Chương 5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chẳng hiểu cơ sự gì mà Phượng Minh ngồi thẫn thờ như trời trồng.

"Chị ơi!" Tiếng người con gái càng ngày càng gần, chạy về phía Phượng Minh. Vẻ ngoài cô bé cũng hoạt bát như Phượng Minh ngày trước. Dùng năng lực, ta biết cô bé là mỵ nương Mỵ Châu.

Mỵ nương Mỵ Châu hớn hở chạy đến, ngồi sà xuống ngay bên cạnh Phượng Minh. Ánh mắt nàng tràn ngập vẻ hứng khởi như vạn sắc hoa xuân.

Lạ thay, ánh mắt Phượng Minh nhìn người con gái kia vừa có phần thương xót, tiếc uổng, vừa có sự bất lực khó lý giải. Dõi theo mọi nhất cử nhất động, song ta không dám chắc Phượng Minh có thấy được ta hay không. Trong một thoáng chốc, Phượng Minh cụp mắt xuống run run môi mấp máy "lông ngỗng rơi, đầu rời xác."

Ta vô thức lẩm bẩm theo, nghe như lời của một bài đồng dao kinh dị vậy. Bỗng, ta khựng cứng người. Sở dĩ lời rất khẽ như hòa vào mây gió nhưng ta vẫn nghe được. Bởi ta cũng thấy điều đó giống như nàng, chứ không phải vì nghe nàng nói: "lông ngỗng rơi, đầu rời xác".

Ta thấy khóe mắt mình hơn giần giật. Có vẻ như năng lực kia vẫn tồn tại trên người Phượng Minh... Hoặc giả, cháo lú vô lực, không làm nàng quên đi kiếp trước.

Không gian bỗng chốc lặng như tờ, Mỵ Châu mới nghiêng đầu, đối mắt với Phượng Minh mà hỏi chuyện.

Như một lẽ bất biến: thiên cơ bất khả lộ. Nếu Phượng Minh còn mảnh ký ức khi xưa, ắt sẽ rõ điều này. Nhưng dù có ký ức hay không cũng chẳng liên quan gì ta, cùng lắm thì chỉ vì ta không muốn bằng hữu bị ông Trời quở phạt mà cầu khẩn cho nàng đừng nói.

Phượng Minh không nói thật, nàng lấp liếm cho qua chuyện rồi bảo Mỵ Châu đi cho mình yên tĩnh. Nhưng Mỵ Châu nào có dễ đuổi? Nàng tiếp tục ý định còn dở, hồ hởi vừa lay cánh tay vừa bảo với Phượng Minh:

"Mọi người đang bày khâu quả còn trong sân đấy. Chị có muốn ra khâu chung không? Vui lắm!"

"Quả còn ấy hả?" Phượng Minh hỏi lại, vẻ như vừa sực nhớ điều gì.

Ném còn là một lễ hội thi tài truyền thống vào dịp Tết. Thông thường, một hoặc vài tháng trước ngày xuân, người nữ sẽ đảm nhận việc khâu quả còn chuẩn bị. Trai tráng sẽ dựng nêu trước sân đình vào gần ngày diễn ra hội.

Quả còn được khâu bằng vải nhiều màu sắc, cắt thành hình vuông, bên trong thì nhồi bông, cỏ mềm và vải vụn hoặc cũng có thể là hạt của cây bông, thóc, vừng, hạt cải. Bên ngoài quả còn cực sặc sỡ. Những người thiếu nữ thường gắn nhiều tua vải với nhiều màu, trang trí và định hướng quả còn.

Mặt trong của quả tượng trưng cho khát vọng sinh sôi nảy nở của con người, thóc để cầu mong no đủ, bông để nói về vải vóc. Tựu trung, đó là những mong ước hết sức dung dị của nhân dân, là cơm ăn áo mặc đủ đầy, là sự sống được tiếp nối. Còn bên ngoài, dải tua rua tượng trưng cho các tia nắng tia mưa, thể hiện hy vọng được thiên nhiên ưu đãi, mùa màng bội thu. Người làm quả còn sẽ thịt quả thành nhiều múi, thường có bốn đến tám múi, có khi còn làm đến mười hai múi, nhiều thêm vài màu sắc cho sinh động.

