Chương 22: Di cư

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trở về công ty, cô nhận được một email của bên tổ chức khoá học. Họ là một đơn vị đào tạo quốc tế về lĩnh vực tổ chức sự kiện. Họ thông báo với cô lịch học sẽ bắt đầu vào ngày 26/8, và có yêu cầu cô tiến hành hoàn thành các thủ tục để nhập học. Vẫn còn nguyên cơn tức giận trong người, cô không thế nào tập trung để làm việc được. Đúng lúc đang vò đầu bứt tai, điện thoại lại reo. Cô nhìn màn hình thấy tên của Thắng, hơi ngạc nhiên cô nhấc máy:
- Thắng à, tớ đây!
- Ngọc à cậu đang ở đâu đấy?
- Tớ đang ở công ty.
- Chiều nay tớ muốn mời cậu đi ăn được không?
- Chiều nay tớ bận rồi, tớ có hẹn đi ăn với con bạn.
- Thế cho tớ đi cùng được không?
- Ờ ờ để tớ hỏi bạn tớ rồi gọi cậu nhé! Bất ngờ quá!
Khi gọi cho Linh cô chỉ bảo nó hôm nay có bạn cô đi cùng, là Thắng, bạn cũ cấp 3 của cô. Vậy là chiều hôm đó, cô và Linh được Thắng qua đón. Thắng chở hai người đi ăn dimsum ở khách sạn Fortuna. Thực ra cô quyết định đi cùng Thắng hôm nay cũng là vì cô thấy mình muốn quay trở lại bình thường với Thắng nhưng lại ngại việc phải đi riêng có hai người với nhau. Hôm nay có cả Linh sẽ đỡ ngại. Linh và Thắng chưa gặp nhau bao giờ nhưng Linh cũng đã được nghe cô kể về Thắng rồi, Linh chào Thắng rất vồn vã, ba người đều nhập cuộc rất vui vẻ.

Khi từng xửng dimsum được mang lên thì hai cô ríu rít thử món, Thắng thì chưa ăn món Trung Hoa này bao giờ nên anh cũng hào hứng thử món này, món kia. Họ nói chuyện với nhau về công việc, về xã hội bây giờ, than phiền là bọn trẻ giờ thì hư hơn xưa, mà người lớn thì cũng hư luôn. Bất chợt Linh hỏi Ngọc xem vụ chuẩn bị hồ sơ đi Sài Gòn đến đâu rồi? Thắng quay sang nhìn cô, cô cười kể với Thắng về việc mình chuẩn bị vào Sài Gòn 2 năm để đi học nâng cao. Thắng ồ lên ngạc nhiên nói:

- Không phải chứ? Sao lại trùng hợp thế được. Tuần sau tớ cũng chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh để bắt đầu nhận nhiệm vụ ở chi nhánh miền Nam đây. Đợt vừa rồi, bên tổng họp yêu cầu tớ phải vào đó làm giám đốc đại diện.

Ngọc cũng ngạc nhiên không kém, cô nhớ có lần Thắng đã kể về việc sang Đức để họp về việc mở rộng công ty trong khu vực miền Nam nhưng không ngờ là chính Thắng đi. Lần này bọn họ đều vào Sài Gòn, không biết là hay hay dở.

Thắng rất chu đáo, anh đều để ý xem cô và Linh ăn gì, muốn uống gì. Linh tự dưng hôm nay không nhiều chuyện, nó chỉ ngồi ăn, thỉnh thoảng trả lời vài câu. Đến cuối bữa ra về, Thắng lại đưa cả hai cô gái về. Nhà Ngọc ở gần hơn nên được đưa về trước, sau đó, Thắng đưa Linh về sau. Về đến nhà, Ngọc thở phào nhẹ nhõm, mọi việc đơn giản hơn cô đã nghĩ, cô những sợ mình và Thắng sẽ gượng gạo với nhau, khó mà quay trở lại làm bạn như trước kia, không ngờ hôm nay mọi việc đều dễ chịu. Đến lúc tắm xong cô gọi điện cho Linh hỏi xem nó về đến nhà chưa, Linh bảo rồi. Cô lại hỏi Linh thấy Thắng thế nào? Linh ừ, bảo Thắng cũng lịch sự, nhẹ nhàng, được đấy, bảo cô "xúc đi". Cô tức điên gào lên bảo nó: "Mày đi mà xúc!" rồi dập máy.

