Chương 8: Tết

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hai mẹ con ra đến bến xe hết sức vất vả, cảm giác cả cái thành phố này đều di chuyển trốn chạy. Gọi xe cũng khó, đường thì tắc, bến xe thì đông nghịt người. Cô dắt tay con bé My với lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ đồ đạc vừa đi nào lo sợ con lạc, nào sợ móc túi. Xung quanh cô ai cũng mang vẻ khẩn trương, căng thẳng. Họ là những gia đình trẻ bố mẹ với đứa con nhỏ đang tìm chỗ đỗ xe hoặc là những cô cậu sinh viên với các balo hành lý tìm cách về quê với bố mẹ. Cô cũng là một đứa đang tìm đường về với vòng tay của bố mẹ đây. Những tiếng gọi nhau, tiếng còi xe, tiếng loa phát thanh, hai mẹ con Ngọc lọt thỏm giữa cả nghìn người đông đúc. Cho đến tận lúc tìm được xe lên ghế ngồi ổn định rồi cô mới hơi buôn lỏng được tay con ra. Nhìn qua cửa xe xuống đống người vẫn đang la ó tìm xe, tìm mua vé, cô thở ra một hơi nhẹ nhõm. Quay sang hỏi con xem có sợ không, con bé My bảo con sợ lắm, mẹ lại đi nhanh nữa con cứ phải chạy theo. Khổ!

Lên được xe cũng chưa xong, cả hành trình về quê là chuỗi đau khổ. Dường như cả thành phố dồn vào những con đường cửa ngõ ra ngoại thành. Trên đường vành đai, xe cộ kín đường nhích từng tí, bố mẹ cô đã sốt ruột gọi điện hỏi thăm xem đi đến đâu rồi, cô cười trêu bảo mẹ chắc chắn tối là con về đến nhà. Mẹ cô chép miêng thương, cứ dặn cô phải để ý con bé My không có con bé mệt.

Cuối cùng thì hơn 1h chiều, hai mẹ con cũng đứng được trước cửa nhà ông bà ngoại. My cất tiếng gọi to: "Ông bà ơi, cháu về rồi đây!" rồi con bé chạy vào nhà. Cô cũng bước nhanh theo sau nhìn thấy mẹ đang bỏ rá lạc vứt ở hiên chạy ra đón con đón cháu, bố thì đang đứng ở ngưỡng cửa cười vui, gia đình cô đây rồi, bình yên của cô đây rồi!

Vào nhà con bé My với bà ngoại tíu tít hỏi chuyện nhau, rồi uống nước. Bố cô giục hai mẹ con đi rửa mặt rồi vào ăn cơm cho đỡ đói. Ngọc xà vào mâm cơm mẹ nấu, nào canh cua mồng tơi, nào chén cà ghém, nào đĩa cá rô đồng rán giòn lại thêm món trứng kho thịt cho con bé My nữa. Cô sung sướng nhón tay quả cà cho vào miệng nhai rôm rốp. Mẹ cô mắng yêu: "Cái con này, già con lớn tướng rồi mà còn ăn bốc!", "Ơ mẹ lạ thật, con về với mẹ là để được ăn bốc cho nó sướng miệng mà lại!". Bữa cơm gia đình đoàn viên thật ngon miệng và vui vẻ. Về với bố mẹ, cô lại thấy mình trở thành đứa con gái bé bỏng, không cần biết đến sóng gió, không cần biết đến bao lo toan muộn phiền, tất cả đã chỉ còn là cơn bão dừng lại trước hiên nhà.

Ăn xong mẹ lại nhanh nhẹn dọn mâm cơm giục mẹ con cô đi ngủ. Mẹ cô bảo thôi từ năm sau cứ ở lại buổi sáng, chiều hẵng về cho đỡ đông. Cô bảo mẹ làm sao mà chờ được, nếu mà được đi từ đêm hôm trước là cô cũng đi rồi. Mẹ cô mắng chả biết nghĩ cho con cái gì cả, hành con bé My cả 4-5 tiếng đồng hồ chen chúc nhau trên cái xe khách. Cô dẩu mỏ cãi: "My nó chả khoẻ bằng mấy lần con ý, mẹ không thấy nó vẫn chạy nhảy ầm ầm kia kìa!".

