BÀN VỀ KẾT CỤC CỦA TIẾT DƯƠNG: CÁI CHẾT NHẸ NHÀNG HAY HÌNH PHẠT XỨNG ĐÁNG?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


_Bài viết phản bác một cmt(1) của antifan Tiết Dương, đồng thời bàn về kết cục của Tiết Dương trong nguyên tác_

Trích nguyên văn "Chết như Tiết Dương là nhẹ nhàng vcl ra rồi, các bạn có đồng ý không nào ???"

Tôi nghĩ, đây chẳng phải một câu hỏi mà là một bình luận để tìm đồng bọn chung ý tưởng, nên chỉ lẳng lặng block bạn. Thôi thì, để ai cùng nghĩ thế vào mà rep bạn vậy. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn không thể kìm lòng viết những dòng này.

1. Bàn về cái chết của Tiết Dương

Hỏi: Tiết Dương chết có nhẹ nhàng không?

Hỏi lại: Chết như thế nào là chết nhẹ nhàng?

Xin lấy một ví dụ tham khảo về cái chết nhẹ nhàng. Ở nước ta hiện nay, những tội phạm, dù gây thảm sát nhiều người và chịu án tử hình, thì việc tử hình cũng được thực hiện theo trình tự: người chấp hành án được ăn, uống (bằng năm lần tiêu chuẩn ngày Lễ, Tết quy định với người bị tạm giam), được viết thư, ghi âm lời nói gửi lại thân nhân, tử hình bằng 3 liều thuốc (lần lượt có tác dụng làm mất trí giác, tê liệt hệ vận động, ngừng hoạt động của tim)(2). Vậy là, án tử hình – án phạt cao nhất của nước ta hiện tại, áp dụng cho tội ác giết người, hiếp dâm – là một cái chết khá nhẹ nhàng, không đau đớn về thể xác, một cái chết đầy tính nhân văn.

Còn Tiết Dương đã chết như thế nào?

"Tiết Dương bị một kiếm của Lam Vong Cơ quét qua, không những ngực bị rạch một vết thương, mà chiếc toả linh nang hắn giấu trong ngực kia, cũng bị mũi kiếm Tị Trần móc đi mất."

"Khi hắn nói, chẳng khác nào đang báo ra vị trí của mình, tiếng lưỡi kiếm xuyên thủng cơ thể vang lên liên tục"

"Hắn đột nhiên vung tay ném ra sau một lá phù triện, mà cũng chính vào chút phân tâm này, đi cùng với tiếng rít quái dị của A Thiến, Tị Trần đâm thủng lồng ngực hắn!"

"Lam Vong Cơ không nói lời nào, ánh xanh Tị Trần bổ xuống, chặt đứt một cánh tay của hắn.

Máu lỏng phun trào, xung quanh Ngụy Vô Tiện thoáng chốc tản mác mùi máu tanh, trong sương trắng mông lung phía trước có một vùng như bị nhuộm thành màu đỏ.

Dù vẫn không có tiếng kêu đau đớn phát ra, nhưng lại có tiếng đầu gối nặng nề khuỵ xuống đất.

Dường như Tiết Dương đã mất quá nhiều máu, cuối cùng không nhúc nhích nổi, quỳ rạp xuống đất."

Những trích đoạn trên là dẫn chứng về những vết thương dẫn đến cái chết vì mất máu của Tiết Dương. Như chúng ta thấy, trước khi chết, Tiết Dương bị một nhát kiếm rạch qua ngực, một lần đâm thủng lồng ngực, cánh tay bị chặt đứt, chưa kể đến vô số lần liên tục bị kiếm xuyên thủng cơ thể.

Bạn có thể nói, Tiết Dương tội ác chất chồng, bị như vậy là xứng đáng. Nhưng nếu bạn nói "Chết như Tiết Dương là nhẹ nhàng vcl ra rồi", tôi kiên quyết phản đối. Cái chết như vậy mà nhẹ nhàng ư? Sự đau đớn đó có khác gì một hình phạt lăng trì? Hay là vì hắn chịu đau giỏi, vì hắn không lăn lộn gào khóc kêu đau, lạy lục van xin tha mạng nên bạn không thấy hắn đau, mà chỉ thấy "nhẹ nhàng"?

