Chương 5: Người mới

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Về đến nhà con bé My tíu tít khoe cô sang bà nội được bà cho mua cái bộ nhà búp bê. Bộ nhà búp bê này cô đã nói với con là sẽ tặng nếu cuối năm con đạt học sinh giỏi. Thế mà bà lại mua ngay cho My được. Hôm trước con bé thích quá xin mãi, cô đã ra điều kiện và con bé đồng ý. Con bé kể là hai bà cháu đi trung tâm thương mại, con bé chỉ cho bà xem ngôi nhà búp bê ấy và bảo bà: "Mẹ cháu bảo đây là phần thưởng cuối năm nếu cháu được học sinh giỏi đấy!", bà nó mới chép miệng nói: "Ôi dào, mẹ mày chắc không muốn mua nên nói thế đấy mà, để bà mua luôn!". Cô nghe xong chỉ thở dài khuyên con: "Lẽ ra con không nên bắt bà mua cho con như vậy, để đến cuối năm mình được học sinh giỏi, lại được thưởng quà thì mình sẽ hãnh diện hơn bao nhiêu không?". Con bé My chỉ bảo: "Con nói rồi mà bà cứ bảo mua luôn!". Cô buồn, khi trước ở chung cũng vậy, cô luôn cố gắng nuôi con theo khoa học còn mẹ chồng cô thường chống đối. Bà muốn là cháu khóc thì phải bế ngay, chiều cháu, cô nói không được. Sau bà còn mang cô ra làm đối tượng để doạ con làm cô có cảm giác con bị cướp khỏi tay mình vậy. Giờ cũng thế, hở ra là bà nói xấu cô với con, cô thực sự không thể hiểu nổi tại sao bà lại làm thế.

My sà vào lòng cô hít hà: "Úi hôm nay mẹ thơm thế!", cô cười: "Ừ, hôm nay mẹ đi họp với các bạn cũ mà!", My bảo: "Hôm nay bố cũng họp với bạn đấy!".

- Thế á? Chú nào thế con? Cô hỏi.

- Không phải chú, mà là cô cơ. Một cô trẻ lắm đến nhà bà ăn cơm. Cô ý còn ngồi cạnh bố gắp thức ăn cho bố ý. Thế là họp hả mẹ?

Cô bần thần người không biết trả lời con thế nào. Thoáng nghĩ vậy cũng tốt, cô chả mong lắm điều này hay sao. Anh có người mới rồi thì sẽ bớt bắt con bé My về liên tục như bây giờ. Như vậy cô sẽ có nhiều thời gian cuối tuần với con hơn. Cô bảo con: "Con với mẹ hôm nay làm bánh bao ăn thay cơm đi!", con bé reo lên đồng ý vì con bé cũng rất thích lọ mọ phụ nấu nướng. Hai mẹ con mang bột, các nguyên liệu ra chuẩn bị. Vừa làm cô vừa nói chuyện với con nghe con kể chuyện hai ngày vừa qua. Con bé nói: "Tối hôm qua bố về muộn lắm! Con ngủ với bà. Bà bảo bố còn đón cô Dương từ quê lên nên về muộn bảo con đi ngủ trước với bà chứ không chờ được bố đâu". Vậy là cô gái ấy tên là Dương. Ngọc nửa muốn biết thêm chuyện, nửa không muốn dính dáng gì nữa đến chuyện bên ấy. Cô bảo con: "Ừ thôi nghe mẹ bảo này, mai con có lớp vẽ buổi chiều đấy, con nhớ mang màu sáp đi nhé!", con bé dạ bảo cô: "Con thích học vẽ với mẹ cơ!", cô vuốt tóc My bảo: "Ừ, tại con cứ đòi mẹ học chung với các bạn cho vui đấy chứ, con bây giờ ở nhà thì vẽ cùng mẹ này!". Con bé My dạ rồi hai mẹ con lại tiếp tục nặn bánh bao.

