(P1) Chương 3 - #3

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 3: NHỮNG ĐỒNG TIỀN XƯƠNG MÁU

#3

   Tôi phải tìm cách đòi bằng được 170 đồng này. Mặc dù tôi tin cô Hạ sẽ không ăn quỵt của tôi, nhưng tiền phải nắm trong tay tôi mới yên tâm. Tôi quyết định đẩy Vi Vi vào cuộc. Tôi huých vào tay nó. Thằng ngủ như con lợn chết. Tôi mặc kệ đêm đã rất khuya và người ta lúc này cần nghỉ ngơi, quay ra lắc lấy lắc để Vi Vi. Nó mắt nhắm mắt mở, lầm bầm nói: "Đừng nghịch nữa, tao ngủ rồi". Tôi nói: "Vi Vi, dậy đi, đừng ngủ vội". Vi Vi cằn nhằn: "Có gì mai nói sau". Tôi nói: "Phải nói ngay bây giờ". Vi Vi không chịu được nữa: "Mày rách chuyện thế! Nói đi, việc gì?". Tôi nói: "Hôm nay là ngày 15 tháng 8". Vi Vi nói: "Ừ". Tôi tiếp: "Tao ở đây được hơn một tháng rồi". Vi Vi nói: "Ừ". Tôi tiếp: "Đáng lẽ hôm nay mẹ mày, cô Hạ phải trả tiền lương cho tao, nhưng mẹ mày quên mất rồi, mày giúp tao hỏi hộ cái". Vi Vi nói: "Tao cứ tưởng chuyện gì to tát lắm". Tôi nói: "Đừng có quên đấy". Vi Vi nói: "Tao buồn ngủ muốn chết đây. Đừng có làm phiền tao nữa". Tôi không tha: "Mày nhớ chưa?", Vi Vi lật người quay nói tiếng cuối cùng: "Ừ".

Vi Vi quả tình đã thực hiện đúng lời hứa. Mới sớm dậy nó đã giục cô Hạ: "Mẹ, đến ngày trả tiền công cho Nam Cung rồi. Nó có phải là con trai mẹ đâu, sao để nó làm công không cho mẹ được?". Có Hạ vỗ đùi sực nhớ: "Đấy, xem đầu óc cô này, bân quên luôn cả việc này". Cô Hạ rút trong túi ra một nắm tiền lẻ, song dường như không muốn sắp lại, quay người đi vào phòng ngủ lấy ra ba tờ 100 đồng mới tinh đưa cho tôi. Tôi nói: "Cô Hạ, cô đưa thừa rồi". Cô Hạ cười nói: "Mày ngoan, đây là tiền công mày đáng được hưởng, cháu ạ". Tôi cầm lấy 300 đồng, trong lòng đầy xúc động. Cô Hạ là một "con buôn", nhưng không phải "con buôn" nào cũng coi tiền hơn tất cả. Cô Hạ nói: "Hôm nay cô cho mày nghỉ đi chơi". Tôi vốn đang định xin nghỉ, cô Hạ đã đi trước một bước hoàn thành tâm nguyện cho tôi. Tôi càng xúc động hơn, cô Hạ sao tâm lý thế! Tâm lý là một bản lĩnh phi thường. Khi tôi trải qua nhiều việc hơn, gặp nhiều người hơn, tôi phát hiện phần đông con người đều có một tính xấu chung: tự lợi và ngạo mạn. Rất nhiều người chỉ cho rằng mình quan trọng còn kẻ khác chỉ là cỏ rác, thế nên họ chỉ quan tâm đến cảm nhận của riêng mình, không bao giờ đặt mình vào vị trí của người khác để thử suy nghĩ. Lô-gíc của cô Hạ rất đơn giản, tôi là một thanh niên trẻ, thanh niên có tiền thì nên đi chơi cho thoải mái.

