Khởi đầu.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi thường tự hỏi sẽ thế nào sau khi chúng ta chết. Họ sẽ tiếp tục tồn tại ở dạng khác hay biến mất không dấu vết trên thế giới này? Nếu họ tiếp tục tồn tại thì họ sẽ đi đâu, sẽ làm gì. Nhưng nếu họ thực sự tan biến thì như vậy ý nghĩa của cuộc sống là gì? Bởi mỗi sự sống là sự tuần hoàn, nó là khởi nguyên và là tận cùng tức là Alpha và Omega. Còn ta, ta là sự sống lại và là sự sống.

- Thật là một câu hỏi phức tạp quá mức cần thiết.

Tôi gập cuốn sách lại nhét nó trở vào kệ sách, thậm chí còn chẳng buồn đánh dấu trang sách đọc dở. Bụi hôi từ cuốn sách và mùi ẩm mốc từ sách cũ khiến tôi thấy hơi ngộp, thế nên tôi túm váy lại cho gọn rồi cẩn thận leo xuống khỏi cái thang cheo leo. Đi khỏi dãy kệ, tôi nhìn đoạn đường quay lại dài tít tắp, hai bên sắp đầy sách chèn vào nhau chật như nêm, những cái gáy sách bạc màu khoe ra đầy gọi mời trông thật hút mắt. Không thể đi về tay không thế này được vậy nên tôi rẽ vào một dãy kệ bất kỳ và chọn một cho mình một cuốn tiểu thuyết với đoạn đầu đề nghe thật hấp dẫn, liên quan đến nước Pháp thì phải. Đến bàn thủ thư, tôi đặt cuốn sách dày cộp lên bàn và chờ Typhon lười biếng nhấc mình dậy khỏi cuốn sách để dở.

- Sao nào? - anh chậm rãi lật giở tìm mã số sách in trên cái gáy da đã bạc màu - Để xem quý cô mọt sách hôm nay lại tìm được gì hay ho nào? Chà, trông có vẻ không phải cuốn sách mà tôi đã gợi ý nhỉ?

- Chẳng có gì. - tôi quen tay tháo mắt kính xuống rồi dùng vạt váy lau qua - Cuốn sách anh gợi ý thật chả ra làm sao, tôi còn chẳng hiểu nó nói gì. - tôi đọc lại câu đầu với vẻ mặt móp méo khó hiểu - "Ý nghĩa của cuộc sống cao siêu hơn những gì con người phàm tục của chúng ta có thể hiểu được thế nên tôi tự hỏi con người sẽ thế nào sau khi chết?". Urghh, chỉ mỗi một câu đấy thôi mà đủ làm đầu tôi rối lên như tơ vò rồi.

- Thế cô nghĩ sao về luận điểm đó của tác giả? Cho tôi xem thẻ của cô nào.

- Nó thật nhảm nhí, - tôi lục thẻ thư viện trong túi xách đưa cho Typhon - chúng ta chỉ cần sống thôi, quan tâm nhiều đến thế làm gì chứ? Tôi chỉ mới 19 thôi, đó không phải là vấn đề tôi cần phải quan tâm.

- Vậy cuốn sách đó vẫn phải chờ chủ nhân đến đón nó thôi nhỉ? - Typhon mỉm cười đưa trả tôi thẻ sách và vỗ về cuốn sách trên bàn - Chúc cô sang Paris vui vẻ, cô nàng lãng mạn.

- Tạm biệt nhé, - tôi cất thẻ đi và ôm cuốn sách vào lòng - tôi sẽ về sau 1 tuần nữa.

