Phần 2: part 5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


5.

Một trong những thú vui trong cuộc sống của Kaoru chính là đến ghé thăm văn phòng của Giáo sư dự khuyết(*) Saiki tại khoa Bệnh học. Saiki từng là bạn cùng lớp của bố anh tại chính trường đại học này, và bây giờ, với ông bố đang ở trong tình trạng đáng tiếc này của anh, Saiki vẫn luôn sẵn sàng lắng nghe hoặc đưa ra một số lời khuyên. Chính thức mà nói, ông không phải là nhà tư vấn của Kaoru, nhưng ông là một người bạn cũ của gia đình, một người mà Kaoru đã biết đến từ thời thơ ấu.

(*) Giáo sư dự khuyết: là một chức vụ khoa bảng thấp nhất trong ba bậc giáo sư (gồm Giáo sư dự khuyết, Phó giáo sư và Giáo sư), là những nhà nghiên cứu độc lập, hoàn toàn có tư cách chủ trì các công trình nghiên cứu. Và những người mang chức danh này là những nhà khoa bảng đang trong giai đoạn củng cố địa vị chuyên môn để chuyển tiếp lên một cấp bậc cao hơn. #

Dạo này, các chuyến viếng thăm thường lệ của Kaoru có mang theo mục đích cụ thể. Các tế bào ung thư hành hạ bố của anh đang được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm của Saiki, và Kaoru thích ghé qua để xem xét chúng dưới kính hiển vi. Để tự bảo vệ một cách đầy đủ khỏi các cuộc tấn công của kẻ thù này, anh cảm thấy mình cần phải biết rõ bộ mặt thật của nó đã.

Kaoru rời bệnh viện đó và vào tòa nhà chứa các phòng thí nghiệm Bệnh học, Pháp y và Vi sinh học. Bệnh viện trường đại học là một bộ sưu tập pha tạp của các tòa nhà mới và cũ; tòa này là một trong những tòa cũ. Các phòng học Pháp y ở trên tầng hai, trong khi phòng học Bệnh học ở tầng ba, nơi mà anh đang tiến vào.

Anh leo lên cầu thang và rẽ trái vào một hành lang dài với các phòng thí nghiệm nhỏ ở hai bên. Kaoru dừng lại trước cánh cửa phòng Giáo sư Saiki và gõ cửa.

"Vào đi," Saiki lên tiếng. Cánh cửa mở hé ra; Kaoru thò đầu vào. "A, là cháu đấy à." Đây là phản ứng tiêu chuẩn của Saiki khi nhìn thấy Kaoru.

"Liệu cháu có đến không đúng lúc không ạ?"

"Ta đang bận, cháu thấy đấy, nhưng rất hoan nghênh cháu, cứ làm bất cứ việc gì cháu muốn."

Saiki lại tiếp tục việc kiểm tra các tế bào lấy từ một số mô bệnh từ lúc chiều; ông hầu như không nhìn lên. Cũng tiện hơn cho Kaoru; anh muốn được ở một mình để quan sát một cách tự do.

"Vậy cháu xin phép ạ."

Kaoru mở cánh cửa tủ khổng lồ của lồng ấp - giống như một cái tủ lạnh - chứa đầy carbon dioxide, và tìm các tế bào của bố anh. Lồng ấp luôn được giữ ở nhiệt độ không đổi và một nồng độ gần như không đổi của carbon dioxide. Điều đó không cho phép anh để cửa mở lâu.

Nhưng các đĩa Petri(*) chứa các tế bào được nuôi cấy của bố anh vẫn ở vị trí thường lệ của nó, và anh không gặp khó khăn khi tìm nó.

