Phần 9

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


BLOMBERG, FRITSCH, NEURATH VÀ SCHACHT THẤT THẾ

QUYẾT định của Hitler về việc sử dụng vũ lực để chống lại Áo và Tiệp Khắc – ngay cả khi nếu phải gây chiến với Anh và Pháp – rõ ràng là đã gây sốc cho Ngoại trưởng Nam tước von Neurath, đến nỗi con người xuề xoà, dễ tự mãn và yếu đuối về đạo đức này cũng phải lên vài cơn đau tim .

Sau này, Neurath khai trước Toà án Nuremberg: "Tôi vô cùng bấn loạn do phát biểu của Hitler, bởi vì nó đảo ngược mọi chính sách ngoại giao mà tôi đã theo đuổi một cách nhất quán" .

Trong tâm trạng như thế và sau khi trải qua vài cơn đau tim, 2 ngày sau, Neurath tìm đến Tướng Tư lệnh Lục quân von Fristch và Tướng Tham mưu trưởng Lục quân Ludwig Beck, bàn bạc với họ phải làm gì "nhằm khiến cho Hitler thay đổi ý định". Ấn tượng đối với Beck về sự dẫn giải của Hitler, theo lời Hossbach khi thông báo cho ông rõ, đó là "vỡ mộng". Họ đồng ý với nhau là trong kỳ hẹn sau, Fritsch sẽ khuyên can Lãnh tụ lần nữa, chỉ rõ cho ông hiểu những lý do quân sự khiến cho kế hoạch của ông khó thành công, trong khi Neurath sẽ tiếp nối bằng cách nhấn mạnh với Hitler về những nguy cơ chính trị. Về phía Beck, ngay lập tức ông bí mật viết ra giấy những lời lẽ công kích nặng nề các kế hoạch của Hitler. Đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sai lầm tai hại trong đầu óc và tư cách của một vị tướng đáng quý, người ban đầu đã hoan nghênh Quốc xã và sau cùng là chống đối nhưng không thành .

Tướng von Fritsch gặp lại Hitler ngày 9 tháng 11 năm 1937. Không có biên bản cho buổi họp này, nhưng có thể đoán là vị Tư lệnh Lục quân đã lặp lại những phản biện về kế hoạch của Hitler và dĩ nhiên là ông chẳng đạt được gì cả, Lãnh tụ không chịu được sự chống đối của các tướng lĩnh cũng như vị Ngoại trưởng. Ông không muốn gặp Neurath nên đã đi nghỉ mát dài ngày ở Berchtesgaden .

Mãi cho đến giữa tháng 1 năm 1938, con người bệnh tật Neurath mới có thể xin cái hẹn để gặp Lãnh tụ. Sau này, Neurath khai trước Toà án Nuremberg: "Vào hôm ấy, tôi cố gắng chỉ cho ông ấy thấy chính sách của ông sẽ dẫn đến chiến tranh thế giới và rằng tôi không muốn can dự vào việc này... Tôi xin ông ấy xem xét đến sự nguy hiểm của chiến tranh và đến những lời cảnh báo nghiêm túc của các tướng lĩnh... Khi ông ấy vẫn giữ lập trường mặc cho mọi luận cứ của tôi, tôi đã nói rằng ông sẽ phải đi tìm một Bộ trưởng Ngoại giao khác..." Dù lúc đó Neurath chưa rõ, nhưng đấy đúng là điều mà Hitler đã quyết định. Trong vòng nửa tháng tới, Hitler sẽ ăn mừng tròn 5 năm lên cầm quyền và ông định đánh dấu ngày này bằng cách loại trừ mọi chống đối ở Bộ Ngoại giao và Quân đội. Đó là 2 thành trì của nhóm "phản động" mà trong thâm tâm Hitler không tin cậy. Ông cảm thấy họ chẳng bao giờ chấp nhận hay thấu hiểu mình hoàn toàn. Như Blomberg, Fritsch và Neurath đã cho thấy, họ là những người ngáng đường khi ông cố thực hiện tham vọng của mình. Họ sẽ phải theo Tiến sĩ Schacht về vườn .

