Đông nghe tiếng dâu (7)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Cô chịu đeo là được, còn cái gì mà... đệ nhất thủ..."

Dương Uyển dựng thẳng một ngón tay của mình lên, "Đệ nhất thủ công Đại Minh!"

Đặng Anh thấy cô vui vẻ tự đáy lòng, mỉm cười dịu dàng, "Cô phong cho tôi à?"

"Đúng vậy." Cô nói, gỡ ngọc trụy phù dung treo ngang eo mình xuống, rút hạt châu cố định ban đầu ra nắm trong tay, cúi đầu vừa xâu hạt châu mới, vừa nói: "Trước đây tôi từng nghe nhóm thợ xây Thái Hòa Điện nói anh không chỉ tinh thông phép xây dựng mà còn rất lành nghề điêu khắc, thậm chí còn có thể chạm chìm hoa văn sơn thủy trong lọ thuốc hít rất nhỏ."

Cô nhắc đến chuyện cũ như nước ấm chảy chảy qua đá vậy.

Đặng Anh hờ hững nói: "Đó cũng là chuyện khi xưa rồi, tôi học trộm lúc Trương tiên sinh không nhìn thấy."

"Tại sao phải học trộm?"

Đặng Anh khom lưng nhẹ nhàng nâng ngọc trụy thay Dương Uyển, tránh cho cô phải mất sức, thành thật trả lời:

"Bởi người làm quan không nên bỏ quá nhiều công phu vào thủ công mỹ nghệ cụ thể, thầy hi vọng tôi đọc 'Dịch', 'Lễ' nhiều hơn."

Chàng nhìn tay mình, "Trước đây đã chẳng tinh thông, bây giờ rất nhiều kĩ thuật đã quên mất, còn lọ thuốc hít gì kia là họ bịa ra đấy, thực ra tôi không biết làm đâu."

Dương Uyển cúi đầu buộc ngọc, nói như lơ đễnh: "Đã là rất hiếm có rồi, đúng rồi, anh có nghĩ sau này không làm xưởng thần Đông xưởng nữa thì ra ngoài làm thợ thủ công không?"

Đặng Anh nghe xong lắc đầu, "Sĩ giả không thể làm thợ, chỉ có thể làm quan. Tương tự, hoạn giả cũng không thể làm thợ, chỉ có thể làm nô. Dẫu tôi có từng nghĩ đến cũng là điều không thể."

Nói rồi, chàng một lần nữa cầm cuốn vở trong tay lên. Bấy giờ Dương Uyển mới chú ý trên trang bìa màu gừng viết "Thanh gì đó sách", chữ ở giữa bị tay Đặng Anh che mất.

"Anh đang đọc gì đấy?"

"À." Đặng Anh dịch ngón tay mình ra, quay trang bìa về phía Dương Uyển, "Ca ca cô viết, sách lược thanh điền ở phương Nam."

"Tôi có thể xem thử không?"

"Được."

Chàng quay ngược cuốn vở lại, đưa cho Dương Uyển.

Dương Uyển đọc lướt mấy dòng chữ ngay trong trang chàng giở sẵn, lập tức hồi tưởng đến "Thanh điền sách" vang danh thế gian Dương Luân viết về sau. Sau thời Trinh Ninh, bản văn chương đó vẫn còn vô số bản truyền thế, vậy nên, nó không chỉ là một bản chính sách nổi tiếng mà đồng thời còn là tác phẩm thư pháp trứ danh của bản thân Dương Luân.

Dương Uyển đưa tay đón lấy, hỏi: "Có phải Nội các và Ti lễ giám vẫn chưa hợp nghị về sách lược này trước bệ hạ không?"

Đặng Anh "ừ" một tiếng.

"Đây là bản sao của tôi."

"Anh sao á?"

"Phải."

Dương Uyển nghe vậy, cẩn thận nhìn chữ trên giấy.

Nghe nói sau khi Đặng Anh chết, nhà của chàng đã bị đốt.

Chẳng biết có phải vì nguyên nhân này hay không mà người này không để lại bất kì bút tích gì trong lịch sử, nghiên cứu Đặng Anh đến nay, đây vẫn là lần đầu tiên Dương Uyển trông thấy chàng tự tay viết.