Tôi rời thư viện cũ kỹ này và vui vẻ ôm cuốn sách to nặng trong tay trở về nhà. Quay lại nhìn thư viện một cách luyến tiếc, tôi chép miệng thèm thuồng rồi tiếp tục quay lưng rời đi. Ở vùng thôn quê nhỏ vô danh này thư viện của Typhon trở thành thứ gì đó xa xỉ và kỳ lạ, bề ngoài trông như một tòa lâu đài cổ với rất nhiều dây thường xuân bò khắp nơi, bên trong thì đầy bụi bặm và mòng hóng, ánh sáng duy nhất lọt vào đến từ những ô cửa màu tít trên cao bị dây thường xuân che phủ gần phân nửa chỉ phát sáng vào lúc giữa trưa. Cứ như thể anh ta tìm thấy được một căn nhà hoang rộng rãi rồi đổ tất cả sách của mình vào trong đó vậy, thậm chí, những cuốn sách còn chẳng được chăm sóc đúng mức nữa. Thế nhưng mặc cho những điều đó có gây khó chịu đến thế nào, những dãy kệ sách vẫn trải dài tít tắp khắp mọi ngóc ngách trong tòa lâu đài cũ kỹ, thư viện kia chính là ước mơ của tôi, chỉ nhìn những tủ sách đầy ắp cao quá đầu người là đã khiến tôi thèm rỏ dãi. Tôi yêu mùi sách, mùi giấy ẩm ẩm, mùi da thuộc hăng hắc và yêu cả những thứ được viết trong cuốn sách nữa, nó chính là tấm vé đưa tôi đi khắp thế giới với đủ loại người ngay tại ngôi làng nông thôn bé nhỏ này.

Typhon cũng kỳ lạ y như thư viện cũ kia, anh ta chính là linh hồn của thư viện thế nên không ai có thể tách rời anh khỏi nó. Chẳng ai trong làng biết anh là ai, tôi cũng không biết anh đã bao nhiêu tuổi, tôi chỉ biết rằng lúc nào anh cũng trốn ở bàn thủ thư với một cuốn sách dày cộp và vùi đầu vào nó. Nghe những người khác kể, trước đó rất lâu đã có thư viện ở đó rồi, nhưng người thủ thư có phải là anh ta hay không thì không ai chắc nữa, thậm chí họ còn chẳng biết rằng thư viện cũ có một người thủ thư nữa kia. Tôi tự hỏi làm cách nào anh ta có thể sống ở trong đó, không ai trong làng từng thấy anh ta ở chợ hay đến phòng giặt giũ. Làm thế nào để anh ta tồn tại được nhỉ?

Cũng phải nói về người dân ở đây một chút. Nếu họ không biết đến sự tồn tại của Typhon và chỉ nghe phong thanh chuyện này chuyện kia liên quan đến thư viện thì cũng không có gì là lạ cả, bởi người ở đây đã quần quật với một năm bốn mùa liên tiếp rồi. Họ thích nghe về giá lương thực năm nay, vụ nho năm tới và dự báo thời tiết hàng tuần trên các số báo lẻ tẻ được phân phối, chẳng ai buồn bận tâm đến những thứ cao siêu ở trong sách thì hẳn nhiên thư viện của Typhon không phải là đối tượng để mà mọi người tọc mạch bàn tán.

Thế nhưng gia đình tôi thì lại khác, họ bận tâm nhiều thứ hơn thế. Tôi nghe người trong làng bảo rằng mẹ tôi là phù thủy, bà có cả một vườn thảo dược và một cuốn sách bọc da dê với thứ ngôn ngữ khó hiểu mà tôi sẽ mãi mãi không bao giờ được đụng tới. Người dân trong làng tôi không bài xích bà như những gì trong sách nói, bà cũng chẳng có chổi bay hay nuôi con mèo đen nào hết. Thay vào đó họ coi bà là một người có đức cao vọng trọng, mỗi khi có chuyện gì trong làng thì bà luôn có một ghế ngang hàng với hội đồng, tất cả những người già trẻ lớn bé đều sẽ đến tìm bà mỗi khi có rắc rối. Mẹ tôi không dành nhiều thời gian cho tôi, bà hay đến vườn dược thảo hơn và chăm chú cho cái vại thuốc đen xì bốc ra mùi khói ngai ngái đắng ngắt của mình.

Bố tôi cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy, ông là một kỹ sư quái dị thích thử nghiệm mấy chiếc máy có động cơ lằng nhằng mà ông tin rằng sẽ có ngày những phát minh của mình trở nên có ích cho nhân loại. Tôi không hiểu máy giặt giũ sẽ giúp ích nhân loại kiểu gì nhưng tôi vui vì nhờ nó mà tôi không bao giờ phải ngâm tay trong nước hàng giờ liền và vỗ bồm bộp vào váy đến đỏ ửng cả tay như những người đàn bà trong làng vẫn làm. Đặc biệt là họ rất vui khi tôi thường lui tới thư viện cũ của Typhon, nhờ đó họ sẽ rảnh tay lo những công việc của mình mà chẳng cần phải bận tâm đến tôi làm gì.