Cô vừa ngắt máy thì tiếng chuông điện thoại lại reo lên tiếp, đó là Nghĩa. Bất chợt mọi vui vẻ của buổi tối nay vụt tắt. Nghĩa hỏi cô đang ở đâu? Cô bảo cô ở nhà, Nghĩa bảo anh đang ở cửa, cô ra mở cửa cho anh. Cô giật mình, cô không có ý định muốn gặp Nghĩa nữa. Nhưng giờ không có cách nào để trốn được cả, liệu anh ta có phải đến để đánh mình không? Nhớ lại cái tát của mình trưa nay cô sợ hãi run người. Tiếng chuông cửa lúc này vang lên réo liên tục, cô không biết phải làm gì, nhưng rồi cô thấy mình cũng không thể trốn mãi được, cô đành ra mở cửa.

Cô mở được cánh cửa ra thì lùi lại, rúm người. Nhìn cảnh đó Nghĩa tự dưng sững người lại, anh ta sượng sùng nói: "Anh có làm gì em đâu?". Cười một cách thiếu tự nhiên, cô mời anh vào phòng khách rồi đi vào bếp lấy cốc nước. Cô cứ chần chừ không muốn ra ngay, muốn tránh được anh phút nào hay phút đấy! Lâu đến độ Nghĩa phải gọi cô:

- Em làm gì lâu thế Ngọc? Anh muốn nói chuyện với em!

- Đây, em ra đây. Ngọc lắp bắp nói.

Ra đến phòng khách, Nghĩa đang nới chiếc cà vạt lỏng ra. Anh nhìn cô đi tới, đến tận lúc cô ngồi xuống ghế rồi cất tiếng:

- Anh xin lỗi em chuyện trưa nay. Anh giận quá mất khôn.

Ngọc cắn chặt môi, cô cũng nói:

- Không phải lỗi ở mình anh, em cũng có lỗi, em xin lỗi.

Nghĩa thở dài:

- Em bắt buộc phải đi Sài Gòn à?

- Vâng, đây là cơ hội rất lớn của em. Em muốn được đi.

- Em không nghĩ lại được việc của chúng ta à?

- Anh thấy đấy, chúng ta có quá nhiều khác biệt. Em nghĩ nếu có quay lại cũng sẽ lại cãi nhau, lại đau khổ thôi. Thôi thì bây giờ cố gắng giữ lịch sự, làm bạn của nhau, con bé My cũng sẽ hạnh phúc hơn.

- Anh vẫn mong em có thể nghĩ lại. 

- Anh cho em mang con theo nhé? Cô hồi hộp hỏi nhỏ.

- Ừ, anh nói rất nhẹ, chắc mẹ sẽ không đồng ý đâu nhưng con ở với em tốt hơn. Hy vọng hai mẹ con ở đó sẽ tốt, anh sẽ đưa cho em thêm tiền để trang trải mọi việc trong đó. Có dịp anh sẽ vào thăm hai mẹ con. Anh chỉ mong em nghĩ lại về việc chúng ta. Anh cũng mệt mỏi và hối hận rồi.

Ngọc nói giọng nhỏ xíu: "Không cần đâu, em có thể tự lo liệu được!". Nhưng cô biết cô sẽ rất khó khăn. Khi đi học công ty đã đài thọ toàn bộ chi phí học, còn lại các chi phí khác cô phải tự lo. Như vậy cũng đã là quá ưu đãi rồi. Cô cũng chưa hình dung hết được mình sẽ xoay xở như thế nào. Trước mắt thì cô chỉ có một khoản tiết kiệm nhỏ tích góp được để dự trù khi ốm đau, nhỡ nhàng, giờ vào đó biết làm sao?

Nghĩa nói:

- Em không phải ngại, My là con anh anh cũng có trách nhiệm với con. Em giờ chỉ đi học, khó khăn thế nào anh biết. Là tấm lòng của anh em đừng chối!

Cô chả biết nói gì, Nghĩa cứ thay đổi, cứ khó đoán như thế này, cô không biết phải đối mặt với gương mặt nào mới là thật của anh ta đây. Một hồi im lặng, Nghĩa nặng nề ra về. Cô nói tiếng cảm ơn anh rồi chào tạm biệt. Khi dáng anh khuất sau cửa, cô nửa vui nửa buồn. Vui vì thống nhất với anh được về chuyện con bé My, buồn vì lo lắng trước tương lai của hai mẹ con. Nhưng dù sướng dù khổ, có hai mẹ con điều gì cô cũng có thể vượt qua.