Làm xong cô cho tất cả vào nồi hấp rồi chờ đợi. Làn khói bốc lên từ xưởng hấp gợi cô nhớ đến ngày trước khi còn yêu nhau, Nghĩa rất thích ăn bánh bao. Anh thường mua 3 cái một lúc để ăn. Cô cứ trêu anh là sao anh ăn nhiều thế, Nghĩa cười bảo anh cống hiến cho sự nghiệp bán bánh bao toàn quốc. Thế là sau hôm ấy, cô lên mạng tìm hiểu công thức làm bánh bao. Mẻ bánh đầu tiên hình thù còn chưa tròn trịa lắm nhưng Nghĩa ăn khen rối rít: "Em làm ngon nhất Việt Nam luôn!". Cô phì cười trước sự trẻ con của anh. Từ đó lúc nào anh cũng chỉ ăn bánh bao cô làm. Đến lúc lấy nhau về làm dâu thì cuối tuần bao giờ nhà cũng có mẻ bánh bao ngon cho anh. Anh cũng đã từng nói: "Ngon thế này đến già anh vẫn chỉ ăn bánh bao em làm thôi!". Câu nói thì hữu ý mà người thì đã vô tình.

Con bé My đúng bản sao của bố nó vụ bánh bao này luôn. Con bé cũng nhất định: "Con chỉ ăn bánh bao mẹ làm thôi! Bánh bao mẹ làm ngon nhất quả đất!". Thương con bé nên tối hôm nào rỗi rãi là hai mẹ con sẽ cùng làm. Có lần con bé đòi mang bánh bao sang nhà bố ăn. Cô bảo con ăn ở nhà thôi, mẹ hấp rồi ăn mới nóng mới ngon. My kêu vì hôm trước con bảo bố con thích ăn bánh bao nên bố đi mua để cho cả hai bố con ăn, mà bánh bao mua không ngon như bánh bao mẹ làm nên con bảo bố lần sau đừng mua nữa để mẹ làm cho mà ăn. Bố bảo ừ, chả bánh bao đâu ngon bằng bánh bao của mẹ con đâu. Nghe vậy thỉnh thoảng cô lại làm một mẻ bánh bao vào thứ 6 trước khi con được bố đón. Hôm nào về My cũng khoe cô bố nó cứ xin con ăn cùng mấy cái, ăn hết sạch mẹ ạ! Cô khẽ cười buồn.

Sau khi ăn uống dọn dẹp xong xuôi, hai mẹ con cô ngồi luyện một chút tiếng anh rồi đi ngủ. Trong đêm tiếng thở đều đều của con bé làm tăng thêm sự cô đơn của Ngọc. Ban ngày nhiều việc nỗi buồn có thể vơi dần đi nhưng khi đêm xuống con đã ngủ, nỗi cô đơn lúc nào cũng kéo đến bao trùm cả cái không gian yên lặng chỉ còn mình cô thức này. Vậy là Nghĩa có người mới, rồi đây anh sẽ có gia đình mới với những đứa trẻ mới, con bé My sẽ dần dần ít được bố nó quan tâm như hiện giờ. Mình làm sao vậy nhỉ, đang thích bố con bé đón con bé ít thôi để cô được có con nhiều hơn, giờ điều đó đến sao cô lại cảm thấy buồn vậy. Cô nhớ Nghĩa là người trọng tình cảm, anh nghe lời mẹ cũng vì tính này của anh. Nếu đã có tình cảm với ai anh sẽ yêu người đó chung thuỷ. Nhưng anh lại vô tâm trong cuộc sống thường nhật, việc của anh là biết người mình yêu ở bên, còn những tâm sự nhỏ nhặt thì ít khi anh có thể chia sẻ được. Vì thế, ngày xưa, khi xảy ra những mâu thuẫn đầu tiên giữa mẹ chồng - nàng dâu, việc của anh là kệ, không đứng về phe nào cả, không tỏ thái độ gì cả, không có động thái nào muốn giải quyết chuyện mà bỏ mặc cho vợ và mẹ tự động giải quyết. Rồi anh vô tâm vẫn sống như thủa độc thân, đi làm, hết giờ rượu bia với bạn, cuối tuần đi đánh tennis, con chả nhìn thấy bố đâu. Về nhà bố thơm con một cái rồi trốn tiệt với máy tính, điện thoại. Sau này, khi đã li dij, cô hỏi con xem bố đón con về có chơi với con không thì con trả lời bố có, nhưng bố chơi với con một tí thôi rồi bố còn bận xem bóng đá hoặc làm máy tính.