Đúng vậy, chuyên gia kinh tế khôn khéo, người lúc đầu hăng say với chủ nghĩa Quốc xã và ủng hộ Hitler, đã thất thế .

Như ta đã thấy, Schacht đã cống hiến năng lực và thiên tài vào việc chi trả cho chương trình tái vũ trang nhanh chóng của Hitler. Ông nhào nặn ra nhiều mánh lới để huy động tiền bạc cho Lục quân, Hải quân và Không quân cũng như chi trả cho các hoá đơn sản xuất vũ khí. Nhưng đi quá giới hạn này, quốc gia sẽ phá sản. Vào năm 1936, ông tin rằng Đức đang tiến gần đến mức giới hạn ấy. Ông cảnh báo cho Hitler, Goering và Blomberg biết, nhưng không có kết quả .

Tháng 9 năm 1936, Goering nhận chức vụ Bộ trưởng Đặc mệnh Toàn quyền cho Kế hoạch Bốn năm nhằm giúp Đức tự lực tự cường trong 4 năm – mục tiêu mà Schacht xem là không khả thi. Nhưng Goering trở thành nhà độc tài trong lĩnh vực kinh tế. Còn Schacht là người phù phiếm, kiêu ngạo, khinh bỉ Goering vốn dốt nát về kinh tế nên thật khó cho ông tiếp tục giữ ghế. Sau vài tháng mâu thuẫn kịch liệt giữa 2 kẻ có cá tính mạnh, Schacht yêu cầu Lãnh tụ cho mình miễn nhiệm trong Nội các. Thêm vào nỗi bất mãn là thái độ của nhiều nhà công nghiệp và doanh nhân "đổ xô đến văn phòng của Goering để nhận đơn đặt hàng, trong khi tôi vẫn còn đang làm cho mọi người nghe được tiếng nói của lý lẽ" .

Làm cho họ nghe được tiếng nói của lý lẽ trong không khí sôi động của Đức Quốc xã năm 1937 là việc chẳng ai làm được, như Schacht nhận thấy. Sau nhiều trận cãi vã với Goering, ông nộp đơn cho Hitler chính thức xin từ chức. Ngày 8 tháng 12 năm 1937, đơn từ chức được chấp thuận .

Theo yêu cầu của Hitler, Schacht ở lại Nội các làm Quốc vụ khanh và vẫn còn giữ chức vụ Thống đốc Ngân hàng Quốc gia. Vì thế vẫn duy trì được vẻ bề ngoài ổn định, tránh cho nước Đức và thế giới một cú sốc. Tuy nhiên, ông không còn có thể kiềm chế chương trình tái vũ trang sôi động của Hitler, mà chỉ đưa tên tuổi ra làm bình phong cho mưu đồ của Hitler. Cũng như những tướng lĩnh và phe bảo thủ đã giao nước Đức cho Hitler, ông đã không thức tỉnh nhanh chóng để nhận ra thực tế của cuộc đời .

Goering tạm thời làm Bộ trưởng Kinh tế nhưng vào một buổi chiều giữa tháng 1 năm 1938, Hitler tình cờ gặp Walter Funk và xuề xoà báo cho biết ông này sẽ là người tiếp nhiệm Schacht. Ông này đã giữ một vai trò nào đấy trong việc lôi kéo cho Hitler một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp vào đầu thập kỷ 30. Nhưng việc bổ nhiệm chính thức con người xun xoe, lùn tịt, đê tiện này đã bị đình hoãn. Vì lẽ bây giờ có một cuộc khủng hoảng trong Quân đội do vài vụ việc liên quan đến tình dục cả bình thường lẫn bất bình thường. Nhân đấy, Hitler đã giáng một đòn vào giới quý tộc lãnh đạo quân sự khiến họ chẳng bao giờ hồi phục được. Vụ việc gây hậu quả thảm khốc cho Quân đội, cũng như nước Đức và cả thế giới .

