nam hoa kinh2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

IV. HỌC THUYẾT CỦA TRANG TỬ:

A. Đạo và Đức:

Triết học của Trang tử cùng với Lão tử có nhiều điểm không đồng, nhưng rất đồng về quan niệm Đạo và Đức.

Bàn về Đạo, sách Trang tử ở thiên Trí- Bắc- Du có giải rất rõ ràng:

" Đông- Quách- Tử hỏi Trang tử:

Cái gọi là Đạo ở đâu?

Không có chỗ nào là không có Nó.

Xin chỉ ra mới được!

Trong con kiến.

Thấp hơn nữa!

Trong cọng cỏ.

Thấp hơn nữa!

Trong miếng sành vỡ.

Thấp hơn nữa!

Trong cục phân.

Đông- Quách- Tử không hỏi nữa.

Trang tử nói:" Lời hỏi của ông, không đi đến đâu cả. Nó giống cách người giám thị dùng để trị dùng để trị giá heo: mỗi lần đạp trên lưng heo là mỗi lần ấn mạnh cẳng xuống thêm. Ông đừng có chỉ hẳn vào một vật nào có Nó, vì không có vật nào là không có Nó. Đạo là thế, mà lời nói cao cả cũng thế. Như ba tiếng nầy:" đều", " cùng", " cả thảy" tuy danh từ gọi có khác, mà tựu trung đều hàm cùng một ý."

***

Đạo là Nguyên- Lý tuyệt đối sinh ra Trời Đất Vạn- vật. Cho nên hễ có Vật, tức là có Đạo, nghĩa là" không có chỗ nào là không có Đạo".

***

Thiên Đại- Tông- Sư nói:" Kìa Đạo thì có tình, có tin, không làm, không hiện, có thể nhận được mà không thể thấy được. Đạo thì tự bản tự căn, khi chưa có Trời Đất vốn đã tồn tại từ xưa. Nó làm ra các đấng thiêng liêng qủy thần, cùng Thượng đế; Nó sinh ra Trời, Đất; Nó ở trước Thái Cực mà không xem là cao, ở dưới lục- cực mà chẳng thấy là sâu; Nó sinh trước Trời Đất mà chẳng gọi là lâu, dài hơn Thượng Cổ mà chẳng gọi là già". (Phù Đạo hữu tình, hữu tín, vô vi vô hình; khả truyền nhi bất khả thụ, khả đắc nhi bất khả kiến; tự bản tự căn, vị hữu thiên địa, tự cổ dĩ cố tồn; thần quỷ thần đề, sinh thiên sinh địa, tại thái cực chi tiên nhi bất vi cao, tại lục cực nhi hạ chi bất vi thâm, tiên thiên địa sinh nhi bất vi cửu, trường ứ thượng cổ nhi bất vi lão)

Đạo là Nguyên- lý sinh ra Trời Đất Vạn- Vật nên gọi là" tự bản tự căn", nghĩa là tự mình là gốc, là rễ của mình, chứ không phải do một gốc hay một rễ nào khác ngoài mình tạo ra. Đạo cũng là" vô thủy vô chung", " thường tồn bất biến" và vạn vật dựa vào đó mà sinh sinh không dừng vậy.

***

Đạo, như ta đã thấy, biểu- hiện nơi vạn sự vạn vật, bởi vậy, không sự vật nào là không có cái tính" tự sinh", " tự trưởng", " tự hủy", " tự diệt" của nó. Như thế, ta có thể nói rằng sự" tự sinh, tự trưởng, tự hủy, tự diệt" của vạn- sự vạn vật chính là những hành động" tự vi, tự hóa" của mỗi sự vật trong đời, mà ta cũng có thể gọi đó là" chỗ tác- vi của Đạo" mà không sai, vì" không có vật nào là không có Đạo" ở trong cả. Hai chữ" tự- hóa" của Trang, chính là thuyết" vô- vi nhi vô bất vi" của Lão tử.

***

Còn quan niệm về chữ Đức của Trang tử như thế nào?