Cô ra vườn với mẹ, ngoài này có cả vườn na và ổi. Cô lặng ngắm đàn gà có gà mẹ đang lục cục dẫn bầy gà con đi kiếm mồi, cái ao cá cuối sân bố cô đã xây kè và bậc xuống cho mẹ đi cho an toàn, mảnh sân sạch sẽ lát gạch đỏ tươi, những chậu cây, chậu hoa được chăm chút tỉa cắt. Cô thầm nghĩ hay là vứt quách cái cuộc sống thành phố đi về đây với bố mẹ. Nhưng về đây thì cô kiếm việc được ở đâu, rồi nhà nội con My chắc chắn không đồng ý thế rồi.

Có tiếng bố cô ới từ ngoài cổng, cô chạy ra đỡ cho bố. Bố cô mang về một cây đào mua ở chợ. Con bé My đang ngủ tỉnh dậy chạy ào ra xem. Thích quá, nhìn thấy đào là thấy tết. Cây đào này có hẳn 2 nhánh, một nhánh đào phai, một nhánh đào bích rất lạ. My reo lên thích thú. Mẹ con cô cùng ông ngoại đánh gốc cây trồng vào cái chậu trước cửa, ngắm đi ngắm lại cả nhà thấy rất ưng ý với cây đào năm nay. Có đào rồi, vườn ông bà có mấy cây quất đang ra quả sai trĩu trịt, Tết là đây chứ là đâu.

Chiều đó cả nhà cùng nhau dọn dẹp, lau nhà lau cửa, tiếng cười tiếng nói râm ran. Mấy nhà hàng xóm cũng chạy qua chạy lại hỏi mượn nhau cái thang, cái chổi rổn rảng khắp xóm. Cô nhớ năm ăn Tết ở nhà chồng trên Hà Nội, mình cô với cái bụng chửa kễnh đi lau cửa, lau nhà. Chồng cô còn bận tất niên liên hoan cuối năm. Rồi giao thừa tết cũng nhà nào nhà nấy đóng cửa im ỉm, có sang chúc nhau dăm câu rồi cũng ra về. Chả như Tết quê thật đậm vị.

Đêm hôm đó ông bà ngoại nổi lửa nồi bánh chưng, giờ không làm bánh chưng nhiều như ngày xưa mà mẹ chỉ gói đủ vừa cho nhà ăn, thêm hai cặp cho bên con em gái cô nữa. Bọn trẻ con túm tụm ngồi canh lửa, chúng nó lấy nào chiếu, chăn ra sân ngồi cạnh nồi bánh. Ông ngoại thì nổ cho bơ bỏng ngô. Con My với thằng Sóc nhà cái Bích hỉ hả lắm. Hai chị em rủ nhau hôm nay sẽ thức trắng đêm canh nồi bánh. Cái Bích với chồng thì sang từ chập tối. Chồng Bích - Trọng là một cậu thanh niên cùng xóm rất hiền lành và hoạt bát. Do cả hai bên bố mẹ đều ở cùng thôn nên hai vợ chồng nó cứ chạy đi chạy lại hai nhà thoải mái, lúc đang bên ông bà nội buộc giúp lại ông bà cái cây bị gió thổi nghiêng, lúc lại sang ông bà ngoại giúp ông ke bờ ao. Có hai vợ chồng nhà Bích ở bên bố mẹ, cô cũng thấy yên tâm. Rồi thì cũng 11, 12 h đêm, con My và thằng Sóc vừa nghêu ngao hát hồi nãy giờ đã lăn ra ngủ. Cô nhẹ nhàng bế con vào trong nhà đắp chăn dém màn cho con cẩn thận rồi ra bó gối ngắm nồi bánh chưng. Từ bé, cô đã thích cái cảm giác được ngắm ngọn lửa nhảy nhót, bập bùng. Giờ bánh chưng toàn ra hàng mua, chả được hưởng cái thú cùng mẹ rửa lá dong, cả nhà ngồi gói bánh rồi chụm nhau bên nồi bánh chưng canh lửa như con My, thằng Sóc khi nãy. Cô mơ màng nhớ lại thủa ấu thơ lớn lên trong căn nhà này, lúc nào Tết cũng thật là vui, cả gia đình quây quần. Đến khi lớn lên đi lấy chồng, giao thừa nào cô cũng gọi điện về chúc tết, giọng bùi ngùi không được cùng bố mẹ ăn tất niên, đón năm mới. Giờ thì lại quay lại nếp xưa, cứ Tết lại về ăn vạ bố mẹ.