Tôi vào đến nhà vừa khi tôi thấy mẹ đang choàng áo ra ngoài, chiếc áo choàng nhung màu tím che phủ bộ váy dài màu trắng sơ sài của bà làm cho bà trông có vẻ gầy hơn thực tế dù bà là người cao ráo và mảnh khảnh. Mái tóc nâu óng được vấn gọn gàng và giấu sau chiếc mũ trùm đầu rộng, mẹ làm vậy để không phải bận tâm về chuyện tóc tai khi làm việc. Bà mặc như thế không phải vì đó là đồng phục phù thủy như mấy cuốn sách trẻ con hay viết mà vì bà không biết may vá vả lại bà chẳng cần mặc nhiều lớp váy để giữ ấm khi bà đã có một câu thần chú cho riêng mình. Trên tay mẹ tôi đang treo chiếc giỏ mây đã che lại bằng một tấm vải ca rô đỏ, không ai biết trong đó chứa cái gì cả. Khi thấy tôi đi ngang khu vườn vào nhà, bà vui vẻ nhoẻn miệng cười, đôi môi đỏ mọng như thêm phần sức sống trông rất quyến rũ, cánh tay trắng ngần kiên nhẫn giữ cửa chào đón tôi về nhà.

- Chào mẹ, mẹ định đi đâu à?

- Đúng vậy, ta phải sang nhà của Helen, con trai cô ấy leo cây rồi bị ngã gãy chân, họ cầu xin ta đến xem xét giúp.

- Vậy mẹ sẽ ăn trưa ở nhà chứ?

- Không con yêu, ta e là ta sẽ còn phải sang làng bên để mua thêm ít đồ dùng nữa. Hai bố con ở nhà cứ tự ăn uống với nhau, sẵn tiện bảo ông ấy là ta sẽ dùng xe ngựa trong hôm nay nhé. Ta sẽ về ăn tối với nhà mình.

- Vâng, mẹ đi cẩn thận nhé.

Trước khi đi, mẹ hôn lên trán tôi một cái rồi rời đi. Tấm áo choàng quét đất lung tung, kéo theo ít bùn ướt dính vào góc áo do cơn mưa tối qua để lại, nhưng bà không bận tâm chuyện đó. Bà để chiếc giỏ lên xe rồi nhẹ nhàng ngồi lên ghế xà ích vô cùng nhuần nhuyễn, bà khẽ cúi người xuống thì thầm gì đó với con ngựa rồi mới mỉm cười ngồi dậy thúc ngựa rời đi. Tôi đóng cửa quay vào nhà tìm cho mình một chỗ thoải mái để đặt cuốn sách xuống, nhưng không nhịn được lại lén nhìn mẹ qua khung cửa sổ đến khi bà khuất bóng ở góc rẽ của con đường. Tự nhiên trong tôi hơi có cảm giác bị bỏ rơi, ước gì mình giỏi giang hơn một chút thì tôi có thể dễ dàng đi theo mẹ như mấy thằng con trai lớn trong làng tôi hay được đi theo bố khắp mọi nơi. Mẹ chính là hình mẫu ao ước mà tôi hướng đến, bà xinh đẹp, thông minh, trầm tĩnh, luôn biết mình sẽ phải làm gì, trên hết là bà chẳng phụ thuộc vào chồng mình như những người phụ nữ khác trong làng.