Thiên Thiên- Địa có nói:" Thuở thái- sơ của Trời Đất thì đã có cái Vô. Cái Vô ấy không có tên, và là nơi phát sinh ra cái Một, nhưng cái Một ấy cũng chưa có hình. Khi mà vạn vật" được cái Một ấy (2) cái đó gọi là Đức". " Thái sơ hữu Vô, Vô hữu Vô danh. Nhất chi sở khởi, hữu Nhất nhi vị hình. Vật đắc dĩ sinh, vị chi Đức."

Trong câu" thái sơ hữu Vô", chữ Vô đây là chỉ về Đạo. Câu" nhất chi sở khởi" của Trang tử " Vô là chỗ phát sinh ra cái Một" thì đồng với câu" Đạo sinh Nhất" của Lão tử trong Đạo- Đức- Kinh. Còn Đức tức là chỗ mà "vật đắc dĩ sinh" (vật nhận được mà sống) . Cho nên mới nói" Đức là chỗ" tự đắc của con người". " Tự đắc" là tự mình đã được của Tạo Hóa, của Tự- nhiên, của Đạo (3) . Hay nói một cách khác: Đức là cái Đạo biểu hiện nơi mỗi người mỗi vật, là những năng khiếu tự nhiên, không vậy không được, của mọi sự vật trên đời.

Đạo và Đức, tuy danh từ dùng để gọi có khác, nhưng vẫn là một. Có kẻ đã ví Đạo như nước. Nước là sông, biển, ao, hồ... cũng như ở bầu tròn, ống thẳng, dù có hình thức động tịnh khác nhau, nhưng đâu đâu cũng là nước cả.

***

B. Thuyết Thiên- Quân:

Trang tử, trong thiên Tề- Vật- Luận, dùng hai chữ Thiên- Quân để chỉ cái tác dụng của Đạo, là có ý chỉ cho ta thấy nó là một thứ triết học biến động nghĩa là" vận hành bất tức"

" Quân" là cái bánh xe quay tròn mà người thợ nung dùng để chế tạo những đồ vật có hình tròn. Chữ" Thiên- Quân" lại có chỗ viết là có ý nói về sự quân- bình, tùy cái bánh xe lưu chuyển, vòng bán kính của bánh xe bao giờ cũng bằng nhau, tự nhiên luôn luôn vẫn quân bình. ở thiên Ngụ- Ngôn có nói:" Vạn vật đều là một giống cả, không cùng hình mà thay nhau, trước sau như những cái vòng tròn, không thể phân biệt luân loại. Nên gọi là Thiên- quân. Thiên- quân, là Thiên- Nghê". " Vạn vật giai chủng dã, dĩ bất đồng hình tương thiện thủy tốt nhược hoàn, mặc đắc kỳ luân. Thị vị Thiên- quân. Thiên- quân giả, Thiên- Nghê dã".

Thiên Thiên Địa lại nói:" Trời Đất tuy lớn, mà sự biến hóa đều quân bình cả" (Thiên địa tuy đại, kỳ hóa quân dã.)

Như thế thì, Thiên- quân của Trang tử là nói về sự đắp đổi nhau của các giống vật mà biến hóa, " đồng hình" biến làm" bất đồng hình". Nhưng ở đâu mà lại, rồi sẽ đi đến đâu, thời sau cùng cũng không biết đâu là manh mối. Sự biến hóa giống như cái bánh xe quay tròn, nên gọi là Thiên- quân.

***

C. Thuyết Vạn- Hóa:

Cứ theo phép ấy thì sự biến thiên của các giống vật đều không có mục đích, không có phương hướng... con đường đó của vạn sự vạn vật là một cái vòng tròn:" châu nhi phục thủy", chứ không phải là một con đường thẳng đi đến một mục tiêu nào. Trang tử không chủ trương Tiến- hóa, mà chủ trương Vạn hóa, hay là Tự-hóa.