Cô miên man nghĩ đến Nghĩa - không hiểu dạo này tại sao anh ta lại thay đổi thái độ như vậy, Nghĩa cũng đã có dịp được ăn Tết ở quê cô rồi, đó là năm hai đứa đã làm đám hỏi chuẩn bị cưới. Nhà anh ở Hà Nội nên anh chẳng được biết ăn Tết ở quê cô ra làm sau. Năm ấy hai đứa về muộn, mãi chiều 30 mới tới nơi nên mọi việc bố mẹ đã chuẩn bị đâu vào đấy hết. Nghĩa chỉ việc làm thịt con gà cúng giao thừa mà lóng nga lóng ngóng bị bố cô đuổi lên nhà chơi bố làm hộ. Cô dí tay vào trán Nghĩa chê: "Đấy nhá, thanh niên chả biết làm thịt gà, mất điểm với bố mẹ vợ quá!", Nghĩa cười xoà ôm cô vào lòng hít mùi tóc đượm hương hoa bưởi mẹ cô hái cho gội tất niên, Nghĩa bảo: "Ai bảo vợ anh khéo, khéo hết phần của anh luôn!". Cô hừ mũi đồ chống chế, cô về nhà anh thì cũng được mẹ anh thử tài bao phen, anh thì chỉ có được chiều từ bé chả phải làm gì, bất công! Nhưng bù lại thì Nghĩa lại rất lễ phép với bố mẹ nó, lại có kiến thức nên anh nói chuyện với bố rất hợp. Hết Tết ấy hai đứa được ông bà đùm nắm cho nào gạo, nào gà, nào quà quê lên biếu bố mẹ Nghĩa và tiếp tế cho cô. Khi ấy, Ngọc còn thuê trọ chưa về ở nhà chồng. Thế mà bao nhiêu năm cũng qua rồi, giờ anh và cô đã chia tay, anh cũng trở lại lịch sự như thửa nào, không còn cái thái độ khinh khỉnh, đứng về phía mẹ mà chửi mắng cô, thậm chí cả đánh cô nữa. Cô không hiểu có điều gì làm anh thay đổi như vậy. Rồi cô nhớ tới món quà của Thắng, khi nãy đưa quà cho bố mẹ nói đây là quà của bạn con tặng, mẹ cô đã rất tò mò nhưng cô trả lời kiên quyết đó chỉ là một người bạn. Cô cũng thấy mình quá tham lam khi đón nhận những quan tâm, chăm sóc của Thắng, rồi làm sao cô trả được lại Thắng đây? Và rồi còn người đàn ông ấy nữa, Nam, anh đang làm gì. Cô không hiểu tại sao mình cứ nghĩ mãi về anh, người đàn ông đã thuộc về một người khác. Cô và anh nói chuyện với nhau không quá chục câu, tại sao cứ hễ lại gần anh cô lại bất bình thường như vậy?

- Chị Ngọc, chị có đi ngủ không để đấy em trông nốt cho!

Tiếng cái Bích làm ngắt ngang dòng suy nghĩ của Ngọc. Cô ngẩng đầu lên nhìn Bích rồi kéo nó xuống ngồi cạnh. Hai chị em cô hai cuộc đời khác nhau, cô lớn lên đi học trường chuyên Hà Nội từ cấp 3 rồi học đại học, rồi lấy chồng ở luôn ngoài Hà Nội. Cái Bích kém cô 3 tuổi thì chỉ học trường làng, hết cấp 3 nói thế nào cũng không thi đại học mà chỉ ở nhà luôn, rồi lại lấy cậu bạn hàng xóm. Giờ hai vợ chồng nó chăm chỉ làm vườn, kinh doanh cây cảnh đời sống lại khấm khá có của ăn của để. Cô đi học xa nhà từ bé nên hai chị em ít khi được ở cùng nhau. Hai đứa tính cách lại trái ngược nhau, cô hơi trầm tính còn Bích thì sôi nổi vui vẻ. Tuy vậy hai chị em vẫn rất yêu thương nhau. Nhớ hồi cô đẻ bé My, cái Bích ra trông chị, chăm cháu hẳn nửa tháng mặc dù nó còn chưa chồng chả có kinh nghiệm gì. Khi cô li dị chồng cũng là cái Bích mở lời đỡ cho cô với bố mẹ, bảo bố mẹ là hãy thông cảm cho nó. Bích đưa cô củ khoai mới vùi trong trấu, hỏi:

- Chị với My ở nhà đến mùng mấy?