Tôi tặc lưỡi qua loa rồi chạy đi tìm bố. Theo thói quen tôi chạy sang nhà kho tìm ông, đó là chỗ ông hay ngồi hàng giờ để lắp ráp máy móc. Cánh cửa nặng nề mở ra, bên trong là cả một thế giới hoàn toàn tách biệt với xung quanh. Mỗi chiếc bánh răng đều biết chỗ nó sẽ phải ở, những chiếc cờ lê tua vít nằm gọn gàng trong hộp theo đúng số đo, hộp dầu máy đậy nắp cẩn thận trên bàn, bảng công thức trình bày rõ ràng mỗi ý tưởng ông nghĩ ra, mỗi món đồ trong phòng đều biết chỗ của nó phải nằm, không thứ gì lẫn lộn với thứ gì. Ông chẳng bừa bãi dính đầy dầu mỡ như những kỹ sư trong sách miêu tả, ông vô cùng gọn gàng ngăn nắp thậm chí ông còn ám ảnh với chuyện đó nữa. Ông rất tỉ mỉ trong mọi việc mình làm, tỉ mỉ đến nỗi mẹ phải phát bực cả lên vì ông luôn muốn mẹ phải cân đo đúng mọi thứ nguyên liệu trong món ăn hay đếm đúng số quần áo phải bỏ vào máy giặt giũ. Có điều bây giờ ông đang không ở đây, căn phòng vẫn gọn gàng nhưng không có bóng dáng của ông. Tôi đi ra vườn, đoán rằng ông đang ở sân củi để thử máy.

Tôi nhìn quanh sân củi thì ngay lập tức thấy mái tóc vàng óng được chải chuốt gọn gàng đang lấp ló đằng sau nhà chứa củi. Tôi mỉm cười đi lại đó. Hôm nay có vẻ ông rất kỳ vọng vào buổi thử nghiệm này nên đặc biệt ăn vận bảnh bao hơn mọi hôm với nơ trên cổ và đi đôi giày da đẹp của mình. Chiếc áo ghi lê ôm vào cơ thể giúp cho ông trông rất to cao với bờ vai vững chắc cùng với phần ngực vạm vỡ. Áo sơ mi của ông luôn trắng tinh, đến cả cổ tay áo cũng hiếm khi nào dính lấy chút dầu máy dù ông là một kỹ sư giỏi.

- Ồ, chào con gái. Con vừa đi đâu thế, mẹ con mới tìm con đấy.

- Con đến thư viện của Typhon mượn sách.

- Đến xem này, - ông chỉ cho tôi chiếc máy của mình đang tự nuốt lấy than củi rồi tự nổi lửa lên - ta vừa làm một chiếc lò nướng tự động. Thế này thì mẹ con sẽ không cần phải để ý đến nhiệt độ lò thuốc của cô ấy nữa. Nhưng nó vẫn đang phải thử nghiệm, đừng nói với cô ấy nhé. Đây sẽ là quà sinh nhật bất ngờ của mẹ con đấy.

- Được thôi bố. Nhưng sao ta phải trốn vậy?

Như để trả lời câu hỏi của tôi, chiếc lò bắt đầu chuyển sang màu đỏ rồi nổ tung. May mà bố nhanh tay kịp kéo tôi ngồi xuống, nhà chứa củi đã hứng toàn bộ những mảnh vỡ của chiếc lò thay cho bố con tôi, tiếng loảng xoảng đinh tai thi nhau đập vào những khúc củi lớn, tạo thành những âm thanh leng keng lộc cộc lẫn lộn nhức óc. Đến khi mọi chuyện qua đi chúng tôi mới đứng dậy nhìn bãi chiến trường. Chiếc lò ban đầu cao đến ngang thắt lưng tôi bây giờ chỉ còn là đống sắt vụn nóng đỏ la liệt dưới đất, có mấy bánh răng vẫn lăn lóc xung quanh như thể trêu ngươi người làm ra chúng. Tôi chỉnh lại mắt kính rồi quan sát xung quanh, còn ông vừa gãi đầu vừa dùng mũi giày lật từng miếng vỡ lên xem xét.

- Ta không biết tại sao lần nào cũng phát nổ. Có lẽ ta cần một phép màu nào đó chăng?

- Có khi bố nên nhờ mẹ niệm một câu thần chú để chiếc lò không phát nổ nữa đấy.

- Nhưng đây là món quà bất ngờ của cô ấy mà, có lẽ ta phải nghiên cứu lại thôi. - ông lấy găng tay chẻ củi đeo vào rồi cúi xuống nhặt những mảnh vỡ nhỏ đã hơi nguội - Con giúp ta lấy cái xẻng xúc than với một cái gì đó để đựng đống này nhé.