Quả còn còn tượng trưng cho hồn núi, hồn sông, hồn đất, hồn nước, nên không bao giờ được thiếu các màu đỏ, đen, xanh, trắng.

Mỵ Châu huyên thuyên một hồi, hỏi Phượng Minh muốn tham gia lễ hội nào trong những lễ hội lớn: lễ hội cầu mưa, cầu mùa, nghi thức rước nước, đua thuyền của các làng ven sông. Hầu hết các lễ hội đều với mong ước cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu nhân dân được ấm no hạnh phúc. Và dĩ nhiên Mỵ Châu muốn góp vui bằng hết.

Mỵ Châu còn hồ hởi gợi ý cho Phượng Minh đến những lễ có giã cối hoặc đối đáp vừa biểu diễn vừa là trò chơi, vừa là để giao duyên nam nữ với mong ước sản sinh, thịnh vượng. Thấy Mỵ Châu nói hăng, Phượng Minh cũng không ngắt lời, mặc dù nhìn vẻ mặt Phượng Minh, ta đồ rằng năm nào Phượng Minh cũng bị rỉ tai một việc tương tự.

Một khi tiếng khèn sáo vang lên là một mùa lễ hội nối tiếp nhau được dịp nô nức. Ta bất giác thấy xót cho vị bán thần khi xưa, chí hướng tự do của nàng cơ hồ giờ nằm lại chỉ ở một vùng đất.

Chỉ được một lúc, Phượng Minh đã ỡm ờ qua chuyện, kiếm cớ đuổi khéo Mỵ Châu đi. "Phượng Minh" này thích tĩnh lặng hơn những gì ta nghĩ. Có vẻ nàng không thích nói chuyện, không thích rắc rối.

Thôi thì ta chỉ mong là ta võ đoán.

Phượng Minh thở hắt, tưởng đã thoát kiếp tiếp chuyện thì một người nam cao to, trông có vẻ uy dũng, bên hông giắt đao thình lình xuất hiện. Điệu bộ này hẳn là con nhà tướng. Nàng khẽ đánh lườm về phía xảo xứng và mấy tên ngưỡng canh gác. Nhìn ánh mắt Phượng Minh, ta cơ hồ hiểu được đây là một rắc rối khác ngang ngửa Mỵ Châu.

Người này cầm theo một tấm áo lông cáo dày, trắng muốt. Y hắng giọng, hai tay dâng tấm áo:

"Áo lông này do một người bạn lâu năm của hồn tôi, hắn chinh chiến ở xa mang về. Thời tiết dạo này khắc nghiệt quá, hồn tôi gửi người giữ ấm cơ thể."

Ta nén cười. Cáo trắng rất hiếm, lại còn to đủ để lột da may áo. Thêm nữa nhìn đường kim mũi chỉ đủ biết y đã cất công tìm người may thế nào rồi. Tấm áo gì? Đây là tấm lòng thì có.

"Thôi anh cứ giữ lại mà dùng, biên ải rét buốt lại thiếu thốn. Ở đây đồ phụ vương ban cho ta còn cất đầy trong kho nữa là." Phượng Minh dịu giọng, rồi lại hỏi tiếp. "Phó lạc tướng Cao Dật có chuyện gì mà sang chơi?"

"Cũng chẳng có việc gì sất. Hồn tôi chỉ muốn đến tìm mỵ nương thế thôi. Người không cần xưng hô nghiêm trọng thế đâu." Y lắc đầu cười khổ.

Hóa ra y làm tướng thật.

"Ta chẳng tin không có việc anh lại sang đây. Ban nãy đợi Mỵ Châu đi rồi anh mới tìm gặp ta đúng không?"

Cao Dật phì cười:

"Mỵ nương hỏi thế ta biết đáp lời làm sao?" Y nhìn Phượng Minh như thăm dò, rồi nói tiếp. "Quả đúng có việc..."

Phượng Minh sốt ruột, thẳng thắn đáp:

"Thế thì anh cứ nói, ỡm ờ như thế chỉ tổ mất thời gian của anh."

Đã nói đến vậy nhưng Cao Dật vẫn ra chiều chần chừ, Phượng Minh biết y có điều khó nói nên không ra vẻ mất kiên nhẫn nữa, cứ yên lặng chờ y sẵn sàng đánh tiếng. Bấy giờ, người sốt ruột chỉ còn mỗi ta.