Khác với phong thái hùng hồn của Dương Luân, chữ của Đặng Anh vô cùng nắn nót, mỗi nét đều có hạn độ của bản thân chàng, ngang dọc, phẩy mác đều được phác trong bút lực vừa đúng, lệ khí chớm hiện đã lập tức bặt lặng thu hồi, nhìn không ra một chút tính công kích nào, mẫu mực như chữ trong bản khắc.

Thấy chữ như gặp người.

Nếu là ở hiện đại, chàng hẳn sẽ là một thanh niên chỉ cần mặc sơ mi trắng thôi là đã rất ưa nhìn, tay viết thể chữ in, làm một công việc có thể diện liên quan đến nghiên cứu khoa học, sau đó chuyển động, cô độc và lặng lẽ, trong một thế giới tinh chuẩn, tựa như một bánh răng lạnh lẽo.

"Chữ đẹp quá."

Dương Uyển cầm lòng không đậu khen chàng.

Đặng Anh nói: "Dương đại nhân mới là người có thành tựu về mặt thư pháp."

Dương Uyển nghe thế, nhe răng cười, "Tôi chẳng cảm thấy vậy đâu, cái chữ lấy chổi quẹt ra của lão ấy cứ liêu xiêu hoang mang như rót rượu vàng y hệt con người lão ấy í."

Đặng Anh không nhịn được cười. Dương Uyển đã chế nhạo Dương Luân không chỉ một lần trước mặt chàng, nhưng mỗi lần nghe xong chàng đều cảm thấy ấm lòng khó hiểu. Cô như một lực hút di chuyển giữa khoảng cách thân phận, kéo Đặng Anh ra khỏi đầm lầy xám xịt, rồi lại kéo Dương Luân từ thinh không thuần khiết xuống, khiến họ có thể tạm thời song hành.

Thấy chàng chỉ cười không nói, Dương Uyển bèn tự mình cầm cuốn vở kia, tiện tay lật xem.

Cái tay Dương Luân này, kỳ thực hành văn rất bình thường, nhưng óc logic của y cực tốt, hồi Dương Uyển còn học nghiên cứu sinh, có một giảng viên chuyên ngành đặc biệt thích Dương Luân, nói y là thuộc phái thực chiến, độ nhạy cảm với chính trị bình thường, nhưng khả năng nắm bắt kinh tế quân sự quốc gia thì quả thật có thiên phú, nếu Trinh Ninh Đế có thể chết sớm mấy năm thì thành tựu của y có lẽ còn lớn hơn.

Từ bản sách lược không tính là quá dài này, Dương Uyển có thể đọc ra công lực mười mấy năm gian khổ học hành, mười mấy năm rèn luyện trong bộ khoa.

Cô buông cuốn vở xuống, dụi dụi đôi mắt hơi nhức mỏi, nhớ lại sử liệu liên quan đến Đặng Anh trong năm Trinh Ninh thứ mười ba, đoạn đầu tiên nghĩ tới là về chuyện chàng chiếm đoạt học điền1 Giang Nam trong "Minh sử".

1 Trong lịch sử giáo dục Trung Quốc, chế độ học điền là nhà nước cấp phép hoặc trường học tự mua một số lượng đất đai nhất định, làm tài sản cố định của trường học, trường học sẽ cho nông dân trong vùng thuê số đất này trồng trọt cày cấy. (chú thích của tác giả)

Về sau, đó cũng là một tội danh rất quan trọng trong "Bách tội lục".

"Đặng Anh..."

"Làm sao vậy?"

Dương Uyển ngẩng đầu nhìn về phía chàng, "Nếu chính sách này được triển khai, triều đình... sẽ cử ai xuống nam?"

Đặng Anh nói: "Hẳn là Quốc tử giám sẽ điều giám sinh đi hạch toán ruộng đất, có phải cô... lo lắng cho Dương Luân không?"

Dương Uyển vốn lo cho Đặng Anh, nhưng chàng nói như vậy, Dương Uyển lại nhớ tiếp ra ghi chép tương quan trong sử liệu.

Giao mùa xuân hạ năm Trinh Ninh thứ mười ba là thời điểm Nội các và Ti lễ giám đối đầu kịch liệt nhất, trận đấu tranh chính trị này gây ra bởi chính sách thanh điền, dính líu đến đại bộ phận ruộng tư ở phương Nam của tông thân hoàng tộc Giang Nam và nhóm người Hà Di Hiền, Hồ Tương.

"Thanh điền sách" của Dương Luân bị phản đối trên diện rộng, bản thân y xuống nam cũng từng bước gian nan, thậm chí suýt nữa còn bị hại chết trên thuyền đi sông.