THỐNG CHẾ VON BLOMBERG XUỐNG DỐC Quả là một phụ nữ, dù chỉ là trong vô thức, cũng hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới lịch sử của một quốc gia và thậm chí là của cả thế giới! Đại tá Alfred Jodl đã ghi như thế vào ngày 26 tháng 1 năm 1938 trong nhật ký của mình .

Người phụ nữ mà vị sĩ quan trẻ thông minh này nhắc đến là Ema Gruhn, người mà vào cuối năm 1937 không thể tưởng tượng được mình sẽ là người đẩy nước Đức vào cơn khủng hoảng .

Gruhn là thư ký cho Blomberg, đến cuối năm 1937, ông ngỏ lời muốn cưới cô. Người vợ trước của ông đã qua đời năm 1932, còn 5 người con của ông thì đã khôn lớn. Nhận ra là giới quý tộc chỉ huy khó ưng thuận một tướng lĩnh cao cấp của Quân đội Đức cưới một người dân thường, ông liền dò hỏi ý kiến của Goering. Bản thân Goering sau cái chết của người vợ đầu thì đã cưới một diễn viên đã ly dị, nên thấy chẳng có gì phải phản đối. Đế chế Thứ Ba không có chỗ cho thiên kiến nặng nề trong giới chỉ huy Quân đội. Chẳng những chấp nhận cuộc hôn nhân, Goering còn nói sẽ giúp trình lên Hitler nếu cần, đồng thời ông cũng sẽ giúp đỡ bất kỳ việc gì khác. Cũng may là có việc khác nhờ ông giúp đỡ thật. Vị Thống chế thổ lộ có một kẻ tình địch trong vụ này. Đối với Goering thì chẳng thành vấn đề. Kẻ gây phiền phức đó sẽ bị đưa thẳng vào trại tập trung. Nhưng có lẽ vì nghĩ đến tư cách đạo đức kiểu cổ xưa của vị Thống chế, Goering chỉ tống cái gã tình địch gây phiền toái kia đi Nam Mỹ. Tuy vậy, Blomberg vẫn còn lo lắng. Ngày 15 tháng 12 năm 1937, Jodl đã ghi dòng đầy thắc mắc trong nhật ký của mình: "Thống chế trong tình trạng kích động, có vẻ như chuyện cá nhân. Ông đi nghỉ trong 8 ngày ở nơi nào đó không rõ" .

Ngày 22 tháng 12 năm 1937, Blomberg xuất hiện trở lại để đọc bài điếu văn trong lễ tang Tướng Ludendorff ở Munich. Hitler cũng đến dự, nhưng từ chối phát biểu. Vị anh hùng Thế chiến I đã chẳng muốn dính dáng đến Hitler từ lúc ông ta bỏ chạy trong vụ Bạo loạn Nhà hàng Bia. Sau lễ tang, Blomberg xin Hitler cho ý kiến về ý định hôn nhân của mình. Ông lấy làm nhẹ nhõm khi nghe Lãnh tụ tỏ ý chấp nhận .

Hôn lễ diễn ra ngày 12 tháng 1 năm 1938, cả Hitler và Goering đều đến dự đám cưới như là người làm chứng. Ngay khi 2 vợ chồng đi hưởng tuần trăng mật ở Ý thì giông tố ập đến. Cấp chỉ huy Quân đội có thể chịu được cú sốc khi vị Thống chế của họ cưới một thư ký, nhưng họ không chuẩn bị tinh thần chấp nhận cuộc hôn nhân với một phụ nữ có quá khứ bây giờ mới bị lộ ra với những chi tiết kinh hoàng .

Ban đầu, tất cả chỉ là những lời đồn đại. Các tướng lĩnh nghiêm nghị bắt đầu nhận được những cuộc gọi điện thoại vô danh với giọng khúc khích của phụ nữ trẻ, rất có thể là từ những quán cà phê và hộp đêm ghê tởm, tỏ ý chúc mừng Quân đội đã chấp nhận một người trong bọn họ. Tại Tổng hành dinh Cảnh sát Berlin, sau khi kiểm chứng các lời đồn đại, một thanh tra đã tìm thấy một bộ hồ sơ ghi "Ema Gruhn". Hoảng sợ, ông mang hồ sơ này đến Bá tước Chỉ huy trưởng Cảnh sát Helldorf .