Ngơ ngẩn nghĩ về chuyện của Nghĩa, cô lại nhớ về những mâu thuẫn của mình với anh. Đó là những quan điểm sống khác biệt nhau mà khi yêu cô không nhận ra. Nghĩa là một người đàn ông gia trưởng. Khi yêu, anh lo lắng cho cô nhưng kèm theo cô luôn phải nghe lời anh. Nhưng nghe lời anh thì dễ mà, anh hơn cô 5 tuổi, khi anh yêu cô thì anh đã đi làm, chín chắn. Còn cô chỉ là cô sinh viên non nớt nên anh nói gì cô cũng nghe. Anh lại rất nghe lời mẹ, mẹ anh là người có sức ảnh hưởng lớn nhất trong nhà, đến cả bố chồng cô, mẹ chồng cô nói gì cũng phải nghe răm rắp. Ở với một bà mẹ chồng như vậy quả thực rất là khốn khổ. Sáng sáng cứ 5h là nghe tiếng mẹ lảnh lót gọi dậy đun nước, nấu ăn sáng, quét nhà như ở nông thôn vậy. Quay sang làu nhàu với anh, anh chả thèm nói gì quay lưng đắp chăn ngủ tiếp. Rồi đi làm, công việc căng thẳng vất vả vì cô là người mới đang cần phải phấn đấu, về đến nhà từ chiều đến đêm chỉ là quay cuồng các công việc nhà: đón con, cơm nước, tắm rửa, giặt giũ. 5h sáng hôm sau lại bắt đầu một chu trình mới. Cuối tuần cũng vậy, cuối tuần là ngày đại gia đình họp mặt, cơm nước suốt từ sáng đến tối. Thậm chí muốn đi gội cái đầu cắt cái tóc cũng không tìm được thời gian nào để tranh thủ. Cô cảm thấy bị bức bối mạnh. Rồi cả chuyện về ông bà ngoại, đến dịp nghỉ lễ mới tranh thủ được về mà nếu gia đình chồng có khách khứa, có chị chồng về chơi là coi như nghỉ khoẻ. Cả mấy năm giời quay cuồng như thế, cô đã quên mất một thủa hai đứa đèo nhau trên chiếc xe máy cà tàng đi dạo phố, ngắm nhìn cảnh vật, các cửa hàng hai bên đường. Đôi khi anh mua tặng cô một món quà nho nhỏ làm cô ngạc nhiên sung sướng. Giờ thì tất cả biến thành hoa đồng tiền hoặc thậm chí quên luôn. 8/3 anh đi ăn chúc mừng với chị em đồng nghiệp cơ quan, 11h đêm mới về say mèm, vợ con không có một lời chúc. Anh trở nên vô tâm không quan tâm đến vợ con còn cô trở nô lệ trong chính căn nhà của mình.

Trước khi li thân một thời gian, có lần cô cãi nhau với Nghĩa. Cô nói thẳng với Nghĩa những điều cô ấm ức, đáp lại Nghĩa chỉ cười khẩy: "Cô sống như trên mây trên gió ấy nhỉ, tôi còn phải kiếm tiền nuôi gia đình. Có mỗi mấy việc trong nhà mà còn không làm nổi còn muốn tôi phải này nọ à?", cô nín bặt, đó không còn là con người cô yêu và ngưỡng mộ khi xưa nữa. Cô cũng đã cố gắng hết sức vì con vì hơn ai hết cô hiểu khi không có cả bố lẫn mẹ con bé sẽ rất khổ. Nhưng rồi những cố gắng hàn gắn nếu chỉ từ một bên thì sao có thể thành công được. Chia tay là kết quả được biết trước.

Lại đến đêm xuống, đêm một mình đến nay là bao đêm rồi. Cô nằm ôm con bé con nghĩ ngợi về tương lai cho hai mẹ con. Cuộc sống bây giờ gọi là tạm ổn, hai mẹ con có đủ kinh tế để chi phí cho những nhu cầu cơ bản, thỉnh thoảng hai mẹ con lại có thể đi du lịch, về chơi với ông bà ngoại. Hai ông bà vẫn cằn nhằn mỗi khi thấy con về nhưng mà cô phải mặc kệ chứ biết làm sao. Có điều cứ nhìn con bé thơ thẩn một mình cô lại thấy thương.