Cùng lúc đó, trong cung cũng xảy ra chuyện lớn mà về sau sử gọi là "Hạc cư án", hoàng thứ tử Dịch Giác vừa được phong vương suýt nữa bị một cung nữ bóp chết ở Hạc cư. Vụ án này liên lụy rất rộng, tuy chỉ một cung nữ hành thích nhưng vì cô ta bỏ chạy mà Bắc trấn phủ ti và Đông xưởng lại tra ra những ba trăm tội nhân, những cung nhân này hoặc bị đánh chết hoặc treo cổ chết. Tuy nhiên, tuy "Minh sử" nhấn mạnh tự thuật về giai đoạn lịch sử này, song đến tên một cung nữ cũng chẳng hề ghi lại.

Thầy hướng dẫn của Dương Uyển cho rằng thực ra đây là cờ hiệu mượn danh nghĩa, ông suy đoán chủ mưu vụ ám sát Dịch Giác khi xưa hẳn là Ninh phi, nhưng về sau, để lấp liếm chuyện này của mẫu thân, Tĩnh Hòa đế Chu Dịch Lang mới cố gắng lưu lại một trang "giết ba trăm người" nổi bật như thế trong sách sử.

Có điều, đây chỉ là suy luận của cá nhân thầy, không tìm được đủ sử liệu để củng cố, thế nên sau cùng không ghi vào phát biểu công khai luận văn, tuy nhiên, ông vẫn đi theo hướng nghiên cứu này, đồng thời đặc biệt hi vọng Dương Uyển khi đó có thể giúp ông làm tiếp. Đáng tiếc, Dương Uyển một lòng một dạ trút vào Đặng Anh, từ chối tham gia chủ đề ấy. Bây giờ nhớ lại có hơi hối hận.

"Đặng Anh, anh cảm thấy... hiện giờ có phải thời điểm tốt để thanh điền không?"

Đặng Anh nhìn ra thần sắc lo lắng trên mặt Dương Uyển, lại cười nói: "Bất kể có phải thời điểm tốt hay không, Nội các cũng chỉ có thể hỏi nó có nên hay không. Mà điều tôi có thể làm thì là không để người vì dân phải chết, không để người vì nước phải vong."

Không để người vì dân phải chết, không để người vì nước phải vong.

Dương Uyển nhủ thầm lại câu nói này trong lòng.

Kết cục của Dương Luân là được chết an lành, còn người trước mắt thì là ngàn đao băm thây.

Người vì dân quả thực không chết, người vì nước được thiên hạ tán tụng, thế nhưng, ai có thể khiến người nói ra câu này cũng không phải chết đây.

Nghĩ đến đây, cô quyết định tạm thời không xoắn xuýt giai đoạn lịch sử phức tạp năm Trinh Ninh thứ mười ba này trước mặt Đặng Anh nữa, đưa tay vỗ nhẹ mu bàn tay Đặng Anh.

"Anh ăn quả hạch không? Tôi mang đến này, bóc mới cho anh đó."

Đặng Anh gật đầu, "Vậy để tôi đi rót thêm ấm trà mới."

Dương Uyển nhìn chàng đỡ mép bàn đứng lên, lúc thẳng lưng thậm chí còn buộc phải nấn ná thêm đôi lúc, hiển nhiên hãy còn rất đau, cô buột miệng: "Tôi đang định đi hỏi Bành ngự y xem có cách nào giúp anh bồi bổ thân thể không."

"Tôi không sao."

Dương Uyển thắc mắc: "Nhưng mà, tôi thấy Trương Lạc đã có thể đi trực rồi mà, tại sao cũng đánh mười trượng mà anh bị nặng vậy?"

Nói xong, cô bỗng vỡ lẽ, "Là Bắc trấn phủ ti chưởng hình à?"

Đặng Anh không trả lời, vẫn chỉ nói câu: "Không sao cả."

"Sao lại không sao? Tên Trương Lạc kia thực sự..."

Đặng Anh lắc đầu, trấn an cô: "Thật sự không sao mà, con người Trương đại nhân tuy rất tàn khốc ở chiếu ngục, nhưng anh ta không lấy việc công xử lí việc tư, cũng không trút giận tư, đối xử với ai cũng như nhau. Bản thân anh ta cũng chịu phạt, chỉ là sức khỏe anh ta tốt, lúc nằm cạnh tôi không rên tiếng nào, chịu phạt xong còn có thể tự đi về." Đoạn, nhấc siêu nước đun trên lò nhỏ, pha nước trà thứ hai, rót đầy một chén đưa cho Dương Uyển.