(*) Đĩa Petri: là một loại đĩa bằng thủy tinh hoặc chất dẻo dạng hình trụ có nắp đậy mà các nhà sinh vật học sử dụng để nuôi cấy tế bào hay những cây rêu nhỏ. Đĩa Petri bằng thủy tinh có thể được tái sử dụng bằng cách khử trùng (như hấp trong nồi hoặc sấy khô trong lò ở nhiệt độ 160°C trong một giờ). Để tránh những vấn đề do sự lây nhiễm chéo giữa các lần thí nghiệm gây ra, người ta sử dụng đĩa Petri bằng chất dẻo chỉ dùng một lần. #

Vậy đây chính là diện mạo của những kẻ bất tử, anh nghĩ. Điều này thường khiến anh thấy bối rối.

Gan của bố anh đã bị cắt bỏ, đã đổi từ màu đỏ hồng bình thường của nó thành họa tiết lốm đốm được bao phủ bởi thứ trông giống như bột mì trắng và bây giờ đã được niêm phong trong một lọ thủy tinh, bảo quản trong formaldehyde, trong một tủ, nơi mà nó đã được lưu trữ trong ba năm nay. Đôi khi nó trông có vẻ vặn vẹo hay quằn quại, nhưng có lẽ đó chỉ là do ảnh hưởng của ánh sáng.

Gan thì đã chết, tất nhiên, được ngâm trong formaldehyde. Trong khi đó, các tế bào ung thư trong đĩa Petri vẫn còn sống.

Cái đĩa chứa tế bào phát triển từ tế bào ung thư của bố Kaoru, nuôi cấy trong môi trường có nồng độ huyết thanh nhỏ hơn một phần trăm.

Với các tế bào bình thường, sự tăng trưởng dừng lại khi các yếu tố tăng trưởng trong huyết thanh được sử dụng hết. Và trong đĩa Petri, chúng sẽ chỉ nhân lên để tạo thành một lớp duy nhất bất kể có bao nhiêu yếu tố tăng trưởng được thêm vào, đó là do một hiện tượng được gọi là ức chế tiếp xúc. Nhưng các tế bào ung thư không chỉ giảm ức chế tiếp xúc, mà chúng còn phụ thuộc rất thấp vào huyết thanh. Nói đơn giản là, chúng có thể phát triển và sinh sản, lớp chồng lớp, trong một không gian nhỏ mà hầu như không có nguồn cung cấp thức ăn.

Các tế bào bình thường trong một đĩa Petri sẽ chỉ tạo thành một lớp, trong khi đó các tế bào ung thư sẽ tạo thành hàng nhiều lớp. Các tế bào bình thường sinh sản phân bố trên một mặt phẳng một cách ngăn nắp, trong khi các tế bào ung thư sinh sôi trong cả không gian ba chiều một cách mất trật tự. Các tế bào bình thường có một giới hạn tự nhiên với số lần chúng có thể phân chia, trong khi các tế bào ung thư có thể tiếp tục phân chia mãi mãi.

Sự bất tử.

Kaoru hoàn toàn cảm thấy thật mỉa mai, rằng trên thực tế sự bất tử, đối tượng của lòng khao khát sâu thẳm nhất của con người từ thời xa xưa, lại thuộc về sinh vật nguyên thủy kinh khủng này, thuộc về kẻ sát nhân này.

Như để chứng minh tính chất ba chiều của chúng, các tế bào ung thư của bố anh đã nổi lên thành một khối bong bóng hình cầu. Mỗi lần Kaoru nhìn, chúng lại có một hình dạng khác nhau. Ban đầu, các tế bào gốc của chúng là các tế bào bình thường trong gan của bố anh, nhưng bây giờ có lẽ coi chúng như là một dạng sống độc lập thì thích hợp hơn. Ngay cả khi chủ thể trước kia của chúng đang phải đối mặt với cơn khủng hoảng của mình, thì những tế bào này vẫn tham lam hưởng thụ sự sống vĩnh cửu.