   Tôi quyết định đi mua quần áo trước. Vi Vi vỗ ngực xung phong làm người dẫn đường cho tôi. Cửa hàng bách hoá Yên Thuỷ là cửa hàng to nhất ở Yên Thuỷ này, hàng hoá ngập tràn, cần gì có nấy, nhìn hoa cả mắt. Trạm đầu tiên Vi Vi đưa tôi đến chính là đây. Tôi đã từng nói, sở thích lớn nhất của tôi là lượn phố, tôi chưa nói thêm là tôi cũng rất thích lượn các cửa hàng thực phẩm, nhưng tôi muốn nói rõ rằng tôi rất ghét lượn cửa hàng bách hoá. Ngày trước mỗi dịp đông hết tết đến, cả những ngày lễ thông thường nữa, mẹ rất thích đưa tôi đi mua quần áo. Mẹ thường hỏi tôi thích bộ nào, còn tôi thường trả lời thế nào cũng được. Tôi chỉ muốn mong mong chóng chóng rời khỏi cửa hàng, tôi ghét nó. Tôi cũng không thể nói rõ nguyên nhân do đâu, nhưng nói chung tôi cảm giác rất bức bí khó chịu, giống y như đang xông vào nhà người khác nhưng vẫn phải ra vẻ mình không làm gì xấu, cố đi lại tự tin. Nhưng mẹ không hiểu tâm trạng của tôi, vẫn bảo tôi hết thử bộ này đến bộ khác, cho đến khi bà vừa ý mới thôi. Đi dạo của hàng với chịu cực hình cùng thuộc một phạm trù. Tôi trong lúc lẽo đẽo theo sau Vi Vi, suy nghĩ này tự nhiên lại xuất hiện trong đầu, đặc biệt là sau khi nhìn thấy những bảng giá cao ngất ngưởng như những con dao giết người không để lại vết máu, tôi càng cảm thấy lo lắng bất an. Vi Vi nói: "Nam Cung, bộ này thế nào?". Một cái quần ngố với một cái áo sơ mi đòi tận 180 đồng, còn quá là đi cướp. Tôi nói đắt quá. Tôi chỉ có 300 đồng, mà việc tôi muốn làm còn rất nhiều, tôi không nỡ tiêu đi những đồng tiền xương máu của mình. Nếu tôi nói, ngày trước có mua một đôi giày da mấy trăm tệ tôi cũng chẳng thèm chớp mắt, bạn tin không? Tôi nói: "Mày đưa tao đi dạo mấy quầy bán ngoài đường đi". Tôi bổ sung thêm cho rõ ý: "Tao chỉ mua cái rẻ nhất thôi".

   Vi Vi nhìn tôi một lúc. Tôi biết nó sẽ nhìn. Khi tôi lôi bằng được thằng bạn thân mà tôi đã tuyệt giao đi xem mấy hàng dọn bên lề đường, nó cũng quay đầu nhìn tôi như thế. Tôi thích đi xem mấy hàng ven đường, lúc đó tôi giống như một nhà khảo cổ đắm mình trong những tiếng rao kêu gọi mua hàng của những bà chủ quầy, khai quật bảo tàng quý báu. Tôi dùng 20 đồng để mua cái áo Guevara, kẻ thù của tôi gầm gừ trong miệng như bị đau răng nói: "Mày đang hạ thấp bản thân, tự làm nhục thân phận mình!". Lúc đó tôi vẫn cho rằng mình còn có chút danh giá. Tôi đại diện cho trường tham gia cuộc thi hùng biện giữa sáu trường và giành được danh hiệu người hùng biện ưu tú, tôi cũng đã từng được đăng ở cuối tờ báo trường mấy bài viết xuân hoa thu nguyệt của mình, tôi còn là biên tập chính của đài tiếng nói trường, nhưng cho dù thế nữa tôi vẫn muốn mua cái áo Guevara. Việc này làm gì đến nỗi để nó phải nhìn như thể tôi đang nhặt đồ rác rưởi thế? Nó rụt cổ như con rùa, lúc lắc cái đầu. Tôi đang chuẩn bị so sánh, liệu Vi Vi lúc lắc đầu có giống rùa rụt cổ hơn không? Nhưng Vi Vi không cho tôi được như mong muốn. Nó nhìn tôi một lúc, rồi cười nói: "Đi, quần áo ở đây tao cũng không thích lắm".

   Ở phía đông thành phố có một dãy cửa hàng gồm vô số những cái lều bạt to nhỏ cao thấp chăng lên, cái gì cũng có, quần áo cũng rất nhiều. Vi Vi cẩn thận chọn cho tôi từng cái, còn tôi thì được dịp thể hiện tuyệt kỹ trả giá mà tôi đào sâu nghiên cứu hơn một tháng qua, giết cho đối thủ tả tơi hoa lá, máu chảy thành sông. Hai bộ quần áo thêm một đôi quai hậu chỉ hết có 98 đồng của tôi. Kết quả này ngay cả tôi cũng ngạc nhiên, phục mình sát đất.