Tôi nhanh chóng chạy vào nhà lấy cái xẻng cào than bên cạnh lò sưởi và mượn tạm của mẹ cái bếp nướng ngoài trời bằng sắt đúc lấy từ trong nhà kho ra. Bố rất hài lòng với khả năng ứng biến của tôi nên nhanh chóng vứt mấy mẩu sắt nhỏ vào cái bếp rồi lấy cái xẻng từ tay tôi xúc hết mọi mảnh vỡ của chiếc máy vào rồi đẩy trở lại kho.

- Có lẽ trưa nay ta sẽ không ăn trưa với hai mẹ con được rồi, ta phải kiểm tra các bộ phận trong lúc vẫn còn đang nóng thì mới có thể tìm ra nguyên nhân khiến nó phát nổ. Con nói lại với cô ấy giúp ta nhé.

- À, mẹ bảo hôm nay sang nhà Helen xem cái chân gãy của con trai cô ấy rồi sang làng bên cạnh để mua sắm nên sẽ không ăn trưa ở nhà.

- Ồ, thế sao. - vẻ mặt bố hơi có chút tiếc nuối - Thế thì con nấu bữa trưa đi rồi bố con ta sẽ cùng ăn trong phòng làm việc của bố nhé.

- Vâng.

Tôi nhìn đồng hồ có vẻ bây giờ cũng đã khá muộn rồi thế nên tôi tiếc nuối nhìn cuốn sách một chút rồi quay vào bếp chuẩn bị bữa trưa. Thật may vì bố tôi vốn chẳng bao giờ ý kiến về món gì mình sẽ ăn trong ngày hôm đó, thế nên tôi sẽ tùy ý nấu vài món đơn giản thôi. Chỉ đơn giản vài quả trứng rán, thịt xông khói chiên giòn ăn cùng bánh mì dẹt và salad trộn, thậm chí tôi còn lười biếng đến nỗi cuộn các món vào trong bánh mì rồi phết sốt cà chua lên trên. Khi tôi mang đĩa thức ăn vào, ông vẫn đang loay hoay dùng kẹp gắp các mảnh vỡ theo thứ tự lên bàn, tôi đành tự tìm chỗ ngồi ngấu nghiến cái bánh mì đầy ụ nhân, sốt cà chua dây ra tay và dính một chút ở vạt váy, tôi phủi qua loa, chiếc máy giặt sẽ lo vết sốt đỏ trên đó. Bố tỏ ra thích thú với cách trình bày món ăn kiểu lười biếng này của tôi, ông vui vẻ cầm một cái rồi vừa ăn vừa quan sát những mảnh vỡ bày đầy bàn.

- Ta thích cách làm này đấy, ta có thể vừa ăn vừa làm rất tiện. - ông cắn chiếc bánh mà mắt cứ nhìn chằm chằm vào mấy mảnh vỡ - Nhưng ta không hiểu nó sai ở đâu nhỉ? Các bộ phận được lắp đặt đúng chỗ hết rồi mà nhỉ?

- Hay bố thử thiết kế một bộ kiểm soát nhiệt trong lò đi. Nếu nó cứ nuốt củi như cách bố nhét cái bánh vào miệng liên tục như vậy thì nó sẽ bội thực ấy.

Như nhận ra một cái gì đó ông nhanh chóng bỏ chiếc bánh xuống, lau tay vào chiếc khăn tay trắng tinh và bắt đầu lôi giấy vẽ ra chỉnh sửa lại thiết kế kết cấu của nó, rồi ông lại ngẩng lên xóa sạch đống công thức cũ trên bảng rồi lại cầm phấn lên soạn công thức mới.

- Có lẽ ta sẽ cần chút không gian riêng tư để suy nghĩ ra cách cân bằng nhiệt độ và áp suất trong và ngoài lò, cũng như cách mà bộ kiểm soát này hoạt động. - ông nói mà mắt không rời khỏi cái bảng - Dù sao cũng cảm ơn bữa trưa ngon lành của con và sáng kiến mới này nhé.