Dương Uyển nhận chén trà, nói: "Hắn mà không trút giận tư á? Tôi cảm thấy hắn sắp hận chết tôi rồi ấy."

"Vì sao?"

Dương Uyển cười, giọng lại rất thản nhiên, "Đây đã là lần thứ hai tôi khiến hắn phải chịu trượng hình rồi, kể ra tôi lại hi vọng hắn có chút nhân tính để chiếu ngục thời Trinh Ninh không trở nên khủng khiếp như vậy."

Đặng Anh đỡ giường từ từ ngồi xuống, "Dương Uyển, Trương Lạc không phải người cực ác, chiếu ngục... cũng không hoàn toàn là địa ngục. Quan viên Ti pháp đạo rắc rối, dính dáng phức tạp, rất nhiều vụ án chưa chắc đã có thể vào nha môn Tam ti. Nhưng Bắc trấn phủ ti thì khác, mặc dù lao ngục nơi đó vô cùng tàn khốc đối với quan lại, nhưng chưa hẳn đã không phải một cửa giải oan cho người thân cô thế yếu hay không phải một con đường để tiếng nói của bình dân nô bộc được thiên tử lắng nghe. Về mặt này, Trương Lạc đã làm rất tốt rồi."

Dương Uyển nghe chàng nói vậy, cúi đầu im lặng một hồi, nhỏ giọng nói: "Anh làm tôi hổ thẹn."

Ngụ ý ngoài lời của câu này bao hàm sự phản tư đối với bản thân của Dương Uyển, một người xưa nay thủ vững phép biện chứng, nhưng Đặng Anh nghe không hiểu. Chàng thấy Dương Uyển cúi đầu không nói, lại tưởng rằng mình nói gì sai.

"Sao thế?"

Dương Uyển lắc đầu, nhặt một củ lạc lên bóc.

Đặng Anh thấy vậy cũng vội nhặt một củ lên bóc cùng cô.

"Để tôi bóc cho." Chàng vươn tay gạt đống củ lạc lớn trước mặt Dương Uyển đến trước mặt mình, "Xin lỗi..."

Dương Uyển cười lắc đầu, "Đặng Anh, trước đây anh hay nói tôi làm gì cũng có khả năng. Thực ra tôi chỉ bình thường thôi, anh nói gì với tôi cũng được, không cần phải liên tục xin lỗi tôi vậy đâu."

Vỏ lạc lách tách vỡ đôi, hai hạt lạc sạch sẽ rơi vào lòng bàn tay Dương Uyển, cô vươn tay về phía Đặng Anh.

"Thế nên tôi hổ thẹn là bởi tôi cảm thấy so với anh, tôi nhìn người khác quá hẹp hòi, tôi cho rằng hắn hung ác với tôi, khắc nghiệt với anh, thì tương đương là một kẻ xấu chẳng có gì để ngụy biện. Người khác thì thôi, nhưng đến tôi cũng nghĩ vậy thì thật quá không nên..."

Nói xong câu cuối, cô cười tự giễu, nhìn sang tay Đặng Anh,

"Người như anh thật sự không nên bị đối xử như vậy."

Câu này cô nói rất nhẹ, Đặng Anh không hề nghe thấy. Hai bàn tay chàng vẫn đang bóc lạc, từng hạt trắng trẻo vùng thoát khỏi vỏ, rơi vào giấy dầu.

"Cái gì cơ?"

Dương Uyển chợt cảm thấy rất đáng tiếc, tại sao cô không xuyên thành một người đàn ông, nếu là một nam tử, cô nhất định sẽ đi thi, vào Quốc tử giám, làm sử quan, dẫu có bị kẻ ở ngôi trên chém đầu, cô chắc chắn vẫn sẽ ghi lại toàn bộ sự thực về người này khi còn sống vào lịch sử Đại Minh.

"Tôi nói, nếu là con trai, tôi muốn làm sử quan."

"Tại sao?"

Dương Uyển ngẩng lên, "Tôi muốn bảo vệ cái người 'không để người vì dân phải chết' kia. Mặc dù chàng ta không để tâm danh tiếng về sau, nhưng tôi muốn tranh luận thay chàng, ra trận vì chàng trong cuộc chiến bút mực."


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net