   Tiếp sau đây là đi mua thuốc trị mụn. Trứng cá trên mặt tôi chủ yếu tập trung ở trán, nhưng khoảng thời gian gần đây nó có chiều hướng lửa tàn cháy ruộng, trên hai má và dưới cằm cũng đã xuất hiện mấy chiến sĩ trinh thám dẫn đường. Tôi phải bóp chết chúng khi chỉ là trứng nước, đối với chúng tôi quyết không nhẹ tay. Vi Vi nói: "Mày có phải con gái đâu, con gái mới coi trọng hình thức thể". Tôi nói: "Tao thích, mày làm gì nào?". Vi Vi chỉ cười, nụ cười của nó làm tôi ngứa tay, chỉ tức không thể đập nát cái mặt nó. Chúng tôi đi đến hiệu thuốc, bởi tôi thấy cái mình mua là thuốc chứ không phải là đồ mỹ phẩm. Tôi không hy vọng có thể mua được thuốc trị mụn, trong lòng đang định để hôm nào đấy một mình chuồn đi mua. Không ngờ rằng tiệm thuốc quả có bán thuốc trị mụn thật. Tôi hỏi: "Đắt nhất là bao nhiêu?". Vi Vi nói: "Mày không phải chỉ thích đồ rẻ thôi à?" Tôi nghĩ lại rồi, cây sống nhờ vỏ, người sống nhờ mặt. con người ta phải đối xử tử tế với cái mặt mình. Báo chí với ti vi đưa tin vì dùng sản phẩm kém chất lượng mà bị huỷ hoại cả gương mặt chẳng phải lần một lần hai nữa rồi, tôi bây giờ bạn gái còn chưa có sao có thể bị biến thành thằng quỷ mặt rỗ được?

   Ông chủ thông báo 80 đồng. Tôi không thèm nói thêm câu nào, móc đưa luôn tờ 100 đưa. Ông chủ tiệm dùng móng tay cào cào trên tờ tiền, vứt trả lại tôi bảo tiền giả. Tôi sững người, vội vội vàng vàng đưa một tờ 100 khác. Vẫn là tiền giả. Vi Vi nói: "Mày có bị nhầm không?". Ông chủ quay ra ngồi lên cái ghế đan mây, chẳng thèm nói nửa lời, lim dim ngủ gật.

   Tiền giả! Tiền giả! Tôi vất vả cả ngày, dậy sớm thức khuya, làm sống làm chết kiếm được những đồng tiền xương máu đầu tiên lại là tiền giả! Trong lòng tôi có một dự cảm không lành. Tôi quay người đi ra ngoài, cố gắng khống chế bản thân không tiếp tục nghĩ xa hơn. Đi đến chỗ rẽ, nhìn thấy một thùng rác sơn đen, tôi rút luôn hai tờ tiền, vo thành một nắm vứt vào trong, cứ như đó là hai con rắn độc cắn người. Vi Vi đuổi theo, nhặt hai tờ tiên lên nói: "Mày điên à?". Tôi lạnh lùng nói: "Đấy là tiền giả". Lại lạnh lùng nói tiếp: "Tiền giả thì có tác dụng gì? Không bằng tờ giấy rách". Vi Vi nghĩ một hồi, nó nói: "Dùng được thì cố mà dùng". Tôi kinh ngạc nhìn nó: "Mày to gan thế!". Vi Vi nói: "Đi với tao". Tôi không muốn đi với nó. Nếu như tôi có thể ngăn nó lại, những việc sau sẽ không bao giờ xảy ra, nhưng có ai biết trước được đâu?

   Chúng tôi đến một cửa hàng bán thịt làm sẵn. Tôi đã từng mua thịt vịt quay ở cửa hàng này. Ông chủ cửa hàng vô ý nhìn chúng tôi hơi lâu làm tôi chột dạ sởn gai ốc, vội vàng quay đi chỗ khác. Vi Vi chẳng thay sắc mặt, đòi mua một con vịt quay, ông chủ đầu hói bóng trả lại tiền thừa cho hai đứa tôi, tôi kéo Vi Vi vội vàng ra khỏi cửa hàng. Chưa đi được mấy bước, ông chủ đầu hói bóng đã gọi giật lại: "Đứng lại!". Lộ tẩy rồi! Làm sao bây giờ làm sao bây giờ? Chỉ vì tôi tham lam!

   Vi Vi hét lên: "Chạy thôi!"

HẾT CHƯƠNG 3: NHỮNG ĐỒNG TIỀN XƯƠNG MÁU
>> CHƯƠNG 4: VŨ ĐIỆU ĐOM ĐÓM

LỊCH ĐĂNG TẢI TRÊN WATTPAD
20h thứ 3, thứ 5, thứ 7 hàng tuần.
Cảm ơn bạn đã theo dõi truyện.
____________
Tiểu thuyết: Đom Đóm Nhỏ
Tác giả: Thiên Tử
Người dịch: Hà Nam
Biên tập: Roéus
Được xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào năm 2010, nhà xuất bản Dân Trí.
Thể loại: Tiểu thuyết nước ngoài, Tuổi trẻ, Cuộc sống...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net