Vươn vai ngồi dậy vớ lấy cái máy tính làm cho xong những hạng mục của buổi lễ sắp diễn ra. Đó là lễ ký kết hợp tác của hai công ty lớn trong thành phố. Những đầu mục lớn cũng đã tương đối hoàn thiện chỉ còn một chút liên quan đến phông, biểu ngữ, banner cô cần kiểm tra lại cho chính xác. Mải làm đến tận lúc chuông đồng hồ điểm 2 tiếng cô mới mệt mỏi gấp máy tính lại đi ngủ. Sáng mai ra cần phải đưa con My đến sớm một chút vì lớp con đi dã ngoại tập trung ở trường.

Rồi ngày lễ ký kết cũng đến. Hôm ấy là thứ 7 cô dậy sớm chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Cả ekip đã tập trung đầy đủ ở sảnh. Hôm nay rất đông khách, toàn khách VIP, mọi việc phải thật hoàn hảo. Như thường lệ nhiệm vụ của cô vẫn là bao quát mọi việc, kiểm soát khách mời. Cô với chiếc tai nghe bộ đàm nhỏ sẵn sàng kết nối với cả ekip ở các vị trí khác nhau.

Đến 8h30 buổi lễ mới bắt đầu. Lượng quan khách sẽ bắt đầu tới từ 8h. Các bàn đón tiếp đã sẵn sàng, số người đưa khách vào vị trí cũng sẵn sàng. Hôm nay đơn vị chủ quản là công ty IMRT, công ty về kiến trúc nổi tiếng của thành phố. Họ sẽ có lễ ký kết với công ty xây dựng GMG. Đến 8h30 bắt đầu là giờ các khách mời đến đông nhất. Cô đứng ở cạnh lối ra vào quan sát mọi việc. Du đang đi xem lại nội dung toàn bộ chương trình để trao đổi với MC. Trang thì lo việc sắp xếp bữa ăn nhẹ ngoài sảnh còn Tuấn đang phụ trách loa đài.

Từng đoàn đại biểu đến theo nhóm, họ được mời vào những bàn đón tiếp đại biểu đã được sắp xếp từ trước. Bỗng đâu trong một nhóm khách vừa bước ra khỏi cầu thang máy cô nhìn thấy Nghĩa. Hôm nay anh mặc complet xám, anh đi cùng một cô gái trẻ, cao ráo, trắng trẻo trong bộ đồ công sở. Cô gái ấy khoác tay anh, họ đi vào bàn đón tiếp. Đến khi chuẩn bị vào hội trường Nghĩa mới nhìn thấy Ngọc, anh cười hơi sượng sùng tay hơi gạt tay cô gái kia ra. Cô gái kia hơi bất ngờ cũng nhìn theo ánh mắt của anh. Anh cùng cô ta tiến đến chỗ cô, anh chào cô: "Sao em lại ở đây?", cô cười: "Hôm nay công ty em phụ trách buổi event này, mời anh vào hội trường". Cô không có ý định muốn nói chuyện với Nghĩa ở đây, dù sao cô cũng đang bận việc. Nghĩa đi nhanh làm cô bé kia phải bước vội đuổi theo, Ngọc thầm nghĩ liệu đó có phải Dương mà con bé My nhắc tới hôm trước không nhỉ. Cô bé ý trẻ thật, lại xinh đẹp nữa. Hơi nhìn theo bóng họ đi khuất, một bàn chân tiến đến trước mặt cô lúc nào không biết. Cô ngẩng lên và lần này đúng là phải đờ người ra thật. Đó lại là Nam. Hôm nay lại là ngày gì nữa đây, cô thầm nhủ. Một Nghĩa đã đủ làm cô đau tim rồi giờ lại còn anh ta nữa. Cô đành nở nụ cười hơi héo: "Chào anh, xin mời anh vào hội trường". Anh ta cười nhếch mép nhìn cô:

- Sao tôi lại phải vào hội trường?

- Tôi tưởng anh là khách mời.

- Sao cô lại ở đây?

- Công ty tôi phụ trách tổ chức event này mà.