Kaoru đặt cái đĩa đầy những đám trái ngược này lên kính hiển vi quang học. (trên đĩa có cả tế bào bình thường và tế bào ung thư)

Sự phóng đại chỉ lên đến X200, nhưng nó đã cho phép nhìn thấy màu sắc hình ảnh một cách dễ dàng. Anh chỉ có thể sử dụng kính hiển vi điện tử khi anh có thời gian rảnh rỗi.

Các tế bào ung thư, những dạng sống đã vượt xa khỏi bất kỳ sự tác động kiểm soát nào, thể hiện một cái nhìn đặc biệt. Có lẽ thực sự có điều gì đó về sự xuất hiện kì cục của chúng – nói một cách khách quan, hoặc có lẽ chúng chỉ trông kỳ cục đối với anh bởi những định kiến của anh về chúng - như là kẻ tiếm quyền của sự sống con người.

Kaoru đấu tranh để gỡ bỏ lòng thiên vị này, sự hận thù của anh đối với các tác nhân gây ra sự đau đớn của bố anh, rồi anh tiếp tục quan sát mẫu.

Nâng độ phóng đại, anh có thể thấy các tế bào đang tụ lại với nhau. Các tế bào dài, khẳng khiu, mờ nhạt, tụ tập giống như một bụi cây, nhuộm màu xanh lá nhạt. Đây không phải là màu tự nhiên của chúng; kính hiển vi có một bộ lọc màu xanh lá cây kèm theo.

Các tế bào bình thường sẽ được phân bố đều trên một mặt phẳng, có trật tự, không có một phần nào thừa ra, nhưng các tế bào ung thư thì cho thấy một cái bóng màu xanh lá cây dày hơn, lác đác ở chỗ này chỗ kia.

Anh có thể thấy chúng rõ ràng: vô số điểm, nổi lên xung quanh, sáng bóng. Đây là những tế bào đang trong quá trình phân chia.

Kaoru di chuyển đĩa dưới kính hiển vi nhiều lần, so sánh các tế bào ung thư với các tế bào bình thường. Sự khác biệt trên bề mặt đã quá rõ ràng: các tế bào ung thư biểu thị một đám vẩn đục lộn xộn.

Nhưng bề mặt của các tế bào là tất cả những gì anh có thể kiểm tra: kính hiển vi quang học không đủ mạnh để anh thấy được nhân hoặc ADN của chúng.

Tuy nhiên, Kaoru vẫn nhìn không biết mệt mỏi. Trái tim anh nặng nề với suy nghĩ rằng anh đang lãng phí thời gian của mình: là anh sẽ tìm hiểu được gì khi mà chỉ quan sát chúng từ bên ngoài? Tuy nhiên, ngay cả khi anh tự nguyền rủa mình vì đã làm như vậy, anh vẫn kiểm tra phần bên ngoài từng chút từng chút một của chúng.

Bề mặt các tế bào đều trông giống nhau. Hàng ngàn khuôn mặt giống hệt nhau, tất cả trong một hàng.

Khuôn mặt giống hệt nhau.

Kaoru ngước mặt lên khỏi kính hiển vi.

Đột nhiên, anh lại so sánh các tế bào với khuôn mặt của con người. Nhưng đây là hình ảnh của họ: hàng ngàn khuôn mặt giống hệt nhau, tụ tập và gắn liền với nhau thành một đám cho đến khi họ tạo thành một loạt những cái đốm.

Kaoru phải nhìn ra chỗ khác một lúc.

Hình ảnh đó đến với mình chỉ bằng trực giác. Vì lý do gì?

Đó là câu hỏi đầu tiên cần xem xét. Bố anh đã dạy anh phải chú ý đến khả năng trực giác của mình.