2. Bàn về hình phạt cho tội ác của Tiết Dương trong nguyên tác

Lại nói, dù sao cũng cám ơn cmt của bạn, nhờ đó mà tôi nghiêm túc nhìn lại, tự hỏi Tiết Dương bị trừng phạt có nhẹ hay không.

Một hình phạt mang đậm tính nhân văn, hay hình phạt nặng nề nhất, có lẽ chẳng bao giờ là hình phạt chỉ hướng đến thể xác. Bởi lẽ, những vết thương trong tâm hồn, dù không nhìn thấy được, còn đau đớn hơn cả những gì hiển hiện trên da thịt.

Ta có thể thấy, với pháp luật Việt Nam, tử hình không hề nhằm vào sự đau đớn thể xác. Sự trừng phạt ấy trở nên nặng nề và xứng đáng với những day dứt trong tâm trí tên tội phạm. Nếu là kẻ ham tiền hám danh, hắn bất lực thấy của cải không còn, danh dự bị chà đạp. Nếu tham sống sợ chết, hắn phải sống trong nơm nớp lo sợ đợi đến ngày hành hình. Và nếu tên tử tù có có chút tâm, hắn sẽ đau đớn ân hận thấy gia đình phải sống trong sự tủi nhục, gánh hậu quả do tội ác mình gây ra.

Còn Tiết Dương, thú vị thay, lại chẳng thuộc thành phần nào trong nhóm trên. Không gia đình, không tham tiền tài danh vọng, đến mạng sống của mình cũng chẳng lắm coi trọng. Không còn lương tâm, chẳng thể cảm hóa, hắn cũng chẳng biết đến hai chữ hối hận. Cái chết đau đớn vì mất máu, thật ra với hắn cũng không phải quá khó để chấp nhận.

Hỏi, vậy sự trừng phạt của Tiết Dương thực ra là gì?

Đáp, là tám năm một mình trong Nghĩa thành, là sự tuyệt vọng trước khi chết.

Thật lòng, tôi muốn gọi tám năm ấy là án tù chung thân. Bởi lẽ, nếu Ngụy Vô Tiện không đến, có lẽ hắn sẽ vẫn chôn mình trong Nghĩa thành cả đời vậy.

Hình phạt đầu tiên dành cho Tiết Dương có lẽ là sự cô đơn. Trong tám năm đẹp nhất tuổi thanh xuân, chỉ hắn một mình lầm lũi giữa Nghĩa thành sương lạnh hiu quạnh đầy tử khí.

Hình phạt thứ hai, nặng nề hơn, cũng chính là quả báo của Tiết Dương. Cuộc sống ba năm yên bình ở ngôi nhà nhỏ nơi nghĩa trang, hắn vốn thản nhiên đến tàn nhẫn thốt ra câu "Chắc là do buồn chán", song khi không còn, hắn lại dành cả phần đời còn lại lưu giữ kí ức. Tiết Dương vốn chẳng có người thân, vậy mà khi Hiểu Tinh Trần mất đi, trong tiếng lẩm nhẩm "Tỏa linh nang, tỏa linh nang", trong nỗ lực ghép lại hồn phách đã tan vỡ, dường như kẻ sát nhân ấy lần đầu tiên hiểu được cảm giác của người mất đi thân nhân do mình sát hại.

Và điều tuyệt vời hơn cả dưới ngòi bút Mặc Hương, đó là hình phạt chung thân này là do Tiết Dương TỰ CHỌN. Tám năm, hắn hoàn toàn có thể rời bỏ Nghĩa thành, tiếp tục làm một dạng lưu manh du đãng, hoặc thậm chí liên tưởng xa hơn, giả sử Tiết Dương "nhàm chán" (hẳn là nhàm chán??) mà lại muốn "chơi trò gia đình", đi lừa gạt một cô nương nào đó, thì có khi con gái hắn cũng biết gọi "ba" rồi! (tất nhiên, đây là nói vui vậy thôi)

Nhưng không, hắn đem cả tòa thành bồi táng, rồi tự vùi mình trong thành hoang. Tám năm, con người có bao nhiêu lần tám năm? Đời Tiết Dương lại càng ngắn ngủi, tám năm ấy đã là cả một phần ba cuộc đời.