- Chắc mùng 4 chị đi.

- Thế mùng 3 đi phủ ông Ngừ với em. Nghe nói linh lắm!

- Ừ đi, thế mày với Trọng bao giờ đẻ đứa nữa?

- Ôi giời em chưa muốn thả, đang còn tập trung mở rộng vườn cây cảnh đã rồi em mới tính.

- Tính gì nữa đẻ đi không có già mất.

Bích hỏi ngược lại nó:

- Chị dạo này thế nào? Em nghe mẹ kể ông Nghĩa hôm nọ đến ăn cơm cùng à, lại còn biếu quà bố mẹ nữa à?

- Chả có gì đâu, mẹ cứ tưởng tượng đấy. Ông Nghĩa có người yêu mới rồi!

- Thật không chị? Sao mẹ bảo ông ý nhẹ nhàng, tình cảm lắm cơ mà?

- Không phải đâu, chị cũng gặp người mới đấy rồi mà, trẻ, xinh làm cùng cơ quan. Mà giờ chị với ông ý làm sao quay lại được với nhau nữa!

- Thế còn ông nào cũng tặng quà tết bố mẹ nữa?

- À là bạn cũ cấp 3 của chị.

Nói rồi cô kể cho Bích nghe về Thắng. Bích nghe xong trầm ngâm, con bé bảo:

- Chị không nhất thiết phải giữ khép kín mình như thế, chị li dị cũng lâu rồi, ông Nghĩa kia còn có người mới rồi còn gì, nếu gặp người tốt em nghĩ chị nên mở lòng cũng được. Dù sao chị vẫn còn trẻ, còn cả cuộc đời phía trước nữa chứ!

Cô cứ nghĩ mãi về lời của Bích, liệu cô còn có thể đi bước nữa được không? Con cô liệu có hạnh phúc được không? Rồi lại một mối quan hệ nhà chồng phức tạp khác, một bà mẹ chồng khác, rồi con riêng, con chung. Có quá nhiều thứ phức tạp cô không dám nghĩ tới. Và hơn cả là liệu có thật là Thắng yêu cô và cô cũng yêu Thắng không? Cô không cảm nhận được tình cảm nồng nhiệt của mình đối với Thắng, có chăng chỉ là cảm động về sự quan tâm, săn sóc của Thắng. Buồn buồn cô lấy điện thoại ra xem lại những tin nhắn Thắng gửi. Cậu ấy dịp nào cũng nhắn tin chúc mừng hai mẹ con Ngọc, hỏi cô xem ăn cơm chưa, có phải làm thêm cuối tuần không. Cô thì chỉ trả lời ngắn gọn lịch sự đáp lại.

Miên man suy nghĩ đến 3h sáng, bố cô từ nhà ra giục cô đi ngủ, bố cô thay ca cho. Cô ngáp dài rồi chui vào giường nằm với con, mệt mỏi chìm vào giấc ngủ. Sáng ra, 8h mẹ cô mới nhẹ nhàng vào gọi hai mẹ con dậy. Ngoài hiên tiếng chim hót líu lo, mùi gỗ cháy đượm không khí, bố cô đang dỡ bánh khỏi nồi. Những chiếc bánh được gói vuông vắn, khéo léo, giờ chuyển sang màu vàng. Có cả mấy cái bánh cỡ nhỏ bà gói cho con My, thằng Sóc. Con bé My sướng lắm, nó đòi phải để dành mấy cái ấy không được ăn chỉ ngắm thôi. Nghe tiếng mẹ gọi, hai mẹ con cô đi đánh răng rửa mặt rồi vào ăn sáng. Bà đã dậy sớm đi chợ mua cho hai mẹ con mẻ bánh cuốn mới. Những cuộn bánh trắng mướt kèm theo miếng chả lụa vàng óng, nước chấm được pha sẵn điểm thêm chút ớt làm cô mê mẩn. Đã lâu lắm rồi cô không được ra chợ xà vào hàng bánh cuốn. Hai mẹ con nhẩn nha ăn trong lúc nghe bà kể hôm nay phiên chợ cuối cùng của năm cũ người đông như thế nào, hàng hoá nhiều ra làm sao. Con bé My đòi ra bằng được chợ, cô đành đồng ý ăn xong sẽ chở con ra xem chợ tất niên.