Thiên Thu- Thủy nói:" Vạn- vật sinh ra, như đuổi như chạy; hễ động là có biến, không lúc nào mà không xê dịch. Sao lại như thế, mà sao lại chẳng như thế? ấy là vì cái lẽ" tự hóa" vậy! (Vật chi sinh giả, nhược sậu nhược tri, vô động nhi bất biến, vô thời nhi bất di, hà vi hồ, hà bất vi hồ. Phù cố tương tự hóa) .

Thiên Tại- Hựu nói:" Anh hãy chỉ cứ ngồi đây, không cần làm gì cả mà vạn vật tự hóa... vạn vật phồn thịnh, giống nào cũng trở lại nguồn gốc của mình. Vật nào cũng trở lại gốc của mình mà không biết". Trong câu văn này, quan trọng nhất là ở chữ" Phục".

ở thiên Thiên- Thụy trong sách Liệt- tử cũng có câu nói:" Tự sinh, tự hóa, tự có hình, tự có sắc, tự có tri, tự có lực, tự giảm, tự tăng". Thế là đều" tự nhiên nhi nhiên", " bất kỳ nhirn nhi nhiên", không có sự nhất định phải bảo tồn những hình thức cá biệt nào có ích, tiêu diệt những hình thức cá biệt nào có hại như cách tác dụng của luật Thiên- trạch (4) có mục đích, có phương hướng của thuyết Tiến- hóa Tây phương (5) .

Sở dĩ Trang tử không chủ trương Tiến- hóa, mà lại chủ trương Vạn- Hóa là vì theo sự nhận xét của ông, ông cho rằng không thể nào xét biết được lẽ chung thủy của Đạo, nghĩa là không thể nào biết được rằng Đạo bát đầu như thế nào, và sự cùng tận của nó như thế nào. Như vậy, thì làm thế nào mà nhận thấy được cái phương hướng của nó theo chiều nào mà chủ trương Tiến- hóa được? Tiến- hóa chỉ là một ức thuyết của Tạo- Hóa, trong khi sự thật Trời Đất không thể biết đâu là khởi điểm, đâu là cùng tận, mà chỉ là một cái" vòng tròn" (Thiên- Quân) .

Thiên Tắc- Dương nói:" Vạn vật có sống mà không thấy đâu là cái gốc của nó, có chỗ xuất ra mà không thấy đâu là cái cửa của nó". Lại nói:" Người xét Đạo, không theo cho đến chỗ đã phế, cũng không suy cho đến chỗ chưa khởi: hễ bàn đến nó là phải thôi đi. Ta xét cái gốc của nó, ta thấy nó đi đến vô cùng, ta cầu đến cái ngọn của nó, ta lại thấy nó không bao giờ đứt. Không cùng, không dứt, thì còn bàn nói vào đâu được nữa. Vật, thì cũng một lẽ đó".

ở thiên Sơn- Mộc cũng nói:" Hóa muôn vật mà không biết nó thay đổi như thế nào, thời biết nó bắt đầu ra làm sao, mà cùng tận ra làm sao?"

***

Đối với nhân- sự cũng thế: phải biến thành quấy, quấy biến thành phải... không biết đâu là khởi điểm, không biết đâu là cùng tận... như trên một cái" vòng tròn"; Lớn; Nhỏ; Sanh; Tử; Dài; Ngắn; Có; Không; Cao; Thấp; Thành Hoại đều không sao phân biệt được (6) , không sao biết được đâu là chỗ khởi đầu của nó.

Thiên Thu- Thủy nói:" Lấy Đạo mà xem thì vật không có chi gọi là quý, là tiện, là ít, là nhiều cả. Chỉ có Một mà thôi. Lấy chỗ sai biệt mà xét, nhận thấy lớn mà cho là lớn, thì vạn vật không vật nào là không lớn, nhận thấy nhỏ mà cho là nhỏ, thì vạn vật không vật nào là không nhỏ... Lấy xu hướng mà xét, nhận cho phải là phải, thì vạn vật không vật gì là không phải, nhận cho quấy là quấy, thì vạn vật không vật gì là không quấy."

Thiên Đức- Sung- Phù nói:" Lấy chỗ khác nhau mà xét, thì gan và mật cách nhau như nước Sở nước Việt, nhưng mà lấy chỗ tổng mà xét, thì vạn vật đều là Một cả.