Vị bá tước, tuy trước kia là sĩ quan Lực lượng Tự do và tham gia những hoạt động bạo lực dưới màu áo S.A., nhưng giờ đây vẫn cảm thấy kinh hoàng. Hồ sơ cho thấy cô vợ của Thống chế Tổng Tham mưu trưởng Quân lực đã bị cảnh sát ghi trong sổ là gái bán dâm và từng bị kết tội làm người mẫu chụp ảnh khiêu dâm. Cô lớn lên trong một hiệu massage của mẹ cô, vốn chỉ là bình phong cho một ổ bán dâm, như một số trường hợp khác ở Berlin .

Đáng lẽ nhiệm vụ của Helldorf là trình hồ sơ lên thủ trưởng của mình là Himmler, Chỉ huy trưởng Cảnh sát Đức. Nhưng tuy là Đảng viên Quốc xã hăng hái, nhưng khi xưa Helldorf lại là sĩ quan quân đội và đã tiếp thu truyền thống của Quân đội. Ông biết Himmler đang có mâu thuẫn với Bộ Tư lệnh Lục quân nên sẽ dùng hồ sơ để hăm doạ vị Thống chế. Thế là Helldorf thu hết can đảm trình hồ sơ lên Tướng Keitel vì cho rằng ông này sẽ dàn xếp để Quân đội giải quyết cho êm thấm và báo cáo cho Blomberg biết vụ việc. Nhưng Keitel – người kiêu căng và đầy tham vọng – không muốn gây rủi ro cho sự nghiệp của mình khi dây dưa vào Quốc xã và S.S.. Vì thế, thay vì chuyển hồ sơ cho Tướng Tư lệnh Lục quân Fritsch, ông trả lại hồ sơ cho Helldorf, đề nghị ông này báo cáo với Goering .

Chẳng ai vui mừng hơn Goering khi nhận được tập hồ sơ này, vì đương nhiên Blomberg phải ra đi và Goering kỳ vọng sẽ tiếp nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng Quân lực – chức vụ mà ông ngấp nghé từ lâu. Blomberg rút ngắn kỳ trăng mật để trở về Đức dự tang lễ mẹ mình, rồi trở lại Bộ Quốc phòng tiếp tục làm việc .

Nhưng không lâu sau, ngày 25 tháng 1 năm 1938, Goering mang tập hồ sơ đến trình cho Hitler xem và vị Lãnh tụ đã nổi cơn giận dữ. Thống chế của ông đã lừa dối, đồng thời còn làm cho ông trở thành trò hề khi mời ông đến làm nhân chứng trong lễ cưới. Goering nhanh chóng đồng ý với Hitler, rồi đến gặp Blomberg để thông báo tin tức. Vị Thống chế có vẻ sững sờ vì chuyện vỡ lở và đề nghị sẽ ly dị cô vợ lập tức. Nhưng Goering giải thích một cách lịch sự rằng như thế chưa đủ. Giới chỉ huy Quân đội đòi ông từ chức, như nhật ký của Jodl 2 ngày sau cho thấy, Tham mưu trưởng Lục quân Beck đã thông báo cho Keitel rằng "không thể chấp nhận chiến binh cấp bậc cao cưới gái bán dâm". Ngày 25 tháng 1, Jodl được biết qua Keitel rằng Hitler đã cách chức vị Thống chế. 2 ngày sau, vị Thống chế 60 tuổi thất thế rời Berlin đi đến đảo Capri để tiếp tục tuần trăng mật .