"Ban sáng sau khi bãi triều, hồn tôi cùng đại vương sang thư phòng bàn một số chuyện. Đại vương hỏi hồn tôi chuyện chung thân..."

"Đại vương có chỉ ý chưa?" Trong mắt Phượng Minh lóe lên ti tí tâm tư khó nắm bắt.

Cao Dật hít một hơi để nói trọn câu dài.

"Đại vương hỏi hồn với mỵ nương Phượng Minh có giao tình thế nào?" Y nuốt xuống một ngụm nước bọt. "Sau hôn lễ, hồn tôi sẽ được ban cho nha chương, hồn và người sẽ không ở lại trong cung mà sẽ quay về vùng bể phương Nam trấn giữ, trở thành Thủy đạo Lạc tướng."

Nghe đến đây, Phượng Minh xoa cằm gật gù mà trầm trồ như thể nàng đang nghe chuyện người khác chứ chẳng mảy may dính dáng tới mình:

"Dùng một mối hôn sự để phủ lên một tính toán quân sự."

"Đại vương nói nếu sự thành, sau hôm diễn ra hội thả đèn thì hồn tôi và người sẽ làm lễ dạm."

Phượng Minh trầm ngâm lẩm bẩm:

"Gấp thế ư? Biên ải phía Bắc hẳn đã có động thái gì đó."

Cao Dật cơ hồ không nghe rõ lời Phượng Minh nói, chỉ thấy tò mò vì sao nàng không quyết liệt từ chối mối hôn sự này.

Phượng Minh thì vẫn suy tư, song Cao Dật đờ người không hiểu. Thân là người chứng kiến, ta thấy rõ một màu ảm đạm, đặc quánh của không gian dưới nền trời nhá nhem tối. Lặng lẽ, vô thức, không gian bao trùm lấy cả hai người ta chưa thực sự thấu tỏ.

Chẳng hiểu sao nhưng trực giác cho ta biết, tuy hai người lớn lên cùng nhau, nhưng để yêu và để trở thành vợ chồng, dường là một điều xa xôi với Phượng Minh vậy. Giờ đây, dẫu có là người trần mắt thịt, ta cũng không cho rằng Phượng Minh sẽ là người thuận theo thời thế, mà lớp lớp toan tính vẫn nằm dưới mỗi dấu chân nàng.

"Nếu mỵ nương không thích thì để hồn bẩm lại với đại vương." Cao Dật bỗng lắc đầu nguầy nguậy bối rối thưa chuyện.

"Chắc gì bẩm báo đã lung lay được ý chỉ. Ta tò mò tại sao người không ban hôn cho anh với Mỵ Châu nhỉ?" Ngược lại, Phượng Minh lại điềm tĩnh.

"Hẳn là đại vương nhìn ra mỵ nương Mỵ Châu có tình ý với gã buôn lụa họ Triệu."

Nói thế thì khác nào đại vương nhìn thấy tình ý của Phượng Minh với Cao Dật đâu. Phượng Minh mặt lạnh tanh, trố mắt nhìn Cao Dật. Để ta xem y chữa lửa thế nào.

"À không không, đó chỉ là chuyện của mỵ nương Mỵ Châu. Còn chuyện của chúng ta thì có vẻ nằm vào tính toán của đại vương phần nhiều."

Trông y lúng túng đến tội... Âu cũng lẽ đương nhiên khi gán ghép hai con người chẳng có tình cảm, bắt họ đầu ấp tay gối đến bạc đầu. Ta mủi lòng xót dạ, thương cho Phượng Minh ở kiếp này. Đây là lần đầu ta nhìn thấy Cao Dật, dẫu tài cán cao siêu nhường nào, ta vẫn lo lắng không yên lòng.

"Dật, anh có thấy tên buôn lụa họ Triệu đáng nghi không?" Phượng Minh bỗng chuyển sang chuyện của Mỵ Châu và tên họ Triệu. Nếu Phượng Minh đã lờ mờ sinh nghi, ta nghĩ với kinh nghiệm bao năm An Dương Vương cũng đã biết được. Chỉ là ngài có tính toán của ngài nên xem chừng có vẻ tác thành cho đôi trẻ có tình với nhau.