Hai mẹ con cuối cùng cũng leo lên yên xe máy. My bảo bà: "Cháu sẽ mua mấy thứ bà dặn, bà ở nhà chờ cháu nhé!", mẹ cô dặn hai mẹ con đi nhanh mà về sớm, Ngọc bảo mẹ hôm nay cứ để hai mẹ con cô chơi thong thả chả mấy khi được ra chợ. Ra đến chợ đúng như bà ngoại kể, người bán người mua ở đâu mà đông đến vậy. Ngọc và My gửi xe ở cổng rồi thong thả dắt nhau vào chợ. Chợ quê mặt hàng không phong phú như trên chợ phố nhưng vui vẻ, đầy màu sắc. Đây là chỗ bán rau củ, kia là chỗ bán cá, thịt, gà. Chợ tết có thêm cả mấy sạp bán đồ vàng mã cúng 3 ngày tết, chỗ bán đào quất. Đâu đâu cũng rộn tiếng chào mời, tiếng nói chuyện của hàng xóm gặp nhau, hỏi thăm chuyện mua sắm tết nhất, chuyện cháu con ở xa về. Hai mẹ con đi cũng gặp toàn hàng xóm và họ hàng, mẹ con cô chào hết người này đến người khác, ai cũng hỏi chuyện hai mẹ con năm nay có ăn tết ở đây không, cô cười xoà đùa bảo cháu còn ở đến rằm tháng riêng. Con bé My chắc là thích chợ nhất, con bé mê mải ngắm những sạp hàng trang trí đẹp hơn ngày thường, đâu đâu cũng có màu đỏ của những câu đối, màu hồng của hoa đào, màu vàng của những quả quất cảnh.

Mải đi xem các đồ bày bán, cô nghe tiếng gọi:

- Ngọc ơi, đi đâu đấy?

Cô quay lại nhìn, đó là thím Lan, con thím chính là cái Trang làm cùng cô ở công ty Trí Nguyên. Chính cô là người giới thiệu Trang vào làm ở đó. Cô chào thím Lan, thím bảo nó:

- Thím cứ muốn cám ơn cháu mãi về việc cháu xin việc cho cái Trang mà chả hôm nào gặp cháu.

- Có gì đâu thím, Trang là em cháu, cháu giới thiệu cho em ý thì có gì đâu. Thế Trang về chưa thím?

- Nó về rồi, nằm ngủ ườn xác giờ này chưa buồn dậy đây.

Ngọc buồn cười qúa phì cười. Đúng là lũ con gái, cô cũng vậy, Trang cũng vậy, về với bố mẹ đẻ là y như rằng ăn vạ bố mẹ, lười chảy thây. Cô bảo thím:

- Thôi kiểu gì Tết cháu cũng sang chơi nhà chú thím, giờ cháu còn về đây không mẹ cháu mong.

- Ờ, kiểu gì thím với cái Trang cũng sang nhà cháu. Thôi thế 2 mẹ con về nhé!

Hai mẹ con lướt xe từ từ về nhà, trong xóm nhà nào cũng đã dọn dẹp tinh tươm sạch sẽ, cả năm làm lụng kiểu gì cũng dồn vào sắm sửa ngày tết, sửa sang nhà cửa. Về đến sân nhà, My nhanh chân chạy tọt vào bếp hỏi bà trưa ăn gì, bà cười mắng yêu là chỉ nhanh ăn. Cô đưa mẹ mấy món đồ mới mua ở chợ rồi cùng mẹ nấu cơm, dọn dẹp. Chiều hôm ấy vệ sinh nhà cửa lần chót, cúng tất niên, tắm một nồi nước mùi già tẩy uế cuối năm, cô cảm giác mình được trở về những ngày thơ bé. Năm nay Tết chẳng khác Tết năm xưa. Đến giao thừa mẹ cô đã chuẩn bị một mâm cúng giữa sân, bố cô thì chờ tivi điểm tiếng đồng hồ báo giao thừa, tiếng pháo hoa ở các đầu cầu truyền hình các thành phố lớn đang nổ giòn giã, bố cô ra sân thắp hương mâm cỗ giao thừa, cả nhà đứng sau chắp tay cầu chúc những điều may mắn trong năm mới. Ngọc và con sung sướng lắng nghe tiếng pháo hoa trên vô tuyến, hít ngửi mùi hương bố thắp, cảm nhận cái lành lạnh của sương đêm giao thừa.

