm Lưu Diệu Văn lên tám, mẹ nói rằng muốn dẫn hắn đi vào trấn xem người ta đón tết Trung Thu. Đứng trên cầu nhìn xuống hoa đăng trôi theo dòng phía bên dưới, Lưu Diệu Văn vẫn ngoan ngoãn không chạy nhảy, một lòng muốn nắm tay mẹ. Chỉ là khi ấy còn nhỏ, lần đầu tiên thấy một thân cây gắn đầy hồ lô đường như vậy khiến hắn thèm thuồng vô cùng. Lưu Diệu Văn còn nhớ mẹ đưa cho ông chủ hai đồng, hai đồng được một cây hồ lô căng mướt ngọt lịm.

"Tiểu Lưu, con đợi mẹ một chút có được không?"

"Mẹ đi đâu sao, con cùng đi với mẹ."

"Ngoan, con đứng đây giữ chỗ cho mẹ con mình có được không. Mẹ sẽ rất nhanh trở lại."

Lưu Diệu Văn bặm môi, cuối cùng cũng gật đầu buông vạt áo bà ra. Hắn vốn định ăn kẹo, thế nhưng nghĩ đến muốn dành cho mẹ quả đầu tiên, Lưu Diệu Văn nuốt nước bọt quyết định không cắn xuống.

Lưu Diệu Văn đợi rất lâu. Hắn sợ rằng mẹ không còn nhớ đã để hắn lại ở đâu trên cầu, cứ thế đi từ đầu này sang đầu kia. Mãi tận khi phía bên chân cầu chỉ còn lại mình hắn và những con chó hoang sủa càn trong đêm, hắn lúc này mới bật khóc gọi mẹ ơi, trên tay vẫn còn thanh hồ lô ngọt lịm nguyên vẹn.

"Tất nhiên là vì không muốn tìm rồi"

Lưu Diệu Văn vẫn còn nhớ bà chủ quán rượu đã nói như thế.

Cứ thế lang thang cho đến khi người ngợm bốc mùi, cây hồ lô trên tay cũng chảy nước và ôi thiu từ lâu, hắn mới tin rằng trong trấn không có bất kỳ tin tức về mạng người nào. Dò dẫm tìm đường trở về ngõ nhỏ bên rìa thị trấn, Lưu Diệu Văn vẫn ôm hy vọng trong lòng rằng khi về đến nhà, hắn vẫn thấy mẹ ngồi đó đan giỏ, mẹ sẽ ôm lấy hắn và nói đã đi tìm hắn rất lâu. Nhưng khi về đến nhà, cơn đau bên trong người cứ thế cuộn lên, Lưu Diệu Văn đổ gập người nôn khan. Tất cả đều là dịch mật đắng nghét, hắn đã không được ăn gì những ngày qua. Từ phía sau vườn, cha dượng của hắn lao ra, một tay còn túm quần chưa mặc hẳn hoi, phía sau lưng còn có một ả đàn bà. Cha dượng vừa thấy đã cho Lưu Diệu Văn một bạt tai, may mắn làm sao, cái bạt tai điếng người ấy khiến Lưu Diệu Văn chẳng nhớ gì những lời mắng chửi về mẹ.

Hắn trở về nhà ít hôm thì cũng trốn đi biệt dẫu lão khốn nạn kia đã cắt đi đuôi tóc của hắn. Ông ta thực sự đã nghĩ một mái tóc cũn cỡn là đã có thể xích Lưu Diệu Văn như con chó trông nhà. Mà hắn cũng chẳng trốn đâu xa, đa số chỉ loanh quanh chui rúc trong ngõ, lúc lại chạy lên trấn nghe ngóng. Đứa nhỏ không dám rời đi, Lưu Diệu Văn sợ rằng lúc mẹ trở về sẽ không tìm được mình.

Tống Á Hiên nghiêng đầu, cây bút trên tay vẫn thoăn thoắt viết đi viết lại ba chữ, tưởng như lơ đễnh không hề lắng nghe.

"Em muốn đi tìm mẹ không?"

Lưu Diệu Văn lắc đầu bảo không cần. Tống Á Hiên cũng không vạch trần, không cần chứ không phải không muốn. Nó đẩy trang giấy đến trước mặt Lưu Diệu Văn, ngón tay chỉ vào từng chữ một.

"Lưu"

"Diệu"

"Văn"

"Em có thể quên mọi chữ cái ta đã dạy, nhưng tuyệt đối không được quên ba chữ này."

Lưu Diệu Văn nhìn từng chữ ngay hành thẳng lối nối tiếp nhau trên giấy, cơn đau dấy lên trong lòng đột nhiên lưu thông, vẫn còn đó, nhưng không chặn lại hơi thở của hắn nữa.

Tống Á Hiên nhét bút vào tay hắn, nắn nót đưa từng nét làm gương. Diệu có nghĩa là rạng danh tổ tiên, Văn có nghĩa là văn hay chữ tốt.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net