Ông không được yên thân ở hòn đảo thơ mộng này. Đô đốc Raeder phái Trung uý tuỳ viên von Wangenheim đến yêu cầu Blomberg ly dị cô vợ vì thể diện của Quân đội. Anh sĩ quan trẻ là người kiêu ngạo và cực kỳ hăng hái, làm quá mức chỉ thị khi đối diện với vị Thống chế. Thay vì yêu cầu ly dị, anh đề nghị ông nên có hành động danh dự và tiếp đó anh đặt một khẩu súng lục vào tay Blomberg. Vị Thống chế già bị thất sủng nhưng vẫn còn yêu đời, yêu cô vợ nên từ chối nhận khẩu súng. Ông lập tức viết cho Keitel rằng ông và anh sĩ quan Hải quân trẻ tuổi "dường như có quan điểm và tiêu chuẩn sống khác biệt." Xét cho cùng, Lãnh tụ đã hứa trọng dụng lại ông sau khi vụ việc được êm thấm. Theo nhật ký của Jodl, Hitler đã bảo Blomberg rằng "ngay khi thời khắc của Đức đã đến, ông sẽ trở lại bên cạnh tôi và mọi chuyện xảy ra trong quá khứ sẽ được quên lãng." Chính Blomberg cũng ghi vào nhật ký của mình (không được xuất bản) là trong lần gặp gỡ cuối, Hitler đã hứa rằng sẽ giao cho ông chức Tư lệnh tối cao quân lực ngay khi xảy ra chiến tranh .

Giống như những lời hứa khác của Hitler, lời hứa này cũng đi vào quên lãng. Blomberg bị loại trừ vĩnh viễn khỏi cơ số Quân đội. Ngay cả khi chiến tranh bùng nổ, ông xin phục vụ trở lại nhưng bị từ chối. Blomberg và cô vợ định cư ở ngôi làng Wiessee bang Bavaria, nơi họ sống hoàn toàn ẩn danh cho đến khi chấm dứt chiến tranh. Giống như trường hợp vị vua Anh Edward VIII cùng thời, cho đến phút cuối ông vẫn trung thành với người vợ đã khiến cho ông thân bại danh liệt. Cái chết đến với ông ngày 13 tháng 3 năm 1946 trong nhà tù Nuremberg, nơi ông đang chờ làm chứng trước Toà án Nuremberg .

TƯỚNG FREIHERR WERNER VON FRITSCH TUỘT DỐC Đại tướng cấp cao Tư lệnh Lục quân Freiherr Werner von Fritsch, vị tướng có thiên bẩm và kiên cường của thế hệ cũ, là ứng viên kế nhiệm Blomberg làm Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân lực. Nhưng như ta đã thấy, Goering đã tăm tia trước chức vụ này và có người tin rằng, Goering cố tình đẩy Blomberg vào cuộc hôn nhân với người phụ nữ mà Goering biết rõ quá khứ để dọn đường cho mình đi lên. Dù cho đó là sự thật thì Blomberg vẫn không biết điều đó, vì trong buổi gặp gỡ giã từ Hitler, ông đề nghị Goering lên thay thế mình. Tuy nhiên, Lãnh tụ hiểu rõ Goering hơn bất kỳ ai khác: quá đam mê lạc thú, thiếu nhẫn nại, không chuyên cần. Hitler cũng chẳng thích von Fritsch, vì vẫn chưa quên vị tướng đã chống đối kế hoạch chiến tranh của mình. Hơn nữa, Fritsch không giấu giếm ác cảm với Quốc xã và nhất là với lực lượng S.S. nên cũng gây thù chuốc oán với Himmler, Chỉ huy trưởng S.S. và cũng là Chỉ huy trưởng Cảnh sát toàn nước Đức. Ngày Đức tiếp quản Saar 1 tháng 3 năm 1935, tôi đứng bên cạnh Fritsch trên khán đài một lúc trước buổi diễu hành. Dù ông ấy không quen thân với tôi, ngoại trừ biết tôi là một trong những thông tín viên người Mỹ ở Berlin, ông vẫn tuôn ra lời chế nhạo S.S., Đảng và một số nhà lãnh đạo từ Hitler trở xuống. Ông chẳng giấu giếm chút nào sự khinh thường của mình .