Cứ xem cái thuyết Tương đối ngày nay mà xem, ta sẽ thấy cũng không xa gì những điều nhận xét trên đây của Trang tử. Theo Tương- đối- luận thì quyết không có gì là cao, là thấp tuyệt đối; không có gì là dài, là ngắn tuyệt đối; không có gì là lớn, là nhỏ tuyệt đối: những tiếng như" thành"," hủy", " quý", " tiện", " thị", " phi", " hữu"," vô" toàn là những danh- từ tương đối, không phải là tuyệt đối. Cho nên cho rằng Trang tử là tị- tồ của thuyết" tương đối" không phải là quá đáng.

Cái luật Thiên- Quân của Trang tử lại bao hàm cả con người trong đó:" Cho nên Thánh- nhân hòa lẽ Thị- phi, và rốt cuộc ở trong Thiên- Quân".

Thiên Đại- Tông- Sư nói:" Như cái hình của người ta, thật là biến hóa muôn lần, mà chưa thấy đâu là cùng tận vậy". Lại cũng nói:" Giá như cánh tay trái tôi hóa làm con gà, thì tôi sẽ nhân đó mà gáy canh. Giá như lại hóa cánh tay phải tôi làm hòn đạn, tôi sẽ nhân đó mà kiếm chim quay; giá như lại hóa cái xương cùn của tôi làm bánh xe, lấy cái thân hồn tôi làm con ngựa, thì tôi sẽ nhân đó mà cưỡi lên, há còn phải đợi xe ngựa nào nữa!..." Lớn lao thay! Tạo hóa muốn anh làm vật gì bây giờ? Muốn đi đến đâu bây giờ? Hay là biến anh làm gan con chuột? Hay làm cánh trùng?" (...) " Nay có người thợ đúc vàng, vàng nhảy lên đòi: tôi muốn được làm thanh gươm mạc- da, người thợ đúc tất cho nó là vàng quái gở. Nay có kẻ ngẫu nhiên muốn được hình người, nhảy lên nói: Tôi muốn làm người... tạo hóa tất cho người ấy là người quái gở. Nay lấy Trời Đất làm lò lớn, Tạo- hóa làm người thợ đúc lớn, thời tha hồ muốn biến hóa ra sao thì biến hóa, đâu mà chẳng được."

Loài người biến hóa vô cùng, nhưng không có phương hướng nào nhất định cả: Phàm vật, hễ" cùng tắc phản" " chung tắc thủy" loay quay mãi theo" vòng tròn" vô tận.

Tuy Trang tử chủ trương" tự hóa" và" vạn hóa", không chủ trương sự biến hóa có phương hướng như thuyết" luân hồi" của Phật giáo tiểu- thừam hay thuyết" thiên trạch" của Darwin, nhưng lại nói đến sự biến hóa theo một cái" Cơ". Thiên Chí- Lạc nói:" Các giống đều có Cơ" và kết luận rằng:" Vạn vật đều ra nơi Cơ, và vào nơi Cơ. Theo Trang tử thì" Cơ" là cái nguồn gốc của sự biến đổi, và rút lại, quy kết vào hai chữ" đức tính".

Lấy theo thuyết Thiên- Quân mà xét việc đời thì thấy các sự vật đều chằng chịt dính líu với nhau, nhân rồi quả, quả rồi nhân tiếp tục nhau không biết đâu là khởi điểm, đâu là cùng tận, như trên một cái" vòng tròn".

Để chỉ sự phức tạp trong các mối quan hệ, thiên Sơn- Mộc nói:" Trang Châu đi chơi ở rừng Điêu- Lăng, thấy một con chim tước lạ ở phương Nam lại, cánh rộng bảy thước, mắt tròn một tấc, đụng ở trán Châu mà đậu ở bụi cây lật. Trang Châu nói: chim này là chim gì vậy? Cánh to mà không bay, mắt lớn mà không nhìn. bèn dùng dằng dừng bước, lấy đạn ra nhắm bắn. Bỗng thấy một con ve, vừa được bóng mát mà quên cả thân. Một con bọ ngựa, lấy lá che thân, chờm đến muốn bắt lấy mà quên cả thân. Còn phía sau, con tước đang vồ bắt nó mà quên cả thân mình...