- Ồ vậy hả! Như vậy tôi và cô sẽ có nhiều việc phải nói với nhau đấy.

Cô đờ người ra, gì, có nhiều việc để nói với nhau là gì? Anh ta làm cái quái gì ở đây vậy? Đừng có tưởng mình có lực sát thương với cô mà có quyền lên giọng với cô nhé. Cô nhìn anh mắt đầy thách thức:

- Có việc gì vậy? Tôi và anh thì liên quan gì với nhau?

- Rồi cô sẽ rõ. Anh nói rồi quay đi bước vào hội trường.

Đến 9h kém 15, khi tất cả các quan khách đã ổn định chỗ ngồi buổi lễ bắt đầu khai mạc. Cả ekip của cô chăm chú quan sát các diễn biến của buổi lễ và lo lắng sao cho mọi việc đều thật sự trơn tru, ăn khớp. Mọi việc tương đối tốt đẹp. Đến phần chính của buổi lễ đó là phần trình bày ý tưởng của dự án, người đại diện của bên công ty IMRT bước lên sân khấu. Cô quan sát người đàn ông đang đĩnh đạc, đường hoàng bước lên từ ghế đại biểu lên sân khấu. Đó là Nam. Anh cầm một điều khiển máy chiếu nhỏ, không giống như những người khác cầm rịt tờ giấy đọc chay. Cô ngẩn người ngắm anh thuyết trình. Dù lĩnh vực của anh cô không mấy hiểu nhưng lắng nghe anh nói cô thấy thật rõ ràng, mạch lạc đầy thuyết phục.

Đang giữa phần trình bày bỗng nhiên mic của anh bị hỏng. Cả hội trường ồn lên, tiếng ekip trong bộ đàm nhốn nháo. Thắng, Du nháo nhào trong hội trường. Cô nhanh chóng tìm được một chiếc mic khác thay thế bước ra sân khấu đưa cho anh. Bước chân cô vội vã vì biết cả hội trường đang hướng về sân khấu vì trục trặc này. Tay đưa cho anh chiếc míc và nhận về chiếc míc hỏng, cô rút vào bên trong. Anh lên tiếng xin lỗi vì sự cố trục trặc rồi tiếp tục thuyết trình, khi anh kết thúc những tràng vỗ tay vang lên khắp hội trường. Cô thầm thở phào nhẹ nhõm, anh đã xử lý tình huống thật bình tĩnh.

Hết phần trình bày của anh là đến phần nghỉ giải lao giữa buổi lễ. Đây là lúc ekip của cô bận rộn nhất. Lượng khách phục vụ hôm nay khoảng 100 người, mọi việc phải được sẵn sàng trước khi kết thúc phần trình bày của anh. Như thường lệ Tuấn, Trang, Du và cô phối hợp rất nhịp nhàng. Các món ăn đã sẵn sàng, quầy phục vụ đồ uống cũng có người phụ trách riêng. Mấy bạn phục vụ đều được huấn luyện kỹ càng từ trước. Khi lượng khách ra đến sảnh, cô phải làm nhiệm vụ quan sát bao quát toàn bộ để đưa ra xử lý cho các thành viên. Nhưng hôm đó quả là ngày cô không tài nào tập trung được vào công việc. Đầu tiên là Nam, anh tiến đến chỗ cô, còn cô nhìn thấy anh đã chuẩn bị tinh thần là mình chuẩn bị nghe mắng vì sự cố trục trặc âm thanh khi nãy. Khi nhìn thấy anh, cô mở lời: "Thành thật xin lỗi anh, khi nãy sự cố mic là do thiếu sót của bên tôi". Nam nhìn cô và bảo: " Được rồi, đừng có lần sau nữa đấy nhé!", cô sốc, sao anh ta lại nhẹ nhàng thế nhỉ, tưởng thể nào anh ta cũng phải mắng mỏ gì chứ. Nam nói: "Sao cô nhìn tôi như thể tôi sắp ăn thịt cô vậy?", cô lí nhí: "Xin lỗi anh lần nữa, cảm ơn anh đã thông cảm!". Anh không nói gì bước tới chỗ đối tác nói chuyện. Nam vừa đi thì Nghĩa lại tới. Cô chưa kịp ổn định cảm xúc trở lại thì giờ lại Nghĩa. Nghĩa đi một mình đến chỗ cô hỏi:

- Con bé My ai trông?