- Vâng, - tôi nhét hết cái bánh vào miệng rồi phủi tay đứng dậy - chúc bố may mắn nhé.

Ông không trả lời tôi mà vẫy vẫy tay qua loa rồi tiếp tục cắm đầu vào công việc đang dở dang. Thế là tôi lại có thời gian dành cho cuốn sách mới, duỗi người trên chiếc ghế dài, tôi lười biếng lật giở cuốn sách như một cô mèo lười nhác. Cái nắng ban trưa chiếu qua khung cửa sổ làm cả căn phòng ngập tràn mùi hương khen khét của nắng và cái cảm giác uể oải giữa trưa. Mặc cho thời tiết oi nồng bên ngoài, tôi cứ nằm dài như vậy đến chiều, khi cả người mỏi nhừ do nằm quá lâu thì tôi mới đứng dậy đi loanh quanh trong nhà một chút, vừa đi tôi vừa xoa xoa vết hằn của cặp kính hằn lên sống mũi. Đến chiều thì thời tiết trở nên tốt hơn rất nhiều, nắng chiều heo heo rải trên luống cây ngoài vườn cùng với những cơn gió nhè nhẹ mát rượi mơn man làn da vô cùng dễ chịu. Tôi suy nghĩ liệu mình có nên xuống trấn một chút không.

Cốc... cốc...

Tiếng gõ cửa giòn tan phá vỡ dòng suy nghĩ của tôi, tôi tự hỏi ai đến nhà mình vào giờ này nhỉ? Vừa mở cửa ra tiếng chào hồ hởi đầy ồn ào của thím Mirabel đã vang lên kèm theo cái ôm vô cùng thắm thiết khiến tôi suýt ngạt thở. Đến khi thím đã hôn khắp mặt tôi không thiếu chỗ nào thì mới buông ra, tôi loạng choạng đứng thẳng dậy rồi đưa tay chỉnh cặp mắt kính lại.

Bà thím Mirabel là họ hàng xa của bố tôi, nghe bảo đâu bà ấy là con của bà dì là cháu gái họ thuộc bên ngoại của ông nội tôi, tuy họ có hơi xa nhưng thím lại là hàng xóm cách nhà tôi chỉ một điền trang của nhà thím. Thím luôn xuất hiện với thân hình phốp pháp, cùng nụ cười tươi rói trên môi, đôi má luôn ửng hồng như thể tô điểm thêm cho nụ cười nồng nhiệt. Bà là người phụ nữ rất ồn ào, năng động và ấm áp với những người xung quanh, thế nhưng bà tuyệt nhiên không phải hạng ngồi lê đôi mách chuyện của người khác, đổi lại bà rất tử tế với tất cả mọi người. Đến nhà tôi hôm nay bà mang theo một chiếc giỏ phủ khăn hoa nhí giống hệt mẹ tôi sáng nay, cánh tay mập mạp rắn chắc của bà làm quai xách như biến đi đâu mất, tôi vẫn hay xem điều đó là đặc điểm nhận diện của thím Mirabel.

- Chào thím Mirabel, thím đến đây tìm mẹ con à?

- Đúng thế, nhà ta vừa mới thu hoạch bí ngô nên ta làm cho mẹ con một ổ bánh bí ngô để cảm ơn bà ấy vì đã đỡ đẻ cho đàn lợn trong nhà ta. Thật không thể ngờ là lợn cũng sẽ khó sinh đấy, - bà cười vang - người ta thường bảo là đẻ như lợn mà nhỉ. Dù sao cũng phải cảm ơn bà ấy, phương thuốc của bà ấy đã cứu được Giáng Sinh của cả nhà ta, nếu không có đàn lợn ấy chắc năm nay chúng ta chỉ có thể ăn mừng bằng súp bắp cải thôi.

- Vậy sao, - tôi lúng túng cười trừ trước sự năng động của thím Mirabel - mẹ con sẽ rất vui khi nghe được tin đó đấy.