Sáng hôm sau mùng 1, mẹ cô rủ cô và My đi chùa. Chùa của làng ở đầu con ngòi, trên đường ra chùa đã thấy những ông bà già mặc áo the nâu cùng đi lễ chùa. Cô theo mẹ vào thắp hương rồi ra sân ngắm cảnh. Ngọc thấy mẹ cô nói với cái My: "Bà vừa thắp hương xin cho cháu năm nay học giỏi, chăm ngoan, mạnh khoẻ rồi nhé!", cái My hỏi: "Thế bà xin cho mẹ cháu cái gì ạ?", mẹ cô bảo: "Bà xin cho mẹ cháu chân cứng đá mềm còn lo cho cháu".

- Chân cứng đá mềm là gì hả bà?

- À tức là đủ sức khoẻ, sự dũng cảm ấy mà.

Cô đi đằng sau mà sống mũi cay cay.

Ba mẹ con bà cháu về rồi cùng ông ngoại đi chúc tết các bác, các chú trong họ. Đến chiều về thấy thím Lan với cái Trang đang ở đầu ngõ chờ. Thím Lan đon đả chào mẹ Ngọc:

- Bác đã về đấy à? Mẹ con bà cháu đi đâu thế?

- Tôi vừa đi bên nhà bác Thới về. Thím với cháu chờ lâu chưa vào đây đã.

Vào nhà cô rót nước mời thím, mời cái Trang. Cái Trang đã định theo chân con bé My ra vườn chơi khỏi ngồi nói chuyện với người lớn nhưng thím Lan đã gọi giật:

- Con Trang kia mày vào đây ngồi nói chuyện với bác, với chị, tao xem nào.

Nói rồi thím quay sang mẹ cô:

- Bác ạ, em sang để chúc tết hai bác, chúc hai bác năm nay sức khoẻ dồi dào, sau là em sang để cảm ơn hai bác với cháu Ngọc đã giới thiệu chỗ làm cho cháu Trang.

- Ôi có gì đâu thím, người trong nhà cả mà! Mẹ cô bảo.

Ngọc cũng tiếp lời mẹ:

- Đúng rồi thím ạ, thím đừng nghĩ ngợi nhiều, Trang như em cháu, cháu có gì sẽ cố gắng hết sức giúp đỡ Trang. Giờ bọn cháu cùng ekip cũng đỡ đần nhau nhiều.

- Ôi tốt quá thế thì còn gì bằng, thím Lan bảo.

Nói rồi thím chép miệng tiếp:

- Về công việc thì thế là tạm ổn bác với cháu Ngọc ạ, nhưng em còn sốt ruột cái con này là chả ma nào thèm rước, hai mấy tuổi đầu rồi chả ai nó thèm yêu.

Cô phì cười nhìn Trang, mặt Trang méo xệch lườm mẹ. Cô bảo thím Lan:

- Rồi để con cũng kiêm luôn cả tìm người yêu cho cô hộ thím luôn!

Thím Lan ồ lên cảm ơn cô rối rít, cái Trang ở bên cạnh nhéo tay nó, cô cười trêu lại cái Trang:

- Hôm trước mày chả mê anh gì bạn chị ấy, để chị giới thiệu cho.

- Chị cứ đùa em! Trang nói.

Tôi quay sang bảo thím Lan:

- Tết sau mà cái Trang lấy được chồng thì thím khao cháu to nhé!

- Rồi, rồi, cái Trang mà lấy được chồng thì cô thích gì thím cũng đưa.

Cả nhà cùng cười giòn giã, chỉ có cái Trang là ngượng, cứ đấm thùm thụp Ngọc vì thẹn.