Trang Châu giật mình: Ôi! Giống vật vốn làm lụy nhau... hai loài như gọi lẫn nhau.

Rồi bỏ viên đạn mà chạy trở về..."

Xem đó, tuy là một câu chuyện ngụ ngôn, nhưng mà ý vị sâu sắc miêu tả được những mối quan hệ trong vũ trụ phức tạp là chừng nào, thật là điều khó thể tư- nghị được.

Trang tử nói:" Bớt, thêm; đầy, vơi; một tối, một sáng" là muốn bảo luật Thiên- Quân bao- quát cả hai cõi tối, sáng ấy. Câu nói này của Liệt- tử:" một vật thể, khi đầy, khi vơi, khi thêm, khi bớt, khi sáng, khi tối đều có cảm thông với Trời, Đất, ứng với vật loại" có thể bao- quát và cai quản cả cái luật Thiên- Quân.

Theo luật Tiến- hóa, hay tử- trạch thì các giống vật càng biến, càng không bình đẳng. Còn theo luật Thiên- quân thì các giống vật càng biến lại càng theo về bình đẳng, dù cho hình chất không bình đẳng, địa vị không bình đẳng mà Tánh và Phận vẫn bình đẳng. (Xem Tiêu- Diêu- Du và Tề- Vật- Luận) .

Đó là sự phân biệt quan trọng nhất trong hai thuyết Tiến- hóa và Vạn- hóa.

***

Tóm lại, ta có thể lấy câu này của Trang tử đLão chỉ luật Thiên- Quân " trước sau như cái vòng ".

***

Với hai chữ " tự hóa", Trang tử không thừa nhận có một" Đấng tạo hóa " đứng ngoài và làm chúa tể Vũ Trụ Vạn Vởt, mà lại cho rằng ngay ở mỗi vật, từ cực nhỏ tới cực lớn, đều có cái sức " tự sinh", "tự hóa" có thể được xem như một đấng" tiểu tạo hóa" hay" tiểu hóa công". Cho nên trong thiên Tề- Vởt- Luận mới nói:" Trời Đất cùng ta đồng sinh, vạn vật cùng ta đồng nhất". Vạn vật đồng nhất thế, đó là danh từ tổng quát để chỉ Vũ- trụ- quan của Trang tử.

Thuyết Vạn- hóa Thiên- quân của Trang tử, như trên đây đã nói có thể tượng trưng bằng một cái" vòng ốc" không thể lẫn lộn với thuyết Luân- Hồi của Nhà Phật (tiểu- thừa) .

Thuyết Luân- Hồi của Phật- giáo tiểu thừa, tựu trung là một hình thức của thuyết Tiến Hóa, cho nên người ta quan trọng về vấn đề quả trị cao thấp: một ảo vọng của Bản Ngã. Vì vậy, đứng về phương diện Giải thoát, thì thuyết Luân- Hồi phải thua xa thuyết Vịn- Hóa Bình- đẳng của Trang tửNhân

Thật vậy, con người sở dĩ nô lệ, là vì còn bị cái Sợ chi phối tinh thần. Sợ đủ thứ, nhưng cái đáng sợ nhất của con người là sợ chết, và cái cảnh sau khi chết. Thuyết Luân- Hồi của tiểu thừa Phật giáo an ủi được lòng thắc mắc băn khoăn ấy, và bảo đảm được rằng loài người sẽ tiến mãi: hết loài thú, đến loài người, rồi đến loài tiên, loài phật... Con người càng" tiến" chừng nào, thì lòng khao khát lên" cao" lại càng tăng và lòng" nô lệ", ngôi vị đẳng cấp sẽ càng nặng chừng ấy, nghĩa là lòng giải thoát cái Sợ sẽ không bao giờ giảm bớt và dứt được.