Tháng 7 trôi qua nhanh như tên bắn, Ngọc bận rộn với bao nhiêu thứ việc. Cô lo sắp xếp bàn giao công việc ở công ty, hoàn thiện hồ sơ, liên hệ đơn vị tổ chức lớp học, tìm trường, tìm nhà cho hai mẹ con. Khoản tìm trường và tìm nhà là vất vả nhất, cô không có ai quen trong đó cả nên mọi thông tin đều rất mù mờ. May sao mọi việc đều được Thắng hỗ trợ hết mức. Cậu ấy đã chuyển vào trong đó, cứ gọi điện ra hỏi cô xem có cần giúp đỡ gì không? Thắng chủ động đi tìm hiểu các trường, tìm một căn hộ chung cư gần nơi cô học. Sau mấy ngày cậu ấy đã gọi điện cho cô nói tìm được một căn hộ chỗ quận 3, gần trường cô học, trường tiểu học thì ngay gần đó Thắng đã đến xem rồi, rất rộng rãi và cơ sở vật chất tốt. Tuy nhiên việc chuyển trường không phải là đơn giản, Thắng đã đi hỏi hộ cô nhưng trường nói đã đủ chỉ tiêu rồi. Về sau Thắng phải nhờ qua người này, người kia mới có thể xin được cho con bé My. Ngọc chẳng biết nói gì ngoài lời cảm ơn Thắng. Cô và con đã mua vé vào từ ngày 14, như vậy cô và con có một hai tuần trước khi lớp con bắt đầu học hè, cô bắt đầu đi học. Cô muốn bay vào đó trước để đi tìm hiểu kỹ căn hộ và trường cho con nhưng Thắng nói cô yên tâm, cứ tập trung lo sắp xếp công việc ngoài đó. 

Ở ngoài này thì về công việc tương đối đơn giản, chị Hạnh và cả nhóm Tuấn, Du, Trang đều tạo điều kiện hết sức cho cô. Mọi việc đều trôi chảy. Riêng việc vận chuyển đồ đạc thì hơi phức tạp hơn. Ngọc vốn không có nhà, căn hộ cô đang ở là thuê lại của em họ Linh. Cô đến nói chuyện với Linh thì Linh bảo cô yên tâm, cứ dọn dẹp, căn hộ nó sẽ tìm người cho thuê. Đồ đạc của hai mẹ con cô thì không có gì nhiều nhặn. Hai mẹ con lúc đến cũng chỉ có quần áo, đồ dùng cá nhân còn mọi thứ trong nhà là do vợ chồng chủ nhà cũ để lại. Vì thế, cô sắp xếp tất cả quần áo mùa đông của cô và con ra một bọc, cô tính sẽ mang về quê để bố mẹ cho ai thì cho. Phần quần áo mùa hè, chăn gối cô cũng gói gém lại, đến ngày một là hai mẹ con Ngọc sẽ mang theo vali máy bay, phần còn lại cô sẽ gửi tàu hoả vào, giờ hai mẹ con đang phải hết sức tiết kiệm tận dụng từng thứ.

Như vậy là đồ đạc, đồ dùng tương đối ổn. Đến lúc dọn phòng vẽ tranh thì Ngọc thần người ra. Nhìn những bức tranh là một phần cuộc sống của cô, là nơi để cô trút bỏ nỗi niềm trong quãng thời gian qua, cô làm sao nỡ vứt chúng đi. Nhưng không thì cất chúng ở đâu? Tự dưng những bức tranh ấy như đại diện cho quãng đời quá khứ của cô, vứt không được, giữ không đành, cô không biết phải làm sao. Cuối cùng thì cứu tinh Linh xuất hiện, nó đến lúc cô đang bần thần hết xếp lên lại để xuống mấy bức tranh, nó lại rít lên câu quen thuộc:

- Con điên, lại gì đây?

- Tao, tao định vứt mấy bức tranh này đi mà không nỡ!

- Sao đẹp thế mà lại vứt?

- Thì tao biết để ở đâu, giờ tao vô gia cư rồi. Làm sao tao mang vào trong kia được.

- Mày đóng gói vào, mang lên gác xép nhà tao mà cất, bao giờ về nếu chuột chưa cắn hết thì tao trả.

Chỉ thiếu nước cô nhảy đến ôm chầm con bạn hôn chụt vào má nó.

- Mày đúng là cứu tinh của tao. Ngọc bảo Linh.

- Ừ, biết thế là tốt đấy, sau tao già nhớ nuôi tao.

- Nuôi, tao nuôi ngay, hay mày vào Sài Gòn tao nuôi mày.

- Không phải thách, kiểu gì tao cũng vào đấy!

- Thật á? Mày nói mà không vào nhé, tao giết!

- Tao nói thật, bên tao đợt này đang có đối tác trong ấy, cử người đi mà không ai muốn đi cứ đùn đẩy nhau mãi. Nếu tao nhận thì cứ 1 tháng phải vào đấy 1 lần, tao đang nghĩ.