- Hôm nay có bà ngoại ra, hai bà cháu ở nhà với nhau.

- Chiều tôi qua đón nó.

- Hôm nay bà ngoại ở đây anh cho con ở nhà chơi với bà được không?

Nghĩa ngần ngừ một lát rồi cũng đồng ý. Cô hỏi anh cho có chuyện:

- Sao hôm nay anh cũng đến đây?

- Bên tôi với bên GMG là đối tác lâu năm mà. Anh Chương mời tôi đến.

Cô chợt nhớ anh Chương - phó giám đốc GMG, anh Chương cũng từng đến nhà cô rồi, còn ăn cơm tối với gia đình cô luôn. Hôm nay không thấy anh Chương. Như thấu suy nghĩ của cô, Nghĩa bảo: "Anh Chương hôm nay đang đi công tác bên Nhật nên không đến". Cô à một tiếng thì ra là vậy.

Đang nói chuyện thì cô gái đi cùng Nghĩa bước tới, cô ấy khẽ gọi: "Nghĩa, hóa ra anh ở đây à?", Nghĩa quay lại ừ hữ một tiếng. Cô gái ấy nhìn cô, có vẻ như cũng nhận thấy điều gì đấy không bình thường giữa cô và Nghĩa. Cô ta cất tiếng chào Ngọc: "Chào chị ạ!", cô đáp: "Chào cô!", nói rồi cô quay sang nói chuyện với Nghĩa: "Hai người tự nhiên tôi xin phép đi làm công việc của mình". Ngọc bước đi nghe thấy tiếng cô gái kia hỏi Nghĩa: "Ai đấy anh Nghĩa?", cô khẽ cười buồn, không hiểu Nghĩa sẽ giới thiệu cô với cô bé kia như thế nào? Đấy là vợ cũ của anh hay đấy là người lạ qua đường thôi mà?

Hết giờ giải lao vào đến giờ thảo luận và cuối cùng buổi lễ kí kết đã diễn ra hết sức tốt đẹp. Tràng pháo tay rào rào của quan khách cũng như lời khẳng định công ty cô cũng lại kết thúc xong buổi event tương đối thành công. Ngoại trừ vụ trục trăc míc âm thanh còn lại mọi việc thật là trôi chảy. Cô cùng cả đội ở lại dọn dẹp, rút quân. Giờ là lúc cô muốn tập trung vào công việc của mình, bỏ qua tất thảy nào Nghĩa, nào Nam.

Khi chiếc xe cuối cùng bên âm thanh đi là mọi việc hoàn tất. Cô nhanh chóng lấy xe đi về nhà. Hôm nay cô hứa đưa mẹ và con bé My đi chơi rồi ăn ngoài hàng mà giờ đã 4h chiều rồi, về còn tắm rửa nữa lại muộn mất. Mỗi khi phải đi làm như thế này cô lại thấy có lỗi với con vì không có thời gian chơi với con. May quá bước chân về đến hành lang cô đã nghe thấy tiếng con bé tíu tít vui vẻ với bà ngoại, con bé đang kể chuyện cho bà nghe về vụ hai mẹ con hôm nọ đi giữa đường thì bị xịt lốp xe, con bé phải đeo lỉnh kỉnh đồ đạc còn mẹ thì phải đẩy xe một đoạn xa. Mà con bé cô cười giòn giã vì nhớ cô bị dính vết dầu trên mũi, con bé thì cố tình không nói cho cô biết mà cứ cười không thôi. Bà nghe con bé kể thì xót xa thương con, thương cháu. Cô đẩy cửa bước vào nhà.