Chuyện này cũng thường xảy ra, rằng Kaoru đang đọc một cuốn sách hoặc đang đi bộ trên phố và đột nhiên một cảnh hoàn toàn không liên quan tự hiện diện trong tâm trí anh. Thông thường, anh không tìm hiểu lý do. Chẳng hạn anh đi bộ trên phố và nhìn thấy một ngôi sao điện ảnh trên một tấm poster: anh có thể đột nhiên nhớ lại một người quen trông giống như ngôi sao điện ảnh đó. Nếu lúc đó anh không thể xác định là có từng nhìn thấy poster hay không - chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra, thì có thể xem như hình ảnh người quen của anh đã đến với anh một cách bất ngờ.

Nếu đó là một loại đồng bộ, vậy thì Kaoru muốn phân tích nó để tìm ra xem cái gì đồng bộ với cái gì. Anh đã nhìn vào các tế bào ung thư dưới sự phóng đại X200, và một thứ gì đó đã được kích hoạt khiến anh nhận thấy các tế bào này giống như khuôn mặt con người. Giờ thì: điều đó mang ý nghĩa gì?

Suy ngẫm điều đó không mang lại câu trả lời nào, vì vậy Kaoru lại quay trở lại nhìn kính hiển vi. Phải có một cái gì đó đã gợi ra sự so sánh trong trí tưởng tượng của anh. Anh nhìn thấy các tế bào hẹp chất thành đống trong không gian ba chiều. Một quả cầu nhỏ sáng lấp lánh. Kaoru lẩm bẩm những điều tương tự.

Không nghi ngờ gì nữa, tất cả đều có cùng một khuôn mặt người.

Không chỉ có vậy, mà nó rõ ràng không phải khuôn mặt của một người đàn ông, theo như trí tưởng tượng của anh. Nếu phải lựa chọn, thì anh muốn nói rằng nó dường như có một chút nữ tính. Một khuôn mặt hình quả trứng, khuôn mặt bình thường, với làn da mịn màng, thậm chí trơn bóng.

Chuyện này thật kỳ lạ. Trong tất cả những lần anh nhìn các tế bào thông qua kính hiển vi quang học từ trước đến nay, anh chưa bao giờ nghĩ rằng trông chúng giống như khuôn mặt của con người.

--------------------------------------------------------------------

Hình ảnh đĩa Petri:

Vi sinh vật đang được nuôi cấy trên đĩa Petri:

Giải thích thêm về sự ức chế tiếp xúc:

Phần lớn các dòng tế bào được nuôi cấy sẽ ngừng phân chia khi chúng trở nên đông đúc, hoặc sau một số thế hệ sẽ bị dừng lại. Sự phát triển của các tế bào nuôi cấy cho thấy có hai cơ chế ngăn cản sự phát triển không giới hạn của tế bào trong cơ thể.

Một là phản ứng của tế bào đối với ảnh hưởng của sự đông đúc, được gọi là sựức chế tiếp xúc (contact inhibition). Khi các thụ thể trong màng tế bào tiếp xúc và nhận ra lớp vỏ tế bào của các tế bào kế cận cùng loại, các thụ thể sẽ truyền tín hiệu cho nhân và sự phân bào bị đình chỉ. Tuy nhiên, sự ức chế nầy không tuyệt đối: chẳng hạn khi thêm vào các yếu tố tăng trưởng với nồng độ cao có thể kích thích tiếp sự phân bào ngay cả trong mẻ cấy quá đông.

Hai: là sự tự ngừng phân bào sau một số lần phân chia, là một hệ thống độc lập giới hạn sự tăng sinh của tế bào. Trong phần lớn các mô, hệ thống này hoạt động khi sự ức chế tiếp xúc không hoạt động bình thường. Các tế bào được nuôi cấy tiếp tục phân chia mãi, rơi vào một trong hai trường hợp: hoặc bị mất hệ thống kiểm soát số lần phân chia và tiếp tục phát triển khi số lượng chúng còn ít; hoặc bị mất cả hai hệ thống kiểm soát. Các loại tế bào này trở nên bất tử trong môi trường nuôi cấy, trở thành các khối u lành tính, hoặc trở thành ung thư.

(Nguồn: Internet)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#kinhdi