"Trọng Thủy? Từ khi hắn vào cung làm thân tín của mỵ nương Mỵ Châu? Hồn không gặp hắn nhiều nên cũng chẳng rõ..." Cao Dật cơ hồ nghĩ ra điều gì đó. "Nhưng từ nay hồn tôi sẽ để tâm đến hắn rồi bẩm báo với mỵ nương sau."

Nói xong, Cao Dật ôm quyền chào Phượng Minh rồi rời đi.

Ta ngẩng đầu xem xét thời gian, lúc này đã tối hẳn. Xung quanh cung điện, những đốm lửa, đuốc đỏ lập lòe, dẫn lối cho mọi người bên trong. Những đám mây vón cục, co cụm như bị vắt khô kiệt trên nền trời vẩy mực. Gió thổi mỗi lúc một mạnh, Phượng Minh nhìn chằm chằm tấm áo lông.

"Nam nhi chi chí nghe lén miết chẳng thấy xấu hổ à?" Phượng Minh đột ngột lên tiếng khiến ta giật thót.

"Ngài thấy ta?" Ta không giấu nổi cái lúng túng trong cuống họng, nhưng vẫn thấy tức tưởi vì Phượng Minh vừa mở miệng nói chuyện đã buông lời khích bác.

"Bởi mải nghe nên mới không biết ta phát hiện ấy! Nói đi cũng phải nói lại, ngài liệu hồn đấy, để người trong cung bắt gặp nhỡ đâu lại tưởng ngài phường phản trắc, đem hành hình thì ta không cứu nổi."

"Hành hình có đau không? Có giống như bị đọa xuống địa ngục không? Nhược bằng chẳng giống thì ta cũng không lấy làm sợ." Ta bông đùa.

"Mới mười bảy năm không gặp, giờ ngài lại tòi ra cái thói ba hoa." Phượng Minh bĩu môi, quẳng cho ta ánh nhìn dò xét từ đầu xuống chân.

Lúc này ta mới bàng hoàng nhận ra. Hóa ra từ đầu chí cuối, ta hóa hình nước để vào điện thì Phượng Minh đã biết. Thế thì, ký ức bán thần vẫn trọn vẹn, năng lực có lẽ cũng còn. Lại nói, năng lực bán thần của Phượng Minh cho phép nàng cảm nhận biến động trăm dặm quanh núi, nhìn thấu được bản chất vấn đề và dự liệu được một phần tương lai của người phàm.

Ta châm chọc hỏi:

"Vậy ngài có lấy tên người phàm đó không?"

Phượng Minh bất giác thở hắt ưu tư:

"Dẫu sao ta cũng đang sống đời tầm gửi, vậy có phải nên sống cho trọn đạo không? Dựng vợ gả chồng ở nhân gian cũng là chuyện thường tình. Huống hồ, sau khi rũ bỏ xác phàm, ta cũng trở về đúng cõi của mình chứ chẳng phải nối tiếp duyên trần với người kia."

"Hồi chưa đầu thai, ta không biết ngài là người xem nhẹ tình cảm, giũ áo bay về cõi Trời mà sẵn lòng rũ bỏ người chồng thuở hàn vi đấy." Ta lại giở giọng xóc xỉa.

Đoạn, Phượng Minh đanh giọng khiến ta hơi rợn tóc gáy, sợ đến khi nàng túm cổ ta rồi quăng cho mấy tên ngưỡng tẩn ra bã:

"Ta nghĩ ngài Triều Dương vẫn nên về bể đi thôi."


Ngưỡng: cách gọi đầy tớ trai thời Hồng Bàng.

Nha chương: Tại miền Bắc Việt Nam, thời điểm này là thời kỳ Hùng Vương, do kế thừa trực tiếp từ các di sản tại vùng Dương Tử, thì tại đây có thể cũng đã tồn tại một nhà nước, khi văn hóa Phùng Nguyên đã tìm thấy nhiều nha chương bằng ngọc, đây là biểu tượng quyền lực quan trọng trong vùng Đông Á cổ, theo Chu Lễ, thì: "Nha chương dùng để điều động quân đội, chỉ huy quân đồn trú". Nha chương Phùng Nguyên theo các tài liệu khảo cổ đã được chứng minh được tạo tác tại chỗ.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net