Bây giờ, cơ hội đã đến với Himmler. Đúng hơn, Himmler tạo ra cơ hội cho mình qua cách dàn cảnh khiến ta khó mà tin rằng điều đó lại xảy ra ngay trong thế giới bạo lực của S.S. và Quốc xã. Xảy ra ngay sau vụ Blomberg, vụ việc đó đã khiến cho giới chỉ huy Quân đội thêm một lần nữa bị lung lay tận gốc rễ .

Ngày 25 tháng 1 năm 1938, ngày mà Goering cho Hitler xem tập hồ sơ của cảnh sát về cô vợ của Blomberg, Goering cũng trình ra một tài liệu còn khủng khiếp hơn. Tài liệu này do Himmler cung cấp cùng phụ tá chính, Heydrich, Chỉ huy trưởng S.D., tức Cơ quan An ninh của S.S.. Tài liệu cho thấy Tướng von Fritsch phạm tội đồng tính luyến ái chiếu theo Điều 175 của Luật Hình sự Đức và rằng ông này đã chi trả cho một cựu tù nhân tống tiền mình từ năm 1935 để làm êm thấm vụ việc. Các chứng cứ của Mật vụ dường như rõ ràng đến nỗi Hitler đã tin vào lời cáo buộc .

Riêng Blomberg, có lẽ còn bất mãn vì Fritsch tỏ ra quá nghiêm khắc trong vụ hôn nhân của mình, nên chẳng làm gì để che chở cho ông ta. Trái lại, ông còn cho biết Fritsch không phải là "người dành cho phụ nữ" và nói thêm rằng vị tướng sống độc thân suốt đời có thể đã "sa vào sự yếu mềm" .

Đại tá Hossbach, tuỳ viên của Hitler, có mặt khi hồ sơ của Mật vụ được trình ra, cũng cảm thấy bàng hoàng. Dù Hitler đã cấm tiết lộ vụ việc, Hossbach vẫn vội đến tìm Fritsch để báo tin. Việc này khiến Hossbach mất chức nhưng không mất mạng như có người e sợ. Sau đó, ông được phục hồi chức vụ trong Bộ Tư lệnh Lục quân, trong chiến tranh được thăng đến Đại tướng và chỉ huy Đại Quân đoàn Thứ Tư trên chiến trường Nga, cho đến ngày 28 tháng 1 năm 1945 thì bị Hitler cách chức qua điện thoại vì đã trái lệnh Lãnh tụ khi cho rút quân .

Nhà quý tộc Phổ Fritsch ít nói cảm thấy sửng sốt khi nhận được tin từ Hossbach, thốt lên: "Đầy những điều bịa đặt thối tha!" Khi bình tình lại, ông trấn an người sĩ quan đàn em với lời hứa danh dự là những cáo giác đều vô căn cứ. Sáng sớm hôm sau, chẳng còn biết sợ hậu quả, Hossbach kể với Hitler về việc đi gặp Fritsch, báo cáo lời phủ nhận của vị tướng, đồng thời khẩn cầu Lãnh tụ cho Fritsch cơ hội để giải trình và tự mình chối bỏ tội trạng .

Hitler đồng ý và Fritsch được triệu đến Phủ Thủ tướng vào buổi tối cùng ngày. Ông đến để kinh qua hoàn cảnh mà chương trình đào tạo cho giới quý tộc; và sĩ quan đã không chuẩn bị cách đối phó cho ông. Buổi họp diễn ra trong phòng đọc sách của Thủ tướng, lần này cả Himmler và Goering đều có mặt. Sau khi Hitler tóm tắt các cáo giác, Fritsch lấy danh dự của một sĩ quan quân đội mà nói những cáo giác ấy đều là không đúng. Nhưng lời khẳng định như thế chẳng còn có giá trị trong Đế chế Thứ Ba .