Trái lại, với thuyết Bình- đẳng của Trang tử, căn cứ vào thuyết Vạn- hóa Thiên- Quân cho rằng người là Đạo, người mà thực hiện được cái Đạo nơi mình rồi, thì nó sẽ" tự sinh", " Tự Hóa" như Trời Đất, nên" toàn mãn" mà không còn cái bụng đèo bòng tham muốn những gì khác ngoài cái Tánh- Phận của mình nữa:" Vạn vật dữ ngã đồng nhất". Miễn giữ gìn được Thiên- chân, ngoài ra cuộc đời hãy nên xử như Trang Châu hóa bướm". Trang Châu chiêm bao thấy mình là Bướm. Trong khi làm bướm, quên lửng mình là người, và vi thích với phận bướm. Nếu đứng theo Trang Châu mà luận, và thử hỏi Trang Châu có chịu đổi cái kiếp người của mình để làm phận con bướm, thì Trang Châu ắt không chịu. Nhưng, nếu đứng theo con bướm mà xem, và xin đem đổi cái kiếp con bướm làm phận con người như Trang Châu, ắt con bướm cũng không muốn. Làm người chưa ắt là vui hơn làm Vởt, và như thế Vởt và Ta là bình đẳng vậy." Giá cánh tay trái ta la con gà, thì ta nhân đó mà gáy canh..." Mình là Đạo, thì Đạo nơi ta hóa ra cái gì thì hóa, sao mà phải lo sợ? Ta có thể tự nói với mình:" Lớn lao thay! Tạo hóa nơi ta. Ngươi muốn ta đi đến đâu bây giờ? Hay là ngươi muốn biến ta làm gan con chuột, hay làm cánh trùng?" Với một nhân- sinh- quan như thế, thì làm gì còn nô lệ lấy những cái sợ hão huyền để mà tranh giành Cao Thấp, Lớn Nhỏ, Vinh Nhục...? Cho nên giải thoát tinh thần con người khỏi cái" sợ" thiên niên giam hãm đời mình trong dục vọng và bóng tối, quả thuyết Luân- hồi của Phật giáo tiểu thừa phải kém xa thuyết Thiên- Quân Vạn- Hóa ct Trang tử nếu không nói rằng bất- lực.

***

D. Hạnh- Phúc Cá- Nhân và Xã- Hội:

Trang tử cho rằng" hết thảy vạn vật đều do Đạo mà ra, và mỗi vật đều có cái Đức của nó, nghĩa là, hết thảy vạn vật, mỗi vật đều có cái tánh tự nhiên của nó. Nếu biết thụân theo tánh tự nhiên mà sống, thì hạnh phúc có ngay trong lúc đó, không phải cầu cạnh đâu khác ở ngoài."

Được phát triển tự do bản tánh là điều kiện đầu tiên đưa ta đến hạnh phúc, một thứ hạnh phúc tương đối dĩ nhiên. Muốn đạt đến Hạnh phúc tuyệt đối phải cần đến một thứ tri thức siêu nhiên huyền diệu hơn, tức là cái mà Lão tử gọi" tri bất tri, thượng".

Thường thìm sở dĩ bản tánh con người không được tự do phát triển là do sự ràng buộc, uốn nắn của chế độ, giáo dục, luân lý giả tạo của xã hội bên ngoài. Bởi vậy Trang học, cũng như Lão học hết sức phản đối nhân tạo mà đề cao cái sống cận với thiên nhiên.

ở thiên Thu- Thủy Trang tử nói:" Thiên tại nội, nhơn tại ngoại (...) Ngưu mã tứ túc thị vị Thiên; lạc mã thủ, xuyên ngưu tỉ thi vị Nhơn" (Trời ở bên trong, người ở bên ngoài (...) Bò ngựa bốn chân, đó là Trời, khớp đầu ngựa, xỏ mũi bò, đó là Người) ông lại nói:" Chớ lấy người mà giết Trời! Chớ lấy nhân tạo mà giết Thiên Mạng! Chớ lấy được mà chết theo danh! Giữ cẩn thận, đừng làm mất Thiên chân! đó là trở về cái Chân của mình!"