Và hình phạt thứ ba là sự tuyệt vọng đến cùng cực ngay trước lúc tận số, thể hiện rõ nhất trong tiếng gào "Trả cho ta!" Tiết Dương cầu chẳng được, hồn Hiểu Tinh Trần hắn chẳng thể ghép lại, Tỏa Linh Nang tám năm cất giữ trong ngực áo bị lấy đi, xác đạo trưởng bị hỏa thiêu, Sương Hoa cũng không còn. Đến viên kẹo – vật cuối cùng hắn có được từ Hiểu Tinh Trần – cũng không thể giữ. Chẳng khác nào lời hắn từng mắng Hiểu Tinh Trần lúc xưa:

"Ngươi chẳng làm nên chuyện gì cả, thất bại thảm hại, ngươi gây nên tội thì phải chịu, tự ngươi chuốc lấy!"

Hàm Quang Quân vừa là người thực hiện công lí khi tước đi mạng sống của Tiết Dương, lại cũng vừa là người đã giải thoát hắn khỏi cuộc sống màu đen u ám đó, bởi lẽ, với một con người cố chấp đến cùng cực như Tiết Dương, cái chết là lối thoát duy nhất khỏi những ảo tưởng về một người chẳng thể quay về.

Những hình phạt đó, cả sự dày vò trong linh hồn và đau đớn về thể xác, há vẫn còn nhẹ nhàng ư? Cá nhân tôi thấy, Tiết Dương bị trừng phạt như vậy đã đúng người, đúng tội, hoàn toàn là "gieo nhân nào gặt quả nấy", và cũng thể hiện sự nhân văn trong tác phẩm của Mặc Hương vậy.

Tôi có thích Tiết Dương không? Có, rất thích. Vậy lòng tôi có biết phải trái đúng sai, có tin nhân quả không? Có. Bởi vậy, tôi hoàn toàn đồng tình với hình phạt Mặc Hương Đồng Khứu dành cho Tiết Dương, và cũng chẳng bao giờ mong kiểu như "Nếu Tống Lam đừng đến, nếu A Thiến không mù..." Hạnh phúc không bền khi xây trên cát, và Tiết Dương đã phải trả giá xứng đáng cho tội ác của mình.

3. Bàn về hình phạt đề xuất cho Tiết Dương của bạn

Trích nguyên văn "Mong muốn của tao là phải giữ nó sống mỗi ngày đến sẻo một miếng thịt, hết thịt rồi thì đến xương, qua lớp xương rồi thì lục phủ ngũ tạng đến bao giờ không còn thứ gì thì thôi"

Bạn ghét Tiết Dương, nên việc gì hắn làm trong mắt bạn cũng là xấu xa, hình phạt nào cũng quá nhẹ nhàng.

Bạn có quyền không đồng ý với sự trừng phạt dành cho Tiết Dương mà Mặc Hương Đồng Khứu đưa ra. Nhưng trong các hình phạt, bạn chọn hình phạt dã man nhất, không hề có một chút tính nhân văn, thuần túy trừng phạt thể xác. Bạn nhân danh ai? Chính nghĩa ư, bằng cách xẻo thịt một kẻ ác để thỏa mãn ham muốn công bình? Có khi nào bạn chỉ viết bình luận đấy cho sướng tay, và khi đọc lại, bạn có tự thấy cái ý tưởng đấy méo mó vặn vẹo chẳng khác gì Tiết Dương - kẻ bạn ghét - không?

Tôi chẳng quan tâm bạn thích hay ghét Tiết Dương. Thậm chí nếu bạn mong hắn chết sau chừng ấy tội ác, tôi cũng chỉ thấy khó chịu và ngó lơ bạn. Nhưng nếu mong muốn của bạn là hành hạ Tiết Dương dã man đến thế, thì cho phép tôi viết một nghìn chữ phản bác bạn. Block rồi, hi vọng không bao giờ thấy nhau nữa.

Lời cuối: Tiết Dương không thích nói phét. Hắn nói diệt cả nhà thì một con chó cũng không chừa lại. Còn bạn?

--------------

Chú thích:

(1) Cmt của một bạn ở trang Mặc Hương Đồng Khứu Confessions, dưới post CFS632 "Giá mà ngày đó Tống Lam đừng tìm tới thì có lẽ một nhà ba người Hiểu Tiết Thiến đã được hạnh phúc..", nguyên văn cmt đã trích trên bài.

(2) Tham khảo tại hai trang luatvietnam.vn và thuvienphapluat.vn

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

Ẩn QC