- Nghĩ gì nữa đồng ý đi, vào rồi tao cho ở nhờ, nhé, nhé!

Hai đứa ríu ra ríu rít. Ngọc vui mừng thật sự, cái cảm giác thân cô thế cô giữa một vùng đất xa lạ đã được xua bớt phần nào. Cô đã có Thắng trong ấy, giờ Linh cũng bảo sẽ vào hàng tháng với cô, như vậy còn mong gì hơn.

Đến lúc hai mẹ con đã ngồi trên máy bay rồi Ngọc vẫn nghĩ như mình đang trong một giấc mơ. Cô không hiểu mình đã làm ngần ấy việc như thế nào. Cô đã về quê chào bố mẹ, em gái, đón con lên. Cô đã bàn giao công việc, chào tạm biệt các đồng nghiệp. Bên nhà Nghĩa, lần đầu tiên cô cũng đã dẫn con gái về chào ông bà nội nó. Dù sao thì cô và con cũng sẽ còn lâu mới về, cô muốn sang nói một câu với ông bà cho phải phép. Tuy nhiên hôm đó Ngọc chỉ nếm trải bẽ bàng. Bà Vân vẫn mang cái giọng điệu trì triết cố hữu của bà với cô ra nói, bà chửi cô không biết điều, định chia rẽ bà cháu, rồi cô định vào đó với giai hay sao mà đi như chạy trốn. Rất rất nhiều lời khó nghe cho đến khi Nghĩa phải giải vây giúp hai mẹ con. Nghĩa nói to kêu mẹ anh thôi đừng nói gì nữa, bà Vân lại càng được thể gào lên là anh bị cô bỏ bùa mê thuốc lú gì mà lại đứng ra bênh như thế. Không thể chịu nổi thêm, cô đứng dậy kéo con gái xin phép về. Bà Vân chạy theo níu con bé, giằng co với cô. Ngọc không biết làm gì, may có Nghĩa đã ra tay, anh đưa hai mẹ con ra về. 

Trên đường cô thì khóc, con bé My ngồi cạnh hỏi bố tại sao bà lại làm vậy với mẹ, Nghĩa chỉ thở dài. Đến nhà, Nghĩa ôm chặt lấy con bé My, chúc nó ngoan ngoãn, mạnh khoẻ, học giỏi và hứa với nó sẽ vào thăm nó thường xuyên, dặn nó khi nào được nghỉ thì bảo mẹ cho ra Hà Nội. Nói rồi anh quay sang cô, nói khẽ lời chúc cô mọi việc thuận lợi.

Hôm cô đi có bố mẹ cô lên tiễn, có cái Linh. Vỏn vẹn chỉ có vậy, hai mẹ con tay xách nách mang mấy cái vali to, rồi túi xách. Bố mẹ cô rơm rớm nước mắt tạm biệt con cháu, dặn dò cô bất cứ khi nào có chuyện gì thì gọi về. Linh thì điềm tĩnh hơn, nó không nói gì nhiều nhưng cô hiểu tấm lòng của nó. Đến khi hai mẹ con cô vào cửa soát hải quan thì Linh cũng oà lên khóc. Con bé My cứ cố ngoái lại tìm ông bà, tìm cô Linh. Hai mắt đỏ lên, Ngọc dắt tay con đi vội lên trước.

Ở một góc xa trong sân bay, có một người đàn ông đứng đó chứng kiến hết những cảnh đó. Anh muốn xông lên trước, muốn được ôm hai mẹ con vào lòng, muốn được van xin cô hãy ở lại, đừng đi đâu hết nhưng anh không thể. Điện thoại trong túi anh vang lên, một giọng nói đầu phía bên kia bảo anh về ngay, Định lại lâm vào trạng thái nguy kịch. Anh cay đắng nhìn lại hai bóng dáng một lớn, một bé đầy yêu thương đó rồi lắc đầu quay lại đi ra phía ngoài. Anh biết mình thua rồi, anh không thua ai chỉ thua số phận. Số phận là anh không thể đến được với cô, chỉ có thể đứng nhìn cô rời đi, số phận là bắt anh phải quay đầu lại vì có một người con gái khác vì anh mà điên loạn, rồi rơi vào nguy hiểm. Khi lê những bước đau đớn đi về phía cửa, anh đi lướt qua một người đàn ông khác. Anh ta cũng mang một nét mặt đau đớn, đang nhìn về phía Nam vừa đi khỏi. Đó là Nghĩa. Hai người đàn ông đó đi lướt qua nhau nhưng không ai trong số họ là người hạnh phúc cả.




Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#giấcmơ