***

" Trở về cái Chân của mình!" (" phản kỳ chân") hay là" phục kỳ bổn" tức là đạo" Giải thoát: trở về Bản tánh như Nhà Phật khuyên ta" minh tâm, kiên tánh" vậy. Cho nên, không thể hiểu một cách quá giản lược và sai ngoa rằng thuyết" thuận Thiên, an Mạng" của ông là thái độ tiêu cực, nhy nhược, phó mặc cho số phận mà xã hội đã an bài cho ta, ra sao hay vậy. " trở về cái Chân của mình" phải là một cuộc đại- cách- mạng mới thoát khỏi gọng kềm xã hội càng ngày càng phủ lập và mai một Thiên- Chân. Cho nên Trang tử mới khuyên ta:" Chớ có lấy cái Ta xã hội, cái Ta nhân tạo do luân lý, giáo dục, chế độ cầu thành mà giết chết Thiên- tính!" (Vô dĩ nhơn diệt Thiên)

***

Vạn vật, vật nào cũng có cái tánh tự nhiên của nó, và nói về năng khiếu tự nhiên thì không vật nào là giống vật nào cả. Có điều là, nếu mỗi vật, vật nào cũng được phát triển tự do năng khiếu tự nhiên của mình thì vật ấy được ngay hạnh phúc.

Trong thiên Tiêu- Diêu- Du, Trang tử mượn cớ tạo ra một vật cực đại (là cá Côn, chim Bằng) và vật cực tiểu (con ve và con cưu) để chứng minh rằng năng khiếu tự nhiên của mỗi vật hoàn toàn khác nhau. Vật cực đại như chim Bằng, mỗi khi muốn đến biển Nam phải" đập trên mặt nước ba nghìn dặm dài, lên theo gió trốt chín muôn dặm cao, và bay trọn sáu tháng không nghỉ" (...) " Con chim cưu và con ve, thấy vậy, cười nói: Ta thích bay vụt lên cây du, cây phương... nếu có lúc bay không tới mà có rớt xuống đất thì cũng không sao. Sao lại phải lên chi tới chín muôn dặm cao, bay qua biển Nam mà làm gì?"

Nếu mỗi vật đều biết đủ với Tánh Trời của mình, thì tuy Đại Bằng, không xem mình là cao quý hơn chim nhỏ mà tự cao, mà chim nhỏ như chim cưu cũng không xem mình là thấp hèn mà đèo bòng ham muốn đến Ao Trời làm gì như chim Bằng! Lớn, nhỏ tuy khác nhau, nhưng mỗi vật nếu biết thuận theo cái tánh tự nhiên của mình, biết an theo cái phận của mình, thì đều được tiêu diêu (tự do) không sai cả.

Sự vật trên đời không giống nhau, nhưng cũng không nên cầu cho hết thảy đều giống với nhau. Là vì không thể nào cầu cho được. Sự bình đẳng tự nhiên không có và không bao giờ có trên đời này. Thiên Biền Mẫu có nói:" Cẳng vịt thì ngắn, cố mà nối dài, nó khổ. Dò hạc thì dài, cố mà làm cho ngắn, nó đau. Cho nên Tánh mà dài, không phải cái nên chặt bớt; tánh mà ngắn, không phải cái nên kéo dài, thì sao có đau khổ!"

***

Đ. Quan niệm về Xã- hội và Chính- trị:

" Đừng mong kéo cẳng vịt cho dài, thu dò hạc ngắn lại" nhưng đó lại là công việc làm của các nhà xã hội chính trị" hữu vi" từ ngàn xưa vậy.

Mục tiêu chính của các nhà làm luật pháp, các luân lý gia, các chế độ chính trị... phải chăng đều có tham vọng san bằng mọi cá tính đặc biệt, bình đẳng hóa tất cả mọi bất bình đẳng tự nhiên trong thiên hạ... biến mỗi cá nhân thành một con người sống theo xã hội,

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net