Rồi thế mà mấy ngày Tết cũng qua nhanh chóng. Sáng mùng 4, mẹ con cô khăn gói trở lại thành phố. Bố mẹ nó, cả nhà cái Bích đều ra tận cổng làng tiễn. Xe khách là của nhà người quen trong xóm đón mẹ con cô ngay đầu cổng. Vẫy tay chào bố mẹ, em gái, cô thoáng thấy buồn. Giờ hai mẹ con lại quay lại với cái thành phố chật chội, đông đúc ấy, mỗi hai mẹ con với nhau. Định chiều mới lên nhưng cô quyết định đi luôn từ sáng cho đỡ đông, chắc chiều nay mọi người mới bắt đầu dồn từ quê ra để mai đi làm. Vì thế hơn 9h hai mẹ con đã có mặt ở nhà, đi mấy hôm mà nhà cửa thấy lạnh lẽo, vương đầy bụi. Cô bảo con đi chơi ngoài hành lang còn cô vào mở tất cả các cửa sổ cho thông thoáng rồi tay với lấy cái chổi nhanh nhẹn quét nhà cho bớt bụi. Rồi tiếng chuông điện thoại của cô lại vang lên. Cô mở máy thấy số của Nghĩa thì hơi khựng lại định không nghe máy. Máy reo thêm mấy hồi chuông thì tắt. Đang thở phào mừng thầm thì máy lại reo chuông, reo đến cả mấy phút, biết không thể chối từ cô đành nhấc máy, giọng Nghĩa có vẻ đã thiếu kiên nhẫn:

- Alo sao giờ em mới bắt máy? Có chuyện gì không đấy?

Giọng anh nói đầy lo lắng, trong một thoáng cô đã tự nhủ mình thật là bậy, anh ta không phải là cáu giận vì Ngọc không nghe máy mà chỉ là lo cho hai mẹ con cô. Cô lắp bắp:

- Em để chế độ yên lặng nên không nghe thấy chuông.

- Ra là thế! Anh thở phào nhẹ nhõm. Hai mẹ con đã ra đến Hà Nội chưa?

- Mẹ con em vừa lên đến nơi.

- Vậy nửa tiếng nữa anh qua anh đón đi chơi rồi ăn trưa.

Nói rồi anh dập máy nhanh làm cô không kịp phản ứng. Gì vậy? Thật là anh ta định đi cùng cô đi chơi à? Sao anh ta chả cần biết mình có đồng ý hay không lại cứ làm thế nhỉ? Cô định bụng lát anh ta đến sẽ cho con bé My đi chơi với anh ta, cô còn ở nhà dọn nhà.

Khoảng 20 phút sau Nghĩa đến. Cô biết là vì con bé My đang chơi ngoài hành lang đã hét toáng lên: "Bố, bố!". Nghĩa bế con bé lên thơm, hỏi thăm con bé xem Tết có vui không rồi bước vào nhà. Anh nhìn Ngọc chào và bảo: "Hai mẹ con chuẩn bị xong chưa mình đi thôi!". Cô từ chối bảo mình cần ở nhà dọn nhà nhưng con bé My lăn ra ăn vạ nhất quyết bắt mẹ đi, nói thế nào cũng không nghe. Ngọc đành với lấy cái túi trên móc treo đi cùng vậy, khó xử quá, đây là lần đầu tiên kể từ ngày li dị cô với Nghĩa đi với nhau. Đang lúi húi khoá cửa lại thì chuông điện thoại của cô lại reo, Ngọc không nhìn màn hình chỉ áp tai alo, đầu dây bên kia là Thắng. Thắng nói trong điện thoại:

- Ngọc à tớ đây!

- Ồ Thắng à, cô bất giác thì thầm với cái điện thoại, cô không muốn Nghĩa nghe được mẩu đối thoại.

- Này tớ vừa về rồi đây, tớ đang ở dưới chân nhà cậu đây, cậu với My có nhà không tớ có món quà tặng hai mẹ con!

- Tớ...tớ... Cô lắp bắp, sao Thắng lại đến đúng lúc này cơ chứ! Nghĩa đang ở đây.

- Sao thế? Thắng hỏi. Có nhà không tớ lên nhé?

- Không, không, tớ không có nhà đâu. Tớ còn ở quê chưa lên. Bất giác cô nói dối Thắng.

- Tớ tưởng cậu

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#giấcmơ