- Đúng thế. Với lại ta đã mang sang cho mẹ con rất nhiều cây xô thơm khô theo lời bà ấy nói, 13 bao cả thảy. Ta đã để ngay hàng rào nhà con rồi đấy, một lát nữa thì con hãy mang vào kho đi nhé. - thím Mirabel liến thoắng liên tục - Mà Sapphire này, con đã lớn rồi nếu con cứ ru rú trong nhà suốt như thế thì làm sao lấy chồng được cơ chứ. Ta biết rằng con không cần phải lao động vất vả như những người trong làng, nhưng con cũng chẳng phải là một tiểu thư trong lâu đài cao quý chờ vị công tử nào đó đến cầu hôn đâu nào. Ta khuyên con cũng nên giao du chút ít đi, dù gì con cũng cần một người đàn ông làm chỗ dựa chứ.

Tôi cực kỳ bực mình khi có ai đó bắt tôi phải lấy chồng, tại sao phải lấy chồng trong khi tôi còn chưa kịp tận hưởng tuổi thanh xuân của mình chút nào. Vả lại, trong thâm tâm tôi vẫn xem mình còn là trẻ con, nên tôi sẽ không cần bất cứ một chàng trai nào can thiệp vào cuộc sống hiện tại. Sự thật là tôi thường dành nhiều thời gian cho sách vở và luôn ước ao sẽ được đi và trải nghiệm hết tất cả những gì viết trong sách, chồng con là điều cuối cùng trong danh sách mơ ước của tôi. Tiếc thay những người hàng xóm vẫn luôn thúc hối tôi nên sớm lấy chồng, thật chẳng hiểu nổi người trong làng này nữa.

- Vâng, nhưng con vẫn còn trẻ và muốn ở lâu thêm nữa với bố mẹ mình. - tôi quen tay chỉnh lại cặp kính - Con nghĩ sẽ học hỏi mẹ thật nhiều trước khi con đi lấy chồng.

- Nếu học theo mẹ con thì cũng được đấy, nhưng con cũng nên kiếm một người bạn để chia sẻ chứ nhỉ? Sẽ buồn lắm nếu không ai bên cạnh đấy.

- Vâng.

- Thế nhé, - thím Mirabel lao đến ôm tôi một cái nữa - nếu lúc nào đó suy nghĩ lại thì hãy nghĩ đến thằng James nhà ta nhé. Có vẻ nó rất thích con đấy, nó thường hỏi về con suốt, sẵn tiện hôm nay nó cũng đi cùng với ta đấy. Ta phải về đây. - bà ấn chiếc giỏ vào tay tôi rồi hôn lấy hôn để tôi lần nữa - Nếu muốn con có thể nói chuyện với nó bất cứ lúc nào cũng được, chúng ta là hàng xóm mà nhỉ? Gửi lời hỏi thăm của ta đến bố của con nhé.

- Vâng, - tôi chỉnh kính lại trước khi ôm hôn tạm biệt thím Mirabel - hôm khác con sẽ sang nhà thím thăm James sau. Gửi lời chúc của con tới bác trai ở nhà nhé.

- Được được, hôm khác ghé nhé.

Tôi tiễn thím ra cổng bắt gặp James đang đứng nghịch luống hoa mười giờ của tôi trong lúc chờ mẹ ra. Vừa thấy tôi anh chàng liền cười ngốc, đưa tay vò mái tóc xoăn tít trông rất kỳ cục so với làn da nâu rám nắng và cơ bắp cuồn cuộn trên cánh tay anh ta. Tôi cố gắng mỉm cười lịch sự rồi nhanh chóng quay vào nhà đóng kịch cửa vào. Chẳng chàng trai nào trong làng này đủ sức lọt vào mắt tôi cả, James cũng khá đấy nhưng chưa đủ, bọn đàn ông ở đây trông thật cục mịch và thô thiển, tôi ước người đàn ông của mình phải được như bố, vừa tinh tế, tài giỏi, thông minh và đáng tin cậy nữa, đi đâu tìm được chàng trai như thế chứ.

Tôi mở khăn ra lén nhìn vào ổ bánh bí ngô lớn bên trong cái làn, thèm thuồng vuốt ve vỏ bánh giòn rụm tưởng tượng đến lớp bánh xốp ẩm bên trong cùng với nhân kem trứng béo ngậy độc quyền của thím Mirabel. Không ai làm bánh ngon như thím Mirabel cả, dù

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net