Lúc đó Himmler – người đã chờ đợi 3 năm cho cơ hội này – đưa một người có vẻ suy đồi, lê bước đi ra từ cánh cửa bên. Anh ta hẳn là người lạ kỳ nhất, nếu không nói là người mang tai tiếng nhất, từng được đưa vào văn phòng của Thủ tướng nước Đức. Tên anh này là Hans Schmidt, có nhiều tiền án bắt đầu từ thời gian được đưa vào trại cải tạo cho thiếu niên. Khuyết điểm chủ yếu của anh ta là rình rập người đồng tính luyến ái rồi tống tiền họ. Bây giờ anh ta lại khai rằng đã nhận ra Tướng von Fritsch là sĩ quan quân đội mà mình từng bắt gặp, trong một con hẻm tối tăm gần nhà ga Potsdam ở Berlin, có hành vi đồng tính luyến ái với một người trong giới giang hồ có bí danh "Bavaria Joe". Schmidt khai với 3 nhân vật có quyền lực nhất nước Đức rằng trong nhiều năm vị sĩ quan này đã trả tiền cho anh ta giữ kín vụ việc và việc chi trả chỉ ngừng khi anh lại bị tống vào ngục .

Tướng von Fritsch cảm thấy bị sỉ nhục quá mức đến nỗi không trả lời được. Cảnh tượng vị nguyên thủ quốc gia đưa ra một nhân vật ô danh như thế ở nơi chốn như thế với mục đích như thế đối với ông là quá sức chịu đựng. Khi ông không tự biện hộ, Hitler càng tin là ông có tội và yêu cầu ông từ chức. Fritsch từ chối, thay vào đó yêu cầu được ra Toà án danh dựcủa Quân đội. Nhưng Hitler chẳng muốn giao vụ việc cho Quân đội xử lý, ít nhất là vào lúc này. Đây là cơ hội trời cho mà ông không thể bỏ qua nhằm dập tắt mọi chống đối của tướng lĩnh nào không muốn cúi đầu theo ý nguyện của mình. Thế là Hitler ra lệnh cho Fritsch nghỉ phép vô thời hạn, đồng nghĩa với việc ngừng chức Tư lệnh Lục quân. Ngày hôm sau, Hitler hội ý với Keitel để tìm người thay thế cả Blomberg và Fritsch. Jodl, nhờ có thông tin từ Keitel, bắt đầu ghi vào nhật ký của mình về những cải tổ toàn bộ cơ cấu của Quân đội .

Fritsch tham khảo ý kiến Tướng Beck, Tham mưu trưởng Lục quân. Vài sử gia người Anh kể lại rằng, Beck thúc giục ông thực hiện đảo chính quân sự nhằm lật đổ Hitler và rằng: Fritsch đã từ chối. Nhưng Wolfgang Foerster, một người Đức viết tiểu sử cho Beck, nói vào đêm định mệnh Beck gặp Hitler và nghe Lãnh tụ thông báo về những cáo giác, sau đó gặp Fritsch và nghe vị tướng phủ nhận, rồi khuya cùng ngày ông vội quay lại gặp Hitler để yêu cầu cho Fritsch một cơ hội minh oan trước Toà án danh dự của Quân đội. Nhà viết tiểu sử cũng nói rõ ban đầu Beck chưa thấu hiểu những người cai trị Đế chế Thứ Ba và khi ông hiểu ra, thì đã quá muộn .

Vài ngày sau, khi cũng đã quá muộn – lúc cả Blomberg, Fritsch cùng 16 tướng lĩnh cấp cao về hưu và 44 vị tướng khác bị thuyên chuyển đến chức vụ thấp hơn – thì Fritsch và những phụ tá thân cận, kể cả Beck, mới nghĩ đến hành động chống đối bằng quân sự. Nhưng họ nhanh chóng từ bỏ ý định nguy hiểm này. Foerster nói: "Những người đó thấy rõ rằng đảo chính quân sự sẽ là đồng nghĩa với nội chiến và sự thành công thì không chắc chắn". Lúc ấy và khi nào cũng thế tướng lĩnh Đức muốn chắc thắng thì mới chịu thực hiện. Như Foerster đã nói, họ e sợ Không quân của Goering và Hải quân của Raeder chống lại mình vì hai vị tư lệnh này hoàn toàn trung thành với Hitler, cùng với đó các

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#dichle