Hai bà cháu nhìn thấy cô về thì cười tươi, con bé My chạy ào ra thơm mẹ, tíu ta tíu tít hỏi mẹ có mệt không, sao mẹ về muộn thế. Cô vừa trả lời con vừa chào mẹ, cất đồ, đi vào nhà tắm tắm rửa rồi ra đưa hai bà cháu đi chơi. Trên đường mẹ cô cứ nhìn cô nhưng cô thì không nói gì với mẹ, chỉ hỏi con xem ở nhà với bà làm gì, giờ thích đi đâu. Ba mẹ con bà cháu đến một nhà hàng chuyên đồ Huế, toàn những món vui vui, nhỏ nhỏ ăn thấy lạ miệng. Trong khuôn viên nhà hàng có một khu vui chơi cho thiếu nhi nên khi ăn xong con bé My đã tót ra khu đó chơi cầu trượt. Còn lại cô và mẹ, bà mới nói:

- Mẹ thấy thế này mãi cũng không ổn. Con xem hay là hai mẹ con chuyển về quê ở với bố mẹ, có bố mẹ đỡ đần cho.

- Ôi không sao đâu mẹ, con ở đây quen rồi. Con còn công việc, con bé My còn đi học.

- Việc ở đâu chả kiếm được, con bé My về quê đi học cũng có sao đâu, chiều có ông bà đón, sáng có ông bà đưa, con đỡ khổ.

- Con có khổ đâu mẹ!

- Con không phải nói, sao mẹ không biết. Có mỗi hai mẹ con thui thủi chui ra chui vào, nhỡ ốm đau gì ai giúp!

Cô không nói gì, quyết định cho con ở lại thành phố này cô đã quyết định từ trước. Cũng không hẳn là cô và con bắt buộc phải ở thành phố nhưng ở quê mọi việc phức tạp lắm. Khi vừa phong phanh nghe tin vợ chồng cô ly thân mà cô gì chú bác đã suốt ngày gọi điện hỏi han này nọ, rồi khuyên bảo, rồi mắng mỏ. Cô của Ngọc đã từng bảo cô: "Mày mà bỏ chồng là mày bôi gio trát trấu vào mặt bố mẹ mày!". Cô nghe mà hiểu bố mẹ mình đang phải chịu những áp lực gì, cô sợ cô không chịu nổi. Cô nhớ có mợ Tâm bỏ chú cô vì chú cô rượu chè đánh đập mợ cô cả ngày, phải đi cả bệnh viện để cấp cứu. Sau chú cô có bồ, bồ còn ghen ngược về đuổi mợ ra khỏi nhà. Mợ cực chẳng đã phải li dị. Thế mà khi mợ đi chợ người ta cứ véo von: "Cái thân phụ nữ mà không biết nhịn chồng, thằng chồng nó có thế nào thì cũng phải nhịn, giờ đẹp mặt, chồng bỏ mày ở với ai!". Mợ cứ cúi gằm mặt xuống giữa những lời chê bai như những mũi lao phóng trên đầu. Mấy đứa con của mợ, mặt chúng cũng ngơ ngơ, ngác ngác. Chúng bị bạn cho ra rìa không chơi cùng vì cái tiếng bố mẹ bỏ nhau thì con cái cũng mất nết. Cô thì có thể chịu đựng được miệng lưỡi thiên hạ nhưng cô không muốn con My cũng phải chịu. Vì vậy hai mẹ con cô cắn răng ở lại trên này. Vả lại Nghĩa chắc cũng không đời nào cho cô mang con về quê. Anh ta đã tuyên bố nếu cô không lo cho con được tử tế, tôi sẽ đón con về nuôi.

Cô cười buồn bảo mẹ: "Mẹ ăn đi, lần nào lên đây cũng cằn nhằn con". Mẹ cô bảo: "Không cằn nhằn sao được, mày làm mẹ không lúc nào hết lo, hay là có thằng nào nó rước thì mày gật đầu đi cho nhà cửa có người đàn ông cô đỡ trống trải". "Ối trời con mẹ giờ ma cô thèm rước, mà con không lấy chồng nữa đâu, lấy một lần là sợ lắm rồi!". Mẹ lại thở dài nhìn cô, mẹ thương nó. Cô cũng thương mẹ, ba mươi tuổi đầu rồi vẫn không hết làm khổ, làm buồn bố mẹ.

Tối hôm đó bà ngủ với mẹ con cô, con bé My thì ngủ ngay, cô cũng nằm yên lặng, cô phải nằm yên lặng không dám trở mình vì cô nghe những tiếng thở dài của mẹ. Mẹ cô phe phẩy cái quạt bà mang từ quê ra như

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Net

#giấcmơ